Thảo luận:THƠ HOÀNG TRẦN CƯƠNG
BỔ SUNG CÁC BÀI THƠ VÀO VĂN KIỆN THƠ HOÀNG TRẦN CƯƠNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG XÓA. Nhà thơ Hoàng Trần Cương có một bài thơ "Miền Trung" được bình chọn trong 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ 20 (http://www.olympiavn.org/forum/index.php?topic=5402.msg50059). Bài thơ này là một phần của trường ca "Trầm tích", sâu lắng và đầy sức sống.
Bài giới thiệu trên báo Nhân Dân điện tử: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=113414&sub=134&top=43 Trầm tích của Hoàng Trần Cương NDĐT- Nhà xuất bản Hội Nhà văn sắp tái bản trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương, với tập hợp các bài viết về Trầm tích và nguyên vẹn cả trường ca, bổ sung những chương mới cùng những bài thơ tiêu biểu theo đề nghị của tác giả. Hiếm có một tập sách nào mà sức sống của nó lại bền lâu như trường ca Trầm tích của nhà thơ Hoàng Trần Cương. Ra mắt từ năm 1989, ba chương của Trầm tích cùng chùm thơ ngắn đã thuyết phục được cả những độc giả lẫn các nhà thơ khó tính nhất, đoạt ngay vòng nguyệt quế văn chương: giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam (1989 - 1990). Từ đó cho đến năm 2002, trường ca này liên tục được trao thêm nhiều giải nữa, trong đó, đáng kể là giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 2000. Liên tục suốt hơn 10 năm, Trầm tích đã được dư luận quan tâm và đánh giá cao. Những bài viết về tập trường ca nói riêng và tác giả Hoàng Trần Cương nói chung in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương nối nhau không dứt. Tính cho đến thời điểm này, đã có hơn 50 bài viết của các tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu...viết về Trầm tích. 1. NGUỒN CỘI
Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Tôi lấm láp đáp mình vào đất Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu Cha đi vắng Những người đàn ông miền Trung thường đi vắng Vài năm tạt qua nhà một lần Để lại đứa con Để lại mùi rạ thơm trên mái nhà vừa dọi Để lại những nỗi buồn không biết nói Rồi biệt tăm
Hàng xóm nhặt tôi vào đặt lên chiếc chõng tre
Chiếc chõng tre đen bóng mồ hôi vẫn nép ở đầu hồi Bà nội thường đem ra ngồi trông cháu Buổi mẹ còn lóp ngóp ngoài sông
Đêm đêm
Dưới gốc nhãn già nua theo lời bà kể
Bông lúa hiện ra
Ngày xưa lúa tự bò về nhà
Hạt to như bắp chuối
Khi chưa bị người ta xua đuổi
Nắng vàng mơ từ mờ sớm đến chiều hôm
Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm
Từ trong cái đãy nâu sồng thắt ngang sau lưng bà tối tối lại bò ra
Lẫn vào bóng trăng
Nhấp nhỏm đứng sau nhà
Để suốt đêm tôi mơ màng thức ngủ
Mắt tròn đen
Lăn khắp vòm trời
Bà già thế
Sao tiếng cười vẫn trong như lọc
Xoà vào tuổi thơ tôi
Những quả táo còn ương
Lăn lóc tận đáy vườn
Người lớn đi qua thường không thấy được
Núi sông cài răng lược
Ngược xuôi trải thành đất nước
Đất nước
Tượng hình xương cá
Đêm úp
Ngày đơm
Nhảy vật lên bờ
Thân gầy đét
Cong mình chống nắng
Lưng rộp phồng
Thâm cả trời đông
Ròng rã tháng năm
Nhọc nhằn vây bủa
Cái chảo rang của đất đựng trời
Đông chưa tàn
Hạ đã rạn ban mai
Choãi mình trước biển
Chắt màu xanh
Dâng tặng mùa màng
Thăm thẳm tháng năm
Ẩn vào trầm tích
Ẩn vào mai sau
Ẩn vào những đêm dài ngày ngắn
Những bản làng bạc nắng phai sương
Ôi! Quê hương
Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước
Gió bão thù chi với mảnh đất này
Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển
Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến
Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh
Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh
Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt
Dằng dặc dải làng quê thưa thắt
Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
Tảng cháy cạy đi rồi
Còn hằn vết móng tay
Cày lên
Sưng cả đáy nồi
2. ĐẤT MẬT
Tháng mười trời chóng tối
Bờ ao tím rần túm lá lộc mưng
Lá lộc mưng trảy non chát ngòm cổ họng
Tôi bứt về nhà giúp mẹ thay cơm
Giúp đêm bớt dài
Giúp mai chậm đến
Giúp các em tôi khuây nỗi khát thèm
Giúp cành lộc mưng kịp lên da non
Và giúp tôi dụm dành niềm hy vọng
Chiều chiều mẹ ra sông mót cá
Tôi tha thẩn khắp vườn bòn mấy quả mận xanh
Thủ thỉ với con diều tre trận mưa đá đêm qua làm sã cánh
Thủ thỉ với bóng cò trong ca dao mới dạt vào tránh bão
Thủ thỉ với chiếc sào phơi bện rễ cây rừng
Thủ thỉ với cây mít còm nhựa ứa rưng rưng
Đâu biết có bà vẫn lần theo canh chừng gai góc
Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa
Tuổi ngoài tám mươi bà ngồi bện dây thừng
Bện cả màn sương vào mái tóc
Cái khăn nâu bà vấn trên đầu
Quấn chặt những đêm dài không ngủ
Chỉ còn câu hát ru
Tối tối mượt mà bay vào giấc mơ của cháu
Những lời ru nồng đượm sắc màu
Mùa thu ngấn xanh
Mùa đông phả ấm
Những lời ru ngọt như đường ngậm
Lọc từ năm tháng cay chua
Biết lấy chi cho lũ cháu nô đùa
Bà xâu mấy đồng xu rỉ xanh rỉ vàng chuột tha vào trong ngạch
Quàng lên buồng chuối sau nhà
Quàng lên buổi chiều buồn thời gian không đấu giá
Hy vọng nhoà vào chùm sao tua rua
Hy vọng đổi mùa
Cuối vườn tiếng lá chuối khô xô nhau như xáo ốc
Hoa bèo khô rốc còn sởn da gà run cả bờ ao
Tuổi thơ tôi đi qua
Trong nắng mưa lấn bấn
Trong bóng bà đã lấm bóng hoàng hôn
Những khi bà ốm
Giàn trầu không đầu hồi bỗng dưng trụi lá
Mùi hương bay váng vất cả chiều
Gió mang lá trầu vàng đặt vào manh chiếu
Ngoài sân
Một mình cây cau dầm trong sương muối
Âm thầm cúi đầu
Giấu bóng vào hiên
Đợi chừng nửa đêm khi bà tỉnh giấc
Mây buông mảnh trăng liềm
Ánh trăng nâng bóng cau non đặt mớm vào mép võng
Bỏm bẻm miếng trầu
Rón rén thức mùi hương
Trầm tích của mạch nguồn luồng lạch
Bây giờ phẳng lặng đất nâu
3. CẬT TRE
Sợ con nít lằn lưng trên cái chõng đan bằng tre cật
Không biết ai đã luồn vào dưới lưng tôi một tấm mo nang
Cái mo cau mẹ lượm được ở cuối vườn từ năm ngoái
Đem vào giấu trong buồng và lấy đá dằn lên
Tôi mát lạnh trong hơi của đá
Nhắm mắt ngủ ngon lành
Bữa tôi chào đời trời rạch chớp xanh
Nước sông Lam đã trèo vào cổng
Treo vội con lên chạn
Mẹ xắn quần đi giằng lại cái sanh đồng sứt quai
Theo nước lũ nhoai ra ngoài ngõ
Rồi một tay chắn gió
Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
Nuôi tôi giữa nước và trời
Nồi khoai xéo
Bát ngô dăm
Độn ánh trăng vàng
Lăn mình trên cát
Lăn mình qua những tháng ngày giáp hạt
Đến bến bờ mộng tưởng xa xăm
Nơi nguyện ước tổ tiên hiện về trên mỗi trang gia phả
Nơi những vật thiêng vùi mình trong đất đá
Nơi những câu ca không nhám bụi ngày
Giọt nước nào cũng háo hức biển khơi
Giọt nước nào cũng lao xao tiếng vọng
Tôi lớn lên giữa ngày trong tháng đục
Cùng dòng sông mắc nợ phù sa
Cùng dòng sông báo động mùa đại hạn
Trong chùm rễ tre nhấc bổng ruột gan mình
Chùm rễ tre thình lình bật gốc
Lá trút vàng hang hốc bậc thang
Ba tuổi đầu tôi cởi trần trùng trục
Vác gươm cọng chuối múa khắp làng
Tôi nhảy nhót
Người va vào vại nhút
Vại nhút va vào gốc cau và vỡ tan tành
Vỡ tan tành
Thức ăn cất trữ của cả nhà trong mùa lụt
Mẹ không mắng
Mà khom lưng nhặt nhạnh
Những mảnh sành kết muối trắng tinh
Vại nhút vỡ mất rồi
Biết lấy gì đắp lên bát cơm gạo lứt
Mẹ chan tiếng cười chạy vòng quanh mâm
Nhìn những mảnh sành vương vãi khắp sân
Tôi chợt hiểu
Vì sao tóc bà rồi tóc mẹ
Cứ trắng như phía trong của lớp mảnh sành nằm đáy vại
Khi tan cả hình hài
Ta mới kịp nhận ra...
