Tắt đèn/V
Bước vào khỏi cổng thôn Đoài, đã thấy nhà ông nghị Quế.
Nó là một đám bung xung nhọn như ngọn tháp hùng dũng úp trên đoàn bịch vựa đồ sộ, dường như phô nhà mình để thóc hàng bốn, năm mùa.
Nó là một lũ đống rơm, đống rạ lớn bằng trái núi chen nhau đứng bên cạnh ngọn mít, ngọn sung, dường như khoe ông chủ cày cấy tới mấy trăm mẫu.
Nó là những tòa nhà mái ngói muốn bảo tồn quốc túy bằng những “đấu” vuông chòm chõm, những “xối tàu” cong rướn và những con cá chép “mảnh sứ” há miệng nằm giáp tường hồi.
Nó là nếp nhà hai tầng muốn phản đối mỹ thuật bằng những khung cửa ngang phè, những cây cột phục phịch và những con rồng, con phượng xanh đỏ vẽ ở ngoài bộ cánh cửa sơn vàng.
Nó là một ngôi dương cơ rộng chừng ba trăm mẫu quây quần trong bốn bức tường gạch cắm mảnh chai, cảnh tượng phức tạp, giống như ngôi chợ đóng trong khu trại, họp đủ các vật sang, hèn, các kiểu cũ, mới.
Cái cơ nghiệp ấy tuy tự tổ tiên để lại, ông nghị cũng có khai thác thêm nhiều...
Ông không đi buôn, không đi thầu, chỉ làm ông chủ ruộng kiêm ông chủ thả lãi.
Đụng đến của ông nhẹ nhất cũng là mười phân. Và, vay từ một đồng trở lên, đều phải viết ruộng hay nhà, hoặc phải gửi vật gì khác bảo đảm. Quá hạn thì mất. Dương cơ ông ở cũng như ruộng nương ông cấy, hộc đồng, lọ sứ ông thờ, phần nhiều là của những người vay nợ hết hạn không trả bị ông chiếm lấy và bắt lấy.
Nhà ông đời đời phát về bên hào. Bước đường công danh của ông cũng bắt đầu từ chức lý trưởng vượt qua những bậc phó tổng, chánh tổng, rồi cơm rượu, bò lợn và quan phủ, quan tỉnh hiệp sức với nhau đưa ông lên ghế nghị viên.
Không như những kẻ mặt người dạ thú, mượn tiếng “thay mặt dân” để hót chính phủ mà xin xỏ việc này việc kia, ông ra nghị trường, chỉ cốt mua cái “vị thứ tân thời”, lấy chỗ mỗi năm vài lần, ăn uống và... ngồi nằm với bọn tai mặt trong xứ.
Cái đức “không thèm biết... chữ” của ông hơn hẳn các bạn đồng viện, tuy những ông ấy chỉ xuất thân bằng nghề lái lợn hay cai phu. Vào viện, ông cũng như hầu hết các ông nghị khác, không bàn đến và không cần nghe ai bàn. Nhưng ông cũng chỉ ngáp vặt, chứ không ngủ gật bao giờ, vì sợ đôi giầy Chí Long để dưới chân ghế lỡ bị mất trộm trong khi ông phải co chân lên mặt ghế cho hợp thói quen của ông.
Từ ngày “giữ chức ông Nghị”, danh tiếng của ông đã bay khắp tỉnh Trung Sơn. Thế nhưng, suốt năm chí tối, ông không phải thết một ông khách nào, trừ ra hai ngày giỗ cha và giỗ mẹ.
Cố nhiên, ông phải là một người cơ chỉ, so kè từ một đồng xu trở đi. Vậy mà lắm khi ông lại rất hào. Nhất là những dịp tết ta, tết tây, không dịp nào ông quên không bắt chim ngói, gà mái theo những thúng gạo tám thơm vào cửa mấy ông lớn.
Với ông, vợ chồng đĩ Dậu không có họ hàng thân thích gì cả. Nhưng vì các hắn cày thuê cấy mướn cho ông đã nhiều, nên đều biết nhà, biết người.
Sau khi cai lệ và người nhà lý trưởng đã dẫn anh Dậu ra đình, chị Dậu theo lời chồng dặn, trao con bé con cho cái Tý, vớ chiếc nón rách đeo vào cổ tay. Thằng Dần khóc nhếch khóc nhác, rầu rĩ kêu đói. Giả điếc, chị cứ lủi thủi cắp nón ra đi.
Ánh nắng tháng năm rát như lửa chàm vào mặt.
Hơi nước dưới đồng bốc lên, nóng như hơi trong chõ xôi.
Những con cua chửa và những con rắn nước chịu không nổi sức nóng của nước trong ruộng, rủ nhau bò lên mặt đường và núp vào các khóm cỏ.
Đông Xá với Đoài Thôn vẫn là một xã, cách nhau độ ba cây số. Trong lúc nắng gắt, người ta coi đoạn đường ấy như con đường thiên lý trong bãi cát già. Nhưng, với chị Dậu nó không mùi gì, vì đời chị đã quen hàng ngày dạn mặt với thần nắng.
