Từ ngõ chợ Khâm Thiên đến Việt Nam tự trị

Từ ngõ chợ Khâm Thiên đến Việt Nam tự trị  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thời vụ, Hà Nội, số 44 (12 Juillet 1938), trang 3

Tôi đến Hà Nội lần này bởi sự tình cờ, cũng như bởi sự tình cờ, tôi, trong khi đi dạo quanh thành phố Hà Nội, lẩn vào ngõ chợ Khâm Thiên.

Dù tôi hay ai, một khi thừa hứng đi tạt vào con đường hẻm, là sự thường lắm, có đáng kể lại làm chi. Nhưng ở đây, tôi đem kể lại, là vì có điều đáng kể lại, là vì ở đó nó đã nảy ra cho tôi một cái cảm tưởng.

Một cái cảm tưởng dù cho đến hạng người có ý khinh đời mấy đi nữa cũng không bảo được là tầm thường: Việt Nam tự trị!

Ấy chính thế, nhân một buổi chiều tôi đi vào ngõ chợ Khâm Thiên mà trịnh trọng nghĩ đến cuộc tự trị của nước Việt Nam.

Từ Hà Nội xuống ấp Thái Hà, đi qua đường phố Khâm Thiên. Bắt đầu từ đường phố đi chừng một vài trăm thước, về tay trái, đến một cái ngõ, trong ngõ có một cái chợ: ấy là ngõ chợ Khâm Thiên đó.

Trước khi nói đến cái ngõ chợ, tôi không thể không phô tự ít nhiều về đường phố Khâm Thiên và ca tụng nó. Nó sinh ra và lớn lên dưới con mắt tôi, như một đứa con trai của một người bạn tôi ở Hà Nội, hai mươi năm trước, lúc đẻ ra, tôi có dự tiệc mừng đầy tháng, mà bây giờ đến chơi nhà, thấy đã trở nên một trang thanh niên vạm vỡ và tuấn tú, mới vừa thi đỗ tú tài phần thứ hai. Thật thế, năm 1908, tôi ở Hà Nội, chỉ nghe có một xóm nhà quê ở gần Hà Nội, là xóm Khâm Thiên, chứ không nghe có con đường nào mang tên ấy. Sang năm 1920-1925, tôi ở Hà Nội lần nữa, bấy giờ đường phố Khâm Thiên mới bắt đầu có, nhưng còn rất sơ sài. Hai bên đường, đi một đỗi mới có một cái nhà, còn thì toàn là ao và ruộng. Mỗi khi chúng tôi đi hát dưới ấp, về khuya, lúc một hai giờ sáng, đi ngang qua đó, thường đâm ra một cơn buồn vơ vẩn bởi những tiếng kêu của dế và ếch nhái, lại ngửi thấy mùi khó chịu bởi thứ phân người bón ruộng xông lên. Thế mà dần dần, một năm lại một năm, đường phố Khâm Thiên đã trở nên quang cảnh sầm uất và thịnh mậu và tốt đẹp như ngày nay!

Nhà của đường phố Khâm Thiên ngày nay hầu hết là hai tầng. Người ở đông đúc, không kém các đường phố có danh của Hà Nội. Sự buôn bán cũng tấp nập. Điểm thuyết cho chốn này thêm vẻ mỹ miều lịch sự, khác với các phố, ở đây lại có các “động tiên” của chị em hồng lâu, hễ đêm đến là vang dậy tiếng đàn tiếng trống. Một điều người ta nhận thấy rõ ràng: con đường này nhân mở sau, cho nên rộng hơn hết các con đường người An Nam ở trong thành phố, và đèn điện cũng nhiều hơn và sáng hơn.

Ai làm cho một xóm nhà quê tinh những nước ao tù, đi ra toàn gặp phân người không thì phân chó, bây giờ thành ra những lâu đài tráng lệ nguy nga? Ai làm cho xóm Khâm Thiên năm 1908 trở nên đường phố Khâm Thiên năm 1938? Hết thảy người An Nam ở đây đều đáp rằng đó là công trình của thành phố Hà Nội. Nhưng nếu hỏi tới nữa: ai là người chủ trương việc thành phố Hà Nội? Thì chúng ta sẽ được nghe câu trả lời dứt khoát lắm: Người Pháp chứ ai?

