Tập Việt Nam Tự điển của hội Khai trí tiến đức
Nhớ đâu từ mười năm trước, hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội phát khởi ra việc biên tập bộ Tự điển Việt Nam. Nói là hội Khai trí chớ kỳ thiệt chỉ do một ban Văn học trong hội ấy; mà một ban Văn học cũng chỉ là cái danh, chớ cái thiệt thì là có ông Phó bảng Bùi Kỷ với một vài ông Tú già nào đó nữa mà thôi.
Ở mười năm trên hay là ngày nay nữa cũng vậy, nước mình thật rất cần có một bộ tự điển, không hoàn toàn được chớ cũng phải cho gần đến bực hoàn toàn. Điều đó ai cũng biết như vậy, ai cũng mong như vậy, có điều thiệt hành thì rất khó.
Khó là bởi con người thời nay, sự sống không phải dễ dãi như thời xưa; làm việc gì cũng mong cho có cái mà ăn trước con mắt, chớ còn làm không mong ăn hay là mong ăn về sau thì không có ai làm được dầu muốn làm mấy đi nữa. Huống chi việc làm một bộ tự điển không phải là việc một vài người làm nổi; như vậy mà mong cho có tự điển, lại càng khó thêm.
Ở nước ta ngày nay mà mong làm tự điển được thì duy có các cơ quan của nhà nước – không cứ nhà nước nào – như Sử quán hay Cổ học viện ở Huế; còn không nữa thì có cái hội nào, hay cái nhà in, hàng sách nào thì mới làm được thôi. Thế nhưng thảm quá! Ở Huế thì người ta không hề nghĩ đến sự học hành, sự làm sách làm vở chi hết; còn nhà in hàng sách thì không có nhà nào lớn vốn, phần thì họ còn sợ không biết về sau bán có chạy không, nên họ cũng không dám bỏ vốn ra.
May sao có hội Khai trí tiến đức đã ra vai gánh lấy công cuộc nầy! Đối với hội ấy, việc gì thì chưa nói làm chi, chớ riêng việc làm tự điển nầy, nếu mai sau có ngày thành công trọn vẹn thì quốc dân ta cũng nên hè nhau mà nói một tiếng cảm ơn hội ấy thật lớn mới đáng! Đôi chục năm nay sĩ phu ta có một cái sỉ nhục khó chịu, là một thứ tiếng nói hơn 20 triệu người mà không có tự điển của người bổn quốc làm ra cho thật đúng đắn. Nhiều khi có người ngoại quốc nào hỏi ta điều ấy thì ta hay bị lúng túng với họ quá, mà trả lời bề nào cũng không xuôi. Nhờ hội Khai trí tiến đức, may ra, về sau khỏi bị cái sỉ nhục nầy, cũng đỡ lắm.
Bộ Tự điển đây mới là bổn cảo chớ chưa phải đã thành sách rồi. Bởi vậy mới xuất bản từng tập một. Hiện nay mới ra được hai tập: tập I từ chữ A đến chữ ẬY; tập II từ chữ BA đến chữ BÁT. Giá mỗi tập 0p20; ai mua đồng niên 12 tập thì 2p00; giá đặc biệt cho hội viên của hội Khai trí mua đồng niên 1p50. Ai muốn mua năm hay mua lẻ cũng cứ hỏi tại nhà in Lê Văn Phúc, số 83, Hàng Gai Hà Nội.
Theo như bức thơ của hội Khai trí tiến đức gởi cho bổn báo, chúng tôi xin giới thiệu tập Tự điển ấy cho độc giả Phụ nữ tân văn; mong rằng hết thảy anh chị em mua mỗi người lấy một phần, như vậy là giục giã cho hội ấy làm mau rồi bộ Tự điển vậy.
Ta thử hỏi tại sao bộ Tự điển nầy không in ngay thành sách mà lại ra từng tập như bổn cảo. Nếu ai đã biết hỏi tới chỗ đó thì phải nhìn nhận rằng sự phê bình chỉ trích những chỗ khiếm khuyết của nó, là một sự cần lắm, phải làm ngay từ bây giờ.
