Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ ba

Thư gởi các Mục sư - thư thứ ba
của Charles Grandison Finney, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Năm 1845 - 1846


Tôi đã quen với tình trạng tội nhân không trải nghiệm đủ sự tranh chấp thuộc linh khi tấm lòng của họ bị tra xét toàn diện và bản chất bại hoại của con người xác thịt bị phơi bày hầu có thể nhận thấy sự cấp thiết của việc tiếp nhận cứu rỗi qua phúc âm. Nếu tôi không lầm, trong nhiều trường hợp không thiếu sự lệch lạc khi người ta kêu gọi tội nhân thuận phục và tiếp nhận Chúa trước khi họ học biết ý nghĩa thật của hành động đầu phục. Người ta thúc ép tội nhân ăn năn trước khi họ thực sự hiểu bản chất và sự lầm lạc của tội lỗi. Họ được kêu gọi hãy tin trước khi hiểu được họ cần đến với Chúa Cơ Đốc như thế nào, hãy phục vụ Thiên Chúa trước khi họ có chút hiểu biết nào về ý nghĩa của việc phụng sự Ngài. Họ bị thúc ép ngay tức khắc hãy đứng lên mà hầu việc Chúa, và được dạy cho biết rằng điều duy nhất họ cần làm là vâng phục Chúa. Như vậy, nói cho cùng, tôn giáo của họ là tôn giáo của sự quyết tâm, thay vì là tôn giáo của đức tin và tình yêu thương, của tấm lòng tan vỡ vì nhận thức sâu sắc về tội lỗi của mình.

Tóm lại, theo cách nhìn nhận sự việc của tôi, trong nhiều trường hợp khái niệm chân chính về những điều cấu thành một tôn giáo tinh tuyền đã không được hình thành trong ý tưởng tội nhân, vì vậy mà tình trạng quy đạo giả tạo ngày càng phát triển cách đáng thất vọng. Từ năm này sang năm khác, mỗi ngày tôi càng kinh ngạc hơn khi chứng kiến ngày càng xuất hiện nhiều người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, trong đầu họ không hề có bất kỳ khái niệm chân xác nào về một tôn giáo tinh tuyền. Xem ra đối với nhiều người, ý tưởng cho rằng tình yêu thương là nền tảng và là sự trọn lành của đạo giáo là điều hầu như, nếu không nói là hoàn toàn, bị gạt bỏ khỏi tâm trí họ.

Hiện nay đang diễn ra tình trạng phân cực, người ta chia bè kết phái để đổ xô về hai cực đối nghịch nhau: một bên là những người chủ trương bác bỏ mọi quy chuẩn đạo đức, phía bên kia là những người đề cao sự nghiêm nhặt trong việc tuân giữ lề luật – cả hai đều cách xa ý niệm chân chính về đạo thật như nhau.

Tôn giáo của những người đề cao lề luật là tôn giáo của sự quyết tâm. Họ quyết tâm phụng sự Chúa. Họ gồng mình khi phát biểu. Họ nuôi dưỡng ý tưởng rằng phụng sự Chúa tức là đi ra và hoạt động không ngừng – cầu nguyện cho gia đình, thăm viếng, chuyện trò, bận rộn chỗ này lăng xăng chỗ kia, và làm công việc Chúa, như họ vẫn thường nói - đây là hình mẫu hoàn hảo cho tình thần chuộng lề luật mà hoàn toàn vắng bóng tình yêu thương, sự dịu dàng, lòng khiêm nhường, đức nhẫn nại, trong khi những trái này của Chúa Thánh Linh mới là đặc điểm của Cơ Đốc giáo thật. Họ dễ dàng để mình bị cuốn vào các loại kích động cảm xúc, nhưng quan trọng hơn hết là họ không hề muốn tra vấn cho đến gốc rễ của vấn đề, nhận chân thực chất của sự việc để có thể tiếp tục điều mà họ gọi là hầu việc Chúa trong các buổi nhóm kéo dài. Cố gắng lắm thì có lẽ được ba tháng mỗi năm để thực hành lòng mộ đạo, nhiều người không thể đến nửa thời gian ấy. Trở ngại chính là họ không thể nhận chân được gốc rễ của vấn đề. Căn nguyên của tính vị kỷ cắm rễ sâu trong bản chất con người họ chưa hề bị chạm đến. Họ chưa hề, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh, chịu cáo trách sâu sắc về tội lỗi. Sự cáo trách tội lỗi đối với họ chẳng có gì khác hơn là một bước tự nhiên trong quy trình cần có khi chân lý được giãi bày mà không hề có sự soi sáng siêu nhiên của Linh Thiên Chúa.