4. THÓC GIỐNG
Sinh con
Mẹ là hạt thóc đã mọc mạ rồi
Vẫn sưởi ấm mùa đông bằng khoảng trống của hai vỏ trấu
Cái nón mê mẹ đội nửa đời người
Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút
Những vòm trời xa hút
Trở về dưới nón mê
Trở về vẹn nguyên chùm hồi ức mướt xanh thời thơ bé
Tiếng võng bờ tre
Tiếng nghé cạy ràn
Tiếng học bài nóng ran xóm nhỏ
Tiếng gọi đò méo cả bến sông
Động trắng đáy vó bè những mảnh trăng bơi lẻ
Quẫy lên trên bàn tay gầy của mẹ
Nhúm cá tươi bắt nắng cuối ngày
Rặng núi Cuồi đêm đêm hậc lửa
Khói trắng lẩn vào đâu
Trăng đầu tháng đỏ ngầu
Như cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi
Những ngày đông gió chạy lui cui
Nắng rúc xù mái rạ
Sông Lam héo theo lá
Âm thầm nương bóng mẹ vào đêm
Nước mưa vẫn vơi đầy trong bể cạn
Mưa rào sao bong bóng không tan
Đâu rồi hòn đá nhám
Mẹ vẫn chà chân sau buổi làm đồng
Dấu đi nỗi nhọc nhằn chai sạn
Dấu đi năm tháng
Dấu đi đôi gót trần nứt nẻ toé máu tươi
Những trầm tích nguyên hình đá hộc
Có chìm vào lãng quên
Có rơi vào hang hốc
Có đội đất mà lên
Mẹ ơi
Như thuyền nhớ bến
Con nhớ về những đận truân chiên
Đất bỏng gió Lào
Trời tròng đại hạn
Bảnh mắt nắng rộm màu cá rán
Nghe mo nang lốp bốp nổ khắp làng
Mẹ lật đật trèo lên đò ngang
Quảy theo con vào chợ
Gò lưng giữ cho cân đòn gánh
Chỉ sợ con lật người là đổ mất ngày mai
Con nhấp nhổm ngoi đầu qua gánh thúng
Bứt đọt cỏ non nghiến ngấu màu trời
Trên vai mẹ
Co chân bay khỏi đất
Mùi cỏ còn đắng nghét đến hôm nay
Mùi cỏ dẫn con vào năm tháng thơm lành
Mùi cỏ mặn và khắn như lông bò tẩm nắng
Mùi cỏ khét dây trói tay cha
Buổi xóm làng mình lâm nạn
Cái dây trói xoắn bằng rơm rạ
Sau cơn giông mẹ kéo về nhà
Mẹ nhóm mãi lửa không vào bếp
Khói đục trào sặc sụa
ám vàng trang vở tuổi thơ
Mẹ ơi
Tận bây giờ con vẫn còn hoảng hốt
Cái buổi chiều những tưởng cha đi
Bỗng dưng trời đất thâm sì
Lốc rừng dựng đứng
Giông bão ùa về lừng lững
Mây đặc trời
Tối bưng
Gió chém
Mưa đâm
Sợi dây trói nới thầm
Từ tay cha rụng xuống
Mẹ bảo: May mà trời có mắt
Cha không nói gì
Người lẳng lặng cầm sào đi xốc lại cây rơm
Khoai sắn thay cơm
Những đêm trời lạnh
Mẹ lúi húi xâu đèn hạt bưởi
Thổi nùi rơm phù phù cho lửa rạng lên
Soi mặt chữ để con ngồi học
Rồi vác vồ đợi trăng lên ra đập đất ngoài đồng
Sương lạnh xuống bạc sờn vai áo
Những đầu hôm
Khi con còn mơ màng trong giấc chiêm bao
Mẹ hãm nhỏ đĩa đèn dầu lạc
Tẩm lớp nghệ vàng lên mẹt cá ươn
Sớm mai kéo sụp nón
Sấp mặt ngồi cuối chợ
Nhặt về những đồng xu bạc phếch đất bùn
Xin mẹ đừng trách con
Thằng con trai ngỗ nghịch
Cứ hong hóng chờ trăng lên là vọt ra đường
Kéo lũ trẻ cả làng vào trò trận giả
Xô bạn ngã vêu đầu
Về nhà âm thầm khóc
Ngồi trong lớp dỏng tai chờ tiếng trống báo giờ tan học
Đôi dép quàng ngang lưng
Chân tứa máu đá dăm đỏ lựng
Nhào xuống Ba- ra kịp lúc cá quây đàn
Mong bắt được vài con cá chầy
Để buổi chợ sớm mai mẹ không ngồi đỏ mắt
Để bữa cơm chiều hôm không vàng khè màu ngô dặt
Với đĩa rau lang cao như tầng núi xám
Che mặt các em con phía bên kia mâm
Nước mắt mẹ rơi thầm
Những giọt nước mắt mẹ cố che để con không nhìn thấy
Đã rơi vào trầm tích một miền quê
Đã hoá thành vệt lân linh ngoài bể
Đi về cùng gió mưa
Đi về cùng ánh lửa
Chớp sáng chân trời.
5. NHỮNG VIÊN ĐÁ LẺ
Những năm tháng đã mịt mờ xa ngái
Chạnh nhớ về là người phát cơn ho
Ngày di dân gió tràn vào xóm nhỏ
Thôn dưới làng trên nhà cửa tuột trần
Xua nhau lên núi
Bỏ lại sau lưng vườn cây lưu niên
Cánh đồng lúa đang thì con gái
Mẹ lận vào lưng không phải mấy con cua mà đùm hạt giống
Những gói lạc gói vừng bọc lá chuối khô
Bỏ lại sau lưng mồ mả cha ông
Và ngôi trường có cây đa nghìn tuổi
Cái chum đựng lạc giống
Cái lưỡi cày chìa vôi gãy mũi
Con dao rựa trơ cùn cán cháy đen thui
Bỏ lại
Cái kiềng sắt thọt chân đổ nghiêng nền bếp
Bỏ lại cây chanh hoa chụm trắng hình mâm xôi nếp
Bỏ lại sau lưng
Những kỷ niệm đã thành làng
Mẹ dẫn bầy con đi
ánh mắt phẳng lì màu đất nện
Sông Lam đã lùi xa tiếng sóng mơ hồ vọng đến
Mỗi năm đôi lần về viếng mộ tổ tiên
Đốt nén hương thơm khấn cầu làng cũ
Những chiều quê ráng nhuộm màu nước lũ
Mưa xói trắng đỉnh đầu
Nước chảy đứt đuôi rắn
Tấm liếp cửa kết bằng cọng chuối khô con rút dần mồi lửa
Gió thốc vào dáng mẹ bạt theo mưa
Treo lưng đồi một tổ chim chìa vôi
Túp nhà mẹ vừa dựng tạm
Mẹ hay ngồi phía đầu hồi nơi tấm tranh đã mủn Nơi ấy trời thủng lam nham nắng chiều vàng ối
Ngón tay gầy lẫn với que đan
Cái sàng phải thưa
Cho con còn biết đường lọc sạn
Cái rá phải dày
Để giữ lại dù chỉ vài mụn cám
Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười
Trên gương mặt thời gian còn rác rưởi
Củ khoai ri gầy như sợi lạt
Mẹ tha về nhà
Chùm rễ trắng mọc vào đêm
Cái rễ khoai lang thành khúc ruột mềm
Chưa hề đứt
Nên bầy con không ngửa tay ăn mày ngoài chợ
Nắng ho gà nên chiều tà đến tội
Gió quên lượm giọt mồ hôi để da tóc mẹ mồi
Nhà xóm núi đêm đêm giật mình đất lở
Mẹ lặng lẽ xách đèn sang nhà hàng xóm
Ngọn đèn hạt đỗ
Như mầm xanh vừa trổ
Phép màu gì giông gió phải kiêng khem
Nhà mới dựng lên
Quánh đặc bát chè xanh
Chòm xóm gọi nhau
Thơm lừng nước chát
Đọi cà pháo chất cao có ngọn
Rồi khoai lang ngọt bùi
Đêm quê kiểng lành hiền
Chuyện trò như ngô nổ
Những khát vọng niêm phong vào trầm tích
Cất giữ sơ sài trong bóng trăng non
Cả đời mẹ như toàn nuôi con mọn
Tiếng ve rẽ cơn mưa đưa nắng vào hè
Trên nương lúa vừa đỏ dé
Mẹ rẽ đá tìm từng hỏm đất
Hạt gieo vào hy vọng vàng hoe
Thời gian xúm đặc luỹ tre
Mía trổ cờ trắng bãi
Hoa tím bạt ngàn nhung nhúc vòi đỉa đói
Hút mật vàng
Rút ruột đất đai
Mẹ thảng thốt gom từng hom mía
Giấu vào tro bếp tiếng ong bay
Trời nơi này
Răm rắp một màu xanh
Im lặng nắng
Và im lặng gió
Nỗi âu lo mọc nhanh như cỏ
Mưa nắng ngặt nghèo
Sông suối vẫn trong veo
Sông suối vạch lối riêng tụ mình qua đám cháy
Ngậm đắng nuốt cay
Không vay mượn tiếng cười
Mẹ dặn con những giọng cười đi mượn
Sớm muộn gì cũng phải trả người ta
Muối đã mặn đừng pha thêm nước mắt
Mồ hôi sẽ lọc mình tinh khiết
Và nụ cười trở lại sáng bờ môi
Mẹ giấu vào trong mỗi giọt mồ hôi
Những mạch nguồn chìm nổi
Buổi sớm dong trâu đi làm
Tối đến ra vườn thăm chuối
Mẹ chóng già vì con trẻ ngại trồng na
Đói khát chen nhau gầy rạc lời ru
Nuốt lống ngày vui có giấc mơ năm ngoái
Mẹ là mặt trời sớm mai vẫn mọc
Từ trong bếp nhà mình rồi mới rạng khắp sân
Mẹ là trầm tích của những gian truân
Đưa con đến bến bờ huyền thoại
Bến bờ của những đứa con trai
Không chệch hướng giữa muôn trùng cửa ải
Dẫu mưa quây khú cả nắng vàng
Bến bờ của những thân con gái
Biết dựng lâu đài trên mảnh đất hoang
Mẹ là trầm tích của làng quê hoa trái
Cất giữ mọi giấc mơ rồi có mặt trên đời
Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến
Xanh mát màu trời đượm ấm hương quê
Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ
Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng
Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng
Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang
Mọi con đường trên trái đất rồi cũng võ vàng
Con có thể đi cùng kiệt
Khi chạm phải ba - ri - e của sự kiệt cùng
Con sững sờ chạm phải bóng quê hương
Cái chòm nhỏ nơi con được sinh ra bây giờ đã nhoà vào tre nứa
Và ánh lửa bữa con chào đời hàng xóm soi tìm hốc đất chôn rau
Bây giờ đã lịm vào khung trời khác
Kỷ niệm một thời có ngẩn ngơ xanh giữa tháng ngày đốm bạc
Thời khắc mỡ màng
Đá toát mồ hôi
6. QUẶNG LỬA
Giặc giã đến
Giằng khỏi tay con cây bút
Vở học trò gió phơi trắng hàng hiên
Tuổi thơ con trống như mặt bàn
Những ngày mải chơi quên đến lớp
(Trong ngần ơi
Thôi thì đành thất hẹn
Đất bỏng dưới chân rồi
Anh nào dám phân vân)
Những tháng năm ngốt xanh màu áo trận
Bụi đỏ vùi chột cả bóng tre
Rời bãi cát sông quê nơi con từng phơi mình suốt thời thơ bé
Rời mái trường nửa nổi nửa chìm lún sâu trong rừng nứa
Con nhập vào với lửa
Giật mình súng đã tràn tay
Bàng hoàng biểt tuổi thơ không về nữa
Lặng lẽ đi qua những thành phố cháy
