Thơ của Nam Trân
Đầu năm 1935, báo Tràng An ra đời; năm bảy kỳ đầu trên đó, người ta thấy những bài thơ dưới ký tên Nam Trân. Ít nhiều bạn làng văn ở Huế tin rằng Nam Trân sẽ từ nay tiếng nổi như pháo trên thi đàn và thơ của Nam Trân cũng sẽ từ nay được gặp luôn luôn trên tờ báo mới ấy. Không ngờ, trải qua một thời gian chẳng phải vắn vỏi gì mà cái điều sở nguyện của người ta vẫn chưa thấy toại; rồi thơ Nam Trân từ đó cũng tuyệt tích trên báo Tràng An!
"Thi nhân có người may, cũng có người chẳng may", ‒ lời ấy phải chăng là một lời kinh nghiệm? Nếu nó quả là lời kinh nghiệm thì, Nam Trân anh hỡi! đừng buồn nữa! Anh chẳng qua là một kẻ lãnh phần chẳng may trong bọn thi nhân tự cổ chí kim.
Nhân nói chuyện đến mà tôi có vài lời khuyên giải vị thi hữu đáng mến của tôi; chứ bài nầy, tôi viết ra, cốt để mổ xẻ thơ Nam Trân, trước khi đặt người lên bàn mổ, không cần y sĩ phải có lời an ủi.
Trong thiên hạ có nhiều sự đáng tức, mà thơ hay không được truyền là một. Sự nầy, nó đáng tức cũng như ông thừa phái làm việc quan giỏi mà không được thăng chức và tăng lương, cô bé xinh ra phết mà không gặp tấm chồng cho nên dáng. Cái tức ấy chẳng cứ gì người đương cuộc, mà khách bàng quan xưa nay đã bao lần dửng dưng pha giọt lệ vào sự bất hạnh chẳng phải của mình!
Êm êm dòng nước Hương Giang chảy,
Xúm xít thuyền con chỗ ba, bảy.
Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây,
Như luồng khói nhẹ lên lên mãi.
Tháp cao dòm nước: vết meo trôi,
Đồi thấp sừng trăng dõi dõi soi.
Mờ ớ xa xa gà gáy sáng,
Trong chùa cảnh cảnh tiếng chuông hồi.
(Trước chùa Thiên Mụ)
Đã quá nửa tháng rồi,
Mà mưa, mưa chẳng dứt.
Lúng túng cảnh nhà pha,
Ai ai xem cũng bực.
Rải rác chú phu xe,
Co ro thân mèo ướt,
Lóng ngóng các ngã ba,
Lù xù như gà xước.
Con bạc họp tứ tung,
Tha hồ xe, pháo, mã.
Rét mướt đánh càng hay,
Được tiền mua áo dạ.
Đạo đức các cụ ta,
Dở chuyện cũ ra bàn.
Dưới nhà cỏ nổi lửa,
Lốp đốp nhả ngô ran.
(Huế, mưa dầm)
Lửa hạ bừng bừng cháy,
Làn ma trốt trốt bay.
Tiếng ve rè rè mãi,
Đánh đổ giấc ngủ ngày.
Đường sá ít người đi,
Bụi cây lắm kẻ núp.
Xơ xác quán nước chè,
Ra vào người tấp nập.
Phe phẩy chiếc quạt tre,
Chú nài ngồi đầu voi.
Thỉnh thoảng giơ tay bẻ,
Năm ba chùm nhãn còi.
Hoa phượng như giọt huyết,
Giỏ xuống phủ lề đường.
Mặt trời gay gay đỏ,
Nhuộm đỏ góc sông Hương.
(Huế mùa hạ)
Trời nóng băm bốn độ,
Đèn, sao khắp Đế đô.
Mặt trăng vàng trỏn trẻn,
Nấp sau nhánh phượng khô.
Ba nhịp cầu Trường Tiền,
Đứng dày người hóng mát.
Ngọn gió Thuận An lên,
Áo quần kêu sột soạt.
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan,
Qua lại bến sông Hương.
Tiếng đàn chen tiếng hát,
Thánh thót điệu Nam Bường.
Hai tay xách hai vịm,
Một vài mụ le te,
Tiếng non nghe lảnh lót,
Chốc chốc: "ai ăn chè"
(Huế, mùa hạ II)
Đó là thơ Nam Trân đó.
Tôi dám chắc bạn đọc khi vồ lấy bốn bài nầy ở đây được rồi, cứ ngâm đi ngâm lại mà không thấy chán. Liền đó, bạn phải nhận cho tác giả nó là một thi nhân số một số hai ở hiện thời, liệt vào vào với bọn Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, không đến làm cho mình phải thẹn, vẫn biết rằng tài điệu mỗi người riêng một lối, cảm hứng mỗi người đi một đường.