Vậy ra chỉ có người Pháp mới biết làm cho đất này thêm tốt đẹp ra? Vậy ra chỉ có người Pháp mới có quyền phép và tài năng để mà tô điểm cho giang sơn Nam Việt?

Tôi biết nếu nói như thế là nhục cho người mình lắm, nhưng hình như sự thực nó cũng buộc tôi phải nói như thế. Không tin, chỉ cách có ít bước, mời các bạn đi với tôi vào xem ngõ Khâm Thiên.

Tôi không biết cái ngõ này có từ bao giờ, nhưng xem có vẻ nhà cửa cũ kỹ, thì biết có đã lâu. Cái ngõ dài lắm, từ mé đường phố đi vào cho đến cùng, cũng tới non một cây số. Hai bên toàn là nhà cả, nhà gạch nhiều, xen một vài cái nhà lá: chỉ nơi gần chợ mới có một quãng đất không.

Vào ngõ không xa thì đến chợ. Nhưng hai bên ngõ, những nơi không phải chợ, người ta cũng chen nhau ở san sát và bày hàng ra bán giăng giăng. Lúc tôi đi qua, không phải buổi chợ, người mua kẻ bán vẫn qua lại như mắc cửi.

Con đường trong ngõ hẹp quá, bề ngang chỉ độ chừng hai thước. Xe kéo hàng bị cấm, không được vào đó. Thông hành trong ngõ duy chỉ có xe nhà và xe đạp. Nhưng ai đã nhỡ đi xe vào đấy rồi cũng phải xuống mà đi đất, vì trong đường đó, khi hai cái xe gặp nhau, không có thể để người cứ ngồi yên trên xe mà tránh nhau. Đường hẹp đến nỗi những món hàng của các cửa hiệu buôn bày ra bán trong hiệu, bất kỳ món gì cũng có thể thò ra đường. Nhất là khi đi ngang qua các hàng thịt, người đi phải có ý, khéo kẻo máu hay mỡ trên những tấm thịt rây vào quần áo.

Vừa đi vừa nhìn xuống, thấy con đường dơ bẩn một cách lạ. Đủ các thứ đáng lẽ là vứt bỏ đi nơi nào, nhưng bị bỏ ra giữa đường. Lông gà, xương cá, ruột heo, tro, than, rẻo vải, vỏ dứa, cùi bắp ngô… đó mới chỉ là mấy thứ mà tôi nhận được ra. Tôi tưởng tượng khi có một cơn mưa, cái nhớp của con đường này sẽ còn gấp lên mấy trăm lần nữa. Chừng cũng vì thế mà người ta lát một hàng gạch vào giữa nó. Nhờ gạch, lúc mưa đi hẳn đỡ ướt át, song lại gập ghềnh khó đi. Đi trên đường lát gạch làm cho tôi ngỡ tôi là dân của đời Trần hay đời Lê!

Đường đã hẹp mà lại cong queo, hầu như không có chỗ nào trông suốt được một trăm thước. Tường nhà hai bên, cái thì lồi ra, cái thì lõm vào, không cần dùng thước thợ nẻ mực, giá chỉ lấy mắt ngắm cũng làm cho thẳng được, sao người ta không chịu làm?

Một đứa trẻ, hình như nó cũng biết lợi dụng cái cong queo của con đường, đồ cho đám người đi đàng kia không nom thấy, nên nó ngồi ngay bên đường, trên rãnh nước đen mà đại tiện. Tôi đi lù lù đến. Nó vội đứng dậy chạy vào cái nhà một bên. Nếu những nhà ở đó không có cầu tiêu thì đứa trẻ ra đường ngồi phóng uế là sự tự nhiên, việc gì mà chạy!  

Gần trong cùng ngõ, có một cái trường học, gọi là trường “Đông Tây”. Tôi vào thăm thì thấy các trò nhỏ cậu nào cậu nấy mồ hôi nhễ nhại trong một gian phòng hẹp lại thấp; ông thầy mặc sơ mi ra tiếp tôi, mà cặp mắt cứ ướt và nháy mãi, hình như không chịu nổi với khói trong bếp đưa lên.