Tàn tro bay đỏ quạch trước đình làng
Giật mình ngẫm may mà con có mặt
Để khỏi cúi đầu khi nghe chuyện ngày xưa
Bữa con xa nhà trời xối xả mưa
Quanh mâm cơm chia tay cả nhà ngồi xổm
Nước ngoài sân tràn vào lênh láng
Mấy khuôn mặt âm thầm quây quanh chiếc nồi rang
Lặng lẽ đè lên nhau
Những vết đũa dọc ngang
Quệt vào lòng nồi rang mẹ chưng khô nước mắm
Nước mắm kho vừa khét vừa đắng
Đứa em út con cứ khen ngon vội vội vàng vàng đưa lên miệng mút
Mắt tròn đen len lén nhìn xuống đất
Canh chừng nước mưa ập vào lôi mất cái nồi rang
Thiếu bát canh rau dền
Nên tiếng cười của đàn con không bị lút
Mong cho mẹ vui gắng đợi lửa tàn
Mẹ lụi cụi chạy vào trong bếp
Con cúi đầu nuốt vội tiếng khóc khan
Cái nấc nghẹn
Chỉ riêng mình mẹ thấy
Con đi theo bạn theo bầy
Họng súng hứng đầy khói bụi
Những đứa con trai vai gồng sông núi
Nhìn quầng trăng lại nhớ mảnh quê gầy
Đất dọc chiến hào đỏ tươi đâu phải ruộng mới cày
Sao đồng đội con cứ chăng dây cắm đầu đạn làm hàng lúa cấy
Những hàng lúa - đạn - đồng không run theo gió
Chỉ có khói bom bay là là như ai đang vãi tro
Khi lúa lốp sợ nhỡ thì con gái
Đất ruộng làng ta cũng đã mỡ màu
Gió ở chiến trường chẳng ngừng lâu
Hắt ngược vào mắt con cay xe nhung nhớ
Đạn bắn đi rồi
Vỏ đạn rỉ xanh
Rải rác những mảnh đời lẫn vào sắc cỏ
Con run run vuốt xuôi đôi mắt
Đồng đội con chưa kịp nhắm
Bỗng chạm phải
Một vệt sáng long lanh nóng hổi
Nước mắt của chính mình bỏng rát trên môi
Cái khoảng trống giữa hai trận đánh
Thường được lấp đầy như thế mẹ ơi
Bao nhiêu khoảng trống qua rồi
Bao nhiêu đồng đội con nằm lại
Màu lúa vàng rưng rưng
Nơi nào suối sông chưa tìm đến
Đồng đội con ở lại
Tuổi đời mới ướm thời trai
Những phần mộ quặn rừng già hoang dại
Như sóng chợt ngừng
Những cơn sóng gãy
Không kịp về biển
Cuồn cuộn rừng xanh rú đỏ thâm nghiêm
Những lượn sóng ngầm thấm vào lòng đất
Ngày một ngày hai
Về lại quê làng
Mướt mịn phù sa đắp bồi bến bãi
Mượt mà đưa câu hát sang ngang
Đêm Trường Sơn nhập nhoà pháo sáng
Con máy mắt liên hồi
Chắc mẹ thầm nhắc gọi
Xin mẹ đừng lang thang ra ngoài ngõ
Đừng tựa lưng thêm vào nơi mẹ đứng chờ con
Cái thân cau bây giờ nhẵn bóng
Loáng trơn
Những tiếng thở dài
Có phải cây cau vừa trổ gai
Níu mẹ lại khỏi ngã xoài xuống đất
Chiến tranh đi qua bàn tay lật
Hất vào mắt mẹ
Bóng tàn nhang
Con ruổi rong dọc những đại ngàn
Vách đá rừng Lào hao hao dáng mẹ
Đá mồ côi
Đá cũng mồ côi như lũ trẻ
Nên gió mênh mang thổi lộng tháng ngày
Đất nước mình đắng cay
Con xa nhà mẹ già thêm nhiều lắm
Cái sạp nứa gãy nan
Mẹ lui hui ngồi dặm
Sờ lên dấu chân con nhảy nhót ngày nào
Mẹ cứ vuốt ngón tay khô gầy lên vết chân con ngày ấy
Lên cái dát giường để dằm xóc vào tay
Những tháng năm tươi nguyên màu máu chảy
Thổi suốt đời con ngọn gió trong lành
Như vỉa quặng ẩn mình dưới đất
Chút vốn liếng dụm dành
Trầm tích của trái tim
Cho con biết cười biết khóc
Biết yêu người mình yêu như chính yêu mình
Biết bạn bè không có nhiều lắm đâu dẫu mặt đất ngày càng đông chật
Những gì đã có
Cố đừng để mất
Biết sự thật không hồn nhiên như cỏ
Cỏ bây giờ dần đã hiếm hoi
Ghét thì cho chơi
Thương thì cho roi
Lời thương mến lại nằm trong đá tảng
Đá tảng cô đơn
Giọt lệ vụng về
7. MƯA ỐC ĐẢO
Cờ đỏ ngợp bờ đê
Pháo hoa rạn trời ngày chiến thắng
Xốn xang
Người lính trở về
Ngật ngưỡng con búp bê ngồi trên khung xe đạp
Như đàn lạc đà trườn qua sa mạc
Những mặt nhìn hốc hác
Lũ lượt bíu vai nhau
Hàng một
Tôi cùng đồng đội chia phôi
Nơm nớp nỗi lo
Mẹ có còn đợi con đầu ngõ
Có người lính mãn thời trai trẻ
Người yêu
Giờ đã lấy chồng
Con búp bê mở mắt tròn xoe
Suốt ngày khóc trên tay con của người yêu cũ
Khung xe đạp rúc vào gầm tủ
Bạn tôi ngồi đẽo cày
Ngửa mặt canh mưa
Tôi ngỡ chẳng có chi để mà chia lửa
Đánh giặc tan
Lính tản
Loãng chiều
ở mặt trận về
Không thể ngờ em còn đứng đợi
Tóc em xanh như trời
Tôi ngơ ngác đi qua
Em là cội nguồn của những đam mê
Tôi đăm đắm suốt đời
Đâu chỉ thời tóc xanh mắt sáng
Cả lúc chiều về nắng cạn
Vẫn ngỡ ngàng khi ta có nhau
Ước một ngày
Đưa em về làng ta được mùa cau
Cau sáu bổ ba
Mẹ ngồi têm trầu thâu đêm suốt sáng
Mắt thoáng bình yên
Mái tóc bạc trắng sang phương trời khác
Em là cơn mưa tôi ngóng chờ mùa khô khát
Nhức nhối
ước vọng chưa thành
Như trời xanh cuối ngày lại trôi vào đêm thẳm
Em là trầm tích dưới lớp lớp tháng năm
Lặng lẽ
Lắng vào đời con chúng mình dáng hình của mẹ
8. Hoàng hôn màu cỏ
Khói lửa tạm lắng rồi
Gói chiếc ba lô phồng căng thời trai trẻ
Con trở về miền ao ước
Rải tiếng cười lăn xuống gậm giường
Ngực để trần
Áo trận lỏng tay
Một mình đứng khóc thầm cùng cỏ lác
Không còn sợ thần sắc long đong
Không còn lo chùm bom thù đi lạc
Mẹ bảo
Còn hai bàn tay là còn của nả
Còn nhớ về những nấm mộ rừng xa
Thế kỷ này vẫn lắm quỷ nhiều ma
Chỉ có bầu trời làng ta đang trong trẻo lại
Những chiều tà
Dân làng không túm tụm nhau ngoài bãi
Hoảng hốt nhìn những lằn chớp đen chèn ngang lễ cưới
Hoảng hốt nhìn những sân trường sạch bóng trẻ con
Hoảng hốt nhìn vào lòng mình thấy ruột gan nóng rần như lửa đốt
Bói đâu ra bóng dáng của ngày thường
Bói đâu ra tiếng gà trưa đảo trứng
Tiếng mõ trâu chùng cả dáng chiều
Mẹ ơi!
Con nào dám cầu xin chi nhiều
Sau chuỗi ngày chinh chiến
Sau chuỗi ngày rụng rơi như bồ hóng
Những năm tháng hoả lò không sót lại muội than
Cho con xin vỏn vẹn một ngày
Trải lá chuối lên xó vườn rậm cỏ
Nằm dang tay dang chân
Để nghe gió thì thào to nhỏ
Để dõi theo mây núi trắng ngần
Để nỗi nhớ lần về tận ngõ
Theo chuyến đò ngang
Dụi mắt
Đỏ chân trời
Lặng yên lặng yên
Con lặng yên nghe
Tiếng giao thông hào thở phào dưới nắng
Tiếng con đường làng lang thang theo cây
Tiếng rơm rạ sà vào nhau run rẩy
Có gì đâu
Mà con ngất ngây
Dè dặt đến cả từng hơi thở
Nằm trên đất như đi trên dây
Gặp những điều trong giấc mơ mới thấy
Nghe cả những lời lớn lao bình dị
Của chiến hào xưa
Của con đường cũ
Của ruộng lúa trước nhà
Của dòng sông ngoài bãi
Nói về may rủi được thua
Nói về ước mong khát vọng
Nói về nhân ái thuỷ chung
Nói về buồn vui tắt đỏ
Mẹ ơi
Xin cho con thêm một lần thả mình trên cỏ
Thiếp đi dưới bóng của làng
Giữa mơ màng thức ngủ
Nghe thì thầm trong đất
Nẻo đường dẫn đến mùa thu
Nẻo đường ngược về lịch sử
Nẻo đường dài ngắn xưa sau
Trời trong vắt
Mắt người xa xứ
Nỗi nhớ thì gần
Cái nhớ thì xa
9. Bóng đa làng
Người lính mải mê với súng
Có lúc lãng quên những viên đạn rời nòng
Quên đi vùng chiến địa đưa mình vào trận đánh
Quên đi cành lá nguỵ trang từng đổi cả mạng người
Riêng viên đạn biết mình đi tìm đích
Đầu đạn cũng quên nơi phát hoả
(Ôi ! Giá mà con cũng được nguôi quên)
Ta nhiều khi mình dấu cả mình
Bỏ sót những cái đích kề cận
Quay lại tìm trời đã nín thinh
Quay lại tìm ta không là ta nữa
Cái đích xưa
Giờ đã cũ mèm
Mây trắng lắm
Mút năm
Ta ngồi lặng
Soi gương vào tảng nắng sau lưng
Nấu nung chi
Chiều đứng lì trên bến
Sông buồn lạnh bóng nước trôi
Đò cạn lối
Bến ngóng đò đứng lặng
Gió dong mưa
Im ắng xuống đồng
Không gian mênh mông
Đầy giới hạn
Thời gian vô tận
Mải long đong
Ngửa mặt va ngày
Mở mắt vấp đêm
Ngã ba ngã tư
Đèn vàng đèn đỏ
Đi khó
Về cũng khó
Lối trước ngõ sau
Nhan nhản lõm lồi
Sắp đặt đời mình đâu chỉ tự mình thôi
Gặp cầu phải qua gặp sông phải lội
Vẫn còn nhiều nẻo đường trên mặt đất này chưa có lối
Mà cái đích mỏng manh lại tấp tểnh tận đâu rồi
Mẹ dặn con ra đường nhìn thẳng
Nhưng đừng quên ngoái lại phía sau
Nhìn thẳng để tới nhanh
Ngoái lại đằng sau để không về muộn
Gắng nhớ những gì cần nhớ
Và chớ phung phí thời gian vào những cái phải quên
Nghĩ suy nên cứng cáp
Nói năng lại phải mềm
Quá khứ không toàn là kỷ niệm
Quá khứ có lúc còn buốt óc
Quá khứ lộ thiên
Có đá có vàng
Có cả những báu vật rồi ngày mai ai may thì sẽ thấy
Có cả những màu mây chưa từng đến với trời
Có cả đống bão giông đang tích điện đợi ngày dâng hồng thuỷ
Và có cả gương mặt của chính mình sẽ mọc lại với mùa sau
Nếu ai quên quá khứ của mình
Một mai thôi
Như dòng sông tắt nước.
