Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ hai/II

II

Cái thế Trung, Bắc-kỳ phải di dân đi. — Đất hẹp người đông. — Ruộng ít mà hay mất mùa. — Nghề-nghiệp không đủ cho dân làm ăn. — Chứng tỏ sự di dân vào Nam-kỳ là phải.

Trung, Bắc-kỳ vì cái thế bách phải di dân đi thật.

Trước hết ta hãy lấy mặt địa-thế và nhân-khẩu mà nói, đã đủ biết cái thế bạch ấy ta thế nào:

Diện tích tính theo kilomét vuông Tính ra mẫu tây Số người[1]
Bắc-kỳ 105.000 10 triệu 50 vạn 6.850.453
Trung-kỳ 150.000 15 triệu 4.933.426

Lấy số người ấy với số đất ấy, mà so sánh với nhau, thì cũng kể là ở còn rộng rãi, nghĩa là đất rộng và người thưa lắm: ở Bắc-kỳ mỗi kilômét vuông chỉ có 57 người, Trung-kỳ mỗi kilômét vuông lại chỉ có 32 người mà thôi, không bì với bên Pháp, mỗi kilômét vuông đến chừng 71 người, mà một nước láng giềng ta là nước Tầu, đến 104 người ở trong một cái diện-tích cũng như thế. Kể vậy thì thật rộng rãi thênh thang, có chật chội gì đâu đến nỗi, song le gẩy con tính thì nói như vậy đó thôi, chớ cái tình thế thật ra thì lại thế khác.

Hai xứ tuy có đất rộng như thế, nhưng thấy trong dân gian ở vẫn chật hẹp lắm, mỗi kilômét vuông có dễ đến 300 người ở. Là vì rộng thật đấy nhưng có phải toàn là đất ở được và cày cấy giồng giọt được cả đâu, phần thì rừng núi tứ-tung, phần thì đất hoang chưa khẩn, lại còn lưa[đính chính 1] đất nào để giồng giọt, lưa[đính chính 2] đất nào để người ở, thành thế trong hai xứ này, ở trên tỉnh thành thì có cái khủng-hoảng về nhà cửa, mà ở thôn quê, nhà cửa hình như cũng đã chen chúc nhau lắm, thấy có làng chật, vượt ra thành xóm, thấy có xóm chật, vượt ra ngoài đồng, nhà nào rộng là một sào, hẹp là vài miếng, ta đi khắp mọi làng, họa lắm mới thấy có nhà ở được đất rộng và có vườn rược, chẳng bì ở trong Nam-kỳ, nhà ở hàng mẫu là sự thường thấy lắm. Ngoài này ta đã thấy có nhiều làng, người ta phải mua ruộng tư rất đắt tiền để lấy chỗ ở, mà làng nào chỉ có ruộng quan-điền, thì thấy dân-cư, nay vượt một ít, mai vượt một ít, hụt mất cả khẩu-phần, thế là hơn được chỗ ở, thì kém mất miếng ăn, chả bõ gì cả. Còn đến như số người trong mỗi nhà ở cũng đã thấy chen chúc nhau lắm, già trẻ lớn nhỏ, thường mỗi nhà đều mười lăm người trở xuống, năm bẩy người trở lên cả, đã đông người mà nhà cửa lại ụp sụp bẩn thỉu, rất trái phép vệ-sinh, cho nên thường sinh ra nhiều bệnh nguy-hiểm như là bệnh dịch, bệnh tả v..... v..... Phương chi nhờ được khí-hậu ấm áp dễ chịu, vả lại ít lâu nay, có nhà thương, và phương-pháp hộ-sản mới, cho nên sự sinh-dục thấy mỗi ngày một tăng, cứ lấy sổ thống-kê nhân số mấy năm nay mà so sánh, thì năm nào nhân-số cũng tăng lên đến 30%; như thế, sinh-sản ngày một mạnh, mà đất cát chỉ mới có hạn thôi, e rồi có cái vạ « nhân (mãn » 人 滿, la surpopulation), nếu không tìm cách mà di bớt đi, thì lo một ngày kia không chỗ nào mà dung-tích đủ người, cũng không đất nào mà hoạt-dưỡng đủ dân nữa.

