Viên cảnh sát ra khỏi đó, kêu hai người lính nữa điệu Đàm-đức-tư đến một nơi kia, tuy bốn phía có rào bằng song sắt, song sạch sẽ lắm, không tệ lậu quá. Đàm đã xiêu lòng vì cái văn nói ngon chanh ngọt dấm của quan phó án, nghĩ rằng mình chắc được tha cho nên cứ điềm nhiên, chẳng sợ sệt gì. Lúc đó nhằm ngày một tháng ba, cỡ bốn giờ chiều. Một chặp chi thì tối, trong chỗ đó đen mò, ngửa bàn tay không thấy.

Đến mười giờ đêm, nghe tiếng mở khóa cửa vẹt ra. Có hai người xách đèn, bốn tên lính cầm gươm trần kêu Đàm ra và dẫn đi. Ban đầu còn dùng dằng, sau nghĩ đến lời quan phó án, rồi không thèm hồ nghi gì nữa, cứ đánh bạo mà bước tới. Ra đến cửa ngoài thấy có một chiếc xe ngựa đậu sẵn đó, Đàm hỏi rằng:

-- Xe nầy có phải sắm mà chở tôi không?

-- Phải đó.

Bọn lính đáp lại như vậy. Đàm cứ việc lên xe, hai tên lính ngồi trước mặt Đàm, hai tên ngồi hai bên, chỉ nghe vó ngựa độp độp ầm ầm, một chốc chi đó đã tới nơi rồi.

Ai nấy xuống xe. Lại có mười hai tên lính có đủ khí giới đứng chực sẵn hai bên đường, nhập tụi lính ban nãy điệu Đàm vào trong một chiếc thuyền, ngồi vây chung quanh mà giữ. Lại có bốn tên thủy thủ chèo thuyền. Đàm mới hỏi rằng:

-- Các ông định đem tôi đi đâu?

-- Cứ việc đi, đừng hỏi, một lát sẽ biết.

Bọn lính trả lời như vậy song Đàm cũng cứ gạn hoài thì họ nói rằng:

-- Chúng ni tiếc gì mà chẳng bảo cho chú, có điều quan trên truyền rằng, không được bảo trước thì còn ai dám nhạy miệng nữa.

Đàm khi ấy hồi hộp trong lòng không biết số phận mình sẽ ra sao, nhơn nghĩ lại phong thơ Phi đã đốt rồi chính mắt mình ngó thấy thì chắc cũng không đến nỗi nào, bèn làm tỉnh được một lúc, song khi nhớ đến phần cha già vợ yếu thì nước mắt ở đâu lại tuôn ra như xối. Thuyền đi được một đỗi, nhác thấy trên bờ có cây cột đèn, đèn khi mờ khi tỏ, chốc lại thấy một tòa nhà ló ra trong lùm cây, trong đó nhấp nhoáng bóng đèn, nhìn ra biết quả là nhà của Mai-nương. Đàm ngó sững ngó sờ không nói không rằng chi hết. Thình lình bóng đèn không thấy nữa, vì cái đê cao dựa biển che đi, thì té ra cái thuyền đã từ sông ra đến biển rồi. Bọn thủy thủ dương buồm lên mà chạy, Đàm cầm lấy tay một tên lính mà nói rằng:

-- Xin bác niệm tình bạn đồng giáo, bảo cho tôi biết là đi đâu để tôi được vững lòng.

-- Mầy đui à? Hay là cả đời mầy chưa đi biển sao? Chỗ nầy là chỗ nào mầy há lại không biết sao?

Tên lính ấy giận mà nộ nạt như vậy, rồi lại bảo Đàm rằng:

-- Mầy đứng lên mà trông đằng xa kia kìa.

Đàm theo lời đứng dậy trông tới đàng trước, thấy xa xa có hòn núi cao, trên núi có tòa nhà lớn, tức chỗ mà người ta gọi là "ngục Khu-đô". Ngục nầy đặt ra hơn ba trăm năm nay, chẳng biết đã chia rẽ bao nhiêu gia đình của người ta và đã chôn sống bao nhiêu sanh mạng người vào trong đó! Đàm ra tuồng dớn dác lắm, nói với bọn lính rằng:

-- Uả đây là ngục Khu-đô đây mà, tôi có tội gì mà đem tôi đến đây?

-- Nghĩ lấy thì biết.

Bọn lính vừa cười vừa nói như vậy thì Đàm hỏi rằng:

-- Thế thì sẽ cầm tù tôi ở đây sao?

-- Có lẽ.