Mọi mạch nguồn buồn bã ngược về non
Lại về với con
Cái nhớ chẳng chịu già
Thanh thản đồng quê mùa gặt hái
Rơm vàng đơm nắng trên đê
Rơm vàng nhảy lò cò với cỏ
Rơm vàng nguýt lườm lũ nhỏ
Cơm mới nức thơm cười trắng vung nồi
Lại về với con mùa tằm ăn rỗi
Nong kén vàng rủ nắng vào đêm
Tiếng xa quay ươm tơ vào giấc ngủ
Tiếng bãi dâu rũ nước đợi trăng ngần
Lại về với con hoa cải ngoài sân
Mùa hạ thèm chua mùa đông thèm mặn
Những chuyến đò ngang neo vào số phận
Có phải vậy chăng
Mà con sinh ra thì tràng hoa đã quấn cổ ba vòng?
Lại về với con những đêm trời trong
Dọc luống khoai lang mỡ màng đất bãi
Lũ trẻ bò toài lổm nhổm cùng trăng
Đuổi bắt cánh cam vồ chụp bọ rầy
Vồ chụp những niềm vui chỉ bay về khi nỗi lo đã vãn
Khi trong bồ ngô sắn cũng ngủ say
Có nỗi nhớ hằn lên vết cháy
Đến bây gìơ vẫn bỏng rát tâm tư
Mẹ ơi
Bữa để xổng con cá chầy ngoài bãi
(Con cá chầy sẽ mang gạo về cho các em con
Không còn vừa ăn cơm xong lại nhồi thêm khoai sống)
Nhìn chú cá mừng rơn thoát nạn
Con lẳng lặng về nhà
Bưng hũ cá choai mẹ dành để bán
Giấu biến vào người
Phóng một mạch ra ao
Từ ngực con phóc ra một trận mưa rào
Phóc ra những quầng sáng lần đầu tiên con biết.
Nhìn mặt ao lần đầu tiên có sóng
Lũ em đứng vỗ tay
Mẹ rấm rức cười
Mắt mưng mưng gió
Con ngơ ngác dòm trời
Chiều vẫn nắng chang chang
Sao mắt mẹ không mưa mà ướt
Sao người lớn miệng cười mắt khóc ?
Khung trời tuổi thơ mát lựng từng chân tóc
Con gối đầu lên năm tháng vỗ về
Những ngôi chùa một thời cả ông bụt cũng bỏ làng hành khất
Nằm lại chiếc bình vôi sứt miệng
Lăn lóc ngoài bờ tre
Lũ trẻ làng sao giống cái bình vôi
Lăn lóc trong cơn đói
Mái đình làng ngói mục rữa rồi không ai dọi
Hương khói đói meo
Luẩn quẩn theo rạ rơm ra sưởi nắng trước hiên nhà
May cho làng còn lại cây đa
Cây đa đề không ai rõ tuổi
Trẻ con trốn học chui vào hốc đa
Sáo đen uống nước chui vào hốc đa
Quạ khoang rình mồi chui vào hốc đa
Những câu chuyện của bà
Từ cây đa bươn ra
Những ao ước của cha
Từ cây đa sải cánh
Những niềm tin của con
Từ cây đa buông rễ
Bóng đa là nơi giấm những vui buồn thành của ăn của để
Bóng đa là phong vũ biểu của làng
Bóng đa tàng hình con ma cố Bợ
Hay nhát trẻ con và nói trạng như thần
Những đêm giữa tháng
Cây đa là nơi trăng mọc
Nơi mắt con gái có màu
Nơi giọng con trai như gà mắc tóc
Nơi trẻ con đi qua im như thóc
Khi cố Bợ trở mình làm rụng mấy búp đa
Những xóm gần những thôn xa
Những miền quê của cây đa cây gạo
Của luỹ tre giếng nước sân đình
Của chum tương chĩnh cà vại nhút
Rồi trở về trong xa xăm
Rồi ủ ấm những đêm dài thiếu lửa
Rồi hiện hình trong nắng trong mưa
10 tháng Một, 2008, 04:10:43 PM Reply #1 dok • ADMIN • • Posts: 882 • Điểm bài viết: 81 • o Doãn Minh Đăng •
Trầm tích - Trường ca của Hoàng Trần Cương
10. Tảo mộ
Người đã khuất vẫn cưu mang người đang sống
Ngôi mộ là chứng nhân
Những chứng nhân mọc và rụng không bất ngờ với đất
Đất hiến trao
Đất lại nhận về
Lặng im mới dài lâu
Lặng im là màn đêm ngậm một nửa địa cầu
Ngôi mộ là ngôi nhà của những linh hồn sống trong đêm
Ngôi mộ còn là chiếc cầu giúp người sống đi tìm nguồn sáng
Đi tìm và tiêu hết vốn liếng ánh sáng của mình
Trước khi trời dục hoàng hôn đến rước
Trước khi đất vội vàng trải thảm cỏ xanh
Những nấm mộ vô danh
Những ngôi mộ như khuôn viên thành phố
Những phần mộ như xác thuyền lật úp
Gió bão cào xô đổ sụp
Rải rác bờ sông
Tản mác rìa làng
Mắc lưng chừng núi
Lút trong cỏ dại cát vùi
Ngày tảo mộ cả làng dậy sớm
Ngạt ngào xôi nếp thơm
Mùi cỏ dại cay nồng
Mùi hương bay ríu giọng
Những chi tộc gần xa về hội ngộ
Mơ hồ phấn mưa bay
Vuông đất này xin bái tiến tổ tiên
Vuông đất này xin hiến trao người lạ
Phiến đất mịn nhấc ra từ ruộng mật
Lành nguyên hình bánh chưng xanh
Những ngôi mộ vô danh
Xin nhận cho nén hương này nóng hổi
Thanh minh rồi
Bờ ruộng đã liếc nhau
áo đỏ áo xanh cào cào châu chấu
Đuổi trẻ con tán loạn khắp đồng
Nở rộ triền sông
Hoa viếng mộ
Xanh theo ngọn cỏ
Lúa căng đòng
Tiếng chiêng báo đáp chừng không dứt
Chật cứng ngày dài
Khuôn mặt hiền khô
Đêm lảng vảng
Nhà cao tường kín cổng
Ngoài đồng xa
Hương khói mỏi đường trời
Có những lối mòn mòn theo tháng năm
Sương bạc trắng ánh trăng mùa lạnh
Đom đóm tóm nhom
Lập loè cỏ hát
Gầy rộc đêm hè
Cơn gió khát
Cơn gió hoang loạng choạng cổng làng
Thấp thoáng bóng âm hồn phiêu lãng
Mờ xanh
Mờ xanh
Sửa soạn lại dáng hình
Trong điệp khúc của đêm qua ngày tới
11. Địa linh
Mẹ ơi
Mẹ đã cho con trái tim mang hình chóp núi
Chống nắng chọi mưa
Trần trụi dưới trời
Cái chóp núi vừa ngoi lên đã chui qua cát bụi
Nghèo khó niềm vui
Giàu có nỗi buồn
Những nỗi buồn có rễ
Đá hộc tựa vào đá tảng
Sóng ngầm khởi đáy biển sâu
Con tựa vào huyết mạch
Tựa vào phúc đức cho ông (cha)
Tựa vào miền tâm linh chưa ghi trong sổ sách
Nơi mùa hạ long đầu
Nơi mùa đông lỏng gối
Nơi thiêng liêng thơm thảo tình người
Nơi nước mắt sáng cùng ngọn nến
Lắng tiếng thời gian
Lắng ngọn gió xoi lên từ đất
Lắng giọt mưa lật đật ngang chiều
Lắng bóng nắng những hôm trời đau yếu
Gặp trăng thâm quầng đứng khóc cạn đêm
Gặp những dòng sông thoi thóp nước
Gặp những lối mòn cắt mặt thời gian
Con sinh ra mắt ngợp đại ngàn
Rừng rú rậm xui buổi chiều đến sớm
Đất thương người lo trời chóng tối
Những gò đồi tím lịm sim mua
Những bãi hoang loang đầy vọt bổi
Sim chín thay cơm
Lá bổi thay đèn
Suối đã nhỏ còn trườn ngang vách đá
Đất gan gà rỗ hoa
Vực xoáy sông sâu
Nỗi lo xoáy trắng đỉnh đầu
Đôi mắt xoáy trời chín nẫu
Trước mặt
Sau lưng
Không chỗ đi ngang về tắt
Về tắt mắc rừng
Đi ngang vướng biển
Đất và người
Tự soi bóng nhau
Thời chiến lên rừng
Thời bình xuống biển
Mặt tháp trùng dương
Lưng dựng đại ngàn
Núi biển sông sâu
Phanh trần tính cách
Đội lửa trên đầu
Dẵm sóng dưới chân
Những khát vọng mọng như ai nấu
Mang đậm sắc trời
Tẩm ngẩm xanh
Cơn gió nào áo xống phong phanh
Cơn gió nào đi đêm không lạc
Cơn gió nào thổi cay thổi rát
Cơn gió nào cào lửa vào đêm
Gió Lào
Gió Lào
Thổi khô nước mắm
Mẹ giấu biệt trong buồng mà gió chẳng buông tha
Tội nghiệp chiếc nút lá chuối đã luội teo rồi vẫn khổ
Sáng ngày ra
Mang tiếng mang tai
Sao trong chai lại tròi lên muối trắng
Chiều chưa nguội nắng
Ngoài đê cỏ hỏn hẻn cười
Đất đã giật mình nghe sấm đuổi
Lòng sông đã co rúm bàng hoàng
Mùa lũ theo con kiến càng
Leo cong ngọn cỏ
Mùa lũ theo đàn kiến đỏ
Men ngược bờ tường
Mùa lũ đuổi bầy kiến đen
Tha rơm vào tổ
Mùa lũ xua đàn kiến gió
Bỏ nhà đi hoang
Mùa lũ đẩy cánh kiến vàng
Sang nhà hàng xóm
Bờ sông lập loè đom đóm
Mẹ bảo năm nay lại lụt to rồi
Mẹ ơi
Sau những nhọc nhằn mê lú
Sau những trận đụng đầu nát ngấu với gió mưa
Phút yên bình con mới tỉnh ra
Thôi thì đành tính đường sống chung với lũ
Thôi thì đành nhịn nhường nhau mà dỡ rào mở lối
