Thông cáo chung bốn bên

Thông cáo chung của bốn bên ký kết  (1973) 

[Vietnamese text — Texte vietnamien]


THÔNG CÁO CHUNG


Các bên ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27 tháng 1 năm 1973,

Cho rằng việc các bên ký kết triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành mọi điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư của Hiệp định là cần thiết để bảo đảm hòa bình ở Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á,

Đã thỏa thuận những điều sau đây (theo thứ tự những điều khoản liên quan trong Hiệp định):

1. Theo đúng Điều 2 của Hiệp định, Hoa Kỳ chấm dứt ngay, hoàn toàn và không thời hạn việc trinh sát trên không trên lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

2. Theo đúng Điều 2 của Hiệp định và Nghị định thư về tháo gỡ mìn:

a) Hoa Kỳ sẽ tiến hành trở lại việc quét mìn trong vòng năm ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này và hoàn thành tốt việc này trong vòng ba mươi ngày sau đó.

b) Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam dân chủ cộng hòa những phương tiện được thỏa thuận là thích hợp và đầy đủ để quét mìn trên sông.

c) Hoa Kỳ sẽ ra thông cáo mỗi khi làm xong việc quét mìn ở từng luồng chính và ra thông cáo cuối cùng khi hoàn thành toàn bộ việc quét mìn.

3. Thực hiện Điều 2 của Hiệp định, vào 12 giờ 00 (giờ GMT) ngày 14 tháng 6 năm 1973, các Bộ chỉ huy tối cao của hai bên miền Nam Việt Nam ra lệnh giống nhau cho tất cả các lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang dưới quyền mình triệt để thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam bắt đầu từ 4 giờ 00 (giờ GMT) ngày 15 tháng 6 năm 1973 và phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định và các Nghị định thư của Hiệp định.

4. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ triệt để thi hành Điều 2 và Điều 3 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam nói như sau:

"Điều 2

a) Bắt đầu từ khi ngừng bắn có hiệu lực cho đến khi có quy định của các Ban liên hợp quân sự, tất cả các lực lượng chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không của các bên ở miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí của mình; nghĩa là, để bảo đảm ngừng bắn vững chắc, sẽ không có sự bố trí lại lực lượng lớn hoặc không có sự di chuyển nào mở rộng vùng kiểm soát của mỗi bên, hoặc dẫn tới sự tiếp xúc giữa các lực lượng vũ trang đối địch và các hành động xung đột có thể xảy ra.

b) Mọi lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang của các bên ở miền Nam Việt Nam phải tuân theo những điều cấm chỉ sau đây:

1) Cấm các cuộc tuần tra vũ trang sang vùng do lực lượng vũ trang đối phương kiểm soát và cấm những chuyến bay của các loại máy bay ném bom, máy bay chiến đấu trừ những chuyến bay không vũ trang với mục đích huấn luyện và bảo quản;

2) Cấm tấn công vũ trang vào bất cứ người nào, quân sự hoặc dân sự, bằng bất cứ phương tiện nào kể cả việc sử dụng vũ khí nhỏ, súng cối, đại bác, ném bom, bắn phá bằng máy bay và bất cứ vũ khí hoặc vật có thể nổ khác;

3) Cấm tiến hành mọi cuộc hành quân chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không;

4) Cấm các hành động đối địch, khủng bố và trả thù;

5) Cấm mọi hành động xâm phạm đến tính mạng và tài sản công và tư.

Điều 3

a) Những điều ngăn cấm nói trên không được cản trở hoặc hạn chế:

1) Việc tiếp tế dân sự, việc tự do đi lại, tự do làm ăn sinh sống, tự do buôn bán của nhân dân và giao thông vận tải dân sự giữa tất cả các vùng ở miền Nam Việt Nam;

2) Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình sử dụng những đơn vị công binh và vận tải trong việc sửa chữa và xây dựng những tiện nghi công cộng và việc vận chuyển, tiếp tế cho nhân dân;

3) Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình tiến hành việc huấn luyện quân sự bình thường, khi tiến hành có chú ý tới an toàn công cộng.

b) Các Ban liên hợp quân sự sẽ thỏa thuận ngay về các hành lang, các tuyến đường và các quy định khác cho việc di chuyển của các máy bay vận tải quân sự, các loại xe vận tải quân sự và tàu thuyền vận tải quân sự của bên này phải đi qua vùng do các bên kia kiểm soát."

