Thầy trò trong khám/I
Vào khoảng năm 1815, tại cửa biển Mạc-xây nước Pháp có chiếc tàu buồm tên là Phan-long, vững chãi, đẹp đẽ và chạy mau có tiếng trong thời đó. Người chủ có tàu kêu là Mã-lặc-nhi, là người công bình, ngay thật, làm vai đàn anh trong các đám nhà buôn tàu ở Địa Trung Hải. Anh ta ở bờ mà dùng một người tên là Lý-khắc-lai làm chúa tàu thế cho mình. Lại có một người phó chúa tàu nữa tên là Đàm-đức-tư, anh nầy còn trẻ, chưa được hai mươi tuổi.
Ngày kia chiếc Phan-long ở Y-ta-li chạy về, giữa đường Lý-khắc-lai thình lình đau bịnh óc mà chết, trối lại cho Đàm-đức-tư lên làm chúa tàu thay mình. Sự ấy anh em thủy thủ trong tàu đều lấy làm phục tình cả. Duy có người mại bản tên là Đặng-cách-luân, lớn hơn Đàm sáu tuổi, người có tánh hiểm độc và khéo nịnh hót, bình nhựt trong tàu ai cũng ghét, thấy Đàm sẽ làm lớn trên mình thì sanh lòng ganh tị, tìm trăm phương ngàn chước để mà hại Đàm. Đàm cũng không nhịn, lừa khi tàu chạy ngang qua cù lao Cơ-lê-mây, anh ta phỉnh Đặng-cách-luân lên đó, toan bỏ Đặng lại đó mà nhổ neo chạy mất, song vì Đặng đã kêu van xin lỗi mới thôi. Dầu vậy, Đặng vẫn cứ ganh tị như trước.
Lúc Lý-khắc-lai chết giữa đường, chính là lúc hoàng đế của nước Pháp là Nã-phá-luân âm mưu trở về nước mình. Số là, vua Nã-phá-luân hay đánh đông dẹp bắc, làm cho dân nước Pháp đồ khổ, về sau thất bại, bị đày qua cù lao Ên-ba, và bị cấm cố tại đó không được về. Song sự ấy chẳng qua là những người thuộc đảng nhà vua về dòng vua Bua-bông chủ trương mà thôi, còn những người về phe vua Nã-phá-luân, gọi là Nã đảng, thì lại phản đối với đảng kia mà hằng tìm cách cho Nã-phá-luân trở về. Lúc đó, bên Nã đảng đương bí mật vận động cho Nã-phá-luân đi lén về nước, chỉ còn đợi bàn định điều ước với Huê-linh-tôn, ấy là xong việc, Huê-linh-tôn tức là ông tướng đại tài ở nước Anh về sau đánh phá quân Nã-phá-luân tại Hoát-tét-lô.
Lý-khắc-lai cũng là người trong đảng Nã-phá-luân, nhơn làm chúa tàu thì gánh lấy việc đi về đem tin tức cho người trong đảng. Việc ấy Lý giữ kín đáo lắm, chẳng những nhà chủ là Mã-lạc-nhi không biết mà thôi, dầu đến những người đồng sự với va trong tàu cũng không ai biết cả. Khi Lý đau ngặt, biết mình không qua được, bèn lấy ra một phong thơ đưa cho Đàm-đức-tư, dặn đến khi tàu ghé cù lao Ên-ba thì chịu phiền đem giao cho ông quan binh theo hầu Nã-phá-luân, tên là Bùi-khuất-luân, và lấy thơ trả lời đem về nước Pháp. Lý trao thơ nói như vậy rồi lại còn dặn đi dặn lại năm bảy lần. Đàm bấy giờ chưa trải việc đời, chưa hề biết đến sự âm mưu của Nã đảng, bèn hăng hái mà nhận lời của Lý và thề rằng thế nào cũng không phụ lòng kẻ hầu chết[1]. Sau khi Lý qua đời, Đàm ghé cù lao Ên-ba và đưa thơ y như lời dặn, thì quả nhiên được một phong thơ trả lời mà Bùi-khuất-luân phó cho, nhờ về nước Pháp đưa cho Nã đảng ở phố Khảo-hoàng thành Ba-lê.
Khi ấy Đặng-cách-luân ở trong tàu, thường rình xem đường đi nước bước của Đàm, tuy rằng không biết rõ việc gì, song đại khái sự Đàm đưa thơ đi thơ về thì hắn đã biết chắc lắm. Khi tàu đỗ bến Mạc-xây, Mã-lạc-nhi tiếp rước rất tử tế, đãi đằng rất hậu, và y theo lời trối của Lý-khắc-lai, cho Đàm-đức-tư thiệt thọ chức chúa tàu. Đặng bấy lâu lăm le cái ngôi chúa tàu đó, bây giờ trật đi, mà lại là một người kém tuổi hơn mình đã chiếm được, thì va lấy làm bất bình lắm.
