Thơ tình trong kinh điển

Thơ tình trong kinh điển  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Hà Nội báo, Hà Nội, số 20 (20 Mai 1936), trang 2 - 4.

Văn học của một thứ tiếng nào cũng vậy, bắt đầu phát sinh ra bằng vận văn, mà trong những bài vận văn ấy thường thường lấy ái tình làm tài liệu.

Ấy tức là thơ tình, cũng gọi là tình thi. Trong đám sơ dân, trai gái yêu nhau rồi đem sự yêu nhau ấy ra mà ca vịnh nên lời, hoặc để gởi sự nhớ nhung, hoặc để tỏ niềm khăng khít.

Vả, trai gái yêu nhau là bởi tính tự nhiên. Ái tình, theo đúng bản chất của nó mà nói, là một vật cao thượng và thanh khiết. Thế thì những tác phẩm lấy nó làm tài liệu, về mặt nghệ thuật, khéo vụng thế nào chưa nói, chứ về mặt đạo đức, chẳng có gì là đáng chê. Cho nên đời xưa, những dân tộc nào đã góp tác phẩm của mình lại làm ra sách kinh điển là thứ sách coi như khuôn phép cho đời này sang đời khác, cũng đều đem nhiều ít thơ tình mà để vào trong đó.

Kinh Thi của dân Trung Hoa và Cựu Ước của dân Hê-bơ-rơ cũng đều vậy cả.

Trong Kinh Thi, nhất là về sách Quốc phong, có rất nhiều thơ tình. Mà chẳng những thơ tình, rất đỗi có những bài như bài Tang trung, người ta đã gọi ngay nó là thơ “dâm bôn” nữa kia.

Thơ tình cho đến thơ dâm bôn đã được để vào Kinh Thi, sự đó người đời xưa coi là sự đương nhiên, không có ái ngại gì cả.

Nhưng về sau cái quan niệm về đạo đức của người đời mỗi ngày một thay đổi, bởi bó mình trong lễ giáo thái quá nên người ta đã coi ái tình như là một sự phạm tội và tình thi như là một thứ tác phẩm bất chánh. Vì đó bọn hậu nho mới tìm cách để giải thích cho những bài thơ tình trong Kinh Thi thành ra không còn phải là thơ tình.

Kinh Thi mở đầu ra là sách Quốc phong, sách Quốc phong mở đầu ra là thiên Châu Nam, thiên Châu Nam mở đầu ra là bài Quan thư, và bài Quan thư là một bài tình thi. Thế là ông Thánh đời xưa dọn bộ Kinh Thi mà mở đầu ra đã cho chúng ta đọc một bài thơ tình, chẳng có khem cữ chút nào hết. Ấy vậy mà khi nó bị trải qua dưới cặp mắt có mang kính màu của hậu nho, nó phải biến hình đi, thành ra một nghĩa khác.

Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu

(Quan quan chim thư cưu kêu / Ở nơi doi sông hà / Dịu dàng gái lành / Xứng đôi cùng người quân tử)

Đó chẳng qua một người con trai một người con gái yêu nhau thì thốt ra như thế. Có tưng bốc nhau những là thục nữ, quân tử thì mới mạnh mẽ, mà hạ được cái ý dan díu nhau và gắn bó nhau.

Châu Nam là phần đất cai trị của vua Văn Vương nhà Châu. Hậu nho tin vua Văn Vương là thánh, miền ngài cai trị phải có phong hóa tốt đẹp, chắc không có đâu sự trai gái ve nhau và do đó có những bài hát hoa tình. Thế nhưng bài thơ Quan thư đã nghiễm nhiên đứng đầu Kinh Thi, không có thể nào xóa bỏ đi được, họ chỉ có một cách là giải thích nó ra nghĩa khác.

Quân tử đó là vua Văn Vương, thục nữ đó là bà hậu phi, vợ ngài; một đằng là thánh nhân, một đằng là trang khuê các, có đức “u nhàn trinh tĩnh”, hai đằng phối hợp cùng nhau, nhờ đó mà gây nên cái công hiệu tề gia trị quốc, nên thi nhân mới làm bài thơ này để khen. − Đó là lời giải thích của các bậc hậu nho, và lời giải thích thật là quanh co quá!

