Thương vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải

Thương vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải  (1932) 
của Phan Khôi

Bài được đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6628 (Phụ trương văn chương số 36, thứ bảy 31.12.1931); Trung lập, Sài Gòn, số 6634 (P.T.V.C. số 37, thứ bảy 9.1.1932); đăng lại ở nhật báo Đông Phương (Hà Nội) số 656 (19. 2. 1932) và số 658 (22. 2. 1932); đăng lại ở Thực nghiệp dân báo (Hà Nội) số 3356 (25. 2. 1932); số 3357 (26. 2. 1932).

Một cái cơ quan tuyên truyền văn hóa ở nước Tàu

Nhà in sách và bán sách, tên là Thương vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải lập ra đã hơn 30 năm nay. Hồi đầu do mấy ông mục sư ngoại quốc kêu hùn lập ra tiệm in không lấy gì làm lớn lắm; đến sau mỗi ngày một mở rộng, bây giờ toàn do người Tàu cai quản hết mọi việc chớ không có người ngoại quốc nào trong đó nữa, thật đáng gọi một cái cơ quan văn hóa của nước Tàu do người họ tự chủ lấy.

Một cái nhà in và bán sách như nhà nầy, kể ra trong thế giới cũng ít nhà nào lớn bằng. Còn nói chi nội cõi Viễn Đông đây thì đâu đó cũng phải nhường cho nó là lớn hơn hết. Có kẻ toan đem "Viễn Đông ấn quán" ở Hà Nội mà sánh với nó, nhưng không đặng đâu, có lẽ cái nầy chưa bằng một góc cái kia mà.

Ở đây chúng tôi không nói về phần dinh nghiệp của nhà ấy; điều chúng tôi cho là cần nên biết hơn, là sự tuyên truyền văn hóa của nó đã làm trong 30 năm nay.

Hồi mới lập ra, Thương vụ ấn thơ quán đã lấy sự đề xướng giáo dục, phát dương văn hóa làm việc trách nhiệm của mình. Tuy chủ ý của họ là ở việc buôn bán cho nên mới đặt hai chữ "thương vụ" lên trên, nhưng kỳ thiệt là họ muốn lập ra một cái cơ quan in sách vở để truyền bá tư tưởng mới cho đồng bang.

Hãy nói những công việc họ bắt đầu làm. Ấy là việc dịch sách giáo khoa, sách dạy ở các nhà trường.

Buổi ấy vào cuối nhà Thanh, việc giáo dục thay đổi mà sách thì chưa có. Tuy nhà nước cũng có đặt ra tòa tu thơ, nhưng không thấm vào đâu. Thương vụ ấn thơ quán bèn dâng mình gánh lấy công việc nầy.

Bấy giờ họ đặt ra một phòng trong nhà họ kêu là "Sở phiên dịch". Rước các nhà học giả chuyên môn trong nước chia khoa mà dịch thuật và biên tập. Phàm các sách giáo khoa cùng các sách tham khảo cho các cấp trong các trường, họ đều lựa của nước nào hay thì dịch ra, và theo kiểu sư phạm mà sắp đặt khéo lắm, bất kỳ trường học nào dùng sách của họ cũng lấy làm tiện cả. Bởi là sách hay nên được chánh phủ chuẩn hứa cho, đem làm sách dạy khắp cả nước, nên sách giáo khoa của Thương vụ ấn thơ quán bấy giờ rất thạnh hành.

Nội một sự biên dịch sách giáo khoa đó mà càng ngày càng tấn bộ, có thể chia ra từng thời đợi như sau nầy :

1. Thời đợi Tối tân giáo khoa thơ. – Ấy là lúc còn Mãn Thanh, trào Quang Tự, vào năm đinh dậu-mậu tuất,[1] nền tiểu học mới bắt đầu dựng lên, người trong nước đã tỉnh ngộ mà biết rằng con nít không thể đem những sách mắc mỏ là Kinh Truyện mà dạy được; nhưng muốn dạy sách rẻ dễ hơn, thì lại không có sách gì. Khi ấy Thượng vụ ấn thơ quán biên tập đủ hết sách các khoa dạy về tiểu học, lấy hiệu là "Tối tân giáo khoa thơ" cả nước đều dùng mà dạy trẻ, thành ra lối giáo dục nhờ đó mà thay đổi.