Lấy cân thăng-bằng mà cân số đất như thế và số người như thế, đã chẳng tương đương được với nhau rồi, huống chi cái nghề sinh-hoạt lại càng không tương đương với số người như thế nữa. Không nói thì chắc ai cũng hiểu cái nghề cốt tử của dân mình là nghề canh-nông, mà nghề canh-nông trong Nam-kỳ còn khá, chứ ở hai xứ mạn ngoài này nào có ra gì. Bắc-kỳ rộng đến 10 triệu 50 vạn mẫu tây, nhưng mà trong đó có dễ gần một nửa là rừng rú và đất bỏ hoang chưa khẩn, ta xem ở trên mạn ngược như tỉnh Bắc-kạn rộng 45 vạn mẫu, mà rừng núi choán hết đến 40 vạn mẫu, tỉnh Hà-giang thì 11 vạn mẫu đất, hầu hết là rừng, Lào-kay rộng đến 58 vạn mẫu, mà mất đến 50 vạn mẫu là cỏ mọc và rừng núi, mấy tỉnh như Thái-nguyên, Tuyên-quang, Bắc-giang, Cao-bằng v...v... là những tỉnh ở mạn trên, đều như thế hết cả. Còn như mấy tỉnh ở dưới này, có tiếng trù-phú như Haidương, trong 6 vạn mẫu đất, cũng mất 3 vạn là đất núi chẳng giồng giọt gì được, Vĩnh-yên cũng đại-khái như vậy, duy chỉ còn mấy tỉnh như Thái-bình, Nam định. Hà-đông, Hà-nam, Bắc-ninh v...v... còn gọi được là có ruộng mà thôi. Trung-kỳ thì phải cái địa-thế ở chạy dài, đất đến 15 triệu mẫu thì cũng rộng thật, nhưng mà phải dãy núi Hoành-sơn chắn ở sau lưng, bể Đại-dương án ở trước mặt, còn dư chỗ đất cày cấy được cũng chẳng bao nhiêu, mà đất lại xấu lắm, những tỉnh có tiếng là dễ cày cấy ở trong Trung-kỳ như là Bình-định, Phú-yên, Quảng-nam, Thanh, Nghệ, thế mà giá đem so với mấy tỉnh cầy cấy tầm-thương ở ngoài Bắc cũng còn kém xa, còn như Khánh-Hòa với Bình-Thuận v.. v... thì cũng y như những nơi trên mạn ngược ở ngoài này, nghĩa là rừng núi chiếm mất số nhiều mà ruộng nương chỉ còn lại có một số ít thôi.

Ruộng đất đã hiếm hoi như thế, mà nghề canh-nông lại chật vật khó khăn, xem nông dân làm ruộng, cày bừa gieo cấy, công-phu khó nhọc biết bao nhiêu, thóc gạo mỗi năm chỉ đủ cho dân ăn, may năm nào xuất-cảng được lấy vài mươi vạn tấn đã là nhiều lắm, vì ruộng bị nhiều cái hại, như những cái nạn chuột gặm sâu ăn trời hanh gió nồm, các nhà làm ruộng lo sợ ngày đêm, có khi vụ gặt đến nơi, mà chưa chắc là được ăn hay bị hỏng, những cái hại ấy, tuy lâu nay có tìm nhiều phương-pháp để trừ, nhưng tại chưa làm đến nơi, cho nên cũng chả thấy có công-hiệu gì lắm. Mà những cái hại ấy đã thấm gì bằng cái hại đại-hạn và nước lụt. Đại-hạn còn khá, vì cái phạm-vi thường hẹp, đến như nước lụt vỡ đê thì có hại vô cùng, tràn ngập có khi lan ra đến hàng mấy tỉnh, tức như năm Mão ngày nào, và năm ngoái năm nay. vỡ lở tứ-tung, tuy gặt hái xong không hại gì đến lúa, song le từ cót thóc thúng gạo, con lợn con gà, cho đến cửa nhà cây cối, đều bị nước đánh, trôi băng đi cả thôi thì cha cõng con, chồng giắt vợ, gồng gánh những nồi niêu áo rách, kéo nhau đi chạy nạn, ở chẳng có chỗ ở, ăn chẳng có miếng ăn, ngó cái tình cảnh thật là đau lòng thảm mắt. Tuy sau khi lụt, có phát-chẩn nọ kia, nhưng mà một bát nước con, cứu xe củi cháy, thì có bõ gì, vả chăng mỗi khi bị cái nạn lụt như thế, hại không những nạn-dân, mà di-lụy đến cả những chỗ vô sự, hại không những trong một lúc ấy, mà rơi rớt đến năm bẩy tháng về sau, hại không những riêng người nghèo khổ mà lây cả đến kẻ có tiền, thành thế, hàng năm đến mùa nước lên, thì dân-gian đều lo sợ xanh mắt, mà chết nỗi là nạn lụt thì ngoài này thường bị luôn luôn, cái đời nông dân, sống chết được thua, hình như không biết lúc nào mà định trước được cả.