Coi một sự xuất bản chưa quyết định như thế là đủ biết đối với sự biên tập bộ Tự điển ấy, hội Khai trí vẫn còn chưa dám lấy ý kiến của mình làm phải, mà mong ở mọi người trong nước có thấy ra chỗ nào chưa được thì chỉ chánh cho. Bởi việc biên tập tự điển không phải là việc dễ, vả lại là một bộ sách chung cho quốc dân, thì hội ấy thận trọng như vậy là phải, mà chúng ta nếu biết được điều gì cũng chẳng nên làm thinh mà bỏ qua vậy. Bỏ qua, ấy chẳng những là vô tình đối với tiếng mẹ đẻ, mà cũng là cái tội nữa, tội biết mà không nói.
Vì nghĩ vậy, sau khi làm phần việc giới thiệu xong, tôi còn phải làm phần việc phê bình.
Nhà trứ thuật đời nay, khi biên tập các sách, nhứt là các sách "loại thơ" như là tự điển, từ nguyên, bách khoa v.v… một điều cần có trước hết là nên đem cái não tủy khoa học mà rót vào đó. Những sách ấy mà có gia vào ít nhiều ý vị khoa học thì tiện lợi cho người đọc kẻ học không biết bao nhiêu. Bằng như không biết dùng phương pháp khoa học mà giá ngự, thì dầu có tài liệu cho nhiều mấy đi nữa, cái đồ trứ thuật của mình cũng không có giá trị chi.
Nói đến đây tôi lại nhớ ông Lê Dư – Lê Dư nầy là ông Lê Dư, một tay trứ thuật ở Hà Nội, đương biên tập Sở Cuồng văn khố, chớ không phải ông Lê Dư anh em với tôi.[1] – Ông Lê ở trường Viễn đông Bác cổ bao nhiêu năm trời, thâu góp vô số là tài liệu quý báu, gia dĩ ông lại giỏi Hán văn, Nhựt văn, học rộng như biển, vậy mà về các phương pháp khoa học, hình như ông chẳng nắm lấy được chút nào cả, thật ông không đủ sức mà giá ngự tài liệu, cho nên bao nhiêu đồ trứ thuật của ông mới xuất bản rồi đó, chẳng những chẳng có giá trị gì đặc biệt mà lại cứ bị người nầy kẻ kia chỉ trích luôn luôn. Chúng ta xem đó xem, đủ thấy cái phương pháp khoa học cần cho sự học và sự trứ thuật của chúng ta ngày nay là dường nào.
(Hễ nói đến phương pháp khoa học hay là cái gì giống như nó thì hình như ông Phạm Quỳnh ông chực sẵn một bên, ông chận họng lại mà hô lên rằng: Ấy đó, đã nói theo rồi! Không biết mà cũng nói! – Dầu vậy tôi cũng cứ nói).
Thế nên trong khi tôi đọc bổn cảo Việt Nam Tự điển của hội Khai trí tiến đức đây, tôi cũng chỉ xét xem về mặt phương pháp khoa học trước hết thử ra sao.
Trong các phương pháp khoa học có sự phân loại (clasification) là khó hơn hết, lôi thôi hơn hết, rộn ràng hơn hết. Cho đến nhiều tay bác sĩ mà cũng phải chịu. Cái gì về vật chất, mỗi cái có mỗi cái đặc tánh (caractère particulier), thế thì phân loại dễ lắm mới phải, vậy mà cũng còn thấy khó, vì có cái, cho về loại nầy được mà cho về loại kia cũng được. Huống chi là những cái về tinh thần, trừu tượng, thì sự phân loại nó lại còn khó hơn lắm nữa, há đợi phải nói mới hiểu ư? Bởi sự phân loại là khó, cho nên một vạn nhà học giả đời nay, nhà nào cũng phải lấy làm chú ý. Rốt lại, họ có một cái phép để giá ngự: Nếu phân loại mà không tiện thì không phân.
Mới nghe cái phép như là thụt lùi ấy, ta hẳn tưởng là họ làm biếng. Không phải đâu. Bởi vì ấy là cái nước đáo đầu, không thể chạy đi đường nào được. Thật vậy, nếu phân loại là khó, phân ra nhiều loại mà loại nầy nó cũng không khác gì loại kia, hay là nó cũng có thể lộn với loại kia, thì còn phân làm chi? bất nhược đừng phân là hơn vậy.
Việt Nam Tự điển của hội Khai trí chính đã phạm vào sự cấm kỵ ở chỗ đó, cái chỗ phân loại không được mà cũng cứ phân, lại muốn phân cho càng tách bạch ra; nhưng có được đâu, càng phân chừng nào lại càng lộn xộn chừng nấy.
