Thề non nước (tập truyện ngắn)/Thề non nước/III
III. — Hoài-cảm
Người ta, vui hay buồn, sướng hay khổ, cảnh-ngộ với tâm-lý thường không theo nhau. Đương lúc Vân-Anh ở Ấp, nhà gianh vách đất, áo mảnh chăn đơn, một mối cùng-sầu chỉ mong sao cho được bằng chị bằng em, còn như cái giầu-có thanh-danh ở hai năm sau này, thật không mộng-tưởng đến. Vậy thời trong hai năm ở cái cảnh-ngộ náo-nhiệt ấy, nghĩ sung-sướng biết là nhường bao. Tuy vậy có một người khách thuật nhời của Vân-Anh từng nói chuyện rằng:
« Từ khi lên hàng Giấy, có làm ra nhiều tiền thật, nhưng nghĩ cũng chẳng thấy có sướng gì cho thân. Được nhiều tiền thời phải tiếp khách nhiều. Mỗi đêm thường phải thức cho đến năm, sáu giờ sáng, vừa hát, vừa uống rượu, rồi lại tiếp chuyện, khách có về thời mình mới được đi ngủ, khách ở lại mà đã ngủ thời mình cũng mới được đi ngủ, ngủ chưa được liền mắt thời lại đã phải dậy để tiễn khách. Hoặc có khách ở tầu hỏa về mà đến chơi ăn bữa cơm sáng thời cũng lại phải tiếp, tiếp một bữa cơm sáng mà liên-miên, nào chuyện, nào thuốc phiện, rồi lại cũng đến năm giờ chiều. Đi nằm chưa được mấy chốc, sáu, bảy giờ lại đã phải dậy, rửa mặt đánh phấn để tiếp khách buổi tối; như thế lại thức cho đến năm giờ sáng. Trong một ngày đêm thực không mấy hôm được có giấc ngủ cho ngon giấc. Đã không ngủ được thời cũng không ăn được, cho nên người chỉ cứ xanh như cái lá rau mà lúc nào cũng khan tiếng. Ấy là bình-thường đã như thế, nếu độ nào nhiều những ông khách hay đùa ngỏa thời lại nhọc khổ nhọc-sở. Hơi lười sự tiếp khách thời lại sợ mang tiếng kiêu-ngạo mà mất lòng quan viên. Có giữ-gìn mà chịu khó được như thế thời mới làm ra được nhiều tiền để ra mà làm gì? chẳng qua cốt là để sung-sướng. Như mình thế này thời thật làm ra nhiều tiền mà thật không thấy cái sung-sướng. Nếu bảo kiếm lấy một cái vốn để sau lấy chồng, nhưng lại nghĩ lấy chồng là cốt mong được người mà nương-tựa, vậy mà người đã nương-tựa được thời chắc không vì mình có vốn mà người ta mới lấy, nếu vì mình có cái vốn mà lấy mình, thời người ấy thật lại khó nương-tựa được lắm ».
Ấy là những câu chuyện mà Vân-Anh từng nói với người khách, liệu chỉ là một phần trong cảm-tưởng; còn thực như cảm-tưởng của Vân-Anh, có nhẽ chỉ thế mà thôi ru? Giăng trong gió mát, kể cũng có nhiều khi nhàn-hạ mà động niềm xa-xôi; rượu tỉnh canh tàn, kể cũng có nhiều lúc thanh-tâm mà đòi cơn ngao-ngán. Nghĩ từ độ áo đem cầm khó xong, gà mua chịu không đắt, ba gian nhà cỏ, ai là người hỏi liễu tìm hoa; đến nay thời đón đưa ai gió lá chim cành, mà suốt sáng, mà thâu canh, mà rầu hoa dãi nguyệt. Ba mươi đồng bạc có là mấy, nay có thể cầm cho một người bà-con thăm hỏi, mà trước kia mong tưởng vào ai. Câu thơ bài hát cho đến văn đăng báo, đến nay biết bao nhiêu người cho, mà trước kia biết cùng ai đề-vịnh. Ngọn đèn chiếc bóng, cũng lắm lúc đem giở đến bức tranh sơn thủy mà ngậm-ngùi, mà ngơ-ngẩn, cảm về nỗi « nước đi đi mãi không về cùng non ». « Hàm tình bất hướng đông-phong tiếu, độc bạn thanh-tùng đạp tuyết du », đòi phen nhớ đến câu thơ xưa mà như dại, mà như ngây, mà thẹn cùng văn-tự. Lại từ sau lúc đám ma mẹ đã cất, khăn buộc áo sô mà môi son mặt phấn, nén hương ngọn sáp mà dịp phách cung cầm. Đau lòng tử-biệt sinh-ly, mà khi cợt nguyệt, lúc cười hoa, vì ai vui thú? Than ôi! Vân-Anh, nếu thật quả là một người không còn có một chút tình..., nếu còn có chút tình-tính, nỗi hoài-cảm biết là nhường bao!
