Từ hôn của Hồ Biểu Chánh
Chương V
Từ hôn

Bạch Yến về rồi, Tất Ðắc cứ đi qua đi lại trước hàng ba, mắt ngó xuống gạch, một tay thì thọc trong túi quần, còn một tay thì gãi đầu suy nghĩ.

Cẩm Hương bước ra hỏi rằng:

- Làm giống gì mà nghểu nghến ngoài nầy, sao không vô nhà mà ngồi? Vô đặng tôi hỏi thăm một chút.

Tất Ðắc thủng thẳng đi vô, rồi kéo một cái ghế mà ngồi, không nói chi hết.

Cẩm Hương ngồi ngang mặt cậu vừa cười vừa nói rằng:

- Hồi hôm bị thức khuya quá, nên sớm mai tôi ngủ quên. Tôi dặn cậu phải xuống trễ, để cho nó chờ một chút, cậu có làm y như vậy hay không?

- Cô Bạch Yến xuống trước, cô chờ tôi 25 phút đồng hồ rồi tôi mới xuống tới.

- Ðược lắm. Mình muốn cho đờn bà con gái họ tríu[1] thì phải làm cho họ trông đợi như vậy mới được. Còn cậu nói chuyện với nó cậu có nói theo thứ lớp tôi dặn hay không, mà coi bộ nó mê cậu dữ vậy?

- Tôi cũng nói y như cách chị dặn.

- Cậu coi tôi giỏi hay không hử? Muốn ve[2] gái phải biết tâm lý mới được. Hôm trước nói chuyện với bà Huyện, tôi hiểu bà thương cậu muốn gả Bạch Yến cho cậu lắm, song bà không chịu cho cậu đi lên Lèo, bởi vì bà sợ một là cậu dắt con bà theo, hai là cậu bỏ con bà bơ vơ. Hôm qua Bạch Yến gởi thơ cho tôi, nó cậy mời cậu lại đây cho nó nói chuyện. Tôi biết nó muốn nói chuyện đi lên Lèo chớ chuyện gì. Tôi bày cho cậu phải làm bộ không chịu bỏ đường công danh dục dặc một hồi cho lâu, đợi nó khóc lóc năn nỉ rồi sẽ chịu, làm như vậy nó mới tin, rồi mới khỏi bể cái dối của mình chớ. Cậu đã nói dứt với nó rằng cậu thôi tính đi Lèo nữa phải hôn?

- Nói dứt rồi.

- Ðược lắm. Thôi, bây giờ cậu cứ ăn no rồi nằm ngữa ở nhà mà chờ ngày cưới. Hễ cưới rồi thì cậu là ông tiên nhỏ, sung sướng trọn đời. Tối nay tôi mắc đi Chợ Lớn. Ðể tối mai tôi sẽ lên Tân Ðịnh mà nói chuyện với bà Huyện đặng định ngày và sắp đặt đám cưới. Nè, hồi nãy con Bạch Yến nó đã nói mí với cậu đó. Tôi tưởng cậu nên nghe lời nó, vài bữa cậu lên thăm bà Huyện một lần. Ðối với mấy bà già xưa, cậu phải tới lui òn ỷ cho thường, họ mới yêu.

Tất Ðắc cứ ngồi lặng thinh.

Cẩm Hương nói rằng:

- Bữa nay cậu thấy tài của tôi sắp đặt hay chưa? Hôm trước tôi làm mai, cậu dục dặc, cậu sợ tôi nói không được. Tôi hứa chắc với cậu tôi sẽ làm được. Nay việc gần thành rồi đó, cậu mang ơn tôi không?

- Không. Tôi không mang ơn mà còn trách chị lung lắm.

- Ủa? Tôi làm ơn mà sao lại trách tôi?

- Tại chị bày mưu thiết kế, chị báo hại tôi, nên bây giờ tôi rối trí hết sức.

- Tôi báo hại chỗ nào? Bộ cậu điên hay sao chớ?

