Tàu vừa ghé bến Lai-công, Đàm kíp lên bờ, vô tiệm hớt tóc. Thợ cạo thấy, lấy làm lạ và hỏi. Đàm lấy câu cũ mà trả lời. Hớt tóc cạo râu xong, Đàm soi gương, thấy mà thất sắc. Vì trong lúc bị bắt chưa đầy hai mươi tuổi, tinh thần tốt tươi vạm vỡ là dường nào, mà bây giờ vóc gầy mặt xám, đôi mày nhăn nhó, dầu tự mình muốn sấn sướt lên mấy đi nữa mà coi cũng vẫn chẳng ra bề. Song le, ngoài mặt tuy có đổi thay, mà học thức chứa bên trong so với ngày xưa thì thật là như một trời một vực. Va nghĩ rằng ngay bây giờ nếu có gặp bà con bầu bạn cũng chẳng ai biết mỗ là ai, thế thì sự thay hình đổi dạng lại là sự may cho mình mà không nên lấy làm buồn vậy.

Ra khỏi tiệm hớt tóc rồi, Đàm đi mua sắm áo quần. Bấy giờ va bận quần trắng áo xanh non, đội mũ đỏ là thứ nón lính thủy thường đội mà trở về dưới tàu. Còn bao nhiêu áo quần chúa tàu cho mượn ngày trước thì đem trả lại. Rồi đi đến ra mắt ông chủ có tàu tên là Lam-cư-an, ông nầy thấy Đàm thì vừa ý lắm, hứa rằng sẽ dùng luôn làm tàu cho mình. Đàm vẫn không có ý ấy, song vì chút cảm tình thì hứa sẽ ở lại giúp việc trong ba tháng.

Tàu đậu ở cửa biển Lai-công bảy ngày, ăn những hàng màu, vải hoa, bông sợi, thuốc súng, thuốc lá, đại để là những đồ hàng trốn thuế Đoan và phạm cấm, rồi định từ đó chở sang xứ Cao-xi-ga. Sáng sớm, tàu nhổ neo, thuận lèo mà chạy. Bấy giờ Đàm đứng trên sàn tàu, mắt ngó chăm chăm một nơi xa kia không hề nháy. ấy là va nhìn hòn cù lao Cơ-lê-mân.

Ngày hôm sau, tàu đi dựa bờ biển Ai-li-lê, lúc đó vừa chiều hôm, thấy trên bờ đèn lửa sáng choang, thình lình tắt ráo. Vì tàu của Đàm đi đó có dấu riêng nơi đèn treo ở cột buồm, người trên bờ đã nhận biết thì tắt đèn đi để ra hiệu như trả lời rằng mình đã hiểu rồi. ấy là cái khẩu hiệu của các tàu buôn lậu miền nầy quen làm như vậy. Tàu vừa ghé bến, liền có bốn chiếc tam bản ở từ dòng trên chèo êm như ru mà xuống, đeo sát hai bên tàu, chia nhau khuân cả các hàng hóa rồi chèo đi đâu mất. Lam-cư-an bèn lấy một số tiền bán hàng đã lời được mà chia cho hết thảy thủy thủ trong tàu, ai nấy đều reo mừng. Đó là chuyến buôn thứ nhứt kể từ khi Đàm ở làm việc trong tàu. Chuyến thứ nhì cũng vậy, mỗi khi chủ cho tiền, lái đều mừng rỡ hết sức. Đến chuyến thứ ba, chở rượu và thuốc phiện, bị sở Đoan xét được, chủ tàu bèn hạ lịnh dùng súng bắn nhau, như trận giặc nhỏ; Đàm bị thương nơi vai bên trái, song thần sắc tự nhiên, không thèm rên la gì cả, vì vậy Lam-cư-an càng yêu quý Đàm hơn kẻ khác, cứ tới hỏi thăm và yên ủi va luôn.

Khi Đàm ở trong tàu, gặp giờ rỗi việc, hay đem những điều đã học nơi sư Phan-lan mà nói với Lam-cư-an, như những là các khoa học về hàng hải, thương mại, thiên văn, địa lý, v.v.., biết gì nói nấy. Lam-cư-an chỉ nghe làm tai, đôi khi cười mà nói rằng:

-- Tôi chẳng qua là một anh lái buôn, có biết các khoa học ấy mà làm chi?

Song Đàm trả lời rằng:

-- Biết chừng đâu, Nã-phá-luân chẳng phải là một tên dân trắng mà làm nên đế vương đó ư? Lam nghe vậy thì lại thất kinh, biết Đàm là người có chí lớn.

Lần lữa được hai tháng, về các mẹo mực buôn bán hàng lậu cùng các dấu hiệu thông tin gởi hàng cho nhau, Đàm đều thông thạo cả. Song ý va chỉ chuyên chú một điều, là toan làm sao cho lên được hòn cù lao Cơ-lê-man đặng thăm thử chỗ chôn châu báu mà sư Phan-lan đã mách. Ngặt vì một nỗi không có dịp gì; nếu khi không mà ghé tàu lên đó thì lại e đồng bạn thấy mà sanh nghi chăng. Vì cớ ấy, Đàm cứ xin từ chức hoài, song le Lam-cư-an cứ cầm lại mãi, cực chẳng đã va phải nán ở lại.

Ngày kia, Lam cùng Đàm rủ nhau vào đánh chén trong một quán rượu, là chỗ bọn buôn hàng lậu hay nhóm họp với nhau để thương nghị việc mua bán. Đến nơi, thấy đã có đông người ngồi đó, nói chuyện ồn ào, người trừng mắt, kẻ giang tay, trò chuyện ra tuồng đểu giả. Trong đó, thấy một người nói rằng có chiếc tàu hiện chở những nỉ của Thổ-nhĩ-kỳ cùng các thức hàng quý giá khác, muốn được một chỗ nào vắng vẻ để xem hàng định giá, rồi mua hàng chở sang bán ở nước Pháp thì sẽ lời đến hàng vạn. Lam-cư-an nghe nói, chịp lấy, hỏi rằng: Nếu muốn vậy thì ta đưa nhau đến cù lao Cơ-lê-mân có tiện không?

Ai nấy đều cho là tiện. Đàm nghe thấy thế, rất nỗi mừng thầm, song giả đò làm tỉnh, không cho cái mừng lộ ra sắc mặt, va cắp tay đi qua đi lại trong nhà hàng, ra tuồng nhìn người nầy liếc kẻ kia, chỉ thấy nói năng cười cợt, mỗi người một vẻ.