Ấy thế mà bốn bài đó cùng những bài khác xuýt xoát như nhau đều đã đăng trên báo Tràng An đó. Chính tờ báo nầy đã phụ chúng nó và tác giả của chúng, vì đã hèn lâu mà cái tên Nam Trân thi sĩ chẳng được vang lừng như Thế Lữ, như Huy Thông, như Lưu Trọng Lư.
Chỉ vì một tờ báo ở vào địa vị hiềm nghi, bởi cái tên và cái giấy khai sinh của nó, mà làm cho một thi sĩ chân chính bị dìm ếm dưới thi đàn, bị xao lãng giữa tai mắt công chúng, đã đành thế gian còn có nhiều sự bất bình hơn nữa, nhưng sự nầy há lại không kể được là sự bất bình?
Bài Trước chùa Thiên Mụ là rập theo điệu bài thơ Đằng vương các của Vương Bột. Nhưng cái hay không phải toàn ở điệu. Nó hay ở một bài thơ mà như một bức hoạ. Ông nào vẽ giỏi, thử theo từng câu mà vẽ ra xem, khắc thấy trước mắt một cảnh đẹp thiên nhiên.
Nam Trân hạ những chữ trong bài thơ của mình, bằng một cách táo tợn mà ngộ nghĩnh. Như chữ "đẫm" trong câu "Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây", chữ "sừng" trong câu "Đồi thấp sừng trăng dõi dõi soi", chữ "đánh đổ" trong câu "Đánh đổ giấc ngủ ngày", chữ "trỏn trẻn" trong câu "Mặt trăng vàng trỏn trẻn" đều là những chữ có vẻ khác thường, ít ai hạ được như thế.
Không dám mếch lòng thi sĩ khác, nhưng tôi phải nói thật rằng tôi không ưa thơ họ bằng thơ Nam Trân. Luận thơ, tôi trọng nhất ở chữ "chân". Có phải không, hoặc tả cảnh, hoặc ngôn tình, trong thơ Nam Trân cũng dễ tìm thấy chữ "chân" hơn thơ của người nào? Ai đã ở qua Huế một năm, phải chịu những bài Mùa hạ, Mưa dầm là không cãi được lấy nửa chữ.
Tôi khen Nam Trân hạ chữ ngộ nghĩnh, không phải là tôi không thấy ông ta dùng chữ còn có chỗ sống sượng đâu. Như câu "Như luồng khói nhẹ lên lên mãi", câu thì hay, mà phải chữ "nhẹ" để vào đó có hơi ngớ ngẩn. Phải có thứ khói nào nặng thì mới nói như thế được chớ. Ngặt vì khói nào cũng nhẹ cả thì lọ phải hình dung nó làm chi? Tôi muốn đổi lại là "Nhẹ như luồng khói..." mà tôi cho là dễ nghe hơn.
Nam Trân lại có một chỗ trong thơ ông ta làm cho tôi không đồng ý được nữa, là cách bỏ vận. Không vận thì thôi, chớ đã có, tôi nói, phải gieo cho đúng. Nam Trân thì:
Xao xác đồng chiêm uống giọt sương.
Sương pha màu sữa dưới trăng mờ.
Lều tranh xám xịt bâu sườn núi,
Sau dãy rào tre khúc rậm sưa.
Ấy là bốn câu đầu của bài Cảnh quê. Tôi phải lấy làm lạ sao đã nhả ra được những câu thơ như thế mà lại không chịu săn sóc đến vận một chút để mà được hoàn toàn hơn!
Dù thế nào, trên con đường thơ mai sau, tôi có hy vọng ở Nam Trân lắm lắm. Một thi nhân đáng biểu dương như thế ai nỡ để cho mai một đi trong hoạn trường là chỗ dễ mai một cái thiên tài của người ta!
Hai số đầu Sông Hương lại phát biểu hai bài thơ Nam Trân. Trong có một bài thơ mới. Nhưng khi tôi phê bình thơ Nam Trân chỉ phê bình thơ chứ không chia mới cũ.
NGỌA DU NHÂN[1]
Chú thích
- ▲ Bút danh Ngọa Du Nhân khá lạ, song nên lưu ý tới việc nhật báo Tràng An ngay khi mới ra mắt đã đăng đều đặn thơ Nam Trân, hơn thế còn có lời nhắc độc giả đọc và sưu tập thơ Nam Trân để dự một cuộc thi nào đó mà báo Tràng An có thể sẽ tổ chức. Đó là thời kỳ Phan Khôi làm chủ bút Tràng An. Sau khi Phan Khôi thôi việc ở đó thì nhật báo này cũng thôi đăng thơ Nam Trân. Bài viết này có phần chắc là của Phan Khôi. Theo Nguyễn Hữu Sơn thì Ngọa Du Nhân chính là bút danh của Phan Khôi.