- Chị bày cho tôi làm, rồi bây giờ cô Bạch Yến cô thương tôi quá, không thế nào cô xa tôi được, chị làm như vậy không phải chị báo hại hay sao?

- Trời phật ơi! Tôi làm cho con Bạch Yến thương cậu, mà cậu nói tôi báo hại chớ!

- Mà cô Bạch Yến thương còn dễ chịu, bây giờ bà Huyện cũng mến, cũng trọng tôi nữa, mới thiệt khốn nạn cho tôi chớ.

- Bạch Yến thương cậu, mà bà Huyện cũng mến, cũng trọng cậu nữa, thì kế của tôi tành tựu, cậu sung sướng rồi, chớ sao lại khốn nạn? Cậu nói cái gì vậy?

- Chị không thấu nỗi cái ý của tôi được.

- Ý gì? Thì cậu thất vận, không có sở làm, quần áo lang thang, ăn ở cực khổ, tôi thấy vậy tôi thương, tôi mới làm mai cho cậu có vợ giàu có, đặng có chỗ nương dựa. Bây giờ người ta chịu gả rồi mà người ta lại thương cậu nữa, thì khỏe quá, ý cậu còn muốn giống gì nữa?

- Không phải vậy. Người ta thương tôi, người ta trọng tôi chừng nào, tôi càng khốn nạn, tôi càng hổ thẹn chừng ấy.

- Hổ thẹn chỗ nào?

- Tôi hổ thẹn về cái chỗ mình giả dối đó chớ chỗ nào.

- Mình giả dối có ai biết đâu mà mình hổ?

- Dầu không ai biết chớ lương tâm của mình cũng không biết nữa hay sao?

- Lương tâm là cái gì? Bất quá là những tiếng người ta bày đặt để kéo níu mình vào vòng nô lệ của phong tục, chớ nghĩa lý gì mà kể. Mà cậu giả dối cái gì? Cậu giả dối có cái chuyện xưng Bác Vật đào mỏ và chuyện hội bên Paris muốn mướn cậu đi lên Lèo mà thôi. Hai chuyện đó người ta buộc phải bỏ, thì cậu đã nói dứt rồi, có thể nào lòi ra nữa đâu mà cậu ngại?

- Dầu không lòi ra đi nữa, mà nếu tôi làm chồng cô Bạch Yến, tôi ăn nằm với cô, nhứt là hằng ngày tôi thấy mặt bà Huyện, thì tôi chịu sao nổi?

- Giàu liêm sỉ dữ! Ðời nầy mà cậu đeo theo liêm sỉ thì cậu phải chết đói.

- Tôi ái ngại không phải tại liêm sỉ mà thôi đâu, còn tại cái tình nữa chớ.

- Về tình thì con Bạch Yến nó đã mê mệt cậu rồi, chớ phải nó lợt lạt với cậu sao mà cậu lo?

- Phải, cô Bạch Yến thương tôi lắm! Tôi cũng thương cô nữa, tại tôi thương cô đó nên tôi mới bối rối.

- Tưởng là không thương nhau thì khó, chớ hai đàng đều thương yêu nhau thì xuôi rồi, có gì đâu mà bối rối?

- Tôi đã nói chị không thể hiểu ý tôi nổi. Ðể tôi cắt nghĩa cho chị nghe. Tôi là đứa chơi bời, từ nhỏ tới lớn tôi cặp sách không biết bao nhiêu đờn bà con gái mà kể cho xiết... Tuy vậy mà cái óc của tôi tính cho đờn bà là đồ chơi của đờn ông, chớ không có nghĩa lý gì, bởi vậy thuở nay chẳng hề tôi biết thương yêu kính mến một người nào. Hôm nọ tôi gặp cô Bạch Yến, tôi coi cô cũng như muôn ngàn cô gái khác, nên tôi cũng chẳng hề để ý đến cô. Chị bày chuyện làm mai, chị giảng việc đời cho tôi nghe. Tôi tính việc cưới cô Bạch Yến bất quá là một kế sanh nhai, mình thí thân làm một người chồng để cô ôm ấp, cũng như mình làm xa phu để kéo người ta đi chơi vậy, mình không có nghề nghiệp gì khác hết, thì làm cái "nghề chồng" cũng no cơm trọn đời, nghĩ như vậy nên tôi mới chịu để chị làm mai.