Sẵn trên bàn viết có bộ đại tự điển Larousse (Larousse Universel), biên tập dưới quyền chỉ huy của ông Claude Augé, tôi đem so sánh với tập Việt Nam Tự điển, thì thấy trong mỗi chữ, bộ kia không có phân loại nhiều và kỹ như tập nầy. Đó không phải là ông Claude Augé cùng bạn đồng sự với ông ấy dở hay làm biếng hơn ông Bùi Kỷ cùng mấy ông Tú ta; có điều tại họ biết sự phân loại là khó, là bất tiện, nên họ tránh đi vậy.
Tập Việt Nam Tự điển được cái may là làm sau nhiều thứ tự điển của các thứ tiếng, cũng sau bộ đại tự điển Larousse nữa, có lẽ các tay biên tập họ nghĩ rằng hễ là cái gì làm sau thì thường thường là hơn bao nhiêu những cái đã làm từ trước, cho nên mới cố làm cho kỹ để đạt tới cái mục đích hậu lai cư thượng mà chơi; không dè chính bởi ở chỗ muốn kỹ hơn người ta đó mà trở thua người ta, – lời nầy tôi nói một cách quả quyết.
Ta hãy lấy ra một chữ A mà xem.
Xem một chữ A đầu, tôi thấy ra người biên tập rất chú trọng về sự phân loại. Cách phân loại của họ không có đặt ra những danh từ gì để mà gọi. Nay tôi muốn phân tích cho thật rõ thì phải tạm đặt ra nhiều tên rồi nói mới trôi.
Trong một chữ A, họ chia làm hai bộ phận, là A đơn và A kép: A đơn có một tiếng mà A kép thì ghép từ hai tiếng trở lên, như a-men cho tới a-di-đà-phật.
Cái sự chia làm hai bộ phận ấy phải lắm, tôi biểu đồng tình.
Rồi trong chữ A đơn, họ mói chia ra chủng, loại và biệt nữa. Rắc rối là tại ba khoản nầy, tôi không nhận cho làm vậy là phải. Để tôi kể hết ra đây rồi tôi sẽ giải cái sở dĩ theo sau.
Về chủng thì chữ A đơn họ chia làm tám chủng, những chữ A ấy đều in bằng Latin đen cả. Vì mỗi chữ A có một nghĩa riêng, thì chia như vậy là phải. Nhưng có chỗ đáng chỉ trích, là nhằm chữ có một nghĩa mà họ cũng chia làm hai.
Ấy là như chủng thứ ba và thứ tư. Chủng thứ ba chia làm hai loại: "I, Đồ làm ruộng để cắt rạ ở ruộng chiêm", ấy là danh từ; "II, Cắt rạ bằng cái a", ấy là động từ. Rồi đến chủng thứ tư: "Vơ lại thành đống : a cỏ vào bờ cho gọn", thì chữ nầy cũng lại là một động từ vậy.
Coi đó thì cái chữ A về chủng thứ tư chẳng qua do chữ A ở loại thứ II của chủng thứ ba mà ra, a rạ với a cỏ thì cũng là đồng một công dụng trong khi dùng cái lưỡi a hết, làm sao lại chia ra như thế được? Không đáng chia mà chia, luống làm cho rộn mắt đó thôi.
Đến loại và biệt lại còn khó chịu lắm nữa! Để tôi nói hết mà nghe, chắc các ông biên tập Việt Nam Tự điển cũng phải bụm miệng cười với nhau và hỏi nhau rằng: "Ủa! chúng mình làm cái gì bấy lâu nay mà kỳ quá vậy!"
Tôi nói loại, tức là, trong Tự điển ấy, những điều đã chia ra mà ghi bằng những chữ số Romain; nói biệt, tức là những điều đã chia ra mà ghi bằng những chữ số Arabe.
Như chữ A, chủng thứ hai, chia làm bốn loại; và loại thứ I chia làm năm biệt.
Bốn loại: loại thứ I chia làm năm biệt: "1. Một thứ tiếng kêu, đứng đầu hay cuối câu: A vui! A thích! Đẹp a! Sướng a! 2. Chỉ ý bất thình lình mà hỏi: Ông đây a? 3. Chỉ ý kinh dị mà hỏi: A quái nhỉ? Đông dữ a! 4. Chỉ ý hỏi mỉa: Da mồi tóc bạc ta già nhỉ, áo biếc đai vàng bác đấy a? 5. Chỉ ý hỏi trách: Chị đã năn năn nỉ nỉ mà em không nghe chị a em?"