Sông có phận sông
Người có phận người
Mắc mớ chi mà tính toán hoán đổi
Mắc mớ chi mà sấp mặt tối mày
Của rẻ của ôi
Nhà đông con lấy cái no làm chắc
Áo anh em mặc
Khoai sắn thương nhau láu táu để dành
Những chiều xanh
Gió lổng đổng tông vào máng xối
Lá vàng rụng khắp nhà kết bạn với buồn lo
Nhọ mặt người mẹ còn lọ mọ
Dé lúa xạc xờ là rớ lại của cơn mưa
Con nói năng nhặt chặt bị mà chi khi nước chảy chỗ trũng
Mẹ cười sống trên đất này
Phải tằn tiện nhưng không bần tiện
Miếng ăn quá khẩu thành tàn
Có điều chi thì cũng nên một vừa hai phải
Bằn bặt, ngày thôi
Năm bồi tháng lở
Hình như sông cũng nằm mơ
Nửa đêm sóng cười trắng xoá
Hình như bến bờ đau đẻ
Khoắt khuya đất vật ùm ùm
Những dòng sông sinh ra như để chuyên làm lụng
Phù sa sa thải phù sa
Lở bồi túm tụm
Chụm sóng vào biển khơi
Nhiều lúc con thầm cật vấn mình
Vì sao buổi chiều không trẻ
Cái tươi trẻ của mưa rào mùa hạ
Xả mình vào đất đai
Xả mình xuống những vách đá trơ lì bạc phếch
Hầm hập quanh năm mà lạnh cóng cuối ngày
Cái tươi trẻ của cánh đồng làng ríu ran hương lúa chín
Tóc thôn nữ dài nhấp nhứ bóng trăng
Tóc thôn nữ dài mê mải xanh rải bình yên lên sóng lúa
Lên lớp bùn còn lón tón vết chân cua
Vì sao con không có những dòng thơ nằm ngay ngắn trên cùng mặt phẳng
Những dòng thơ tươi tắn như mặt hồ phăng phắc đợi mùa thu
Những ngày thiếu sóng
Nước lóc bóc lọc mái chèo mà sông chẳng sủi tăm
Những trầm tích giữa bộn bề năm tháng
Khuất mình nhưng chưa khuất bóng
Khuất mình nhưng không khuất lặng
Như mây trắng trên trời
Như ngọn sóng dưới sông
Như mưa chưa ngừng rơi
Và gió
Hững hờ hò hẹn với xa khơi
12. Thành hoàng
Thành hoàng làng tôi là cậu bé chết trôi
Dạt vào bãi sông mùa lũ nổi
Sau ba ngày mối xông
Sau trăm ngày em thành người muôn tuổi
Quê kiểng nghèo
Không sắm nổi một chiếc bè thân chuối
Để em thành thằng bé trôi sông
Cảm ơn cánh đồng
Vẫn để dành cho làng đàn mối
Vẫn để dành cho thành hoàng nguồn cội
Khi thượng nguồn tống lũ về xuôi
Rồi đêm đêm giữa mùa nước lên
Ngoài bãi sông có tiếng người lục đục
Từ ngôi mộ mối xông
Nhảy chân sáo chạy ra một bóng trắng choai choai hì hục
Bóng trắng lấm lem không rõ mặt mày
Sáng ngày ra làng bàng hoàng ngơ ngác
Trời đã cho mình vị thần hộ đê
Những hang hốc dẫn lũ vào tuốt lúa
Những lối mòn chuột cống chạy ra sông
Những vết nứt trên thân đê một thủa
Bỗng kín bưng như chưa có bao giờ
Bổng tản theo họ hàng nhà kiến
Lụt lội nhiều năm không sục vào làng
Năm tháng thênh thang
Nửa đêm thành hoàng lại rời ngôi đền cổ
Ngôi đền được dựng lên nơi mối đùn kín mộ
Ngoài bãi sông
Những cơn lũ thở dài
Hậm hực lảng qua làng
Nước trượt trắng chân đê
Giữa giông gió triền miên
Trong tiếng sóng gầm gừ mệt lử
Bỗng khanh khách vọng tiếng trẻ con cười
Đền thành hoàng thơm lừng cơm nếp
Đền thành hoàng thành nơi dâng lễ
Bọn trẻ xóm tôi lẻn đến nô đùa
Ký ức một thời vây bủa
Khắc đậm trong ta huyền thoại xóm buồn
Biết người già vì sao thích lang thang
Biết phù sa vì sao rớm đỏ
Đồng ta đất vẫn bạc màu
Mặt người còn nhàu sương gió
Đêm thì phải đen
Ngày thì phải sáng
Những mập mờ xin thả trôi sông
Thành hoàng làng tôi mang lứa tuổi học trò
Í ới vượt sông mùa nước cạn
Pháo sáng ngang trời
Mập mờ đêm tối
Mùa bão giông bụng đói mắt mờ
Giấu kín sau lưng sách vở
Giấu kín sau lưng món nợ
Tôi bơi ra giữa dòng săn tìm cây gỗ mục
Xoá sự dối lừa
Ném xuống vực sâu
Để lũ lụt thôi lập lờ điêu trá
Rủ trẻ con ra sông
Rủ trẻ con đuổi theo ảo mộng
Thành những thành hoàng lang bạt theo sông
Thành hoàng làng tôi là vị thần muôn tuổi
Dân làng tôi hiền thảo
Quanh năm suốt tháng lam làm
Nhìn người không nhìn mũ áo
Trước đình hay đếm trăng sao
13. Thiên nhiên
Trời sinh thành mùa hạ
Đất dâng hiến mùa đông
Trong ngần nguồn suối
Tình yêu mang đẫm mình bóng mưa phiêu diêu
Phủ trắng chân trời tháng hạ
Em mát rượi như ngọn nguồn hoang dã
Anh khát thèm
Môi sém nửa vầng trăng
Lúa trổ đòng ngóng mưa có như anh mong em
Nấu cơm thành cháo
Đụng vào nhau
Là trẻ con rông rổng sổ lồng
Bếp than hồng rực trong đêm lạnh
Ngọt ngào cay xót
Em thấm vào anh
Đam mê lịm ngọt
Như ngải như bùa
Như bão như giông
Giai điệu của rừng
Giai điệu của sông
Gọi trăng vào đêm
Gọi nắng vào ngày
Em ngang qua chiều
Nắng thơm mùi rượu
Mắt sông
Môi lửa
Gió lên đồng
Đầu hạ cuối đông
Mặc kệ
Đã là lửa thì cháy
Đã là mây thì bay
Em là thế
Và anh là thế
Xanh nghiêng đêm
Và thắm lệch ngày
Giấu làm chi đầu mày cuối mắt
Nén làm chi cho thắt nhịp tim
Cơn mưa rào đâu hạ
Chìm ngập ao chuôm
Mát lựng hè
Mưa đan mưa
Nắng trào xanh gió
Những mạch ngầm
Thầm nặng sủi tăm
Mạch ngầm có sóng
Cất trong mắt ai
Cho thu trở lại
Như trầm tích vô hình
Như trầm tích trĩu nặng
Trốn vào sắc cỏ hoang
Trốn vào tiếng thở dài của gió
Trốn vào dòng sông
Cạn nước vẫn dạt dào
Em là cơn mưa
Vỗ về nắng hạn
Xanh như tán lá
Loang vào nỗi nhớ
Khoảnh khắc gặp gỡ
Mờ đất tối trời
Như là ngọn lửa
Sấn vào đêm sâu
Đêm ngày sấp ngửa
Đất nâu
Gọi mùa
Trời xanh lá lúa
Nước xanh màu trời
Đêm chờ
Ngày đợi
Bây giờ mưa rơi
Bây giờ nắng rực
Bây giờ mặc sức
Giao hoà thiên nhiên
Tình như sóng biển
Tình như mưa nguồn
Thời gian thác cuộn
Ngả nghiêng vui buồn
Nắng say đỏ ráng
Em đến với ngày
Mưa đến với đêm
Và anh mang gió
Ôm mưa ngang thềm
Mưa chừng đã lạnh
Nép vào trong anh
Chỉ màn đêm biết
Thiên nhiên trong lành
Em ngang qua chiều
Nắng thơm mùi rượu
Mắt sông
Môi lửa
Gió lên đồng
14. Cấu trúc làng
Thuỷ chung và nhân hậu
Những quê làng
Suốt một thời rặt áo màu nâu
Tre pheo cụt ngọn
Đêm tối trời
Lốc xoáy hình vành nón
Mẹ chạy ra vườn tuốt lá chuối khô
Nhét vội vào khe mắt mùa đông
Giấu che bếp lửa
Ròng rã đêm mưa
Vẳng tiếng khóc trẻ con
Trên ngọn cây bên nhà hàng xóm
Ngoài cổng rớt xuống tiếng kêu của con chim ăn đêm
Mẹ bảo xóm ta lại có người tử trận
Những ngón tay buông theo tiếng thở dài của mẹ
Xáo chậu than hồng
Xao xác tàn bay
Làng tôi xanh
Sao những rặng tre gầy
Lại chỉ đẻ toàn bầy tre đực
Những lóng tre vút trên miệng vực
Rợp bóng cùng trời xanh
Buổi giặc trời ám sát ban mai
Mẹ đẵn tận gốc những luỹ thành chắn sóng
Những thân tre cụt ngọn
Kết bè kín mặt sông
Dòng sông đi ra biển
Những chiếc gậy tre tuôn về phía biển
Ròng ròng mùa chinh chiến
Bờ tre còm rướn sức trổ mầm non
Một sáng quân thù ập đến
Đã thấy tre chống nạnh đứng trước thềm
Tạnh bom rồi
Giấc ngủ tròn đêm
Mẹ không về phố
Ở thị thành không có những cây tre cụt ngọn
Mẹ trở lại cánh đồng
Khom mình vớt lúa
Bữa về thăm con bất chợt nhận ra
Một cấu trúc có từ muôn thuở
Cấu trúc hình bông lúa
Những hạt lúa ken nhau dày đặc
Đứng trước đứng sau
Gié ngắn gié dài
Hạt mẩy không che
Hạt gầy không lép
Xúm nhau thành ruộng thành đồng
Kết tụ mùa màng đi dọc tháng năm
Bỗng nhớ luỹ tre làng
Bao quanh thôn xóm