- Cậu tính làm cái "nghề chồng" thì nghề ấy đã gần được rồi.

- Xin chị đừng cãi, để tôi nói hết cho mà nghe. Tôi tưởng làm cái „nghề chồng“ là dễ, chẳng dè mới bước có một chưn vào vòng, tôi dòm thấy vợ thương tôi quá, thấy mẹ vợ mến tôi quá, thì tôi giựt mình tôi xét lại tôi ăn năn không biết chừng nào. Chị nghĩ lại mà coi bà Huyện tuy địa vị cao, tiền bạc nhiều, song bà là một người đờn bà cũ, kiến thức hẹp hòi ai nói đen bà tin đen, ai nói trắng bà tin trắng, bà không biết phân biệt ngay gian, thiệt giả gì hết. Còn cô Bạch Yến tuy có học chút đỉnh, nhưng mà sự học của cô bất quá là học phớt trên mặt đất, chớ không phải học tận dưới đáy, học nói chuyện cho suông sẻ, học đi đứng cho gọn gàng, bởi vậy cái óc của cô trống lỏng, rồi những tư tưởng lãng mạn chun vào nó xui khiến xác cô, ví như bắt cô đi đường phải thì may, còn như nó kéo cô đi đường quấy, thì cô không có cái nghị lực chân chánh mà bảo hộ thân danh cô được. Tôi gặp cô, tôi xì hơi lãng mạn ra, thì cô mê mệt, bao nhiêu đó cũng đủ thấy tâm hồn của cô rồi. Tôi thấy vậy tôi bất nhẫn quá. Chẳng phải là tôi mà thôi, dầu một người bình thường nào khác cũng vậy, miễn còn trẻ tuổi, ăn nói bặt thiệp, thông thạo việc đời chút đỉnh, chị bắt mà tắm gội cho sạch sẽ, chị cho bận áo quần tốt, rồi chị tiến dẫn mà làm mai, tôi tưởng bà Huyện cũng gả, cô Bạch Yến cũng ưng. Chị coi hại là dường nào? Tôi thấy bà Huyện như vậy, cô Bạch Yến như vậy, thì tôi cảm vô cùng. Tôi lấy làm tội nghiệp cho cái nhà thành thiệt, nên tôi bất nhẫn, tôi muốn xa lánh, tôi không nỡ lợi dụng cái thành thiệt của người ta mà chen vào đặng hưởng phú qúy như vậy, chẳng khác nào mình đi ăn trộm.

- Ối, cậu nhiều chuyện quá! Ðời nầy đứa dại làm cho đứa khôn ăn. Phải có người thành thiệt như vậy, thì kẻ khôn ngoan mới có cơm mà ăn, có áo mà mặc, có xe mà đi chớ. Cậu bất nhẫn cậu không nỡ làm, thì người khác họ làm, rồi sự bất nhẫn của cậu có bổ ích cho đám thành thiệt đâu?

- Thà là để cho người khác làm.

- Người khác làm rồi họ lên xe xuống ngựa, họ vinh mặt vinh mày, họ chê mình dại mình chịu sao được?

- Cái tính chị ưa vật chất, chị ham lòe loẹt, nên chị muốn người ta khen khôn, chị sợ người ta chê dại hoài! Thà dại mà sạch chớ khôn mà dơ thì khôn làm gì chị?

- Ðời nầy hễ có tiền thì thiên hạ trọng, không tiền thì thiên hạ khi, bởi vậy mình làm thế nào cũng được, miễn là có tiền nhiều đặng ăn ở chơi bời cho nó sung sướng, thì thiên hạ tùng phục. Có ai tìm tàng tra xét cách cậu kiếm tiền dơ sạch gì đâu mà cậu sợ.

