Thói tệ  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài báo này được viết trong "Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo", số 798 ra ngày 2 tháng 5 năm 1907.

Mấy năm nay ở Hà-nội tự dưng thành ra một thói tệ, là khi có đám cháy trong thành-phố, thì nhà nào nhà ấy đóng chặt cửa lại, còn người đi qua đi lại thì chạy trốn. Sự đó bởi sao? Có người nói là tại những lính phút-lít[1] thấy ai đến cứu cháy thì cứ đánh người ta, bắt người ta làm như cu-li[2]; chớ không để cho người ta được tự do, tùy sức mình mà cứu. Còn những nhà mà đóng cửa chặt lại, là tại sợ những quân gian-đồ, nhân lúc dộn-dịp, vào cướp phá nhà người ta.

Tôi tưởng hai điều ấy cũng có thực, nhưng chúng ta không có nhẽ bàn với nhau thế nào, cho khỏi được du? Giá thử bây giờ mỗi một phố bao nhiêu người giai trẻ bàn nhau, bất cứ người Tây, người Khách, hay là người An-nam, hễ động thấy nhà nào cháy thì đến cả; cắt mấy người vào việc sách nước, mấy người vào việc giữ cho kẻ gian khỏi hôi đồ của chủ nhà, còn bao nhiêu các người khác thì để canh gác cho hàng phố và giữ kẻ gian. Một hai người thì lính phút-lít có thể bắt nạt được, nhưng nhiều người thì tôi tưởng không có nhẽ họ dám đánh mình?

Phải bàn nhau thế mới được, vì tôi trông thấy cháy mà giai trẻ chạy cả; dù tại cớ làm sao mặc lòng, cũng lấy làm xấu hổ thay cho người nước mình lắm. Có người đã trốn chánh thì chớ, lại không giấu mặt đi: như cháy ở hàng Đường thì đứng một bọn đông, thập thò ở đầu hàng Ngang để xem, thấy xe thụt-nước hoặc thấy lính phú-lít đến thì ồ chạy cả, lại còn vừa chạy vừa reo nữa !

Tôi lấy thế làm hủ lậu lắm, đã rát thì chớ lại dợ-mọi nữa; cho nên người ngoại quốc họ cười cho, mà họ cười là đáng lắm.

Việc ấy anh em đồng-bào mình phải bảo nhau, mới được.

Còn độ tết, những quân trộm cướp hay có vào nhỏ ra to, cũng vì thế. Có người kêu mà chẳng thấy ai ra cứu sốt cả, nhà nào nhà ấy chỉ cứ chẹn cửa cho rõ thật chặt, chẳng ai chịu thò ra.

Nhân việc ấy tôi xin bàn với hàng phố một điều này:

Trong một phố, phàm giai từ 20 tuổi giở lên, đến độ tết phải cắt nhau đi tuần, xin lĩnh Nhà-nước mỗi phố vài ba khẩu súng lục. Thí dụ, mỗi giờ cắt năm ba người đi lại trong phố, mà có sợ lúc quân lính đến bắt nhầm, thì mấy người đi tuần ấy phải có hiệu riêng.

Mà việc đi tuần cùng việc đi cứu hỏa, xin đừng cho là việc đê hạ.

Xưa kia mình có cái tục ăn-mày, thực là tục ăn-mày, cứ quan hay là con quan, cùng người khoa mục, người giầu có, thì được miễn việc tuần giờ ; cho nên ai ai cũng cứ cho việc tuần giờ là việc đê hạ. Đời nay tôi tưởng nên bỏ cái hủ tục ấy đi. Phàm con giai ai cũng nên coi cái nghĩa vụ với hàng sóm láng giềng, cùng việc binh vực kẻ yếu kẻ khổ, là một việc người anh hùng mới phải.

Không làm được nghề gì, phải đi gánh nước kiếm ăn, thì là đê tiện thật; nhưng mà đi sách nước để cứu kẻ khổ thì là việc người anh hùng, không phải là việc đê tiện.

Sức giai, mà tôi tưởng giời tháng giêng rét mướt tối tăm, ban đêm vác khẩu súng hoặc cầm cái tay thước, đi tuần trong phố một vài giờ cho cha mẹ mình, cha mẹ người, cho vợ con mình, vợ con người ngủ được yên; như thế thì khi về nhà, tôi tưởng vợ con cha mẹ phải trọng hơn là khi đi đánh tài-bàn hay là đi hát nhà-trò về.

   




Chú thích

  1. phiên âm tiếng Pháp police: cảnh sát
  2. phiên âm tiếng Pháp coolie: phu khuân vác