Cuối ngõ, bỗng dưng con đường quẹo hẳn. Ngay chỗ quẹo ấy có những gian nhà gạch người ta mới làm để cho thuê, gian nào gian ấy như tổ tò vò. Nhìn qua đủ biết rằng đó là tự chủ nhà muốn làm thế nào thì làm, không buộc phải theo một quy thức nào hết.

Tôi đi tới đó rồi trở ra, không rõ ngõ chợ Khâm Thiên còn có quang cảnh nào lạ hơn, hay đến đó là hết.

Mới ở ngoài đường phố Khâm Thiên, cặp mắt của tôi được hưởng phúc ngần nào, thì vào trong ngõ chợ, cả người tôi, từ đầu cho đến chân, thấy khó chịu ngần ấy. Không xa lạ gì, sao lại khác nhau đến thế?

Ông chủ nhà ở cái nhà trong cùng bảo tôi rằng, vì ở đây không thuộc về thành phố: từ cái ngõ rẽ vào là phần đất của tỉnh Hà Đông. Ông ấy còn cho tôi biết rằng tỉnh Hà Đông ba chục năm nay do cụ lớn Hoàng Trọng Phu cai trị; khi cụ Hoàng về hưu rồi, mới năm kia đây, tiếp đến cụ lớn Vi Văn Định làm tổng đốc; hai cụ lớn đều là quan hành chính giỏi nhất, có tiếng nhất xứ Bắc Kỳ.

Mình là khách lạ, không muốn làm tổn hại cái cảm tình của ông chủ nhà mà mình mới được làm quen, nghĩ vậy nên khi nghe chuyện, tôi cứ gật đầu và làm thinh như kiểu các ông nghị viên mà người ta hay chế nhạo trong các nghị viện. Nhưng khi tôi về nhà trọ của tôi rồi, ngồi một mình nghĩ lại, không khỏi lấy làm quái và tức.

Tôi hỏi mà không biết hỏi ai: Sao đã là quan hành chính giỏi nhất, có tiếng nhất, mà lại chịu để một nơi trù mật như vậy cứ phải thô lỗ như vậy, bất quy thức như vậy, dưới phần đất cai trị của mình?

Ai sẽ trả lời cho tôi câu hỏi ấy?

Lịch sử!

Lịch sử cho chúng ta biết rằng từ xưa đến nay, từ đời Hồng Bàng nhẫn lại, hễ cái gì của An Nam thì là thô lỗ, bất quy thức, hễ người An Nam thì là lười biếng, thủ cựu, không chịu cải lương, tiến bộ.

Theo lịch sử, cái ngõ chợ Khâm Thiên có chật hẹp, cong queo, dơ bẩn như thế, thì mới xứng đáng thuộc về phần đất còn là của An Nam! Bằng không, nó trở nên “tây” mất đi còn gì!

Gần đây một tờ báo của người mình viết bằng chữ Pháp ở Hà Nội có xướng lên cái vấn đề “Việt Nam tự trị”. Tôi không rõ họ bảo làm thế nào cho đến cái địa vị tự trị được; chỉ khi đã thấy cái ngõ chợ Khâm Thiên rồi, tôi nghĩ đến hai chữ “tự trị” mà lạnh cả mình.

Không phải tôi coi rẻ người Việt Nam chúng ta, bảo không tự trị nổi. Nhưng tôi cho rằng khi chúng ta tự trị được, là khi chúng ta đã chừa bỏ hết những cái tính xấu của lịch sử, nghĩa là các tính xấu tổ truyền.

Ở bên cạnh thành phố của người Pháp, sáng láng và sạch sẽ như thế, hai ông tổng đốc Hà Đông sao không bắt chước làm theo, lại để ngõ chợ Khâm Thiên mấy chục năm nay tuy đông đúc mặc dầu, tuy thịnh vượng mặc dầu, cứ ở trong cảnh tối tăm dơ bẩn? Một cái ngõ chợ mà không chấn chỉnh được, thì một nước lại chấn chỉnh được sao? Một nước có những nhân tài “bậc nhất” thế ấy, thì phải cho phép tôi còn lấy sự tự trị làm đáng ngờ, đáng ngờ lắm!

Chưa xóa bỏ được các tính xấu tổ truyền thì ít nữa cũng phải loại những phường hủ bại, thủ cựu ra, trong nước sẵn có một mớ người có tư cách gần bằng như người Pháp thì mới mong làm gì được.

PHAN KHÔI