- Tâm tánh chị khác với tâm tánh của tôi, như một đen với một trắng, bởi vậy không thế nào chị hiểu cái óc tôi được. Nếu tôi cãi với chị hoài thì mất thì giờ chớ không ích gì. Thôi tôi không cãi nữa. Tôi chỉ xin chị làm ơn lên Tân Ðịnh nói giùm cho bà Huyện hay rằng tôi từ hôn, tôi không thể cưới cô Bạch Yến được.

- Ê! Ðừng có khùng nào! Cái gì mà từ hôn?

- Vì tôi thương cô Bạch Yến quá, mà tôi đã lỡ giả dối với cô, nếu tôi làm chồng cô, thì tôi hổ thẹn hoài, tôi chịu không được.

- Nó đã thương cậu rồi, ví dầu ngay sau đó đổ bể, nó biết cậu giả dối mà cưới nó đi nữa, thì việc đã lỡ, không lẽ nó xô đuổi cậu hay sao mà cậu vẫn còn ngại.

- Trời ơi! Ðợi tới đổ bể rồi người ta xô đuổi thì còn gì mà kể! Chị muốn ép tôi, mà chị dùng lời thấp thỏi quá, chị khuyên như vậy tôi vưng lời sao được. Tôi giả dối với người tôi yêu bây giờ tôi hổ thẹn, tôi hết dám thấy mặt nữa, có đâu tôi lủi đầu vô làm chồng mà đổ bể.

- Cậu thiệt khó quá! Thuở nay không thấy ai kỳ như cậu vậy. Ði nói vợ mà được vợ thương, mẹ vợ mến, rồi sợ mà xin từ hôn, nói chuyện nghe trái đời quá.

- Chị nói sai ý nghĩa hết. Tôi dùng chước giả mà ăn trộm sự thương yêu của vợ và mẹ vợ, mà rồi tôi lại thương vợ nữa nên tôi hổ thầm, tôi phải xin từ hôn chớ.

- Tôi chắc bữa nay cậu có cơn điên. Tôi không muốn nói chuyện với cậu nữa. Thôi, cậu về suy nghĩ lại, chừng nào hết điên rồi hãy xuống tính sắp đặt làm đám cưới.

- Tôi suy nghĩ kỹ lưỡng rồi. Tôi không thể nào dám gặp mặt cô Bạch Yến nữa. Chị lên thưa cho bà Huyện hay đi, thì tôi sẽ viết thơ ngay mà từ hôn, nói cho chị biết.

Cẩm Hương giận đỏ mặt. Cô ngó Tất Ðắc mà tỏ dấu khinh bỉ và hỏi rằng:

- Thiệt cậu tính từ hôn hay sao?

- Tôi nhứt định rồi.

- Không được. Cậu không được từ hôn.

- Chị có quyền gì mà ép tôi?

- Tôi có quyền ép cậu. Cậu đã có ký tên tờ giao kết với tôi, hễ cậu cưới được Bạch Yến thì cậu thưởng cho tôi hai ngàn đồng bạc về cái công làm mai. Nay Bạch Yến đã ưng cậu, mà cậu không chịu cưới, thì cậu cũng phải trả cho tôi hai ngàn đồng bạc. Giấy tờ tôi còn nắm đây, cậu chối không được đâu. Cậu muốn từ hôn thì chồng[3] cho tôi đủ hai ngàn đồng bạc đi, rồi tôi sẽ đi nói mà hồi đám cưới.

- Chị cầm tờ giao kèo lên tòa mà kiện tôi đi.

- Cậu thách đố tôi hả?

- Không phải thách đố. Chị ép tôi quá, tôi chịu sao được. Thà chị đi kiện đặng Tòa đòi hỏi tôi rồi tôi khai hết cho Tòa nghe. Như Tòa xử tôi lỗi, Tòa bỏ tù tôi cũng chịu.