Những bãi bờ ken dày tre Thánh Gióng
Cái giống tre gan góc trong gió sóng
Cũng xúm nhau như lúa đồng vào vụ gặt
Cấu trúc của làng hiển hiện xanh
Con tắm trong kỷ niệm trong lành
Mải miết theo bến bờ xuôi ngược
Nước xanh không có tuổi
Những con sóng cũng xếp bên nhau lần lượt vỗ bờ
Những con sóng rợp bóng tre bóng lúa
Cấu trúc của làng
Nghĩa tình của mẹ
Đậm đà nhân ái sâu xa
Ai lọc mà nước trong
Ai quấy mà sông đục
Nén đau sóng đi vòng
Cho bờ thôi xới lở
Những dòng sông quặn thắt
Chở đẫm mình phù sa
Nước xiết như bào ruột
Vẫn buông mình đi xa
Những dòng sông gầy rộc
Những luỹ tre quanh nhà
Những cánh đồng của mẹ
Rồi đi vào miền xa
Rồi lặn vào trầm tích
Rồi ngập tràn nhung nhớ
Rồi trăng non bói tìm
15. Cá gỗ
Năm tròn bẩy tuổi đầu
Theo cha ra Hà Nội
Biết con ai bằng cha
Đang lập loè lớp một
Cơ quan ở Ngọc Hà
Trường mượn Đinh Hữu Tiệp
Tan học băng về nhà
Ôm hơi cha ngủ thiếp
Lớp Một trong làng hoa
Hương thơm tràn trang vở
Cạnh sân xanh bóng nước
Ao làng mây trắng qua
Cả lớp toàn người Bắc
Riêng mình con Nghệ An
Hay giơ tay thắc mắc
Mà giọng thì oang oang
Cô giáo nghe không rõ
Nhiều khi xuống tận bàn
Giọng cô trong như gió
Nói chậm cho rõ ràng
Ngay buổi học đầu tiên
Đã bị nhà trường phạt
Đứng úp mặt vào tường
Trán bây giờ vẫn rát
Bữa ấy đến phiên trực
Của nhóm ngồi bàn đầu
Con trai trèo lau bảng
Con gái xếp ghế bàn
Con chỉ cái giẻ lau
Nói với hai bạn gái
Đưa hộ cái nùi trồi
Bạn lại mang mũ đến
Chuyện bắt đầu chỉ vậy
Cả nhóm ra rửa tay
Đằng ấy người mô rứa
Nói như Chi -ca - gô
Hai bạn cười ngặt nghẽo
Tóc đuôi gà cười theo
Lại còn nheo cả mắt
Lại còn dẩu cả môi
Đúng là dân cá gỗ
Giẻ lau gọi nùi trồi
Đã thế còn hay nói
Phát biểu nghe không ra
Tức thì con bốc hoả
Không nói cũng không rằng
Ngồi giữa đứng bật dậy
Gạt phăng bạn xuống ao
Con gái không biết bơi
Suýt nữa thì chết đuối
Cả lớp nháo nhào nhào
Như bầy ong vỡ tổ
Vốn là con rái cá
Của hai bờ sông Lam
Con nhào ngay xuống nước
Kéo hai bạn lên bờ
Trường mời cha đến vội
Lo lắng con mò theo
Thầy đón cha trước cổng
Ngực con trống đổ hồi
Không biết cha thưa gì
Thầy bắt tay thật chặt
Tủm tỉm nhìn con cười
Còn dắt tay vào lớp
Lớp Một ơi lớp một
Thật chẳng hiểu làm sao
Hai bạn gái ngã ao
Lại chơi thân con nhất
Trái sấu non xanh mướt
Que kem giờ ra chơi
Bạn giấu mang đến lớp
Dúi vào tay tớ mời
Mỗi lần qua trường cũ
Tôi bần thần bờ ao
Soi tìm trong bóng nước
Đôi bím tóc đuôi gà
Về nhà gạn hỏi cha
Sự tích chuyện cá gỗ
Cha cười hẹn buổi tối
Cùng nhau ra vườn hoa
Dọc đường níu tay cha
Con luôn mồm lục vấn
Cặp con toàn sách vở
Có con cá nào đâu
Xoa đầu con cha kể
Tục truyền từ ngày xưa
Có ông đồ hay chữ
Người xứ Nghệ - quê mình
Ông đồ ham học lắm
Chữ của làng hết rồi
Ông cất đường lên tỉnh
Tìm thấy toát mồ hôi
Đói cơm còn chịu được
Đói chữ thì khổ to
Trong làng người già bảo
Phải ra thị thành thôi
Tìm thuê nơi ở trọ
Cùng nhà lắm kẻ giàu
Mình áo nâu tráp vá
Phận nghèo ăn muối rang
Học chữ thì ông giỏi
Cái nghèo giấu vào đâu
Nằm vắt tay qua trán
Suốt đêm ông ôm đầu
Hôm sau ông lẳng lặng
Mượn trăng khuya làm đèn
Lấy một khúc củi nhỏ
Ngồi gọt cả màn đêm
Thế rồi từ khúc củi
Một con cá ra đời
Một con cá bằng gỗ
To bằng ba ngón tay
Ông lật ngang lật dọc
Trổ thêm vẩy thêm vi
Con cá trông như thật
Nhìn qua chẳng biết gì
Lựa một nơi quạnh vắng
Xa tít tận ngoài đồng
Ông cho rơm bén lửa
Và đem cá lên hơ
Con cá gỗ được nướng
Toàn thân đã rộm vàng
Lưng trông như cá chép
Bụng lại giống cá tràu
Nướng xong đem rang muối
Muối mặn bám đầy vây
Trông xa tưởng cá ướp
Nhìn gần hoá cá kho
Thế rồi từ buổi đó
Cứ bữa cơm hàng ngày
Ông cho thêm nước mắm
Bày cá gỗ ra mâm
Cơm hết cá vẫn còn
Ông toàn chan nước mắm
Bạn bè không ai biết
Xong rồi cá vẫn nguyên
Cứ mỗi lần ăn xong
Nhè lúc không ai thấy
Ông bọc lá chuối khô
Giấu cá vào trong tráp
Ông ngày càng học giỏi
Không còn ai chê nghèo
Được ăn cơm với cá
Nhà trọ khối người ghen
Như cái kim trong túi
Lâu ngày cũng lòi ra
Rồi một bữa vô tình
Bị mọi người phát hiện
Hôm ấy ông lơ đãng
Hết sạch lá chuối khô
Ông vội chạy ra vườn
Bỏ cá nằm trên đĩa
Bà chủ trọ đi dọn
Vô tình đánh rơi mâm
Bát đĩa vỡ tung toé
Con cá vẫn cứng đơ
Thấy lạ bà nhặt lên
Săm soi nhìn kỹ lắm
Thì ra con cá gỗ
Của ông đồ miền Trung
Khe khẽ đặt lên bàn
Bà lặng người vào bếp
Ông thầy đồ trở lại
Trong mắt đầy bóng đêm
Từ đó khắp nhà trọ
Chuyện cá gỗ loang xa
Chuyện ông đồ xứ Nghệ
Học giỏi nhưng giấu nghèo
Rồi khoa thi năm ấy
Ông giật lèo Trạng nguyên
Sau làm quan to lắm
Thượng thượng thượng đẳng thần
Ban đêm ngồi luyện chữ
Ban ngày giải oan gia
Làm quan mà liêm khiết
Bạc đầu vì thiên thư
Ngày ông về với đất
Lương dân lập đền thờ
Cái tráp cũ vẫn cất
Con cá gỗ gầy xơ
Sự tích con cá gỗ
Là giai thoại mà thôi
Con cố học cho giỏi
Để mai sau thành người
Giọng cha tối hôm đó
Còn đượm ấm đến giờ
Trời đêm bằn bặt gió
Mắt con đầy mộng mơ
Cá gỗ ơi, cá gỗ
Là người dân đất này
Trầm mình trong đói khổ
Vẫn thả hồn gió bay
Như bát cà trắng muốt
Mặn mà và giòn tan
Như nước chè xanh đặc
Chát môi lại đậm lòng
Cần cù và học giỏi
Chịu khó lại chăm làm
Trọng nghĩa tình khí khái
Đối đầu cùng gian nan
Cá gỗ ơi, cá gỗ
Nghe vừa giận vừa thương
Giận một thời giông tố
Bạc mặt vì quê hương
Thương một thời quá khứ
Tự mình với mình thôi
Giấu nghèo như giấu nhục
Đổi đắp khoảng yên bình
Vùng đất của địa linh
Tít tắp chân trời rộng
Những người dân đất này
Chưa ngơi tay chèo chống
Sông đặt tên sông Lam
Mộng trùm xanh biển cả
Núi thì kêu rú Quyết
Chí vững tựa thạch bàn
Ôi ! Xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất vàng của xưa sau
Giữa mưa bào nắng phế
Lung linh vẫn giữ màu
Yêu thì thật là yêu
Ghét thì rành là ghét
Những người dân đất này
Không nhùng nhằng khoảng giữa
Người xứ Nghệ có lửa
Tự thuở còn sơ sinh
Muối tẩm vào măng nứa
Thích rau sống bốn mùa
Đã chơi chơi hết mình
Đã làm làm kiệt sức
Thẳng thắn và đẫm tình
Nói xong là hết chuyện
Khi vui nhường bè bạn
Khi buồn chịu một mình
Thời chiến là xung lính
Súng lằm lằm trong tay
Trung thành mà quyết đoán
Tỉnh táo đầy đam mê
Có lỗi thường nhận hết
Được thưởng ít mang về
Không nói thì ngồi im
Đã nói là nói thật
Dối trá chui xuống đất
Vẫn lật đá móc lên
TRƯỜNG CA TRẦM TÍCH (15 -17)
hoangtrancuong | 06 July, 2007 22:46
Ghìm đầu vào công việc
Vẫn lo toan gia đình
Như người mặc áo gấm
Đi về lẫn vào đêm
Xứ Nghệ ơi, xứ Nghệ
Cực đoan đến vô cùng
Có rừng chen với bể
Buốt lạnh cùng nắng nung
Ai người đi ra bể
Ai người ngược lên rừng
Vẫn đậm chất xứ Nghệ
Nóng nảy đầy bao dung
Biết ngày mai gạo hết
Sấp mặt xuống luống cày
Rít thuốc lào ăn khói
Trằn mình trả nợ vay
Xứ Nghệ ơi xứ Nghệ
Hiện hình cùng miền Trung
Đã thế và mãi thế
Giữa tháng năm điệp trùng
Bây giờ con cá gỗ
Thong dong giữa đại ngàn