Vân-Anh từ sau lúc mẹ chết, khách-khứa càng đông lắm: người thời đi lại thăm hỏi, khách đến hát cũng như thường; lại cũng nhiều hạng khách phong-lưu, đến ngỏ chuyện trăm năm, muốn họp sức để gây-dựng cuộc buôn to bán nhớn; cũng có người không nói về việc buôn bán thời muốn nhân cái vốn của Vân-Anh mà tính đường bay nhảy, sẽ cùng nên ông nọ bà kia; lại những thư-trát nơi xa gửi về chia buồn cũng nhiều. Hơn một tháng giời, thật là chỉ ứng tiếp không kịp. Một hôm, giời về chiều, mở một phong-thư, thấy nhời viết thật dài, khác mọi giấy chia buồn, giở xem ngay tên ký thời chữ không rõ, không biết là của ai. Cầm bức thư nằm xem thời trong thư viết rằng:
« Nay nhân tôi có xem ở một tờ nhật-báo, thấy nhời cảm-tạ việc tống-tang mà dưới ký tên quí-nương, mới được biết rằng tôn-từ đã thọ-chung. Đường-xá xa-xôi, xin có mấy nhời gửi về kính thăm. Sau này xin được cùng quí-nương phân tỏ một đôi câu chuyện.
« Nhạn én đổi thay, tháng ngày thấm-thoát, kể từ độ đề tranh sơn-thủy, tới nay gần đã ba đông.
Vân-Anh xem đến câu này, trong bụng cảm-động lắm, biết là thư của người khách ngày xưa. Ngậm-ngùi nghĩ một lúc, rồi lại xem cho hết bức thư:
— « Dẫu « nước đi đi mãi chưa về », mà non xanh còn vẩn tóc mây thời liệu tưởng được vậy. Lận-đận chân mây, bể trần chìm nổi, thân-thế dẫu mỗi người mỗi khác mà nghĩ cũng như nhau. Giời tây xế bóng tà-dương, tôi thường vẫn nhớ đến quí-nương mà cảm tiếc vô hạn, rằng quí-nương là một người tuấn-tú trong nữ-giới, về sự học cũng đã có công-phu, nếu không phải cảnh-ngộ làm hại người thời như công-nghiệp Ban-Chiêu, tài-danh Tô-Huệ, bắc nam dẫu có khác mà xưa nay định cũng không nhường nhau. Vậy mà tạo-hóa ghen tài, không cho cành mai kia được riêng-nở ở trên núi. Đông-phong cánh học đào-hoa tiếu, bất cộng thanh tùng tuyết-lý du. Đương khi tôi được xem hai câu thơ vịnh mai của quí-nương, đã muốn vì quí-nương phân-thuyết về chữ đó. Song, nghĩ vì quí-nương còn có mẹ già, liệu không thể lấy đâu mà giúp quí-nương cho được một cái vốn để quay về buôn bán làm ăn. Cho nên trong khi ấy cũng đành lấy hai chữ số mệnh mà nghĩ cho qua xong sự đời, cho nên giời bảo ai thế nào thời người ấy cứ thế. Sau này quí-nương lên hàng Giấy, tôi nghe nói cảnh-ngộ được thư-thái, cũng trộm lấy làm mừng. Đó là một lúc quí-nương đắc-ý, mới thật là một đóa hoa đào trong gió đông, những câu chuyện ngọn tuyết cành mai khi xưa, lại không phải là lúc đem ra nói. Nay thời quí-nương đương trong lúc thương-cảm, những việc đàn phách liệu cũng không bận đến, vậy xin có mấy nhời, mong được soi sét.
