Thái độ Tưởng Giới Thạch gần đây
Quyết không chịu mất một tấc đất Trung Huê
Từ hồi có vụ Nhựt-Huê xung đột ở Mãn Châu đến nay dân Tàu cho đến dân các ngoại quốc, ai ai đều giắt mắt ngó vào Tưởng Giới Thạch là người cầm chánh quyền Trung Quốc hiện giờ. Bởi vì Tưởng chẳng những có tài cầm binh mà cũng có tài chánh trị nữa; có cơn gió bụi mới biết mặt anh hùng, vậy thì hôm nay mà người ta trông vào mình Tưởng là phải lắm.
Một người như Tưởng, hơn bốn năm nay đánh đâu được đó, bao nhiêu tay quân phiệt trong nước đã bị Tưởng mà thất đảo bát điên. Như thế có lẽ nào mới gặp ngoại hoạn một phen vội đã bó tay như chàng Thúc?
Nhưng mà cứ xem bề ngoài thì có chỗ cho người ta ngờ được lắm. Lúc người Nhựt mới kéo binh vào Đông Tam Tỉnh, Trương Học Lương cứ một mực theo chủ nghĩa bất để kháng mà làm cho đất nước khi không bị mất khống vào tay người ngoài. Cái thái độ của họ Trương đó, không ngờ họ Tưởng cũng lại biểu đồng tình, bởi vì quân cơ nước Tàu cầm trong tay hai người ấy, mà Tưởng là vai chánh, Trương là vai phó, ông chánh có đồng tình thì ông phó mới làm như vậy được.
Thấy cái thái độ lạ lùng như vậy, dư luận cả nước nhao nhao lên. Khi bấy giờ Tưởng mới tuyên bố rằng sẽ lên miền Bắc, điều khiển binh cơ, để thâu hồi cố thổ. Nhưng lời tuyên bố ấy rút lại chỉ là lời để trấn tĩnh nhân tâm mà thôi, vì sau đó, Tưởng chưa hề rời Nam Kinh ra, lấy cớ rằng trong nước đương có phe phản động, mình làm nguyên thủ là trọng yếu lắm, không bỏ kinh đô mà đi đâu một bước được.
Ba tỉnh Mãn Châu lúc đã mất hai rồi, còn tỉnh Hắc Long Giang, người Nhựt toan chụp luôn mà bỏ vào túi, thì có Mã Chiếm Sơn ra tay cự lại. Cái cử chỉ của họ Mã được dân Tàu hoan nghinh lắm; song một mình cô thế, khó mà đương địch với quân Nhựt được lâu. Lẽ đáng Nam Kinh cử binh viện họ Mã mới phải. Chẳng ngờ từ đó tới nay, họ Tưởng chỉ theo dân ý đánh một đôi bức điện tín khen lao họ Mã mà thôi, còn một viên đạn, một hột lương cũng không có; cái cách nguội lạnh như thế, ai mà chẳng lấy làm lạ?
Bởi vậy bắt từ đầu tháng chạp đến nay, hết thảy học sanh trong nước rủ nhau dậy lên như nước sôi sùng sục, ở đâu ở đó cũng đều đổ về Nam Kinh mà thỉnh nguyện, xin chánh phủ kíp ra binh.
Lạ lắm! theo như báo Tàu nói, thì bọn học sinh tức khí lắm, hình như ai nấy hễ thấy Tưởng Giới Thạch thì ăn gan đi được! Vậy mà khi bọn họ vào ra mắt Tưởng được rồi, Tưởng nói ba điều bốn chuyện thì các cậu mãn ý ra về, chẳng còn hằm hằm như trước.
Cái chỗ bí yếu của chánh phủ Tàu chủ trương làm sao, và cũng nhờ nói rõ cái chỗ chủ trương ấy cho đám học sanh biết nên họ mới bằng lòng, thì trong báo không nói rõ. Nhưng lần nào đối với đám thỉnh nguyện nào cũng thế, Tưởng Giới Thạch chỉ có phát biểu cái chủ ý của mình ra, là bọn học sanh bằng lòng ra về hết cả. Cứ như đó đủ biết rằng họ Tưởng hình như cũng có chỗ bả óc làm sao đó, chớ không phải tầm thường đâu.
Hôm 9 Décembre vừa rồi, chánh phủ Nam Kinh có đánh cho hội học sanh toàn quốc một bức điện tín bảo ở đâu ở đó học sanh cứ lo học tập; còn việc nước đã có chánh phủ lo cho, đừng làm chộn rộn, chánh phủ quyết không chịu mất một tấc đất cho nước ngoài.
Cái thái độ họ Tưởng gần đây cũng vẫn cứ một mực trấn tịnh như trước. Mới rồi Tưởng có tuyên ngôn giữa một cuộc hội nghị, nói rằng rồi đây nếu cậy được người nào cầm quyền thế cho mình ít lâu thì mình sẽ lên phía Bắc điều khiển binh cơ. Câu tuyên ngôn ấy tưởng cũng chỉ là câu nói cho có chuyện, nên người ta ít ai chú ý đến nữa.
Cái thái độ họ Tưởng như vậy, chẳng là khó hiểu lắm sao? Giặc đến nước mình mà không đánh, không đánh mà lại nói không chịu mất một tấc đất nào cho giặc, như thế, chỉ có ma mà hiểu!
Nói rằng cậy ở Vạn quốc hội thì Vạn quốc hội đã không cậy được rồi. Việc ấy chính mình Tưởng cũng đã biết và nói ra rồi. Thế thì cậy ở chỗ nào mà dám nói không chịu mất một tấc đất, nghĩa là rồi đây sẽ lấy Mãn Châu lại khỏi tay người Nhựt?
Có thể nói láo mà chơi, để phỉnh nhân dân cả nước chăng? Dầu cho vô sỉ mấy đi nữa, có thể nào đưa mặt mũi ra ngó người ta, sau khi đã lậu lắm mà đất Mãn Châu mất vẫn hoàn mất?
Chúng tôi đành rằng không hiểu!
Hoặc giả có một nước, là làm như vậy để thêm lòng kiêu của quân Nhựt, và đợi lâu ngày cho họ mỏi mệt lắm rồi mới đánh cho một trận xiểng liểng chăng? Chỉ có nước ấy mà thôi, chớ ngoài ra chẳng có nước gì; mà nước ấy cũng là một nước hay trong binh pháp vậy.
T. R.