Nội năm biệt đó, đã thấy nó chống với nhau, không chịu được rồi. Phàm cái gì mà chia ra là vì nó có khác. Song trong năm biệt trên đó, xin ai nấy coi, có thể nói mỗi biệt nầy khác hẳn với biệt kia không? Biệt thứ 2 chỉ ý bất thình lình thì khác gì với biệt thứ 3 chỉ ý kinh dị? Ông đấy a? thì khác gì với A quái nhỉ và Đông dữ a? Lại trong biệt thứ 4, chữ bác đấy a? trong câu thơ Yên Đổ, tuy có ý mỉa mặc dầu, cái ý ấy chỉ ở ngoài lời nói, chớ còn bổn chất chữ "a" ấy cũng chẳng có phân biệt gì với chữ "a" trong cái ví dụ "ông đấy a?" trên kia, thì làm sao lại chia ra?
Vì sự tiện trong khi hành văn nên tôi trót nói cái biệt ở trước; đây xin nói đến loại.
Loại II của chủng thứ hai ấy là: "Tiếng reo mừng: A quân ta được rồi! A! A! mẹ ta đi chợ đã về". Vậy thì tôi dám hỏi, cái tiếng a reo mừng ấy, nó có khác gì với cái tiếng kêu đẹp a, sướng a trên kia chăng? Cho đến A vui! A thích! thì cũng coi là tiếng reo mừng được vậy chớ.
Loại thứ III: "Giọng kêu trong tuồng, trong chèo: Hảo a! Úy a! Ối a!" Loại nầy tưởng nên bỏ đứt đi là phải, bởi vì cái khác của tiếng nói nên phân biệt ở khi người ta phát nó ra bằng cách nào, chớ không có thể phân biệt bởi tuồng hoặc chèo; nếu bởi đó mà phân biệt thì còn thiếu gì nơi dùng mà phân biệt được nữa? Mà "Hảo a! Úy a!" nếu đem cho vào nơi tiếng reo mừng và chỉ ý bất thình lình, kinh dị cũng được, thì sao đặt riêng nó ra một loại làm chi?
Trên đó tôi tìm ra những chỗ không đáng chia mà chia ở trong một phần của chữ A đó; những lời biện nạn của tôi, nghe như lộn xộn một chút, song nếu ai có sẵn một tập Việt Nam Tự điển trong tay đem mà đối chiếu nhau thì thấy những chỗ tôi chỉ trích rất rõ ràng.
Theo lẽ trên đó, tức là theo phương pháp khoa học, khi phân loại không tiện thì chớ nên phân, tôi tưởng trong chữ A đó và trong các chữ khác nữa đều nên xóa hết những cái biệt rộn ràng đi mà chỉ để nội bộ phận và chủng, loại là đủ. Nghĩa là cũng chia, mà đừng chia tách bạch quá, nẻ nóc quá. Ai lại chẳng muốn cho cái gì cũng được tách bạch, nẻ nóc, nhưng gặp cái không làm được, ta cũng phải không làm.
Phân tích tiếng A về chủng thứ hai đó ra, tôi tưởng chỉ phân tích đến hai loại là cùng: Ấy là tiếng kinh dị và tiếng reo mừng. Rồi dưới mỗi loại lấy nhiều nhiều ví dụ là được. Có sợ sót thì thêm một loại là tiếng cảm thán nữa: như Ái a! Ối a! Ru con a hả a hà.
Kể ra thì bộ Tự điển của hội Khai trí đây nếu thành công ra sẽ đứng đầu các tự điển tiếng ta đã làm từ đó đến giờ. Vì thâu được nhiều chữ, biên tập có công phu; lại thêm có chua chữ Hán, có mục Văn liệu, tiện cho người tra xem nhiều đường lắm.
Cái điều tôi chỉ trích trên đó là chẳng qua muốn cho một cái công trình lớn lao như vậy sẽ được hoàn toàn hơn đó thôi; nếu lời tôi nói là phải và nếu hội Khai trí dủ nghe, thì là một cái ích lợi chung cho cả và hậu sanh sau nầy, chẳng phải riêng gì một mình ai vậy.