- Khéo nói hơi liều mạng! Tôi nạp tờ giao kết tôi kiện. Tòa buộc cậu phải trả cho tôi hai ngàn đồng bạc, nếu cậu không có, tôi xin giam thân cậu chớ.

- Nói chơi với chị chớ Tòa nào lại xử tôi phải trả hai ngàn đồng bạc cho chị. Nếu chị lòi cái tờ ấy ra, thì Tòa sẽ buộc chị về tội sắp đặt mưu kế mà gạt gẫm người thành thiệt đặng lấy tiền, rồi Tòa bỏ tù chị chớ.

- Cậu quỉ nầy nói chuyện xui xẻo hoài. Thôi đừng có giễu cợt nữa. Cậu về đi. Ðể tối mai tôi sẽ lên trển mà bàn tính với bà Huyện coi cho cưới gấp gấp một chút có được hay không?

Tất Ðắc đứng dậy lấy nón đội lên và đi ra cửa và nói rằng:

- Tôi đã nói tôi nhứt định tôi không cưới đa. Chị phải lập thế nào mà hồi đi, chớ chị còn nói sấn tới nữa thì chị chịu, tôi không lãnh cái trách nhiệm đó.

Cẩm Hương cũng đứng dậy đi theo và nói rằng:

- Ðừng có nói bậy, hồi sao được. Cậu hồi rồi người ta mắng tôi, tôi biết lấy tiếng chi mà trả lời với người ta?

- Có khó chi đâu! Chị lanh lợi lắm mà. Chị đặt chuyện chị nói, chị muốn nói thế nào cũng được.

- Không có được. Hổm nay tôi sắm đồ cho cậu ăn mặc, lớp mua đồ cho đàn gái, lớp đi xe kéo xe hơi, tốn hao của tôi đến bạc trăm rồi, chớ phải ít ỏi gì sao. Cậu thôi rồi làm sao?

- Thủng thẳng tôi kiếm tiền tôi trả lại cho chị. Thôi, tôi xin chào chị.

Tất Ðắc dở nón cúi chào rồi đi ra đường. Cẩm Hương nói vói:

- Tôi cho cậu năm ngày đặng cậu suy nghĩ lại nghe hôn.

Tất Ðắc đi tuốt.

Trưa bữa sau, tan học rồi cô Cẩm Hương vừa mới trở về nhà tư, chưa kịp thay đồ, thì thấy Bạch Yến ngừng xe kéo ngoài cửa rồi bươn bả đi vô nhà, cô không hiểu có việc chi mà cô Bạch Yến xuống nhà cô chừng đó nên cô đứng mà ngó.

Bạch Yến thấy cô Cẩm Hương thì nói rằng:

- Khốn nạn lắm cô ơi! Em phải chết, chớ em sống làm sao được!

Cẩm Hương chưng hửng hỏi rằng:

- Việc gì vậy?

- Việc chồng của em, chớ việc gì, cô đọc cái thơ đây rồi biết.

Bạch Yến móc túi lấy ra một phong thơ mà đưa cho Cẩm Hương, tay cô run, mặt cô héo, rồi cô ngồi trên một cái ghế, nước mắt chảy ròng ròng.

Cẩm Hương biến sắc, cô ngồi cái ghế ngang đó, mở thơ coi thì thơ viết như vầy:

BẠCH YẾN EM ÔI!

Qua phải dùng hết tinh thần, qua phải gom hết nghị lực mà nói phứt cho em biết rằng: Qua không thể gặp mặt em được nữa, mà qua cũng không thể làm chồng em được.

Sau khi đôi ta hội diện cùng nhau đã ba lần rồi, nhứt là sau khi đôi ta mới tỏ tình dan díu thương yêu nhau tại nhà chị Cẩm Hương hồi sớm mai nầy, mà qua viết được mấy hàng chữ trên đó thì qua phải có can đảm lớn lắm, qua mới bứt nổi dây ái tình nó vừa ràng buộc xâu níu hai ta.

