Tập quán và cải cách
Thứ nhân dân mà thể chất và tinh thần đã chai đỉa rồi, đối với một sự cải cách rất nhỏ nào cũng cứ làm ngăn trở, bề ngoài như là sợ bất tiện cho mình, mà thực ra thì là sợ bất lợi cho mình, nhưng cái điều họ bịa ra để lót miệng, lại thường thường thấy ra là công chánh và đường hoàng lắm.
Sự cấm dùng âm lịch năm nay, vốn là việc nhỏ nhặt, không can gì đến đại thể, song các nhà buôn đã kêu khổ nhao nhao lên rồi. Chẳng những thế thôi, cả đến bọn thủ du thực, bọn làm thuê trong các công ty ở Thượng Hải, cũng luôn luôn ngậm ngùi than thở, kẻ thì nói điều đó rất không tiện cho sự cày cấy của nhà nông, kẻ thì nói điều đó rất không tiện cho sự tính con nước của thuyền đi biển. Bọn họ thế mà đã nhân chuyện đó nhớ đến người nông phu dưới làng, người lái thuyền trên biển, là những người với họ không can liên gì từ lâu. ấy thật ra điều như có chút lòng bác ái.
Đến ngày 23 tháng chạp âm lịch một cái, tiếng pháo đã đùng đùng đẹt đẹt khắp nơi. Tôi hỏi một anh làm công trong tiệm kia: "Năm nay vẫn có thể ăn tết theo lịch cũ, sang năm nhất định phải theo lịch mới chứ?" Câu trả lời là: "Sang năm lại là sang năm, để sang năm xem xem." Anh ta không tin sang năm thế nào cũng phải ăn tết theo dương lịch. Nhưng mà trên cuốn lịch thì lại đã thật bỏ hẳn âm lịch, chỉ còn có tiết khí. Một mặt khác trái lại, trên báo xuất hiện cái quảng cáo "Âm dương hiệp lịch một trăm hai mươi năm".
Cả đến âm lịch của đời chắt đời chít, họ cũng đã chuẩn bị đâu vào đó rồi, một trăm hai mươi năm!
Bọn ông Lương Thực Thu tuy rất không thích số đông, song lực lượng của số đông là vĩ đại, là cần yếu, người nào có chi cải cách nếu chẳng biết thấu lòng dân chúng, tìm cách hướng dẫn, cải tiến, thì không cứ có những cao văn đại luân, lãng mạn cổ điển thế nào cũng chẳng ăn nhập gì với họ, mà chỉ nội mấy người ở trong phòng sách than khen lẫn nhau, hả hê riêng cho mình thôi. Giả dụ quả có "chính phủ người tốt"[1], ra lệnh cải cách ư, không bao lâu, sẽ bị họ kéo trở về trên con đường cũ.
Người cách mạng chân thật, tự mình có cái kiến giải độc đáo, như ông Uluonov, ông đem "phong tục" và "tập quán" bao quát vào trong "văn hóa", vả lại cho rằng cải cách những cái ấy rất là khó khăn. Song le, tôi tưởng, nếu không cải cách những cái ấy thì cuộc cách mạng ấy cũng cầm bằng không thành công, khác nào xây tháp trên bãi cát, lập tức đổ vỡ. Cuộc cách mạng bài Mãn đầu tiên của Trung Quốc[2] sở dĩ được hưởng ứng dễ dàng, là bởi cớ nêu cái khẩu hiệu "quang phục cựu vật", tức là "phục cổ"[3], dễ lấy được đồng ý của nhân dân quen thói bảo thủ. Nhưng đến về sau, không thấy có cái đời thái bình lúc đầu khai quốc là lẽ thường của lịch sử, chỉ mất toi cái đuôi sam, làm cho mọi người không bằng lòng.
Đó về sau, những sự cải cách tương đối mới, cứ lần lần thất bại, cải cách một lạng, phản động mười cân, tức như chuyện nói trên, trong cuốn lịch một năm không cho chua âm lịch, mà lại có thứ âm dương hiệp lịch một trăm hai mươi năm.
Cái thứ hiệp lịch ấy, những người hoan nghênh nó nhất định rất nhiều, bởi vì nó được phong tục tập quán ủng hộ, cho nên cũng sẽ có hậu viện của phong tục tập quán. Việc khác cũng thế. Nếu không vào sâu trong từng lớp lớn dân chúng, nghiên cứu, phân tích phong tục tập quán của họ, phân biệt cái tốt cái xấu, lập cái tiêu chuẩn giữ lại hay bỏ đi, mà giữ hay bỏ đều cẩn thận chọn lấy phương pháp thi hành, thì không cứ cải cách thế nào, đều sẽ bị đá núi tập quán đè nát, hoặc chỉ trôi nổi trên bề ngoài ít lúc thôi.
Hiện nay đã không phải là lúc ở trong buồng sách, cầm cuốn sách mà nói bô bô những tông giáo, pháp luật, văn nghệ, mỹ thuật các thứ, dù cho muốn nói những cái ấy, cũng cần phải biết tập quán phong tục trước đã, vả lại phải có dũng cảm và nghị lực nhìn thẳng vào phía đen tối của những cái ấy. Bởi vì nếu không thấy rõ, thì không biết cải cách từ chỗ nào. Kêu gào suông rằng sẽ có sự sáng ở vị lai, kỳ thực là lừa dối chính mình lười biếng và những thính giả lười biếng.
1930
(Dịch ở Nhị tâm tập)
Chú thích
- ▲ Lương Thực Thu là một nhà văn phản động, cùng một cách với Hồ Thích. Xem lời chua số 4 trong bài "Ý kiến đối với tả dực tác gia liên minh" dưới đây. - Chính phủ người tốt: bấy giờ bọn Hồ Thích đưa ra một cái thuyết rằng phải chọn những người tốt mà lập thành một chính phủ, tự nhiên mọi việc trong nước trở nên tốt. Nguyên văn là "hảo nhân chính phủ". Đó là một cái thuyết vu vơ. Ở dưới quyền độc tài của Tưởng Giới Thạch thì chọn làm sao được người tốt thật là tốt? Vả lại, người gọi là tốt là người thế nào? Lỗ Tấn cũng đã có lần bác cái thuyết nầy.
- ▲ "Bài Mãn" nghĩa là bài trừ triều đình Mãn Thanh. Đây chỉ vào cuộc Cách mạng Tân Hợi.
- ▲ "Quang phục cựu vật" là một từ ngữ sẵn có trong sử cũ, nghĩa đen là: lấy lại vật cũ một cách vinh quang. Vật cũ đây là chỉ thiên hạ hay quốc quyền. Phục cổ nghĩa là: đem trở lại mọi sự đời xưa đã có.