Đàm là người có hiếu, khi tàu đến bến rồi, liền về thăm cha mình. Cha va đã già, ở nhà thiếu thốn thì có vay của người láng giềng tên là Cảnh-đặc. Nợ đã đến hẹn rồi mà chưa có tiền trả, bị đòi hỏi luôn, ông già lấy làm phiền và cứ mong mỏi cho con mau về. Khi Đàm về, đem tiền trả nợ xong và thuật chuyện mình đã được thăng làm chúa tàu thì người cha mững rỡ khôn xiết. Rồi đó Đàm lại đi thăm người vợ mình mới hỏi cưới là Mai-tây-đương.
Mai-tây-đương vốn là người Tây-ban-nha. Nàng có một người anh em cô cậu tên là Phất-nhĩ-nam, tuổi mới hai mươi hai mà tác[2] lớn lắm, cũng muốn hỏi nàng làm vợ. Ngày kia chính mình y tới nhà nàng, nằn nì nói việc cầu hôn. Nàng vội gạt đi mà rằng:
-- Thân tôi đã hứa cho Đàm-đức-tư rồi, không thể nào dời đổi được.
Phất-nhĩ-nam hỏi rằng:
-- Thế ra cái chỗ sở nguyện của em chỉ có vậy là đủ ư?
-- Đủ lắm chớ, Đàm-đức-tư mà làm chồng tôi, thì tôi còn mong gì nữa!
-- Thế thì em có quả quyết tin rằng cái ái tình em đối với chàng va sẽ được trước sao sau vậy không?
-- Uả hay! Tôi còn sống một ngày thì cái tình ấy cứ đượm đà một ngày chứ sao?
Phất-nhĩ-nam nghe nàng nói hẳn hoi như vậy thì cúi đầu thở dài rồi lại đứng phắc dậy hỏi rằng:
-- Nếu chẳng may mà chàng va chết đi thì thế nào?
-- Chàng chết thì tôi đây cũng nguyện chết theo chàng.
-- Nếu lại chẳng may mà chàng phụ em thì mới tính sao?
-- Không chàng không phụ tôi, Đàm-đức-tư không hề phụ tôi đâu!
Nói rồi, nàng vội bước trái. Phất-nhĩ-nam liền kêu giật ngược lại mà rằng:
-- Mai-tây-đương! Mai-tây-đương!
Trong khi đương nói ồn ào đó thì vừa Đàm-đức-tư đẩy cửa vào. Nàng cười mà nói rằng:
-- Đó, nào tôi nói có quả không? Đàm-đức-tư quả không phụ tôi mà!
Phất-nhĩ-nam thấy vậy ngơ ngẩn cả người, hai hàm răng cắn sít lại thùi lùi ra ngồi phịch xuống ghế dựa không nói không rằng gì cả.
Đàm thấy Mai nương người đằm thắm ưa nhìn, đầu tóc như mây nước da tợ ngọc, mặc áo ngắn tay từ cùi tay đến cổ tay lòi ra trắng nõn trắng nà, ngón tay mụt măng cầm nhành bông, chân bước đi cách yểu điệu thì anh ta mê mẩn tâm thần. Hai người cầm tay nhau kể lể khúc nôi, rồi lại choàng tay nhau mà cười cợt. Khi ấy Đàm chỉ để tâm giắt mắt vào một mình Mai nương mà thôi, ngoài ra không biết có gì cả, thình lình xây lại thấy một người ra dáng sững sờ ngồi trên ghế dựa, một tay thò vào túi áo núm con dao nhỏ.
Đàm vội vàng vừa chào vừa nói rằng:
-- Xin tha lỗi cho tôi, tôi vào nhà mà mắt măng mắt vược không thấy người quý khách. Kế xây hỏi Mai nương người ấy là ai.
Mai đáp rằng:
-- Ấy là bạn thiết của thiếp đó mà lại là anh em cô cậu, ngoài chàng ra không còn có ai thân thiết với thiếp hơn người ấy.
Đàm nói rằng:
-- Nếu vậy thì cũng lại là bạn thiết của tôi nữa.
Nói đến đó hai người vẫn cứ cầm tay nhau chẳng rời. Phất-nhĩ-nam nhăn nhó tuồng mặt, chẳng nói một câu, rồi đứng dậy ra đi.
Phất đổi đường, tình cờ gặp Đặng-cách-luân và Cảnh-đặc rủ nhau vào quán uống rượu. Đặng vừa ưa nhớ đến chuyện Đàm vừa được thăng chúa tàu, thì hỏi một câu để chọc Phất-nhĩ-nam rằng:
-- Ờ! Chớ cái việc hôn nhân của con Mai-tây-đương thế nào đây?