« Con người ta ở đời, dù sang hay hèn, đều chỉ là một giấc mộng, quí-nương đã nhận rằng như thế. Mộng thời tất có tỉnh. Sau lúc tỉnh mà nghĩ lại trong lúc mộng, thế nào thời khoan-khoái, thế nào thời không khoan-khoái, tất có khác nhau. Cứ ý tôi nghĩ rằng: Trong lúc mộng mà trong-sạch thời sau lúc tỉnh được khoan-khoái, trong lúc mộng mà không trong-sạch, thời sau lúc tỉnh sẽ không được khoan-khoái. Trong lúc mộng, thế nào là trong-sạch, thế nào là không trong-sạch, tất cũng có khác nhau. Cứ ý tôi nghĩ: phàm những dơ-bẩn không bám vào đến linh-đài là trong-sạch, trong linh-đài để có những sự dơ-bẩn là không trong sạch. Bởi thế, người ta đương trong lúc còn mộng, nên nghĩ sao cho linh-đài được trong-sạch để sẽ được có phần khoan-khoái về sau; chớ cho mộng chỉ là một cảnh mơ-hồ mà toàn-nhiên không lưu ý trân-trọng. Như một giấc mộng trong sự ngủ, gặp thế nào thời thế, dẫu ai muốn trân-trọng mà không được có quyền; còn như giấc mộng của cả một đời, ai còn ở trong ngày nào thời còn có quyền được giữ cho trong-sạch. Những người không cần trong-sạch thời không cần giữ, đành đã không kể. Nhiều người muốn trong-sạch mà không giữ được, là bị cảnh-ngộ làm hại, ấy xưa kia hiền-nhân quân-tử đã thường, mà nay tôi muốn nói chuyện cùng quí-nương tức cũng vì một nhẽ đó vậy. Quí-nương tư-tính rất trong-sạch, nhà nghèo, mẹ già, khó biết lấy gì hiếu-dưỡng, cho nên trong mấy năm giời đã qua đó, thôi cũng là một dĩ-nhiên. Vả chăng luân-thường là một mối trọng nhất của người ta mộng-thế, hiếu-niệm là một mối trọng nhất của người ta trong luân-thường. Quí-nương sinh ra làm phận gái, không mày râu không thưng đấu, mà quạt nồng ấp lạnh, vẹn đạo thần-hôn; kính ngọt dâng bùi, trọn tình phản-bộ. Vậy thời trong giấc mộng thân-thế, dẫu có một đôi chút... nhưng trong cũng có thể đối với lương-tâm mà xin phần dung-thứ, ngoài cũng có thể đối với thiên-hạ mà ít nỗi thẹn-thùng. Mặc ai tủi lục e hồng, riêng ai ai những riêng lòng chuộng ai. Nay thời một đoạn ấy đã qua, quí-nương thực có toàn-quyền trong giấc mộng. Con tạo-hóa đã phó mặc cho cành mai kia được tự-do sinh-trưởng, có nhẽ không tìm nơi núi cao tuyết trắng, mà tham vui mải thú, theo mãi đời hoa đào trong gió đông hay sao? Tôi viết đến câu này cũng ngại rằng quá bút, song một chút lòng thành-hậu khiến cho tôi không cầm bút lại được. Vậy những nhời của tôi đây, may thời là một đôi hạt tuyết, thêm điểm-suyết cho cành hoa mai; chẳng may thời chỉ như cơn gió lốc ở dưới gốc cây đào, tưởng cũng không hại gì đến vẻ cười của đóa hoa kia vậy. Mong quí-nương lượng thứ cho là hết.
« Về phần tôi ở đây, lưng-vốn nhờ người mà buôn bán cũng không ra làm sao, thu-xếp lấy một cái vốn để về quê nhà làm ăn, mà không tính sao được, thời không biết có lúc nào lại được tiếp quí-nương hay không. Những bài hát cùng làm khi xưa, chẳng qua là trong lúc uống ruợu quá vui, xin quí-nương đừng đem tuyên-bá trong ca-trường thời tôi được cảm tạ lắm. Cuối xuân tiết ấm, xa chúc bình-an »
Le 15 Avril 1921
Tên ký......
Vân-Anh trong khi xem bức thư, ngọn trào lòng, như lên như xuống. Xem đã hết không thấy có đề chỗ ở; tìm lại phong-bì thời tự lúc bóc đã sé rách dấu trạm, không biết từ đâu phát đi. Đặt thư xuống cạnh gối, chùm chăn nằm thật yên, rồi không biết ngủ đi lúc nào mất. Tối đến, một người khách quen đến chơi, lên tận gác, lột chăn ra, đập tay vào đùi, nói rằng: « ngủ mãi! » Vân-Anh chợt tỉnh dậy, đoạn-trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh! vội cầm bức thư đút ngay vào túi. Khách cố giằng lấy không được. May hôm ấy là ông khách đến giả tiền, không phải đến hát. Vân-Anh dặn người nhà hễ thấy có khách đến, đều nói dối rằng mình về nhà quê vắng. Đêm hôm ấy không ăn không ngủ, ngồi một mình suốt đêm như một cái núi tương-tư vậy.
Từ mấy hôm sau giở đi, có khách đến chơi thời chỉ những chị khác ra tiếp mà Vân-Anh thời không thấy nữa. Các du-tử lấy làm một cái vấn-đề lạ, hỏi các chị thời thấy nói rằng: có một hôm, Vân-Anh gọi các chị em, cho tất cả những đồ đạc, quần áo, vòng xuyến, tiền của, thấy chỉ xếp một cái va-li con và mở tủ lấy bức tranh sơn-thủy cuộn đem đi, không biết rằng đi đâu.