Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Mấy lời nói sau hết

MẤY LỜI NÓI SAU HẾT.


Sau hết, tác-giả còn muốn nói mấy lời nữa.

Trong trường kinh-tế của nước mình, không những gì có toán đại-địch mấy mươi vạn người Hoa-Kiều là cái vạ ngay trước mắt mà thôi đâu, lại còn cái vạ sau lưng nữa cũng ghê gớm lắm: là cái vạ người Nhật. Nay mai, điều ước Pháp-Nhật ký xong, xứ Đông Pháp này ở giữa, có lợi to mà chưa chắc không có hại lớn, vì cái tài thực-dân của người Nhật còn giỏi gấp mấy người Tầu, ở Californie mà nước Mỹ thấy hại cho sự sinh-hoạt của dân mình, nên phải mời 30 vạn ông ấy đi là thế. Đến nay mai thị-trường ta thêm cờ buôn của Nhật, đồ công-nghệ chế-tạo của Nhật nữa, thì lo ta không còn đất để chân, mà mấy người Nhật sang kinh-doanh bên nước mình thế nào cũng phải xung đột với người Tầu, để tranh quyền cướp lợi, bấy giờ hai ông xung-đột với nhau, ta ở giữa làm cái trường giao-chiến của họ, thì không phải đầu tất phải tai, khỏi bị thương làm sao được. Sự-thế ấy chóng hay chầy, liệu cũng có ngày tới, nếu ta không tính cái phương công-thủ trước đi, bấy giờ hai mặt bị đánh cả, chẳng cũng nguy lắm ư?

Bởi thế cho nên tước bớt cái thế-lực Hoa-Kiều đi, là một việc phải làm gấp lắm vậy. Muốn tước bớt cái thế-lực Hoa-Kiều, mà phải dùng đến kế di dân, kể cũng là hạ sách đó, vì việc ấy nếu chính là quyền Chính-trị phải can thiệp vào thì mới mau thành công được; song có hạ-sách cũng còn hơn là không. Cách di dân không phải là một « miếng võ » ta đánh người Hoa-Kiều ngã ngay được, mà là miếng võ rất hiểm, thương-tích đến hàng mươi lăm hay hai mươi năm sau này mới lộ ra, tuy công-phu bây giờ nhọc nhằn, nhưng được điều là kết-quả chắc chắn lắm, miễn là mình ra sức cho mạnh-bạo mà thôi

Hay không nói di dân vào Nam-kỳ là cách tước bớt thế-lực Hoa-Kiều đi nữa, thì việc di dân cũng là cần, bởi là anh em giống nòi, tất phải cùng nhau vui cười, cùng nhau than khóc, cùng phải đồng lao cộng tác với nhau. trong chỗ u-minh, tổ tôn ta bảo phải như thế. Phương chi, nói ngay một vấn-đề mưu sinh thì việc di dân có quan-hệ cho cả cuộc sinh hoạt và tương lại của mấy xứ, ta mưu sinh của ta, mà trong chỗ vô-hình, tự nhiên có xung-đột với khách trú vậy. Cái tình Nam Bắc liên lạc. phải từ đó mà ra, chớ không trông gì ở sự lấy văn tự rêu rao cùng là cách giao-tế giả dối mà nên được.

Vẫn đã hay rằng: vấn-đề di-dân này khó quá. Khó là có tiếng xướng mà chưa từng thấy có tiếng họa theo. Đó, trong lúc xứ Nam-kỳ đang cần bao nhiêu nhân-công, mà người mình lại phải đâm đầu sang Nouvelle-Calédonie là một xứ chẳng có lợi hại gì quan-hệ đến việc mình; trong đất Việt-Nam, đâu cũng là lĩnh-thổ của cha ông ta ngày xưa. mà con cháu bây giờ đi lại với nhau có nhiều chỗ ngăn-trở; trong lúc ta đã có Chính-phủ Pháp bảo hộ cho, thế mà quyền-lợi gì của ta, người Tầu cũng lũng đoạn được hết, và mỗi ngày họ một tràn lan cả ta; trong lúc hoàn cầu muốn chém giết nhau chỉ vì một cái quyền lợi kinh tế, như Nhật và Mỹ vì 30 vạn dân bị đuổi ở Californie về, như Ai-cập đang đòi lại đất Soudan ở tay người Anh, như dân Géorgie cách-mạnh Chính-phủ Nga, chỉ vì muốn gỡ cái vạ cộng-sản, nói tóm lại một việc gì xẩy ra ở thế giới bây giờ, mà sau này có đánh nhau, trong cũng chỉ tại tranh nhau một cái mối hàng, một mỏ dầu-hỏa, hay là một vài miếng đất mà thôi; ấy việc đời càng gần càng kíp như vậy, thế mà người mình chỉ những mơ màng về văn-chương, về danh-vị, về cái lối « thù phụng cho khéo », để người ngoại-quốc như người Tầu móc cơm lột áo mình ra lúc nào mà không biết.... Ôi! đói, rét, hèn, yếu, là bốn cái bệnh nặng ở đời, sinh ra tại giời, tại cái hoàn-cảnh, hay là tại cảnh ngộ? Chỉ là tại người.

Thật thế, muốn làm việc gì cũng vậy, người cốt có lòng gây trước, rồi lấy khí đẩy theo, thì đủ chế thẳng được cả mọi sự ngăn trở, giời làm gì, hoàn cảnh làm gì, cảnh ngộ làm gì được. Vấn-đề di dân này muốn giải-quyết được cần phải thế, ấy là lời hô sau hết của người viết cuốn sách này vậy.