Nhờ sức che chở của chiếc nón rách, chị chỉ bước rảo một thôi thì tới cổng nhà nghị Quế.
Mặt trời đứng bóng.
Trâu bò lũ lượt lôi thợ cày ở ngoài đồng về.
Thập thò ngoài cổng, chị nâng vạt áo nâu mốc lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên đôi lông mày và mở to đôi mắt quáng nắng nhòm vào trong cổng.
Trên cái sân gạch Bát Tràng mông mênh như bãi đá bóng, không điểm một vết bóng râm.
Đàn chim bồ câu chổng mông mổ trên nong đỗ.
Con gà mái ấp cục tác từ trên chuồng nhảy xuống, ưỡn đít bón một bãi phân cho chậu lan.
Mấy con lợn con theo mẹ nghễu nghện diễu chung quanh chậu nước vo gạo.
Không có người nào qua lại.
Đánh bạo, chị Dậu xăm xăm tiến vào sân.
Một đàn chó dữ như đàn hùm ở đâu nhất tề xồ ra. Chúng nó nhảy chồm lên tận mặt người lạ.
Hoảng quá, chị Dậu ngồi phịch xuống gạch, vừa vung cái nón khua đuổi những con ác thú, vừa kêu:
- Anh bếp có nhà không? Làm phúc đánh chó cho tôi với!
Trong nhà có tiếng thét ra the thé, nghe rõ là tiếng đàn bà:
- Làm gì mà nheo nhéo thế? Nhà ai không có chó? Làm sao đi không mang gậy? Thằng bếp còn bận việc khác, nó không phải hầu chúng mày.
Rồi lại im.
Thì ra vợ chồng ông Nghị đương ăn cơm ở nhà khách. Nghe tiếng chị Dậu léo xéo, bà Nghị bực mình, quát đổng vài câu cho oai, chứ bà không thèm đứng dậy. Tính bà xưa nay vẫn thế, chẳng khi nào lại chịu hạ mình mà đi mắng chó, đuổi chó cho kẻ vay nợ hay người làm thuê.
Đàn chó cứ vây kín chung quanh chị Dậu như quân đèn cù. Hình như chúng nó muốn cố làm hết phận sự với chủ: con nào con ấy nhe răng lè lưỡi, chỉ chực vồ vào hai chân chị chàng đáng thương.
Cái nón dùng làm khí giới đã bị đàn chó cắn rách tan tành. Chị Dậu luống cuống không biết làm thế nào. Bí quá, chị phải giơ hai nắm tay đánh nhau bộ với “đội lính coi nhà” của ông Nghị.
Một mụ thợ cấy ở dưới nhà bếp lật đật vác gậy chạy lên. Mụ đuổi đàn chó tán loạn mỗi con chạy đi mỗi ngả. Chị Dậu lóp ngóp đứng dậy và đi đến trước nhà khách. Bàn tay phải bị chó cắn vào lúc nào không biết, máu tuơi chảy đầm đìa. Ghé răng, chị xé một miếng ở đầu dải yếm, buộc chặt lấy chỗ bị thương. Rồi, rụt rè, chị lên bậc thềm:
- Thưa lạy hai cụ ạ!
Bà Nghị gắt:
- Chó cắn vào tay phải không? Cho chết! Đương lúc người ta ăn uống, ai bảo cứ dẫn xác vào? Hỏi gì?
Ông Nghị đặt bát xuống mâm, vừa nhai nhồm nhoàm vừa đón:
- Sáng ngày chồng nó đã sang xin bán đứa con. Chắc nó đến để nói nốt chuyện ấy, chứ gì nữa.
- Bẩm cụ phải, con sang thưa cụ về việc ấy.
Bà Nghị đưa mắt ra hiệu cho ông Nghị rồi bảo chị Dậu:
- Thong thả! Hãy ngồi đấy! Để người ta ăn xong cái đã. Đừng quấy rầy!
Ông Nghị như đã hiểu ý của vợ, cứ việc chan chan gắp gắp không nói không rằng.
Khép nép, chị Dậu ngồi phệt xuống mặt thềm gạch.
Mọi ngày tuy vẫn làm mướn cho ông Nghị đấy, nhưng chị chỉ thì thọt ra vào trong mấy gian bếp, chưa biết nhà trên thế nào. Hôm nay bạ men tới đây, ấy là lần đầu chị được trông thấy cảnh tượng nhà khách của ông dân biểu. Trong mắt chị nhà ấy lịch sự vô cùng.
Nào ở cạnh bức hoàng phi khảm trai, mấy cô con gái tồng ngồng đùi vú vừa nằm vừa tủm tỉm cười tình.
Nào ở giữa đôi câu đối sơn son thếp vàng, hai thằng bé con béo tròn và xoay trần, lễ mễ khiêng hộp sữa bò cao lớn gần bằng chúng nó.
Nào ở bên chiếc độc bình men đỏ, cái điếu ống vất vểu vươn cành xe trúc dài thườn thượt như cái cần câu.
