Thơ văn xuân, phải cho mới
Theo như ý tôi, và cũng theo như ý nhiều người khác, thì trong sự làm thơ làm văn có một điều cốt nhất là phải cho mới. Có người xưa đã nói: "Những lời cổ nhân đã nói rồi, có cần mình phải nói lại làm chi?" Thanh nho, ông Cố Viêm Võ, chủ trương cái thuyết ấy lại càng vững chãi và thiết thực hơn ai hết. Bao nhiêu sách ông làm ra, nhất là sách Nhật tri lục của ông, ông soát lại từng bài từng câu; hễ bài nào câu nào tình cờ đồng ý với cổ nhân, lúc viết ra lửng đi, hay chưa biết đến, sau phát giác ra, đều bị ông san khử hết. Vì cớ ấy mà sách Nhật tri lục hồi mới in lần đầu đem so với bản in lần sau có giảm bớt nhiều.
Thơ văn thường, còn vậy, huống chi là thơ văn xuân. Xuân là gì? Ta có thể cắt nghĩa gọn đi rằng xuân là mới. Vậy thì, thơ văn xuân mà không mới, hà tất làm trong lúc gặp xuân làm chi? Thứ thơ văn ấy tưởng cũng chẳng cần có làm chi.
Gió đông, mưa mỡ, đào non, oanh vàng, cỏ như nệm, hoa như gấm... tài liệu xuân chỉ có bấy nhiêu, mà tài liệu thơ văn xuân cũng chỉ có bấy nhiêu. Cảnh thì thế, rồi đến người. Người thì "trẻ vui chưa lo nghĩ, già vui nhớ thiếu niên"[1], nàng khuê phụ nhìn bông liễu mà nhớ kẻ viễn chinh, trang tao khách ngắm trăng sông mà dửng dưng thế sự... quanh đi quẩn lại rồi cái người trong xuân cũng chỉ có thế, thế là tài liệu về phần người.
Ừ xuân là mới thật; nhưng mỗi năm mỗi có xuân, xuân cũng phải thành ra cũ. Những tài liệu về cảnh và người chỉ có bấy nhiêu ấy, không thể chế tạo thêm ra được, mà cũng không thể thay đổi khác đi được, thì muốn cho thơ văn xuân trở nên mới, chẳng là khó lắm ư?
Khó vẫn khó, – nếu dễ thì thi ông chẳng đã đầy đường, văn sĩ chẳng đã lấy xe mà chở rồi! – nhưng khó mấy cũng phải rán mà theo, cũng phải rán mà làm cho mới, thì mới xứng đáng là thơ văn xuân.
Cái cảnh và người của xuân chỉ có bấy nhiêu, năm nào cũng vậy, xưa nay không khác; ăn thua là chỉ tại cái "ý cảnh" 意 境 của người làm thơ văn. Tài liệu vẫn là tài liệu cũ, nhưng hễ cái ý cảnh mới thì thi văn phải mới.
Tôi xin cử ra mấy câu thơ xuân của ông Đỗ Phủ làm lệ. Bấy giờ ông Đỗ ở đất Thục, sau cơn giặc giã, vừa gặp mùa xuân, ông có bài thơ tám câu, đây nhắc lấy hai câu như vầy:
Cảm thời, hoa tiễn lệ 感 時 花 濺 淚
Hận biệt, điểu kinh tâm 恨 別 鳥 驚 心
Nên vì những độc giả nào không thạo chữ Hán mà cắt nghĩa đen ra đây, hầu cho xuống dưới này dễ hiểu hơn. Hai câu đó, nghĩa đen nó thế này: Cảm vì thời tiết, hoa rơi nước mắt; giận sự biệt ly, con chim kinh sợ trong lòng...
Thơ Đỗ Phủ hay là ở đó. Ông nổi tiếng "thi thánh" là nhờ ở những câu như vậy. Những câu ấy tỏ ra cái ý cảnh của ông là mới.
Hai câu: "Cảm thời hoa tiễn lệ; hận biệt điểu kinh tâm", đã bị người ta đem ra dùng nhiều quá, nhất là họ hay lấy mà viết lên cái "nhà táng", thành ra chúng ta coi làm thường. Chớ kỳ thực nó là mới lắm.