Nghe nói rồi hoá thạch
Lặn vào dòng sông Lam « Last Edit: 10 Tháng Một, 2008, 04:14:24 PM by dok »
Logged
10 Tháng Một, 2008, 04:13:26 PM Reply #2 • dok • ADMIN • • Posts: 882 • Điểm bài viết: 81 • o Doãn Minh Đăng •
Re: Trầm tích - Trường ca của Hoàng Trần Cương
16. Đá đỏ
Đá đỏ kết tinh từ máu người
Đã ngàn đời chìm nghỉm đất sâu
Làng nghèo
Sao còn lắm rác
Để đất đai sinh rặt chổi cùn
Những đồi chổi rành
Những truông chổi đót
Quét vẹt trời miền Trung
Cạnh đá sắc còn hằn nguyên vết chém
Dấu tích tháng năm buồn
Nghèo khó cắn xé nhau
Con đi qua những địa tầng mưng máu
Gặp những hình nhân rỗng tim
Gặp những trung thần chết đứng
Gặp những vương triều xô nghiêng chính sử
Bây giờ hoai rữa hư không
Lũ đàn ông
Mặt mày như chó vện
Dưới hang hốc bò lên
Sau một ngày
Người đột lốt ma
Sau một đêm
Ma lột thành người
Đá đỏ
Đâu chỉ là may mắn
Của người hay của ta
Lẫn trong đá vôi, đá mồ côi, đá mẳn
Lẫn trong những cơn ho khản đắng
Lẫn trong trận mưa rừng nhấm nhẳng
Đá đỏ hiện hình
Đá đỏ mất tăm
Ta lẫn vào vỉa mạch xa xăm
Chạm hài cốt bao thời lính trận
Bên thanh kiếm trần không rỉ
Hòn đất rụng trên đầu
Ngỡ vẳng tiếng ngựa phi
Ta men theo hoá thạch trơ lì
Thấy người sảy chân ngã quỵ
Thấy người chết không kịp kêu
Mẹ ơi
Đá đỏ kết tinh từ máu người lương thiện
Trầm uất gì bẹp dí dưới vực sâu
Mảnh đất này ngỡ có gì đâu
Ngoài gió Lào bỏng rát
Bạc phau trang vở trắng học trò
Con không tin mảnh đất này rụi rọ
Ai ra đi cũng chẳng muốn quay về
Có một mảnh đời còn trong đống rác
Xin mẹ cho con bới tìm
Con không tin
Xứ này đói lịm
Khi chân trời vẫn rợp cánh chim
Giữa ngổn ngang đá gan gà thiêm thiếp
Nhú lên câu ví dặm đậm đà
Con là thằng con trai của cha
Không tin nhà mình suốt đời lợp rạ
Không tin da đàn ông làng ta hễ quệt móng tay vào là bong như vẩy cá
Thường mượn khói thuốc lào chườm nỗi xót xa
Và thả xuống sông đống ưu tư để tống khứ bao trưa chiều mệt lử
Những đêm rằm
Con quỳ trước án thư
Lặng lẽ thắp hương
Lật từng trang gia phả
Cầu mong đá mềm như đất
Để nhỡ có va vào không gẫy cẳng què tay
Để khi được còn canh chừng khi mất
Ôi! Những viên đá đỏ trớt trầy
Đã ngàn đời chui lủi với hoàng sơ
Trai làng ta
Rồng rắn theo nhau lên miền ngược
Âm thầm như nước
Lần tìm quá khứ bớt vận may
Quá khứ ngủ vùi trong đất
Lặng câm trùng điệp thượng ngàn
Nín bặt đêm ngày
Không hé một câu
Thất cơ rồi lỡ vận
Như người lính không cam làng bại trận
Găm mặt mày lê hết với bùn đen
Những số phận không bắt ánh đèn
Đem sức vóc thử một lần may mắn
Họ là con
Trong con có họ
Tìm tương lai ngay chính tay mình
Trời trên đầu có lúc bớt xanh
Đất dưới chân
Có kỳ đỡ lạnh
Những hố hào đá đỏ gầy xanh
Những mặt toàn sương gió
Con lặng soi hòn đá đỏ trên tay
Gặp sắc lửa tháng năm binh biến
Gặp dáng mẹ buồn lo khẩn nguyện
Gặp màu xanh hút hồn thăm thẳm mắt em
Đá đỏ
Mặt trời ngầm của đất
Lưu giữ trong mình
Cốt lõi nhân sinh
Từ đất vùi cát lấp
Lại hiển linh
Nơi cơ khổ bần hàn
Mẹ ơi
Sau những tháng ngày độn thổ
Con ngoi lên
Từ thăm thẳm đại ngàn
Bất chợt
Quờ tay lên ngực
Bắt gặp trái tim mình
Trái tim thắm màu đá đỏ
Vẫn nguyên hình thuở cắt rốn chôn rau.
17. Giao cảm phù sa
Quà tặng của những tháng ngày bình yên
Là những loài hoa không nở theo mùa vụ
Thanh thản đất trời
Thanh thản thời gian
Sông ngắm núi êm đềm mây trắng
Biển mong sông bủa sóng xanh bờ
Hoa của nắng
Là vầng trán mịn màng không một vết nhăn
Không có khe buồn kéo về bóng tối
Hoa của đất
Là nụ cười tươi tắn
Không cần học trong chiếc khăn trùm để dấu che nỗi đau và niềm vui sướng
Của ít ỏi tháng năm mưa nắng nhọc nhằn
Cha muốn nói với các con về một chốn quê hương
Không phải bằng cách người ta cô thuốc bắc
Kiếm sống thời này
Tính bằng giây khắc
Nhưng giàu khó mà chi
Khi trái tim chỉ còn là cái lọ đựng tro của lửa
Sau này các con lớn lên
Đất quê ta vẫn bạt ngàn gió nắng
Vẫn bóng cò bay thắm ca dao
Và có cả những thân cò kẹt vào kẽ tre trong mùa bão
Có cả con đường làng gồ sống lưng trâu dựng một khung nhà trên máy tính
Khi con nhỡ tay ấn nhầm phím lập trình
Thời của cha
Rồi cũng sẽ qua như táo rụng thình lình
Dù chua dù ngọt
Những mùa trái xanh
Những ngày trái chín
Sẽ lại về trong ký ức tươi non
Sẽ lại về giữa vui buồn nóng lạnh
Cuối hạ đầu xuân
Lấp ló trái bói cành
Thời của cha
Bên trang sách xanh xao bóng súng
Biết làm sao
Cây muốn lặng
Gió chẳng đừng
Thời của cha
Quá nửa ngập trong rừng
Con đừng trách sao tính cha khô cứng
Nếu con hiểu
Dẫu một chút thôi nhưng trời ơi làm sao có được
Dằng dặc cả vạn ngày
Trái tim cha ngún cháy
Cha nhớ nhà
Nhớ mẹ
Nhớ quê hương
Cha vuốt mắt
Nhặt tên
Từng hy vọng
Mà có khóc nổi đâu
Nước mắt cạn lâu rồi
Thời của cha
Nghiêng ngả xiết trôi
Đã rớt lại sau lưng
Những miền tiếc nuối
Đã mịn màng phù sa
Những bến bờ chờ đợi
Để sớm mai này
Mắt con mướt xanh
Mây trắng lại về làng giong chiều đến
Nắng tinh khôi
Thơm thảo gió trời
Và sông suối
Mát lành chao sóng
Lại giao hoà như buổi khai thiên
Như chiều quê
Mùa chín rục đồng
Con ơi con
Sau này lớn lên
Nhỡ có buồn lo hãy về quê nội
Hãy cố bứt mình khỏi phố
Thả hồn ra ngoại ô
Ở đó
Có đồng làng mang màu ngọn đuốc
Có ngọn gió lành khoả mát tâm tư
Có huyền thoại
Cùng các con độc thoại
Nơi Thánh Gióng bay lên
Nơi cô Tấm hiện về
Và ở đó
Đất đai còn nhễ nhãi
Giữa những đổi trao
Nhượng bán
Chuyển dời
Đất thầm lặng
Tự mình linh ứng
Bên những bản hợp đồng mọc hậu bối sụm lưng
Con ơi con
Không có mảnh đất nào là đất khổ
Cha vừa kịp nhận ra
Khi sống quá nửa đời
Dẫu mỗi năm về thăm quê ngoại
Con mím lợi mím môi
Kéo lên từ ruột đất
Một nửa gàu nước thôi
Đem tặng buổi chiều
Để chuộc lại màu xanh xóm mạc
Đang lả dần
Trên vạt mạ non
Trên trán con
Mồ hôi đốm bạc
Lần đầu tiên
Lần đầu tiên cha nghe tiếng con thất lạc
Cha ơi cha
Con xin cha đừng bán đất
Rồi biết kiếm đâu ra nước giếng ngọt thế này
Cha lạnh người
Nâng nắm đất trên tay
Run rẩy thấy
Màu trái tim đồng đội
Và thấy cả điều này
Mai ngày con sẽ hiểu
Tự thuở tổ tiên ta đất cũng đã thắm màu
18. Vốn và lãi
Mẹ ơi
Lẽ ra con cũng đã như bao đồng đội
Khi đất nước mình trận mạc
Những ngày sống bây giờ
Dẫu còn phần lấm láp
Nhưng với con
Kể như là lãi
Món nợ này
Con biết trả sao
Biết trả ra sao
Khoản lợi nhuận con đang thừa hưởng
Phảng phất đêm ngày lớp lớp khói hương
Của những tháng năm
Đất đá còn sưng sượng
Của những quá khứ gần
Sớm nguội
Của những quá khứ xa
Phát xạ âm thầm
Mẹ ơi
Lẽ ra thay cho tấm huân chương trên ngực
Tấm huân chương
Không hiểu sao bây giờ lại có người lén nhét vào ngăn ký ức
Là phiến đá xanh
Lạnh cứng bìa rừng
Đồng đội dựng lên trên nấm mồ của con ngày thất trận
Như đã bao lần
Hàng dãy ba lô được gửi về hậu tuyến
Ôi ! Những chiếc ba lô
Còn nhưng nhức xanh thơm lựng mùi hồ
Thôi quàng vào vai
Mà quàng tên của làng của phố