Nông-dân là một hạng chiếm đa-số nhất trong xứ, ruộng, đã không có đủ mà làm, cái đời của họ sống được lại trông mong ở thóc gạo, thế mà cái nông nỗi làm ruộng bấp bênh như thế kia, huống chi là nghề nghiệp. Ngoài nghề làm ruộng ra, dân Trung, Bắc hai kỳ còn có nhiều nghề nghiệp thật, như những nghề tầm tang canh cửi, v.v. cùng là những đồ công-nghệ chế-tạo, ngày mỗi khá mỗi nhiều, phần to thì cung-cấp trong nước dùng, phần nhỏ thì đem ra ngoài bán, kể đến thực-trạng thật chưa ra gì, là bởi tiếng rằng công-nghệ thế đấy, nhưng mà mình chưa biết dùng nguyên-liệu của mình mấy, thành ra công-phu vất vả, mà lợi lãi ít oi; lại ra phết mỗi năm xuất-cảng những đồ chế-tạo gì gì, bao nhiêu là tiền, nhưng nào có phải chính mình xuất-cảng được đâu mà hòng có lợi lớn, chẳng qua mình chỉ được tiếng có đồ đem bán đấy thôi, kỳ thực có miếng ngon nào, người ăn mất cả, tuy vậy, cũng đủ nuôi một đảng người lớn lắm Song, bao giờ thì nông-dân cũng là một đảng to hơn, cho nên có công nghệ thật, nhưng mà nghề gì thì nghề, cái bước tới lui, vẫn phải trông ở sự mùa màng cấy hái của dân-gian làm hạn, mùa màng khá thì nghề nghiệp khá, mùa màng hỏng thì nghề nghiệp nguy ngay. Ta thấy năm nào ruộng tốt gạo hơn, thì buôn bán nghề-nghiệp, nhất thiết đều có bề khởi-sắc, không may năm nào mất mùa, thì chẳng cứ việc gì, đều thấy đình-trệ lại hết, thế mới biết ở trong nước ta bây giờ, trăm việc đều chịu ảnh-hưởng ở nghề làm ruộng cả vậy.

Có ruộng mà cày cấy, có nghề mà làm ăn, những hạng dân có sản nghiệp căn-bản như thế còn khá, còn những hạng dân khốn cùng quẫn bách, ruộng không có mà cấy, nghề không có mà làm, toàn là hạng vô-sản-nghiệp cả, số này có khi chiếm đến một phần nửa dân-số, chớ không ít đâu. Ta chẳng có sổ thống-kê nào, nên chi không biết được chắc rằng số người vô-nghệ hoặc thất-nghiệp như thế là bao nhiêu, song cứ lấy cái hiện-trạng sinh-hoạt mà xem cũng đủ biết, trên tỉnh thành thì thấy những người lông bông đói rách, ăn mày ăn xin nhan nhản, mà ở nhà quê, thì bao nhiêu người trông chẳng có cái khí-sắc ấm no, rõ tội nghiệp quá. Hạng dân vô sản-nghiệp này, đều là người làm, tay thợ cả đó, nếu cứ để cho họ chìm đắm ở trong vòng khổ sở ấy mãi, thì thành ra một hạng người rất nguy Các nước Âu Mỹ, thương, nông-nghiệp phát đạt là thế, công-nghệ mở mang là thế, bọn người chỉ sống nhờ về tay mềm chân cứng rất nhiều, thế mà vẫn không khỏi bọn dân vô sản-nghiệp thường khi bạo-động luôn, đó là một cái gương ta thấy vậy. Vả chăng lấy thường-tình con người ta, hễ đã đến cấp cơ hàn thiết thân, thì quên hết bản-tính, mới đâm ra làm xằng, lúc bấy giờ, thôi thì lừa đảo trộm cướp, tội ác mấy cũng làm, ăn mày ăn xin, sỉ-nhục mấy cũng chịu, cái mục đích duy nhất, là chỉ kiếm kế cơm áo mà thôi. Hoặc có kẻ chịu khó đi làm mướn làm thuê, nay cấy mạn Bác, mai gặt xứ Đoài, hay đi vác gạo kéo xe, cũng là làm trong các công-xưởng nọ, nhà máy kia, toàn là một mặt khổ công, bồ hôi nước mắt suốt ngày, lại ngọn roi cái đá phục luôn đằng sau lưng, mà nào có kiếm được nhiều tiền gì cho bõ, bất quá ngày kiếm được một vài hào, (ngoài[đính chính 3] này chỉ thế mà thôi, vì thừa nhân-công, cho nên người ta bắt bí được), chưa chắc đủ nuôi được thân mình lại còn nào là xống áo vợ con, còn nào là thuế thân Nhà-nước, tốn kém đủ trăm cấp, mà kiếm ra chỉ được có thế thôi, than ôi, cái thân bọn « lao động » ở mình, cực nhục hết sức!....