Xưa nay thi nhân tả xuân mà nói đến hoa điểu, thì hết thảy đều nói "hoa nở chim kêu" để vẽ ra cái cảnh tượng vui vầy đầm ấm, chớ chẳng ai đem hoa điểu mà tả sự sầu hận bao giờ. Trong hai câu đó, ông Đỗ làm con chim cái hoa thành ra người ta, biết cảm vì thời tiết mà rơi nước mắt, biết hờn sự ly biệt mà kinh sợ trong lòng; như vậy trong sự mới chẳng phải là còn thêm mới nữa ư?
Những cái lệ như trên đó, nếu cử ra hoài thì còn hoài, song xin dẹp bớt để nói qua chuyện khác.
Thơ văn xuân xứ ta, hoặc nôm hoặc chữ, tôi chưa thấy được bài nào hay mà lại có cái vẻ mới và ngộ nghĩnh như bài thơ ông Đỗ đó. Mười mấy năm nay, mỗi đến cái Tết thì biết bao là báo là sách, in rặt những thơ văn xuân. Nhưng trong đó toàn những thiều quang chín chục với gió đông phe phẩy, khí dương đầm ấm mà thôi, chớ chẳng có gì lạ. Khi cầm những báo những sách ấy mà đọc, khiến người ta sinh ra cái cảm tưởng như trong lúc đi bòn vàng: mất công thì nhiều mà sở đắc không được mấy, hoặc đến nỗi mất công toi!
Cực chẳng đã lắm phải kể đến những câu những bài tuy không bằng của ông Đỗ mà nó thoát ra ở ngoài khuyên sáo thì cũng còn khá. Ấy là như câu đối dán cửa trong ngày Tết bằng chữ Hán mà đặt thế này:
Hồng Lạc sơn hà phi cựu chế;
Long Biên hoa thảo nhạ tân xuân.
Các nhà nho ở Hà thành, lẽ cũng còn có người nhớ câu đối này. Tôi quên nó dán ở cửa nhà ai; chỉ nhớ rằng hạ tuần tháng Giêng ta, năm 1908, tôi đến Hà Nội thì còn thấy nó. Lúc mới trông thấy, trong óc tôi có hơi động, hình như bị giây điện dựt, thì tôi biết rằng nó có cái hấp lực nhiều ít, chớ không như những câu thường.
Kể là hay thì câu đối ấy không phải hay. Song theo như hồi bấy giờ thì phải kể nó là mới. Vế trên của nó, chuyện ai cũng thừa biết rồi, thế mà lại đem ra nói, chỗ đó ta nên nhìn thấy cái trí khéo của tác giả, biết tìm cái hữu vị trong cái vô vị; còn vế dưới, nói vậy cũng như nói chỉ có hoa thảo mới rước xuân mà thôi, ngó lơ lửng mà thâm trầm.
Nôm thì vừa rồi có một tay nhà thơ thanh niên đọc cho tôi nghe một bài thơ và một câu đối của mình, cũng là làm trong dịp Tết mới rồi. Bài thơ đề là Chờ xuân không thấy mới:
Nghe nói xuân sang thức dậy chờ,
Sao mà dấu cũ vẫn còn trơ?
Non sông loè loẹt bông hoa giả;
Bờ cõi tùm hum cỏ rác mờ.
Chín chục thiều quang đeo vẻ thẹn;
Một bầu thụy khí lẫn mùi dơ.
Bà con, khuyên chớ mừng xuân nữa,
………………………………………
Còn câu đối, đọc một vế nghe:
Xuân cóc lác chi mà xuân! Xuân riêng vui hoa cỏ mà thôi; giống Rồng Tiên đâu trước chớ bây giờ, hai mươi triệu dân xưa: học sinh ngu, văn sĩ dốt, công tử bột, trượng phu kềnh, đẻ quái sinh yêu, đứng giữa vòng kia, trời đất hẹp hòi không chết bớt!
Cái khẩu khí ấy thì lại toàn là cái khẩu khí của kẻ phẫn uất và hay thóa mạ, văn thì cứng cáp, nhưng khó mà vào tai người ta, có mấy ai ưa?
Rốt lại, trong làng thơ văn ta, tôi chỉ thấy phần nhiều là thứ "hàng tầm tầm" ở Hà Nội, hay thứ "hàng lạc xon" ở chợ Mới Sài Gòn. Tôi rất mong cho người ta mới đi! mới đi!
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Câu này ở trong bài Trung thu đăng ở Đăng cổ tùng báo non 30 năm trước (nguyên chú của PK).