Khi ấy Phất đã hơi có chén toan mở miệng trả lời thì bỗng thấy Đàm-đức-tư cùng Mai-tây-đương choàng vai nhau mà vào trong quán, vì ngày mai là ngày đám cưới hai người nên vào đó để mời anh em. Hai người nói mời rồi liền đi ra. Phất-nhĩ-nam cứ thở dài mãi không nói gì; còn Đặng-cách-luân đã say ngà ngà lấy mắt nhìn Cảnh-đặc tròng trọc. Cảnh bèn rót cho Đặng một cốc lớn; mấy người lại nói nốt câu chuyện Mai-tây-đương.
Đặng có ý ghen muốn hại Đàm, bèn kiếm lời khích cho sanh chuyện, nói rằng:
-- Đàm-đức-tư với Mai-tây-đương hai đứa nó thương nhau làm cho kẻ đứng ngoài thấy cũng nóng mặt. Có điều ta không thèm làm chi đó thôi, chớ làm ra thì chốc lát mà chia rẽ chúng nó cũng chẳng khó gì.
Phất-nhĩ-nam nói:
-- Thôi đi, coi bộ hai đứa nó thương nhau riết lắm, họa chăng chỉ có cái chết mới làm cho chúng nó rời nhau được. Song nếu thằng kia chết thì con nọ cũng chẳng chịu sống một mình thì mới làm thế nào?
Đặng-cách-luân nói:
-- Anh mới khờ cho! Tôi hỏi anh chớ sống mà lìa nhau với chết mà xa nhau có khác gì không?
-- Hẳn là không khác.
-- Vậy chớ sống mà ngồi trong ngục với chết mà nằm trong mả có khác gì không?
-- Cũng hẳn lại không khác.
Đặng-cách-luân bèn nói trắng cùng Phất-nhĩ-nam rằng:
-- Vậy thì anh nếu muốn bứt đứt sợi tơ duyên chúng nó chỉ có làm cho chúng nó sống mà lìa nhau là được.
Cảnh-đặc xem lo vào hỏi rằng:
-- Đàm-đức-tư có tội gì mà anh làm cho nó ở tù được anh?
Đặng cười chúm chím mà rằng:
-- Tôi làm được.
Rồi lại bắc đầu[3] mà nói cùng Phất-nhĩ-nam rằng:
-- Song le ấy là việc ông, chẳng phải việc tôi mà!
Phất nói nếu ông làm cho nó vào tù được thì tôi xin vâng mạng ông hết thảy, bảo gì nghe nấy.
Tức thì Đặng lấy giấy và viết bằng tay trái như vầy:
"Có tên Đàm-đức-tư làm việc trong tàu Phan-long, khi tàu ghé cửa biển Na-bấc-lặc và Phật-la-lăng thuộc về đất Y-ta-ly, có người tên là Ma-lặc đưa cho nó một phong thơ nhờ trao lại cho bạo chúa Nã-phá-luân, nó đã trao rồi và lại có lãnh thơ trả lời của Nã-phá-luân đem về Ba-lê giao cho người trong Nã đảng. Bây giờ cứ bắt tên Đàm-đức-tư mà hỏi thì lòi mối, những thơ từ bí mật ấy hoặc dấu trong mình nó, hoặc để tại nhà cha nó, hoặc để tại buồng riêng nó trong tàu Phan-long, soát ngay thì bắt được. Kẻ tố cáo đây vì nghĩ đến sự lợi hại cho cả nước nên mới bới việc nầy ra, xin các quan xét cho."
Viết rồi Đặng ra dáng đắc ý lắm mà nói cùng Phất-nhĩ-nam rằng:
-- Làm như vầy thì anh đã trả thù được mà không bị liên lụy gì, cái chước của mỗ có thần diệu không?
Cảnh-đặc nói hớt rằng:
-- Cái chước thì thần diệu thật song vô cớ mà xô người xuống giếng thì cũng có hơi tiểu nhân một chút!
Đặng tiếp theo mà rằng:
-- Bác nói phải lắm, tôi viết giấy đó, chẳng qua đùa chơi vậy thôi, chớ có phải làm thật ở đâu, huống nữa Đàm-đức-tư là người trung hậu hiền lành nếu chẳng may mà bị người khác hãm hại, chúng mình còn thương xót mà cứu nó thay nỡ nào lại đang tay hại nó cho đành.
Nói rồi Đặng vò viên mảnh giấy đã viết ấy lại liệng vào xó tối, rồi kéo Cảnh-đặc ra đi. Còn Phất-nhĩ-nam đứng lại lượm lấy mảnh giấy chạy ngay đến tòa Cảnh sát.
Chú thích