5. Ban liên hợp quân sự hai bên thực hiện ngay nhiệm vụ của mình theo Điều 3(b) của Hiệp định để quy định các vùng do mỗi bên trong hai bên miền Nam Việt Nam kiểm soát và những thể thức trú quân. Nhiệm vụ này sẽ hoàn thành càng sớm càng tốt. Ban liên hợp quân sự hai bên cũng bàn ngay về sự di chuyển cần thiết để hoàn thành việc các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam trở về vị trí mà họ đóng giữ vào lúc ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực ngày 28 tháng 1 năm 1973.

6. Hai mươi bốn giờ sau khi ngừng bắn nói ở đoạn 3 có hiệu lực, những người chỉ huy của các lực lượng vũ trang đối diện nhau và đang trực tiếp tiếp xúc ở những nơi đó sẽ gặp nhau để thực hiện những điều khoản của Điều 4 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam để đi tới thỏa thuận về các biện pháp tạm thời nhằm tránh xung đột và bảo đảm việc tiếp tế, cứu thương cho các lực lượng vũ trang đó.

7. Theo đúng Điều 7 của Hiệp định:

a) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật.

b) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào miền Nam vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh. Tuy nhiên, hai bên miền Nam Việt Nam được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh, theo như Điều 7 của Hiệp định cho phép, qua những cửa khẩu đã được chỉ định và có sự giám sát của Ban liên hợp quân sự hai bên và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

Theo đúng Điều 15(b) của Hiệp định nói về việc tôn trọng khu phi quân sự, các trang bị quân sự được qua khu phi quân sự nếu chỉ đưa vào miền Nam Việt Nam để thay thế theo Điều 7 của Hiệp định và tới một cửa khẩu đã được chỉ định.

c) Hai mươi bốn giờ sau khi ngừng bắn nói ở đoạn 3 có hiệu lực, Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ thảo luận về những thể thức giám sát việc thay thế vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh mà Điều 7 của Hiệp định cho phép tại ba cửa khẩu đã được thỏa thuận cho mỗi bên. Trong vòng mười lăm ngày kể từ khi ngừng bắn nói ở đoạn 3 có hiệu lực, hai bên miền Nam Việt Nam cũng sẽ thỏa thuận để chỉ định ba cửa khẩu bổ sung cho mỗi bên trong vùng do bên đó kiểm soát.

8. Theo đúng Điều 8 của Hiệp định:

a) Bất cứ nhân viên bị bắt nào nói ở Điều 8(a) của Hiệp định mà chưa được trao trả thì sẽ được trao trả không trì hoãn, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không chậm quá ba mươi ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này.

b) Tất cả các điều khoản của Hiệp định và Nghị định thư về việc trao trả nhân viên bị bắt phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Tất cả nhân viên dân sự Việt Nam nói ở Điều 8(c) của Hiệp định và Điều 7 của Nghị định thư về việc trao trả nhân viên bị bắt sẽ được trao trả càng sớm càng tốt. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hoàn thành việc này trong vòng bốn mươi nhăm ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này.

c) Theo đúng Điều 8 của Nghị định thư về việc trao trả nhân viên bị bắt, tất cả những nhân viên bị bắt và giam giữ nói trong Nghị định thư này phải được đối xử nhân đạo trong bất cứ lúc nào. Hai bên miền Nam Việt Nam thực hiện ngay Điều 9 của Nghị định thư này, và trong vòng mười lăm ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này, sẽ để cho những Hội hồng thập tự quốc gia được họ thỏa thuận tới thăm tất cả các nơi giam giữ những nhân viên đó.

d) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hợp tác trong việc tìm kiếm tin tức những người bị mất tích, xác định vị trí và bảo quản mồ mả của những người bị chết.

e) Theo đúng Điều 8(b) của Hiệp định, các bên sẽ giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu, xác định vị trí và bảo quản mồ mả của những người bị chết, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cất bốc và hồi hương hài cốt và có những biện pháp khác cần thiết để tìm kiếm tin tức những người còn coi là mất tích trong chiến đấu. Nhằm mục đích này, sẽ có những chuyến bay liên lạc thường xuyên giữa Sài Gòn và Hà Nội.

9. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thi hành Điều 11 của Hiệp định nói như sau:

"Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh."

10. Phù hợp với những nguyên tắc về việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam ghi trong Chương IV của Hiệp định:

a) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.

b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau phải được thành lập càng sớm càng tốt, theo đúng Điều 12 của Hiệp định.

Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để làm xong việc này trong bốn mươi nhăm ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này.

c) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thỏa thuận về các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ nói trong Điều 9(b) của Hiệp định sẽ bầu ra.

d) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện Điều 13 của Hiệp định nói như sau:

"Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt."