Rồi ở trong cái tủ chè chạm dây nho, một rổ trứng gà đầy lùm, ngất nghểu chồng trên bộ khay chè trắng bóng.
Rồi ở trước cái sập gụ lên nước, bốn chiếc ghế gụ mặt đá cùng chầu vào một chiếc bàn mây sơn xanh.
Và ở đầu cái giường tây sơn quang dầu, quần lĩnh thâm và khăn quàng nhiễu xanh cùng vắt một chỗ.
Biết bao của quý vật lạ, chị Dậu nhìn vẫn chưa khắp.
Trên bàn ăn có tiếng leng keng.
Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh, trợn mắt, húp đánh “soạt”. Rồi ông vừa nhai, vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm. Bà Nghị cầm đĩa giò kho ăn dở, trút vào trong niêu, sai thằng bếp treo lên lao màn và dặn:
- Bà đã đếm kỹ từng miếng rồi đấy. Còn mười bốn miếng tất cả. Hễ mất miếng nào thì chết với bà!
Thằng bếp bưng mâm cơm ra.
Thằng nhỏ đệ chậu nước vào.
Ông Nghị, bà Nghị, mỗi người nhúng ba ngón tay vào chậu, vuốt qua hai mép một lượt, rồi cùng uống nước xỉa răng. Hai đứa đầy tớ đứng hai bên cầm quạt phẩy lại. Bà Nghị mở cái tráp tròn lấy trầu và cau nhai với một sợi thuốc. Ông Nghị nhắc cái điếu ống để trên trốc tủ, đặt thuốc, châm lửa, vít cái xe trúc vào miệng. Bắt chân chữ ngũ, ông vểnh mặt hút sòng sọc một hơi:
- Con mẹ kia! Bán con bán cái thế nào? Vào mà nói chuyện với bà!...
Rón rén, chị Dậu đứng nép vào cửa và ngập ngừng:
- Thưa lạy hai cụ, nhà con túng quá, xin hai cụ cứu giúp chúng con.
Bà Nghị nhả miếng bã trầu cầm tay, quai thật dài cặp môi cắn chỉ:
- Chẳng cứu vớt gì cả! Mày có bán đứa con gái tao mua!
- Xin vâng!
- Sáng ngày chồng mày nói rằng con bé ấy đã lên bảy tuổi, xin lấy ba đồng. Cụ ông tưởng nó nói thật, bằng lòng cho hai đồng. Nhưng giờ nghe nói con mày mới có sáu tuổi, thì tao chiết đi một nửa, chỉ cho một đồng thôi. Thuận bán thì về đưa nhau sang đây!
Chị Dậu ngơ ngác:
- Thưa cụ, thật quả cháu đã lên bảy, nó đẻ tháng giêng năm Tý. Chúng con không dám nói dối cửa cụ!
- Tao không thể tin cái miệng vợ chồng nhà mày! Người ta mách tao là nó lên sáu, thì tao hay nó lên sáu. Chứ tao biết đâu nó đẻ năm Tý hay đẻ năm tỵ năm tỳ!...
Chị Dậu đờ mặt, không biết nói sao. Bà Nghị tiếp:
- Vì cái Hai bên kia...
Ông Nghị cau mặt ngắt lời:
- Sao bà cứ gọi lối xách mé như vậy? Tôi đã dặn bà phải gọi nó là mợ... Bây giờ ở nhà các quan, con gái đều được kêu là mợ tất cả. Tôi hèn ra cũng là một nghị viên, có lúc ngồi với quan sứ quan thượng, danh giá không kém gì một ông quan. Bà có gọi con gái là mợ, cũng không quá lạm kia mà!
Bà Nghị cười ngặt cười nghẹo:
- Thế thì ông cũng lầm rồi! Con dâu kia người ta mới gọi là mợ; con gái thì người ta đều gọi là cô. Chẳng cứ gì nhà các quan, tôi thấy những nhà ông ký, ông phán, những nhà buôn bán ở Hà Nội đều như thế cả.
- Miễn là đừng có gọi chúng nó bằng cái kiểu tục tằn, của những nhà bố cu, bố đĩ... Mợ thì mợ, cô thì cô...
Bà Nghị ra bộ đắc ý:
- Vâng, thì cô!... Cô hai bên kia hiếm hoi, mấy lần xem bói, thầy bói đều bảo cô ấy phải nuôi con nuôi thì mới đứng số. Bởi thế, tao muốn mua cho cô ấy một đứa, để nó “gánh vác đỡ đi”. Chứ nhà tao thiếu gì người hầu hạ? Vả lại, con bé mới lên sáu tuổi, đã làm được công trạng gì mà tao phải chuốc? Huống chi nó sang ở với cô ấy cơm no áo lành, lại không sung sướng gấp trăm gấp nghìn ở nhà với vợ chồng mày hay sao? Đáng lẽ biếu không thì phải... Cho một đồng cũng quá lắm rồi... Không phải nài nẫm gì nữa!
Chị Dậu ngồi đờ như gỗ, không biết trả lời ra sao.