Hậu quả là mọi suy nghĩ của họ về Thiên Chúa, về tội lỗi trong bản chất con người, về tội lỗi họ đã phạm và thái độ coi thường sự trừng phạt, nhu cầu khẩn thiết tiếp nhận Chúa Cứu Thế và được giải thoát khỏi sự ràng buộc với tội lỗi – tóm lại, mọi ý niệm căn bản của Cơ Đốc giáo chỉ là những điều mơ hồ đối với họ. Tâm trí họ mờ tối, lòng họ khô cứng. Sự công chính riêng và sự cậy mình chưa bao giờ bị lột bỏ khỏi họ, cho nên họ không bao giờ có thể nhận biết Chúa Cơ Đốc, “quyền năng của sự sống lại của Ngài, sự dự phần vào sự thương khó của Ngài”, cũng không hề “trở nên giống như Ngài trong sự chết Ngài”,[1] họ cũng chẳng hề bận tâm xem những điều ấy có ý nghĩa gì. Họ chẳng biết gì nhiều về Chúa Cơ Đốc ngoại trừ danh hiệu của Ngài, và một số khái niệm mơ hồ về địa vị trung bảo của Ngài. Họ chưa bao giờ qua trải nghiệm bị định tội bởi luật pháp, nhận biết mình là tội nhân đã chết, bị đoán phạt và hư mất, vì vậy không thể nào hướng lòng về Thiên Chúa.

Tóm lại, thay vì nhận biết nhu cầu của mình, tức là thực trạng tồi tệ và vị trí thảm hại của mình, nhận thức của họ hoàn toàn cạn cợt hoặc mê tín đến nỗi họ không thể nào thấu hiểu bản chất của phúc âm cứu rỗi. Họ lăng xăng đây đó, hầu việc Chúa như thể là kẻ làm công ăn lương. Tôn giáo của họ không liên quan gì đến sự từ bỏ mình, làm việc không vụ lợi, và lòng nhân ái đối với mọi người. Thế nhưng, họ quyết tâm hầu việc Chúa giống như cách họ quyết tâm khi mua bán đổi chác, hoặc khi ra giá để cung ứng dịch vụ cho ai đó, theo kiểu “tiền nào của nấy”.

Có thể nhận ra những người quy đạo theo cách này, do một số đặc điểm sau:

  1. Thiếu vắng sự nhu mì, khiêm nhường, và hạ mình trong tôn giáo của họ. Ấy là vì lòng họ chưa bao giờ bị tan vỡ để trở nên khiêm nhường, vì vậy những đức hạnh này chưa bao giờ hiện hữu trong tâm trí họ. Thái độ, cách cư xử, sự nhẫn nại, lời cầu nguyện và an ủi của họ, tất cả đều mang hơi hướng của sự vị kỷ.
  2. Thiếu vắng tình yêu thương trong tôn giáo của họ. Nói cách khác, tôn giáo của họ không phải là tôn giáo của tình yêu thương. Trong mọi giao tiếp của họ, khó có thể nhận thấy qui luật của lòng nhân ái, và tình yêu thương không hề hiện diện trong lòng, do đó cũng không thể hiện trong lời nói của họ. Nếu quan sát họ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng tôn giáo của họ rất cần những đức hạnh mà Phao-lô đã liệt kê trong 1 Cô-rin-tô 13.[2] Tôn giáo ấy của họ không hề biết nhịn nhục, nhân từ mà không ganh tị hoặc khoe khang khoác lác, cũng không lên mình kiêu ngạo hoặc làm điều bất nghĩa, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Đạo thật là tôn giáo của sự nhẫn nại, tin cậy, dung chịu hoàn toàn xa lạ với họ.
  3. Một đặc điểm khác của những người này là có rất ít sự hiện diện của Chúa Cơ Đốc trong tôn giáo của họ. Điều này hiển hiện trong cách cư xử, cầu nguyện, và nhiều khía cạnh khác trong đời sống họ, bởi vì họ chưa bao giờ chịu từ bỏ mình để Chúa Cơ Đốc đầy dẫy tâm linh họ.

Một đặc điểm khác nữa là họ không phải là những người thích đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Họ không hề yêu thích và cẩn thận tra xem Kinh Thánh. Thật vậy, sự hiểu biết của họ về Kinh Thánh là rất nông cạn. Họ chưa hề bị thu hút bởi ngôn ngữ của các tác giả Kinh Thánh được linh truyền đến nỗi trở thành ngôn ngữ tự nhiên cho các trải nghiệm tâm linh của họ. Bởi vậy mà họ không thể hiểu biết, yêu quý và chăm chỉ tra xem Kinh Thánh. Không ai thực sự hiểu và yêu thích Kinh Thánh trừ khi họ có những trải nghiệm phù hợp với ngôn ngữ Kinh Thánh cùng những trải nghiệm của các tác giả Kinh Thánh, khi ấy Kinh Thánh sẽ trở nên dễ hiểu và hết sức hấp dẫn đối với họ. Hiện vẫn có một số diễn giả hoặc những nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp hiểu biết cạn cợt về Kinh Thánh, họ đọc Sách của Thiên Chúa mười lần ít hơn đọc những điều khác. Một số lượng lớn những tân tín hữu hình thức biết rõ, và những người biết họ cũng biết rõ không kém, là họ rất ít quan tâm đến Kinh Thánh.

Tất cả những điều này cho thấy tôn giáo của họ không phải là tôn giáo của Kinh Thánh, không được vững lập “trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Chúa Giê-xu Cơ Đốc là đá góc nhà.”[3]

   




Chú thích

  1. Phi-líp 3: 10, “Để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia xẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài.” (Bản Hiệu đính)
  2. 1 Cô-rin-tô 13
  3. Ê-phê-sô 2: 20


Xem thêm

sửa




   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1930, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 
 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


 

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.