11. Thực hiện Điều 17 của Hiệp định:

a) Tất cả những điều khoản của Điều 16 và Điều 17 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam sẽ được thi hành ngay đối với Ban liên hợp quân sự hai bên cũng sẽ được hưởng ngay 11 điều ưu đãi và miễn trừ đã được Ban liên hợp quân sự bốn bên thỏa thuận. Sẽ có những chuyến bay liên lạc thường xuyên giữa Sài Gòn và trụ sở của các Ban liên hợp quân sự khu vực hai bên và những địa điểm khác ở miền Nam Việt Nam theo nhu cầu hoạt động của Ban liên hợp quân sự hai bên. Sẽ có những chuyến bay liên lạc thường xuyên giữa Sài Gòn và Lộc Ninh.

b) Trụ sở của Ban liên hợp quân sự trung ương hai bên sẽ đặt ở nội thành Sài Gòn hoặc tại một địa điểm, do hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận, tiếp giáp giữa một vùng do bên này kiểm soát với một vùng do bên kia kiểm soát. Các địa điểm đặt trụ sở của các Ban liên hợp quân sự khu vực hai bên và của các tổ của Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ do Ban liên hợp quân sự ấn định trong vòng mười lăm ngày kể từ khi ngừng bắn nói ở đoạn 3 có hiệu lực. Các địa điểm này có thể thay đổi bất cứ lúc nào theo Ban liên hợp quân sự quyết định. Các địa điểm, trừ đối với các tổ ở các cửa khẩu, sẽ được chọn trong những thành thị ghi ở Điều 11(b) và (c) của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và những nơi tiếp giáp giữa một vùng do bên này kiểm soát với một vùng do bên kia kiểm soát, hoặc ở bất cứ địa điểm nào do Ban liên hợp quân sự thỏa thuận.

c) Một khi cả hai bên miền Nam Việt Nam đã thi hành các quyền ưu đãi và miễn trừ nói ở đoạn 11(a), Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ có đầy đủ nhân viên và triển khai đầy đủ các Ban liên hợp quân sự khu vực và các tổ trong vòng mười lăm ngày sau khi các địa điểm nói trên đã được ấn định.

d) Ban liên hợp quân sự hai bên và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ lẫn nhau trong khi thi hành nhiệm vụ của mình.

12. Theo đúng Điều 18 của Hiệp định và Điều 10 của Nghị định thư về Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, Ủy ban quốc tế, kể cả các tổ, được đi lại quan sát theo sự cần thiết hợp lý để thực hiện đúng đắn nhiệm vụ của mình như đã quy định trong Hiệp định. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ này, Ủy ban quốc tế, kể cả các tổ, sẽ được mọi sự giúp đỡ và hợp tác cần thiết của các bên hữu quan. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ra những chỉ thị cần thiết cho nhân viên của mình và sẽ có tất cả những biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cho sự đi laị như vậy.

13. Điều 20 của Hiệp định, đối với Cam-pu-chia và Lào, sẽ được thi hành nghiêm chỉnh.

14. Theo đúng Điều 21 của Hiệp định, Ủy ban kinh tế hỗn hợp Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ nối lại các cuộc họp sau bốn ngày kể từ ngày ký Thông cáo chung này và hoàn thành giai đoạn đầu công việc của Ủy ban mười lăm ngày sau đó.

Khẳng định rằng các bên có liên quan sẽ triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành mọi điều khoản của Hiệp định Pa-ri, các Nghị định thư của Hiệp định và Thông cáo chung này, đại diện ký tên dưới đây của các bên ký kết Hiệp định Pa-ri quyết định ra Thông cáo chung này để ghi lại và công bố những điều họ đã thỏa thuận.

Ký tại Pa-ri, ngày 13 tháng 6 năm 1973


Thay mặt
Chính phủ Hoa Kỳ:
Thay mặt
Chính phủ Việt Nam cộng hòa:

[Signed – Signé]
HENRY A. KISSINGER
Phụ tá
Tổng thống Hoa Kỳ

[Signed – Signé]
B.S. NGUYỄN LƯU VIÊN
Đại diện Chính phủ
Việt Nam cộng hòa


Thay mặt
Chính phủ Việt Nam
dân chủ cộng hòa:
Thay mặt
Chính phủ cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam:

[Signed – Signé]
LÊ ĐỨC THỌ
Đại diện Chính phủ
Việt Nam dân chủ cộng hòa

[Signed – Signé]
NGUYỄN VĂN HIẾU
Bộ trưởng Chính phủ cách mạng
lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".

Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:

  1. Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
  2. Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
  3. Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).