2. Thời đợi Cộng hòa giáo khoa thơ. – Khi nhà Thanh đổ rồi, chánh thể đã đổi, học chế cũng đổi luôn. Họ bèn biên tập sách giáo khoa lớp khác. Lần này thì lên đến các sách trung học và sư phạm cũng đều đủ cả. Những sách trong thời đại ấy tái bản đến ba trăm lần và tiêu thụ đến 700 triệu cuốn.

3. Thời đợi Tân học chế giáo khoa thơ. – Sau đó việc giáo dục nước Tàu thay đổi, Thương vụ ấn thơ quán chiều theo cái phong trào ấy mà lại biên tập lớp sách khác nữa. Sách giáo khoa lần nầy biên tập một cách hơi phiền phức, vì chia ra đến ba thứ, mà cũng đều gọi là Tân học chế giáo khoa thơ.

4. Thời đợi Tân thời đợi giáo khoa thơ. – Từ lúc cách mạng quân dấy lên Bắc phạt, thống nhứt toàn quốc, thì việc giáo dục lại đổi lần nữa. Cái chủ nghĩa giáo dục Trung Quốc từ đây là theo chủ nghĩa Tam dân. Thương vụ ấn thơ quán lại phải một lần nữa đổi sách giáo khoa của mình.

Ấy là mới kể qua một việc biên sách giáo khoa của nhà ấy, trong ba mươi năm mà thay đổi đến bốn lần như vậy. Coi đó đủ biết rằng người chủ trương cái nhà in ấy là một tay tài học hơn người, biết thuận theo cái tư trào trong nước và trong thế giới, chớ không phải chỉ biết việc dinh nghiệp mà thôi đâu.[2]

*

* *

Bài trước nói về cái sự nghiệp biên tập sách giáo khoa trong 30 năm nay của Thương vụ ấn thơ quán là thế nào. Tóm lại là 30 năm ấy đã chia ra bốn thời đại, mà mỗi thời đại sau đều có tấn bộ rất nhiều hơn thời đại trước.

Về thời đại "Tân học chế" sắp sau, họ càng mở rộng cái phạm vi sách giáo khoa ra, tưởng nên nói thêm vào cho đủ. Vào thời đại ấy, ngoài các sách giáo khoa từ tiểu học đến cao đẳng trung học ra, họ còn biên tập các sách giáo khoa và các sách tham khảo của các trường đại học chuyên môn nữa. Điều đó từ trước họ chưa hề làm, mà bấy giờ mới bắt đầu làm. Bao nhiêu những sách dạy về sư phạm, nông học, công học, thương học mà học sanh các trường đại học chuyên môn cần dùng, đều xuất bản vào lúc ấy.

Chúng ta chớ tưởng một nhà in như nhà Thương vụ ấn thơ quán của Tàu là chỉ in sách chữ nước họ mà thôi, chớ tưởng vậy mà lầm. Họ còn biên tập và xuất bản các sách bằng chữ ngoại quốc nữa. Từ bấy đến giờ, một mình nhà ấy đã ra hơn bốn trăm bộ sách bằng chữ ngoại quốc rồi, ghê chưa?

Chữ ngoại quốc chia ra năm thứ, có năm bộ biên tập: tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nhật và Thế giới ngữ (Espéranto). Trong năm thứ đó, tiếng Anh trọng yếu hơn.

Lúc đầu nhà ấy mới sáng lập ra trong nước Tàu, trường nào dạy tiếng ngoại quốc cũng dạy tiếng Anh, mà sách dạy thì không có. Chẳng phải là người Anh không đem sách giáo khoa của      họ qua Tàu mà bán, song có mà giá mắc, và nội dung của sách phần nhiều không thích hiệp với người Tàu. Nghĩ vì sự khiếm tiện nhiều bề ấy mà họ mới bắt đầu soạn sách giáo khoa bằng tiếng Anh. Họ rước những tay giỏi chữ Anh, chia nhau ra mà biên tập các thứ sách dạy cần dùng, đủ hết các bổn cho các lớp và các trường học. Ngoài những sách giáo khoa ấy, lại còn chịu khó soạn những sách dùng phổ thông như là Tự điển cả Anh và Hán để tiện cho sự phiên dịch, như là sách hội đàm (conversation) để tiện cho sự tập nói tiếng Anh; cho đến sách xích độc dạy về lối viết thơ, chẳng có thứ sách cần nào là chẳng có.

