Thời cuộc ấn Độ và cái chơn tướng của thánh Gandhi

Thời cuộc ấn Độ và cái chơn tướng của thánh Gandhi  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6365 (5.2.1931)

Nước ấn Độ trong một thời kỳ gần đây lại rối loạn trở lại, coi cũng giống hơi hơi với nước ta mà có vẻ kịch liệt hơn nhiều. Chỉ khác một điều là cái động lực ở nước ta rải rác ra trong quần chúng, còn ở ấn Độ thì cái trung tâm của sức nặng đọng lại ở nơi mình một người, là thánh Gandhi.

Cuộc rối loạn ấn Độ mấy lâu ra thế nào, trên tờ báo nầy thường có đăng tin luôn; mới rồi cũng có bài nói về cuộc Hội nghị bàn tròn rõ ràng lắm, tưởng độc giả ai nấy chắc đã tường tất hết. Huống chi, chẳng những một tờ Trung lập nầy, các báo quốc ngữ khác lâu nay đối với thời cuộc ấn Độ, các bạn đồng nghiệp chúng tôi cũng đều lấy làm chú ý, vì đó độc giả lại còn biết được thêm rõ hơn.

Hôm nay chúng tôi viết bài nầy không phải chỉ để nghị luận thời cuộc ấn Độ hay là để báo tin về Thánh Gandhi sau khi xuất ngục ra sao. Nhưng chúng tôi muốn cống hiến cho độc giả biết về cái chơn tướng của Thánh Gandhi, tại làm sao mà người nắm được cái vận mạng ấn Độ trong tay mình, tại làm sao mà người khiến cho đồng bang mình ái đới[1] và đến chánh phủ Ăng Lê cũng phải cảm phục?

Khi biết vậy rồi thì chẳng còn ai trông mong được rằng ở nước Việt Nam nầy có một người như Thánh Gandhi và cũng không ai đem những người nầy người kia ở xứ mình mà so sánh với ông Thánh ấy nữa.

Chúng tôi nói như vậy không có ý phỉ bạc người nước mình hay là dua bợ người ngoại quốc. Chúng tôi nói đó là nói theo sự thiệt, theo sự thiệt thì chỉ duy nước ấn Độ mới có được ông Gandhi mà thôi, và cũng duy có ông Gandhi mới cảm phục người ấn Độ được đến thế mà thôi[2].

ấn Độ là một nước mà từ xưa đến nay nhân dân sống trong tôn giáo. Tuy hiện nay có nhiều thứ tôn giáo mặc lòng, nhưng ai nấy đều có chỗ tín ngưỡng, đều có đức tín, thì là sự đồng nhau. Nhờ nhân dân sẵn có đức tín ấy khi có một vị thật có tài đức đủ cho người ta tin, thì tự nhiên họ đem lòng tin tôn giáo mà tin người ấy. Bởi vậy nói rằng duy có nước ấn Độ mới có ông Gandhi được mà thôi. Nói thế cũng có ý rằng giá phải ông Gandhi sanh ra nước khác, thì chưa chắc ông đã được người ta tôn đới như ở ấn Độ vậy.

Nói đến ông Gandhi. Ông nầy, bây giờ Việt Nam ta có mấy người mà chưa biết tên biết tiếng; nhưng đến hỏi cái chơn tướng của người mà ta kêu bằng ông Thánh ấy ra sao, thì chưa chắc ai nấy đã biết cho tường. Vậy ta phải biết mới được.

Hạng siêu việt trong loài người, ai siêu việt về đạo đức thì kêu là thánh hiền, ai siêu việt về tài năng thì kêu là anh hùng. Hai phương diện ấy khác nhau, kẻ được bên nầy thì thường mất bên kia. Duy có ông Gandhi là kiêm cả hai cái ấy, bởi vậy người đời mới xưng ông là Thánh Hùng. Đó, cái danh dùng mà tôn sùng ông đó, tức từ là vẽ cái nhân cách ông ra vậy.

Vì là dòng dõi nhà tín giáo nên ông Gandhi có cái đặc tánh khác người nhứt là khác với người Âu châu. Người Âu châu coi sự sống trọng về phần xác, cho nên hết sức tô điểm về đường vật chất; còn ông thì coi sự sống là thiêng liêng, cho nên tập ăn ở một cách thật đơn sơ quý hồ giữ được cái bổn tánh của mình. Ra đến sự ở đời với nhau, người Âu châu chuộng quyền lực, còn ông thì bền giữ chơn lý. Sự bền giữ chơn lý của ông đã thành ra như một cái chủ nghĩa, tiếng ấn Độ kêu bằng Salyagraha. Đó, một cái ăn ở đơn sơ với một cái bền giữ chơn lý là hai cái lợi khí của ông Gandhi dùng mà cự lại với nước Anh vậy.

Do cái ăn ở đơn sơ đó nên ông mới xướng ra sự tẩy chay ngoại hóa, cổ động người ấn Độ mặc vải ấn Độ mà không chịu mặc vải Hồng Mao[3]. Do cái bền giữ chơn lý đó nên ông mới đòi cho được ấn Độ độc lập mà không chịu thuộc dưới quyền cai trị Ăng Lê nữa, vì nếu vậy, ông cho là trái với chơn lý.

Cũng bởi đó mà ông mới phản đối riết khoa học. Theo ông thì bao nhiêu công cuộc người Anh đã làm ra ở ấn Độ bấy lâu nay, như xe hỏa, giây thép, hết thảy những máy móc văn minh đó đều phá bỏ đi hết, mà rủ nhau sống một cách quê mùa mộc mạc như người đời xưa.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Trong nước nào bị chinh phục mà có người đứng lên lo vận động để lấy lại nước mình, là chỉ chuyên về một đường thế lực. Nghĩa là rủ nhau lập đảng lập hội, kẻ xuất tài, người xuất lực, thừa dịp hầu đánh đổ kẻ chiếm trị mình đi. Chớ còn ông Gandhi thì không mưu chuyện ấy. Ông không có tổ chức cách mạng quân, không có sắm tàu sắm súng như đám phản đối khác. Nói rõ ra thì ông Gandhi chỉ dùng tư tưởng, dùng chủ nghĩa, dùng đạo đức mà địch lại chánh phủ Hồng Mao đó thôi.

Đại để các nước nhỏ ở á châu bị chinh phục ngày nay mà muốn chống lại kẻ chinh phục mình, chỉ có hai đường. Một là theo khoa học, là cái sở trường của người Âu châu, làm như họ để chống lại họ. Một là phản đối khoa học, vứt cái sở trường của họ đi để không cần đến họ nữa. Chính ông Gandhi đã làm theo chánh sách sau đó.

Muốn thiệt hành cái chánh sách sau đó thì phải là dân có tôn giáo, coi sự sống là thiêng liêng, không ham sự ăn sung mặc sướng như dân ấn Độ; lại phải là một nước lớn, đất rộng mà màu mỡ, có đủ vật sản mà dùng, không cần đến của ngoại quốc như nước ấn Độ mới làm được mà thôi. Lại còn phải có người gồm cả thánh hiền và anh hùng, nhân cách cao siêu như ông Gandhi thì mới làm được mà thôi.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Ái đới (cũng đọc là ái đái): thương yêu, tôn trọng (theo Đào Duy Anh)
  2. Lưu ý: trong cách diễn ý này, "ông Gandhi mới cảm phục người ấn Độ…" nghĩa là : chỉ ông Gandhi mới khiến người ấn Độ cảm phục ông ấy đến thế mà thôi.
  3. Hồng Mao : nước Anh, người Anh