Thiệt như vậy, qua nhờ có can đảm qua mới viết được đây, mà viết được chớ qua cũng đau đón hết sức em ôi! Từ đầu hôm cho tới bây giờ gần nửa đêm rồi, qua ngồi lại bàn viết, tính viết bức thơ nầy cho em, mà hễ qua gom nghị lực cầm cây viết, thì sự đau đớn đó làm cho tay qua run, lòng qua lạnh, nên qua phải buông cây viết hết mấy lần. Bây giờ qua viết được đây là nhờ qua thương em lắm, lại thương một cách tối cao, nên mới có nghị lực đầy đủ mà đè cái đau đón đặng làm cái đại nghĩa.

Bạch Yến em ôi! Qua xin thú thật với em, qua không phải là người của em tưởng tượng. Không phải đâu: Qua là một thằng điếm. Thiệt qua có đi du học bên Pháp, nhưng mà qua không có thi đậu khoa nào, qua không có bằng Bác Vật gì hết, mà cũng không có ai mướn qua đi lên Lèo hồi nào. Những chuyện ấy là chuyện giả dối bày ra để dụ em mà thôi. Qua cậy chị Cẩm Hương làm mai đặng qua cưới em, ấy là vì qua không có nghiệp nghệ, qua tính lấy cái "nghề chồng" mà làm kế sanh nhai, bởi vậy cái địa vị qua khoe với em là địa vị giả, cái cử chỉ qua đối với em là cử chỉ dối.

Chớ chi nhà em là một nhà xảo quyệt, chớ chi tình em là một thứ tình lẳng lơ, chớ chi lửa tình nó không hừng hực trong lòng qua, thì có lẽ qua nhắm mắt mà bước tới hoài, thí thân làm chồng để cho em ôm ấp nựng nịu đặng hưởng vinh hoa phú qúy với đời chơi. Qua không thể làm như vậy được, là vì qua thấy bà Huyện là một người chơn chất thành thiệt thái quá, rồi qua lại thấy em là một cô gái đa tình đa cảm, tâm hồn lãng mạn đến trăm phần trăm, bà thì thương yêu, em thì mê mẩn, không dè qua giả dối, bởi vậy qua bất nhẫn qua phải xoay lưng bước trái qua nẽo khác.

Ðã vậy mà lòng dạ của qua là lòng dạ sắc đá, không có tình nghĩa với ai hết, mà từ hồi sớm mai nầy qua được kề mặt đâu môi với em rồi thì nó đổi ngay lại lòng dạ đa cảm đa tình, nó khiến cho qua thương em, không lấy gì mà ví cho vừa, bởi vậy qua nhớ cái dối trước kia với cái tình sau nầy, thì qua lạnh lòng hổ mặt, qua hết dám mang mặt nạ để làm chồng em nữa.

Bạch Yến em ôi! Qua suy nghĩ kỹ lắm rồi. Ðôi ta phân rẽ nhau lúc bây giờ là phải hơn hết, phải cho em, là vì em khỏi lầm kế của tay điếm đàng, phải cho qua, là qua khỏi hổ thẹn với người qua yêu nhứt trong thế gian.

Qua hết sức ước mong em đọc bức thơ nầy rồi em giận, em oán qua trong ít ngày, rồi em tức cười mà quên qua đi, em coi chuyện đôi ta gặp gỡ nhau cũng như trò giễu của một chú hề trên sân khấu vậy thôi.

Thôi hạnh phúc trong đời của qua chỉ có mấy giờ đồng hồ sớm mai mà thôi. Qua không dám tiếc, mà qua xin em cũng đừng tiếc. Qua chỉ xin bà Huyện tha lỗi cho qua và cầu chúc cho em gặp được một người chồng thương em, trọng em, mà cũng xứng với cái địa vị của em.

Bạch Yến em ôi! Qua từ biệt em, qua phải ráng chịu đau đớn mà từ biệt em và qua khuyên em hãy quên thằng điếm tự hối.