Nhưng cái bản sắc của bài Quan thư là một bài thơ tình thì không vì lời giải thích ấy mà mất đi được. Vì cuối bài ấy có những câu:

Sâm si hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngụ mị cầu chi
Cầu chi bất đắc
Ngụ mị tư bặc
Du tai! Du tai!
Triển chuyển phản trắc!

(So le rau hạnh / Tả hữu thuận dòng theo đó / Dịu dàng gái lành / Thức ngủ tìm đó / Tìm đó chẳng đặng / Thức ngủ nhớ nhung / Thảm thay! Thảm thay / Trằn trọc tráo trở !)

Những câu thơ tỏ ra cái tình ái luyến rất nồng nàn và nói ra một cách rất giản dị ấy không có thể hợp với cái thuyết đạo đức đứng đắn của hậu nho được; nó đã là thơ tình thì bao giờ nó cũng vẫn là thơ tình.

Cũng như sách Nhã Ca trong Kinh Thánh Cựu Ước vốn cũng là những bài thơ tình, tả tình lại còn suồng sã xốc nổi hơn Quốc phong nữa, thế mà cũng đã bị người ta thay đổi mặt mày của nó.

Nhã Ca mở đầu có những câu:

“Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng người,
Vì ái tình chàng ngon hơn rượu”
[1]

Như thế còn ai chối được rằng thơ ấy không phải bởi sự trai gái âu yếm nhau mà ra? Suồng sã xối nổi như những câu:

“Hãy lấy bánh nho uống đỡ lòng tôi,
Dùng trái bình bát bổ sức tôi lại,
Vì tôi có bịnh bởi ái tình,
Tay tả người kê dưới đầu tôi,
Còn tay hữu người ôm lấy tôi…”

Trong Kinh Thi có bài tả cái đẹp của các chi thể người đàn bà như cái đầu, cái cổ, chang mày, con mắt, v.v… thì Nhã Ca lại còn tả đủ hơn nữa, như đoạn này:

“Chơn nàng mang giày, xinh đẹp biết bao,
Vế nàng béo mướt, khác nào như ngọc,
Rốn nàng giống như cái ly tròn,
Bụng nàng dường một đống lúa mạch,
Hai vú nàng như hai con sanh đôi của hoàng dương,
Cổ nàng như một cái tháp ngà,
Mắt nàng khác nào cái ao tại Hết-bôn,
Mũi nàng như ngọn tháp Li-ban ngó về hướng Đa-mách,
Đầu trên mình nàng khác nào núi Cạt-mên,
Và tóc nàng như sắc tía…”

Tả sắc đẹp của đàn bà mà tả đến những cái vú, cái rốn, cái đùi (vế) thì thật là bạo quá. Không ai ngờ được rằng trong kinh điển của một tông giáo lại có được thứ văn chương như vậy.

Thấy nói đương hồi thế kỷ thứ nhất có nhiều dòng đạo nghiêm chính không chịu nhìn những sách Nhã CaKinh Thánh. Nhưng về sau, ai ai cũng nhìn nó cả, là vì nhờ cách giải thích của các học giả bên đạo, nó trở nên có một nghĩa rất cao và rất hay.

Người ta nói những bài thơ trong sách Nhã Ca đó là mượn sự yêu nhau giữa trai gái để ngợi khen sự quan hệ giữa Đức Chúa Trời với dân ngài. Theo văn học, đó là một nghĩa về tượng trưng chớ không phải là tả thực.

Sự giải thích quanh co ấy cũng giống như hậu nho đối với Kinh Thi mà trên đây đã nói. Thực ra thì Nhã Ca có thể là một thứ sách về văn học của quốc dân Hê-bơ-rơ đời thượng cổ, trong đó chỉ nói về sự trai gái yêu nhau cũng được, chứ không dính dấp gì với việc Đức Chúa Trời.

Ngày nay nhờ khoa học xương minh trong xã hội nào cũng thấy bớt sự đè ép nặng nề của tông giáo và đạo đức cổ; nên những thơ tình trong kinh điển mới được phục lại cái bản sắc của nó. Ngày nay các nhà học giả tân tiến bên Trung Quốc và các nhà tông giáo khai thông ở khắp cả thế giới đều chịu coi thơ Quan thư và thơ Nhã Ca là những bài thơ tình.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Những câu thơ ở Nhã Ca đây theo bản dịch Kinh Thánh của hội Tin Lành và theo cả bản chữ nho nữa (nguyên chú của P.K.)