Mới xét đại-khái như thế: đất không đủ chỗ ở, ruộng ít không đủ cày cấy, nghề nghiệp không đủ làm ăn, thế mà người lại đông, ấy là ba cái thế rất nặng, buộc dân Trung, Bắc-kỳ phải di dân đi vậy.

Di dân đi đâu?

Ở trong cái địa-vị người nước ta bây giờ, giới-hạn chỉ có từ trên biên giới Lao Kay, dưới mũi biển Ca-Mâu, trong giáp Diến-điện, Xiêm-La, ngoài sát bờ bể Trung-quốc, loanh quanh có đấy mà thôi, còn đi đâu được nữa, vả lại cũng chẳng cần đi đâu làm gì, vì ngay trong đất nước mình, còn chán chỗ làm được việc, vậy thì dân ngoài này, có muốn di đi, chỉ có vào Nam-kỳ là tiện lợi hơn cả.

Di dân vào Nam-kỳ, làm cách nào cho dễ dàng, cùng vào đọ làm nghề nghiệp gì, lát nữa tôi sẽ nói; nhưng đây tất có người hỏi rằng: « ở Bắc-kỳ thì mạn trung châu, đất hẹp dân đông thật, nhưng mà ở trên mạn ngược, còn bao nhiêu là đất hoang chưa vỡ, lâm-sản bỏ hoài, đang cần dùng nhân-công để lên khai-thác, trong Trung-kỳ cũng thế, mà miền Mọi còn bỏ hoang, buôn bán không có, công-nghệ không có, cũng đang cần nhân-công vào đó mở mang, phương chi bây giờ Nhà-nước đang cần khai-thác xứ Lào, dân Trung, Bắc-kỳ sang bên ấy cũng tiện lợi am chứ, cần gì phải vào Nam-kỳ? »

Vâng, sự-lý xét như thế là phải lắm rồi, tôi cũng đã từng nghĩ đến, song nếu suy xét lại, thì mới biết mình nghĩ thế là nhầm, mà điều nghĩ ấy, tất phải phí đến hàng bao nhiêu năm sau này họa chăng mới thành ra sự thực, chớ không phải có thể nói được làm được ngay từ bây giờ