-- Nếu vậy thì quan phó án nói với tôi không thật sao?

-- Chúng ta chỉ biết giải mầy vào ngục Khu-đô mà thôi; còn quan phó án nói với mầy làm sao trối kệ, ai biết.

Đàm khóc nức nở mà kêu trời mấy tiếng, rồi cất mình lao xuống biển thì bọn lính xúm lại nắm lấy chơn va mà quẳng vào trong thuyền, kẻ thoi vào đầu, người đạp trên bụng mà nói rằng:

-- Cái thằng khốn nầy, nó đã báo hại chúng ông rồi đây. Hãy ngồi yên nếu còn thế nữa tao sẽ cho mầy ăn mấy viên đạn bây giờ.

Bấy giờ Đàm không dám cụ cựa nữa, chỉ nghiến răng chằng mắt, căm giận vô cùng. Một chặp chi đó nghe có tiếng nổ rất to, chiếc thuyền chao qua chao lại thì ra đã đến ngục Khu-đô rồi.

Bọn lính bồng súng lên, lôi Đàm vô bờ áp điệu vào khám, thấy bốn phía khám có tường dày và rất cao. Liền có một đội lính ở đâu kéo đến, đi bước có nhịp lưỡi lê cắm đầu súng sáng lòa, trong đám có một người hỏi rằng:

-- Nào phạm ở đâu? đi với ta đây, ta sẽ dẫn đến chỗ nó nằm.

Rồi một tên lính ở đằng sau xô Đàm tới, thét rằng: mau lên! đi đi!

Đàm theo đi, tới một gian phòng hình như ở dưới đất, hơi mốc meo ẩm ướt trong phòng xông lên trên vách, nhỏ xuống từng giọt như nước mắt. Một cái đèn để trên cái ghế thấp, ngọn leo lét bằng hột đậu. Đàm biết rằng kẻ đưa mình đi đó là lính canh ngục, nhìn kẻ thấy nó mặc áo rách mới bộ mặt lạnh lùng, ngó dễ sợ lắm. Tên lính ấy bảo Đàm rằng:

-- Đây là chỗ mầy nằm đây. Đêm khuya rồi, ông đề lao ngủ rồi, không dám đánh thức dậy, đợi sáng mai, hoặc dời mầy đến phòng khác, chưa biết chừng. Nầy nào bánh, nào nước, nào củi đều có đủ cả trong phòng, mầy khá tự lấy mà dùng; tao đi ra, sáng sớm mai lại đến thăm mầy.

Đàm còn muốn hỏi lại thử chỗ để nước ở đâu, song tên lính đã vội vã xách đèn ra, khóa cửa lại và đi trớt. Đàm một mình ở trong xó tối, chỗ ở thì lạnh buốt mà mình va thì nóng sôi. Tảng sáng, tên lính canh ấy trở vào, thấy Đàm còn đứng trơ trơ chỗ cũ, cặp mắt rưng rưng, bèn lấy tay vỗ mạnh vào vai, Đàm thất kinh vùng nhảy cưỡng, như là chợt tỉnh ra từ trong giấc chiêm bao vậy. Tên lính hỏi rằng:

-- Đêm qua có mệt mỏi không?

-- Không biết.

-- Bụng có đói không?

-- Cũng không biết.

-- Vậy thì mầy có muốn gì không?

Tên lính ngó chăm chăm Đàm mà hỏi như vậy, thì Đàm trả lời rằng:

-- Tôi chỉ muốn gặp ông đề lao ở đây mà thôi.

Tên lính lắc đầu, rún vai, vừa cười tủm tỉm vừa đi; Đàm ngó theo còn muốn nói nữa, song cửa đã đóng lại rồi. Đàm không biết làm sao, nằm sải tay sải chơn trên đống củi mà khóc bằng non bằng nước, tự hỏi mình rằng hỏi Đàm-tư-đức, mầy có tội gì mà đến nỗi nầy? Rồi lại đứng dậy, chạy quanh trong phòng không biết mấy trăm bận, dầu cho con thú trong chuồng, con chim trong bẫy cũng còn chưa thấy cái khổ ấy! Trọn một ngày và một đêm nữa Đàm cũng không hề nhắm mắt.

Hôm sau, tên lính lại đến, hỏi rằng:

-- Hôm nay mầy đã hơi tỉnh chưa? Ta có một lời khuyên mầy: Hễ đã tới đây thì là cách biệt với thế gian rồi, cũng như tro tàn không bao giờ lại cháy. Ban ngày ăn, ban đêm ngủ, quyền lợi của mầy chỉ có thế thôi, ngoài ra không nên nghĩ đến gì cả. Tức như hôm qua mầy muốn gặp mặt ông đề lao, ấy là việc tuyệt không có thể được, nghĩ làm chi vô ích; chớ dại mà nghĩ vơ nghĩ vẩn, rồi lâu ngày nó đờ người ra có biết không?