Kẻ học nước Tàu đã công nhận một điều, là những sách tiếng Anh của Thương vụ ấn thơ quán xuất bản bấy lâu, bộ nào cũng thích dụng cho người học tiếng ngoại quốc, khiến cho kẻ học dụng công ít mà được ích nhiều hơn là học bằng sách của người Anh làm ra. Ấy là nhờ họ khéo biên tập, tùy theo sự tri thức của người Tàu yêu cầu những gì mà dùng tiếng Anh viết ra, như thể tiện lợi hơn là cứ học theo sách của người Anh làm, trong đó có nhiều điều mình không cần biết mà cũng phải học, còn điều mình muốn biết lại không có.

Chẳng những xuất bản sách mà thôi, sự nghiệp văn hóa của Thương vụ ấn thơ quán còn ở sự xuất bản các tạp chí nữa. Một mình nhà ấy mà ra đến hơn mười cái tạp chí, vừa là của nhà vừa là in thuê, thế đủ biết sự nghiệp của họ phát đạt là dường nào.

Bao nhiêu tạp chí ấy đều dễ tăng tấn cái trình độ tri thức của quốc dân và nâng cao cái địa vị học thuật tư tưởng của người Tàu lên. Tạp chí Đông phương có tiếng hơn hết rồi đến các cái khác, như là Giáo dục, Học sanh, Phụ nữ, Tiểu thuyết nguyệt báo, v.v., lại cũng có một cái tạp chí bằng tiếng Anh nữa, kêu là Anh ngữ châu san.

Tóm lại, Thương vụ ấn thơ quán từ hồi thành lập đến nay, bao giờ cũng nhận lấy việc phát dương văn hóa làm trách nhiệm của mình, cho nên ngoài các sách giáo khoa, phàm sách gì quan hệ với sự tấn bộ của văn hóa họ cũng đều để ý tới mà làm cho lưu thông ra được mới nghe. Một mặt thì họ dịch các sách hay của nước ngoài, hết thảy các học khoa, khoa nào cũng có dịch bổn cả, để giới thiệu các học thuyết Âu châu cho người nước mình. Còn một mặt thì bao nhiêu sách xưa mà có giá trị của Tàu đều đem ra mà tái bản hết, hầu để phổ thông ra đặng vững nền quốc học. Có nhiều pho sách cổ như Tứ bộ tùng san có đến mấy ngàn cuốn, họ cũng in lại mà bán giá rẻ cho dễ mua. Dầu vậy, rẻ nào cũng phải đến ba bốn trăm đồng một bộ.

Những sách cả pho lớn như vậy, họ in ra đã nhiều pho nhiều lần lắm, chớ không phải ít ỏi gì đâu. Cách vài năm nay họ có biên tập một pho sách kêu là Vạn hữu văn khố, tay bác sĩ giỏi nhứt là Vương Vân Ngũ đứng chủ nhiệm. Bộ sách nầy gồm cả cựu học tân học, Đông phương, Tây phương, phàm cái gì loài người nên biết đều gồm vào đó. Sách chưa biết tổng cả là bao nhiêu cuốn, duy mới kể một phần xuất bản trước mà đã là hai ngàn cuốn và phụ theo mười cuốn to rồi. Theo giá thường thì chừng nấy đó ít nữa cũng một ngàn đồng mới mua đặng, song họ bán theo cách lấy tiền trước, nhận sách sau thì chỉ có 360 đồng giao một lần   mà thôi.

Trong nhà ấy lại còn đặt ra các khoa dạy học bằng cách gởi thơ, và lập một cái đồ thơ quán cho người ta tự do vào xem sách, bao nhiêu công việc họ làm, vẫn là việc buôn bán, nhưng cái công nghiệp về văn hóa của họ ở nước Tàu về sau, hẳn không có cái cơ quan nào bằng.

Người mình biết ít quá, chỉ biết có mấy nhà in bên Paris mà thôi, thậm chí có kẻ coi nhà in Viễn Đông ở Hà Nội mà đã le lưỡi lắc đầu cho là tuyệt đối rồi, phải cho họ biết cái nhà in nầy của Tàu, cho họ rộng ra.

Thế nào nước Tàu cũng không có thể vong quốc được đâu. Mười nước Nhựt Bổn cũng chẳng làm gì họ nổi đâu. Một thời một buổi, đáng khuất phải khuất đó thôi; chớ ai dám bảo một dân tộc mà công việc văn hóa to tát thế nầy lại mất nước được!

CHƯƠNG DÂN

   




Chú thích

  1. Trong thời Quang Tự (ất hợi 1875 - mậu thân 1908), đinh dậu-mậu tuất là hai năm 1897-1898.
  2. Phần đầu bài này đăng với tên tác giả ký dưới bài là M.B.