Thư gửi cho em
Thương tình bào đệ[1],
Gửi bức tâm thư[2].
Nghe em lăm toan việc tóc-tơ,
Nên anh mới nhả lời vàng-ngọc.
Hễ làm người có học,
Cho biết lễ trong nhà
Chẳng trau mình sao đặng chữ tề gia[3]
Còn nhỏ tuổi gấp chi đàng cầu tự[4]
Ví dù muốn nơi nào thiếp nữ,
Thì hãy giao quyền tại chính-thê[5]
Thuận chị em trên dưới gia tề,
Nghịch chồng-vợ cửa-nhà hư-hại.
Trong phép xử gia-môn[6] đặng phải;
Ngoài tiếng đồn phong-hóa[7] mới xinh.
Lẽ cũng cho một gáo múc đôi chình;
Khuyên chớ để đôi rìu cuôi một cội.
Vả đang lúc sự đời bối rối,
Nào xiết lo nghiệp cả bâng-khuâng.
Phận thiếp-thê mà có như Tề-nhân[8]
Niềm tử-tức[9], thà không như Bá-đạo[10]
Em ôi!
May mà có mai cơm chiều cháo,
Hơn là người ăn tuyết nằm sương.
Ở nước loàn há sợ chữ thiên-ương[11]
Theo đạo học phải dằn lòng nhân-dục[12]
Ham sung-sướng chẳng qua nuôi khẩu phúc[13]
E nghiêng-nghèo còn nhọc đến thân danh.
Bậc quan-quyền, chiếu bông gối dựa mới là vinh.
Hàng dân-thứ, quần nhiễu, áo sô sao chẳng nhục.
Trau-giồi lắm cho đẹp con mắt tục,
Ghen-ghét nhiều lại chác cái tai phi[14]
Vậy thà cam hai chữ bố y[15],
Chi nhọc đến một điều mao ốc[16].
Bì sao kẻ thế gia vọng tộc[17]
Coi lấy người tiện-sĩ bần nhu[18]
Thời thế nầy thà chịu làm ngu;
Học-hành vậy cũng kêu là trí.
Em sao chẳng nghĩ!
Anh rất đỗi lo!
Bề ở-ăn như cá núp trong nò;
Thân đùm-đậu như én nằm trên gác.
Cám nỗi phụ-huynh thêm bát-ngát;
Phận làm tử-đệ há nguôi-ngoai?
Sung-sướng chi mà chồng một vợ hai;
Giàu-sang mấy mà quần đôi áo cặp?
Thân rảnh sao chẳng cấp;
Tính xấu cũng nên chừa.
Trời, không lường trưa sớm nắng mưa;
Người, đâu biết hôm mai họa phước.
Chi bằng:
Giữ câu kiệm-ước[19],
Lánh bợm phong-lưu[20].
Việc...[21] oán-hận chẳng nên cưu;
Thói ve-vãn ăn chơi đừng bắt-chước.
Hàng đi-đứng tua dè nước bước;
Lời nói-năng phải giữ miệng môi.
Phận áo cơm đã đủ thì thôi;
Ơn đất nước ngày an cũng tốt.
Bề ăn-ở chi bằng đái chốt[22];
Dạ thảo-ngay chí dốc keo sơn.
Có nghĩa tình anh Tấn em Tần[23],
Đừng nghe chuyện cha Hồ mẹ Hán[24].
Đọc sách y-phương, cho biết án;
Làm thầy nho-sĩ, phải theo tài.
Dược trị đau chớ khá học sơ-sài;
Phép dạy trẻ chớ nên oai bẫm trợn.
Nghe nhiều kẻ tiếng đời nhơ-bợn;
Muốn cho em mùi đạo thơm tho.
Khá nhớ lời gia giáo[25] dặn dòl
Khuyên chớ để xử thân[26] lầm-lỗi.
Nay gửi vài lời huấn-hối
Xưa còn trăm chữ minh-châm[27]
Nhớ để lời hôm sớm vịnh ngâm.
Hãy chữ dạ[28] khỏi điều quá thất[29].
Chú thích
- ▲ Bào đệ: Em ruột. Em cùng một cha mẹ sinh.
- ▲ Tâm thư: Thư viết với những lời xuất tự đáy lòng.
- ▲ Tề gia: Sắp-xếp việc cửa-nhà cho êm-đẹp.
- ▲ Cầu tự: Cầu con để nối dõi tông-đường.
- ▲ Chính-thê: Vợ chính.
- ▲ Gia-môn: Cửa nhà: Việc trong nhà.
- ▲ Phong-hóa: Phong-tục, giáo hóa. Những điều trau-giồi cho tốt đẹp.
- ▲ Công-chúa nước Tề là Tề Khương, con vua Tề Hoàn-công, gả cho Trùng Nhĩ nước Tần. Người có đức hạnh, biết giục-giã chồng lo việc lớn.
- ▲ Tử tức: Con và dâu.
- ▲ Đặng Nho tự Bá-Đạo, làm quan đời Tấn. Người anh chết đã lâu, chỉ có một đứa con gửi lại Đặng nuôi. Đặng cũng chỉ có một đứa con trai. Phải khi Đặng bị giặc bắt, ép làm quan, Đặng lập kế trốn đi. Trong lúc trốn tránh, không thể dắt trẻ theo nhiều, Đặng bèn bỏ con mình lại, dắt con người anh theo. Vì nghĩ rằng người anh chỉ còn có một trẻ ấy là huyết-mạch còn Đặng ắt cũng còn ngày sinh nở. Không dè về sau Đặng tuyệt tự. Nhưng đứa cháu cũng có hiếu nghĩa, thờ Đặng trọn tình.
- ▲ Thiên-ương: Tai trời. Nạn do trời sinh.
- ▲ Nhân-dục: Lòng ham muốn của con người.
- ▲ Khẩu phúc: Miệng và bụng.
- ▲ Tai bay vạ gửi.
- ▲ Quần bô áo vải. Phận nghèo ăn chắc mặc dầy, trong-sạch.
- ▲ Nhà tranh. Chốn thanh bạch.
- ▲ Con nhà giàu-sang rắn rác.
- ▲ Phận trò khó.
- ▲ Kiệm-ước: Tiêu pha tiện-tằn dè xẻn.
- ▲ Phong-lưu: Dáng-dấp ưa nhìn.
- ▲ Khuyết mất hai chữ.
- ▲ Chưa rõ là nghĩa gì!
- ▲ Tấn và Tần là hai nước thường giao hiếu với nhau. Ý nói hòa-thuận thương-yêu.
- ▲ Hán và Hồ là hai nước đời đời thù nghịch. Ý nói tránh sự tin-nghe người ta xui-giục.
- ▲ Gia giáo: Dạy-dỗ nơi nhà.
- ▲ Xử thân: Lo liệu lấy thân. Tự sửa mình.
- ▲ Bài minh và bài châm, ghi những điều đạo-nghĩa để xem đấy trau-giồi thân tâm.
- ▲ Ghi lòng.
- ▲ Lầm lỗi.