Đàm nghe vậy thì hỏi rằng:

-- Thật vậy hay sao?

Tên lính đáp lại rằng:

-- Thật thế. Ví như ngày trước ở đây có một lão sư bị tù, hay nghĩ bá vơ bá láp, đến nỗi cậy ta nói với ông đề lao thả cho nó trốn thì nó lót cho một trăm vạn phật-lăng, ít lâu rồi thì nó điên; cái phòng mầy ở bây giờ đây tức là phòng lão sư ấy ở hồi trước.

-- Vậy thì lão sư ấy đã được tha rồi sao?

-- Nào có tha, nay đã cầm lão dưới khám hầm rồi.

Đàm sa mặt xuống mà nói rằng:

-- Tội nghiệp cho lão quá chừng! Tuy vậy, tôi đây không phải lão sư, vả cũng không điên như lão, tôi có một việc muốn nhờ bác, xin bác chớ nài hà.

-- Việc gì? nói đi nghe.

-- Sức tôi thì không đủ phụng cho bác một trăm vạn phật-lăng, song nếu bác làm ơn đem giùm vài chữ cho người thiếu phụ ở Mạc-xây tên là Mai-tây-đương thì tôi xin kính bác một trăm phật-lăng, bác có bằng lòng không?

-- Không dám đâu, làm vậy nếu để ông đề lao biết được thì khốn. Ta ở đây mỗi năm được hai chục phật-lăng cũng đủ xài rồi.

Đàm tức khi ấy nổi nóng lên, đứng dậy mà nói rằng:

-- Thôi thì chỉ nhờ bác nói miệng với người ấy một câu rằng Đàm-đức-tư đã bị tù ở ngục Khu-đô là đủ. Cái nầy mà mầy chẳng nhận lời tao thì nói thiệt, khi khác mầy vào đây, tao sẽ cầm cái ghế thấp nầy núp sau cánh cửa, choảng cho mầy một cái bể sọ.

-- Uý! Thằng nầy điên mất rồi. Lúc lão sư mới phát điên cũng làm như mầy một thức. Ba ngày nữa tao sẽ còng mầy lại mà mời vào khám hầm mới được.

Tên lính vừa đi thụt lui vừa nói cách giận giữ như vậy, thì Đàm đã cầm cái ghế trong tay, múa cho quay tít đi, rồi lại làm ra tuồng muốn liệng theo. Tên lính hốt hoảng nói rằng:

-- Khoan đã! khoan đã! để ta chạy mời ông đề lao đến cho mầy.

Đàm bèn bỏ ghế xuống ngồi lên, làm ra bộ điên, nói rằng:

-- Đi cho mau! đi cho mau! Ta ngồi đây đợi lão đề lao đây.

Tên lính ra rồi có một người cai đến, với bốn tên lính khác. Cai nói rằng:

-- Theo lời ông đề lao, lập tức đem tên tù nầy giam dưới khám hầm, hầu cho hai đứa điên nó ở với nhau.

Đàm đương muốn cãi cọ thì bọn lính trợn mắt a lại, xoác lấy va, giơ bổng lên mà vác đi, như bồng con nít vậy. Đi xuống khỏi cái thang bằng đá mười lăm nấc thì đến một phòng, thấy đã mở cửa chực sẵn, bọn lính ném Đàm vào đó rồi đóng cửa lại. Trong đó tối đen như mực, không còn chỗ nói nữa. Đàm cất tay lên sờ mó thì chỉ thấy có tường vách mà thôi; mới biết khám hầm là chỗ nầy đây, nghĩa là cái khám dưới đất như là cái hầm vậy.

Ôi! một người trai trẻ lanh lợi, trên có cha ngoài có chủ hiền, trong có vợ đẹp, cái hạnh phước của đời người như vậy cũng đã khá rồi. Ngờ đâu chỉ vì không muốn chối lời một người bạn trong khi hầu chết mà phải hãm vào vòng tù tội, nếm đủ mùi cay đắng, tấm thân đày đọa lại còn gấp mấy mươi cá chậu chim lồng! Vì ai xui khiến cho nên nỗi nầy? Nếu chẳng phải trời kia bày đặt để luyện nên khách anh hùng mà chi?