Ai lại chẳng biết ở mạn ngược Bắc-kỳ còn có nhiều hoang-điền chưa vỡ, lâm-sản chưa dùng, thì nên đem dân lên mà mở mang, thế mà ta từng thấy nhiều người thí-nghiệm rồi, hoặc bị thất bại, hay là cũng chẳng có hiệu-quả gì lớn, vì có nhiều sự ngăn trở lắm. Thứ nhất là tại khí-hậu độc. Nói thế thì chắc có người cho là hủ hay là tin nhảm, là vì người ta đã có cách vệ sinh, biết đường phòng bệnh, thì khí-hậu nào ở lại chả được, nhưng mà đối với những ông sang trọng nhiều tiền, thỉnh thoảng lên những mạn trên ấy để nghỉ mát, ở tất nhà cao, uống tất nước lọc, thì mới như thế được, chứ đối với dân lao-động lên đó, cuốc đất chặt cây, xuyên rừng phá núi, xin hỏi đã có ai hay là đã có cách gì bảo lĩnh cái sinh-mệnh cho họ chưa? Thôi thì tụ họp táp nham, ăn uống kham khổ, ta từng thấy nhiều người đi mạn ngược về, mà thịt bủng da chì ra cả đó Cho nên bây giờ giá có ai lên đó khẩn điền, mà mộ được phu, thật là một việc khó, vì nghe hai tiếng «mạn ngược» thì họ đã khiếp cả rồi. Thứ hai là tại khác tính tình phong-hóa. Nói thế này chắc lại có người cho là hủ nữa, vì người các nước sang ta, khác tính tình phong-hóa đến đâu, sao họ cũng ở được, song cái tình thế ấy ở ta lại khác. Dân trên ấy toàn là Mường, Thổ, Mán, Mèo, tính-tình phong-hóa đã khác ta, mà lâu nay lại ở dưới một cái chế độ cai trị khác, cho nên tuy là cùng một dân ở chung miếng đất với nhau, mà cảm tình nhạt nhẽo lắm, thành ra ta đã từng có nhiều người lên buôn bán với họ mà chẳng ăn thua gì, vả chăng tính họ lại hung-tợn lắm, có khi Nhà-nước lấy được thuế của họ cũng khó lòng, phương chi nay bảo lên chiếm những khu vực của họ để ở mà làm ăn, sao cho khỏi có nhiều nỗi nguy-hiểm trở ngăn được. Thứ ba tại đường giao-thông trắc trở. Đường xá đi lên trên mạn ngược lôi thôi quá, là vì chưa mở mang được hết, đi lại khó khăn, phần nhiều là rừng rậm, núi cao, suối xâu, thác lớn, thành ra xưa nay việc buôn bán, mạn dưới với mạn trên, không bao giờ khá được. là vì cách vận-tải giao-thông phiền phức đắt tiền lắm, nói chi đến sự di dân.

Cái tình-thế trong Trung-kỳ đại-khái cũng vậy. Dân Mọi ở phía trong Phú-Yên, Bình-Thuận, Khánh-Hòa, Koutoum, chiếm một khu-vực rộng rãi, thiếu chi là nguồn lợi bỏ không, chưa ai dúng tay đến, nhưng miền ấy là cấm-địa, Nhà-nước có luật cấm không cho người Annam nào được vào, thế thì bảo trong ấy có nhiều mối lợi thật đấy, dân ở ngoài đồng bằng này làm sao vào được mà moi ra?

Nói tóm lại, cái chính-sách cai-trị của nhà-nước rất khéo rất hay, nghĩa là cái chính-sách « phân ra mà trị » (Diviser pour régner), thế thì dù bây giờ mạn ngược ở Bắc-kỳ, miền mọi ở Trung-kỳ có món lợi « bở » đến thế nào, ta cũng nhịn thèm mà thôi, phương chi còn nhiều điều ngăn trở như trên kia, thì đành để cho dân phụ-cận ở đấy làm lụng mở mang ra được chừng nào hay chừng ấy, không thì để sau này ta tìm cách giải-quyết cái vấn-đề này cho rõ xứng đáng, chứ bây giờ thì không thể nói được, vì tình-thế đã khiến như vậy rồi. Ngay xứ mình còn bỏ bễ ra, chưa khai khẩn được hết, thì nói chi sang Lào, vả lại sang Lào thì khác gì sang Nouvelle Calédonie, xa xôi khổ sở chết đi, chứ vẻ vang gì mà nghĩ!

Như thế thì đủ chứng tỏ chắc chắn rằng: sự di dân vào Nam-kỳ là phải hơn cả vừa là hợp trường-sở, vừa có chỗ trông-mong, tuy cũng chẳng khỏi có một vài sự khó khăn, như ta cũng có thể tìm cách mà giải-quyết với nhau được. Vậy thì anh em ngoài Trung, Bắc ta, ai là người có tài-nghề, ai là người mạnh chân khỏe tay, ai là người nghèo nàn đói khó, thì nên vào Nam-kỳ mà làm ăn, anh em trong Nam-kỳ ta cũng đang mong mỏi lắm đó.

  1. Theo sổ điều tra mới rồi, song chắc còn nhiều hơn thế nữa, vì nghèo khổ không đóng nổi thuế, thành ra khai ẩn-lậu đi, cho nên thường thấy nhiều làng, 5, 3 người chung nhau một cái thẻ, nếu mà khai được cho đúng, thì dân-số ở Bắc, Trung-kỳ không những bấy nhiêu.
  1. Gốc: lựa được sửa thành lưa: chi tiết
  2. Gốc: lựa được sửa thành lưa: chi tiết
  3. Gốc: ngoài được sửa thành (ngoài: chi tiết