Châu Tất Ðắc

Tái bút: Việc giả dối do tự tay qua sắp đặt, chị Cẩm Hương cũng lầm nữa. Vậy xin bà với em đừng trách chị mà oan cho chị.

Tất Ðắc

Cẩm Hương ngồi đọc thơ, mà mồ hôi nhỏ giọt. Chừng đọc dứt thơ rồi, cô thở ra mà nói rằng:

- Thiệt là thằng điếm mà! Vậy mà tôi có dè đâu, tôi nghe cậu chưng quá, tôi tưởng là Bác Vật thiệt chớ.

Bạch Yến lắc đầu đáp rằng:

- Người như vậy có phải là điếm đâu cô. Cao thượng lắm chớ. Giả dối rồi biết hổ thẹn, trọng người yêu hơn là tình dục, người ta liêm sỉ, biết trọng ái tình dường ấy có phải là điếm đâu!

Bạch Yến nói mấy lời rồi khóc nữa, cô tấm tức tấm tưởi mà nói rằng:

- Tôi đã có nói tôi thương là thương anh Tất Ðắc, chớ có kể gì chức Bác Vật đâu. Nếu không phải Bác Vật khỏi lên Lèo, má tôi càng vui lòng nhiều nữa, có sao đâu mà ngại. Thương tôi làm chi rồi bỏ tôi thì tôi chịu sao cho được. Tôi xin cô Ðốc làm ơn dắt tôi đến nhà ảnh đặng tôi cắt nghĩa cho ảnh biết. Tôi nói cho ảnh biết, nếu ảnh không cưới tôi, thì tôi cạo đầu đi tu, tôi không thèm chồng nào khác hết.

Cô Cẩm Hương thấy đã hụt thưởng mà lại mất vốn thì nãy giờ cô buồn. Cô nghe Bạch Yến cậy cô dắt đi kiếm Tất Ðắc thì cô hội ý, chắc sẽ gở vốn thâu lời, nên cô vùng đứng dậy nói rằng:

- Em muốn đi thì đi với cô. Ðược đâu, nói[4] người ta rồi muốn hồi sao được.

Bạch Yến lau nước mắt rồi lên xe kéo mà đi với cô Cẩm Hương lên chợ Thái Bình mà kiếm Tất Ðắc. Khi hai cô bước vô nhà thì thấy Võ Lộ và Tự Cao đang ngồi tại bàn chính giữa mà ăn bánh mì với thịt xá xíu. Hai người đều biết mặt cô Cẩm Hương song Tự Cao làm lơ, để cho Võ Lộ hỏi rằng:

- Hai cô đến đây có việc chi dạy biểu chúng tôi chăng?

Cô Cẩm Hương đáp rằng:

- Xin lỗi hai ông, không biết có cậu Tất Ðắc ở nhà hay không?

- Thưa ảnh đi hồi khuya rồi.

- Ði đâu?

- Cái đó chúng tôi không biết. Hồi khuya ảnh tom góp áo quần bỏ vô va li mà đi. Ảnh nói ảnh không thèm ở đất Sài Gòn nầy nữa, mà từ nay cho đến chết ảnh cũng không trở về đây. Ảnh nói vậy thì chúng tôi hay vậy, chớ không hỏi ảnh đi đâu làm chi. Làm trai "tứ hải vi gia" ở đâu cũng được, cần gì mà phải hỏi.

Bạch Yến đứng chần ngần, tay vịn cửa, mặt tái xanh, bộ muốn xỉu. Cẩm Hương dòm thấy lật đật đỡ cô, rồi từ giã chủ nhà mà dắt cô lên xe chạy đi về phía Cầu Kho.

Võ Lộ với Tự Cao đứng ngó theo, tay cầm bánh mì, miệng cười ngỏn ngoẻn.

Vĩnh Hội, tháng 10-1931

   




Chú thích

  1. Thương yêu quá khiến quấn quýt luôn; con tríu mẹ
  2. Chinh phục
  3. Giao tiền
  4. Hỏi