Còn những chỗ sai lầm mà không có thể kể hết thì tôi xin kể lấy một chỗ ra đây. Như chữ A, chủng thứ ba, loại I, nói rằng: "Đồ làm ruộng để cắt rạ ở ruộng chiêm", rồi lại chua ngay theo rằng: "Nam kỳ gọi là cái trang cái gạc". Nói vậy thì sai quá. Vả cái a nếu là cái rèn bằng sắt để cắt rạ thì có phải là cái trang của Nam kỳ đâu? Cái trang Nam kỳ làm bằng săng, để quào lúa, không răng gọi bằng trang, có răng gọi bằng bù quào. Còn cái a bằng sắt để cắt rạ thì ở Nam kỳ cũng gọi cái lưỡi hái hoặc có nơi gọi cái liềm cắt rạ. Đến như cái gạc thì trong đồ làm ruộng Nam kỳ chẳng có tiếng ấy, chẳng có cái gì là cái gạc cả. Những chỗ sai lầm như vậy chẳng phải là lỗi của các ông biên tập đâu. Lỗi tại trong việc biên tập có ít người quá. Không đủ người các nơi thì lấy ai mà biết cho hết những việc vặt vãnh mà bình nhựt họ không hề để ý đến làm chi.
Lại còn một cái lỗi là tại không có in hình. Nếu vẽ hình cái a mà in lên thì dầu cho có nói tức cái trang của Nam kỳ cũng không làm lầm ai được.
Sau nữa có một điều nên nói là sự chua ở dưới một chữ nào đó rằng "tiếng Nam kỳ", hay "tiếng Trung kỳ, Bắc kỳ". Sự đó, theo tôi, cho là vô ích.
Ta đã kêu là Việt Nam Tự điển thì ta còn để cái dấu phân biệt ấy làm chi? Xem thử tự điển Lang Sa, họ có phân riêng tiếng từng miền như vậy không? Nếu một tiếng nào đã nhìn nhận cho là tiếng Việt Nam thì cứ để vào Tự điển Việt Nam, chớ chẳng còn nên chia ra xứ nầy xứ kia làm chi hết.
Muốn nói thêm nữa thì trong tập Tự điển đó cũng có chỗ đặt câu thích nghĩa hay là ví dụ không được trôi chảy, hoặc thừa ra. Những chỗ nầy về sau thế nào cũng phải sửa lại thì mới trọn lành.
Chữ A, chủng thứ tám, mà thích nghĩa rằng: "Theo tựa vào người. Không dùng một mình". Theo tựa vào người thì được, và cũng đủ nghĩa rồi, sao lại còn thêm những chữ Không dùng một mình vào làm chi? Câu ấy đã thừa mà nghĩa nó còn không chạy nữa, vì người ta sẽ hỏi được rằng: Dùng là dùng cái gì? Nếu đáp rằng "mình dùng lấy mình" thì nghe ra lơ lửng quá. Vả lại Không dùng một mình thì đâu có nảy ra được cái ý a dua hay là a tùng?[2]
Tóm lại, trong bài nầy tôi lấy làm hệ trọng nhứt là sự phân loại đã nói trên đó. Chỗ ấy tôi rất mong hội Khai trí và các ông biên tập để ý đến mà sửa sang đi. Còn mấy điều vặt vãnh sau, tôi chỉ nói sơ qua, xin những người có trách nhiệm trong việc ấy hãy cẩn thận mà xem xét từng chút.
Đến như có ai trách tôi rằng làm không làm được, chỉ chực người ta làm ra rồi chỉ trích, thì tôi dám cầm người ấy là nói bậy. Tôi sẽ nói lại với họ rằng: Cái đời tôi, chẳng có làm gì hết, chỉ có chực chỉ trích mà thôi, – thì họ làm gì tôi?
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Thực ra thì 2 ông này chỉ là một Lê Dư; nhưng Phan Khôi nói như vậy có lẽ là để nhấn mạnh sự nhận định khách quan của mình đối với công việc trứ thuật của Lê Dư. Vợ Lê Dư là em gái Phan Khôi.
- ▲ Khi bài nầy gần lên khuôn, một ông có quyền đọc trước, nói với tôi rằng: "Chữ Không dùng một mình đó có lẽ là nói chữ a ấy không dùng một mình, phải đi theo tiếng khác, như trong tiếng Pháp nói "ne s'emploie pas seul", có điều tại họ không dùng chữ in cho phân biệt, thành ra chẳng ai hiểu chi hết!" Tôi bèn coi lại tập Tự điển, thấy chỗ khác cũng có vậy, thì ra lời ông ấy nói trúng lắm, tôi xin phụ vào đây, không dám cướp làm của tôi. - P.K. (nguyên chú)