Trên những tấm bia Đẫm máu các anh
Mẹ ơi
Bây giờ còn được duỗi hai cánh tay thanh thản
Không còn co lên trước ngực
Dấu tích thời đao binh
Khi tay phải lăm lăm theo tay trái
Chẳng sót ngón tay nào
Cho mẹ cho em
Buổi đồng quê rộ mùa gặt hái
Buổi trăng lên em tự vuốt bóng mình
Mẹ ơi
Tư bản của mỗi người chính là vận may của họ
Tư bản của riêng con
Là cuộc sống mẹ cho
Những đồng vốn bằng xương cha da mẹ
Nương náu trong tim
Thắm đỏ nghĩa tình
Con mang lưng vốn hết tuổi khóc nhè đầu tư vào đời lính
Đối mặt cùng tháng năm
Đọ sức với quân thù tận rừng sâu rú thẳm
Bằng sức mạnh của trở trăn
Bằng tốc độ
Của làn - bắn - thẳng
Con quay những - đồng - vốn - thân - mình hết vòng này vòng khác
Bất kể mùa mưa mùa khô Bất kể đêm giông ngày hạn
Con mang sức trai
Chọi cùng súng đạn
Mang mạng sống của mình hùn với bao đồng đội
Kinh doanh trên trận mạc
Giật giành với đạn bom
Phần đất lãi
Một phương án sai là cháy vốn
Một giải pháp nhầm là bợt mặt trắng tay
Biết mấy tháng năm
Những người lính nhặt từng xu lẻ
Đâu chỉ ngày một ngày hai
Và có thể
Hoá tro tàn trong lửa
Con vẫn tung cuộc đời con - chút - vốn - liếng- cuối - cùng của mẹ lên chặn họng súng thù
Cùng đồng đội gom từng phân lợi nhuận
Để gộp vào hôm nay
Mẹ ơi
Khoản vay nào rồi cũng phải trả
Chưa trả được bây giờ
Thì khất đến ngày mai
Nhưng sẽ không có nhiều ngày mai lắm đâu
Và con càng không thể
Gán cho mai sau
Dù một cắc nợ nần
Vốn tự có của một đời chắt bóp
Mẹ gạn từ chéo áo đẫm mồ hôi
Mẹ vớt từ bát riêu cua chiều hạ
Của những đồng quê gió máy bạc trời
Những ngày con ở trận đã xa rồi
Sao mỗi đêm vẫn vật mình thức ngủ
Vâng có thể là con chưa đầy đặn
Với những gì dạo ấy
Các anh trao
Nhưng thưa mẹ
Trời ngớt mùa giông bão
Và con đang có tháng ngày
Có lớp đàn em
Lớn nhanh bức bối
Có đôi bàn tay
Rảnh rang đôi chút
Đôi bàn tay lại cầm cày cầm bút
Khi đắng lòng nắn nót dấu vào thơ
Vâng có thể là con đã như bao người lính
Cầu mong
Đất nước mình
Thôi gặp hoạ chiến chinh
Những ngày con đang sống bây giờ
Kể như là lãi…
19. MIỀN TRUNG
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam
Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi
Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong…
VĂN CHƯƠNG
Trang thơ Hoàng Trần Cương
LĐCT - 31 7:56 PM, 02/08/2015
Chia sẻ Minh họa tranh thơ của họa sĩ Đỗ Dũng.
Từ “Đường chân trời” bay tới “Bầu - trời - đất” lại chạm xuống “Long mạch”, thơ Hoàng Trần Cương đã có sự biển đổi chóng mặt về chất. Một nỗi buồn bình thản được tấu lên qua các cung bậc khác thường, gập ghềnh và thô ráp, trào cuốn và dịu dàng. “Bầu - trời - đất” và “Long mạch” ghi nhận một nỗ lực không mệt mỏi của một nhà thơ luôn trăn trở tự đào bới vào chính mình để tìm ra được chính mình từ thẳm sâu. Cứ thế, không khoa trương, không diệu vợi, không làm hàng, thơ Hoàng Trần Cương là bản chất sống, bản chất yêu của chính anh. Chúc mừng anh đã vượt qua một hành trình nhọc nhằn để tìm đến bầu trời thơ đích thực của mình - “Bầu - trời - đất” (Thơ, 2015) và nhận ra “Long mạch” (Trường ca, 2015). Xin giới thiệu cùng bạn đọc trang thơ Hoàng Trần Cương. Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn và giới thiệu. Thủng thỉnh nghé ơi Với cháu Hoàng Trần Nguyên Cháu nội về chơi bên ngoại Bà ra chốt cửa khép lại mùi hương Thằng Nghé nhà mình Mặt mũi tuyền giống bố Mà tính tình lại hệt như ông Rình cửa mở là dông khỏi nhà Chưa biết nói mà sao gào to thế Cứ nhoai lên là lại thụt lùi
Ngắm nghé con ngọ nguậy quậy lòng bà Không hiểu sao ông ngỡ ngàng chột dạ Thôi mình cứ từ từ cháu ạ Vịn tháng ngày thư thả lớn lên Rồi cháu sẽ thương hôm nay lắm đấy Biết mấy đêm ròng Ông gắng gượng ngồi canh từng trang giấy
Cháu sẽ đọc gì đây Cháu sẽ hát gì đây (Cái thời ấy hình như nhiều thơ quá) Thơ dầy kệ sách Thơ đầy mặt báo Nhưng sao lại toàn một giọng buồn thiu Bài nào cũng hờn Câu nào cũng tủi Nhỡ chạm vào Nghé còn biết lui không?
Nào ông cháu mình cứ thủng thỉnh đi rông ... 10.12.2012
Bầu - Trời - Đất
Thật ra mặt đất cũng là một bầu trời
Nới rộng vòng tay
Sẽ có ngày chạm tới
Bởi quen ngước lên Anh thường không thấy Một thế giới mộng mơ Ở ngay dưới chân mình
Bầu trời này Cũng chẳng mới tinh Đất đá nắng nôi đã đứng ngồi Ngày mình còn bập bẹ Bầu trời này Luôn có những đoàn mây Toàn mang dáng tấm lưng còng của mẹ
Một mình bay khắp xó xỉnh thấp cao Mỏi ngày mòn đêm Cấu cào đắp bờ xôi ruộng mật
Đi lạc vào bầu trời đất Thình lình được nhấc lên Nấc nghẹn len vào mái nhà thơ bé
Ngoài sân có bầy chim sẻ Khẩy mỏ Cậy then cửa sổ
Biết đâu Ở đó Lại ló ra thêm một bầu trời... 7.2009
Một phần
Viết cho em trai xa xứ
Em có biết chăng Một phần thương nhớ của anh còn lấn bận tận đẩu đâu Một phần hồn xác của anh vẫn phờ phạc ngoài đất đai thân thuộc Một phần những vui buồn hôm nay vừa lạ xa vừa nhem nhuốc Một phần ngày vẫn ngáy trong đêm
Em còn nhớ chăng
Cuối buổi cày con trâu nhà mình hỉnh mũi lên nghiêng sừng lựa gió Ra khỏi nhà đàn chó láng giềng đứng ghếch chân đánh dấu lối về Quê kiểng còng lưng áo cơm tụt tạt Chẳng lẽ ngồi ôm nhau bới rác chờ trời
Em còn nhớ chăng Một phần ký ức trong anh thường hay động đậy Một phần ước vọng của anh nhổm dậy cuối ngày Mặc ban mai về Kệ hoàng hôn đến Mắc cứng ưu phiền ngay trong kẽ tay
Em có hiểu chăng Anh có một phần ngày xoay trần ngoài đường Một phần đêm bươn về nhà khâu lại giấc mơ đang rạn nứt Không hiểu sao dạo này mẹ hay vuốt ngực Chẳng giỗ chạp gì mà hôm này cũng giục thắp hương
Em có thấu chăng Con xa quê là mẹ tha phương ... 6.10.200
Mưa và trăng và em Viết riêng tặng Chè
Mưa là trăng của ngày Êm đềm bay mềm đá Rải lụa là khắp ngả Cưng nựng mùa héo hon
Em là trăng của anh Mọc xanh miền xói lở Khuyết tròn vương thương nhớ Chở hương về đó đây
Trăng là mưa trắng đêm Giăng thu vào cõi lặng Em là mưa cuốn nắng Đưa anh về trời riêng 4.1993
Cỏ trời Tưởng vọng nhà thơ Mỹ - Walt Whitman (1819 - 1892) Cỏ như trời. Thả giấc mơ Nhẩn nha. Chườm mát câu thơ mỏng dầy
Cỏ như trời. Lạc xuống đây Nửa uy nghiêm. Nửa ngất ngây tóc thề
Cỏ như trời. Nhốt đam mê Đem tôi trả trốn nhà quê. Điếng mình Cỏ như trời. Mọc lặng thinh Nửa vòng trái đất. Đọng hình nước non ... 5.8.2007
Nghiêng đêm
Anh phà một làn khói
Mây trắng trời đứt ngang
Có ai về Kinh Bắc Lắc thắc mùa mưa hoang
Chạm rằm trăng đi vắng Sông Đuống thèm thuồng trôi
Em mỏi nhừ ngóng đợi Thơ anh còn vọng thu
Thời gian dần nghiêng lệch Gạn đêm tìm thi thân ... 2.10.2014
Bắt đầu cuộc thảo luận về THƠ HOÀNG TRẦN CƯƠNG
Trang thảo luận là nơi để mọi người cùng nhau thảo luận để giúp nội dung trên Wikisource trở nên tốt nhất có thể. Bạn có thể sử dụng trang này để trò chuyện với người khác về cách cải thiện THƠ HOÀNG TRẦN CƯƠNG.