Thề non nước

(Thuyết-văn)

IThanh-Lương

Vân-Anh một mình đứng giữa sân, nhìn lên giăng mà xem, thấy những đám mây bay tán-loạn, thường che mờ cả mặt giăng. Cái cảm-hoài vô-hạn, bị cảnh đó khêu động, hốt nghĩ thân-thế của người ta, nhiều người bổn-lĩnh thật quang-sáng mà phải những cảnh-ngộ ác-nghiệp làm cho đến u-âm sầu thảm, khác gì mặt giăng vốn trong sáng mà có khi phải luồn những đám mây vô-lại kia; hốt lại nghĩ thân-thế của người ta, có khi thật như đám mây bay tán-loạn, bầu giời vô-hạn, biết đâu là chỗ về. Đương nhàn-tưởng bồi-hồi, chợt nghe đồng-hồ nhà bên cạnh đã đánh muời một tiếng; trong nhà, mẹ già gọi vào để bóp chân. Vừa quay mình để vào thời thấy một người khách đến chơi. Vân-Anh mời vào. Uống nước xong, khách bảo làm cháo ăn và nói không phải gọi ai cả. Vân-Anh khi ấy xuống bếp mổ gà với đứa ở, khách ngồi một mình, trông nhà có hai gian bằng tre, chỗ ngồi uống nước đó kê một đôi trường-kỷ tre, một cái án thư, bên trong còn có một cái tủ chè bằng gỗ tạp, một gian bên thời có hai cái giường kê liền nhau, cũng có hai cái chiếu cạp đỏ đã cũ, bên giường trong có mắc một cái màn trắng cũ và vá. Cách một bức phên chắn, còn một gian nhà nữa thời nghe có tiếng bà cụ già thường ho-hắng, như có ý nhọc mệt. Khách ngồi buồn, tự nghĩ một mình rằng: Vào chơi nhà cô-đầu, quang-cảnh thế này nghĩ thật buồn, song cũng tiện cho mình được ngủ qua một tối rồi mai đi; lại nghĩ như người ả-đầu đó, trông cũng xinh-xắn và cũng có phong-cách, sao không được có đông khách hát mà ăn ở bần-tiện đến như thế. Một lúc đã thấy bưng cháo lên thời một con ở ăn-mặc cũng rách-rưới. Vân-Anh lên lấy rượu, ngồi rót mời khách uống. Khách hỏi bên gian buồng trong có tiếng bà cụ già là ai. Vân-Anh nói là mẹ đẻ, mấy hôm vẫn nhọc mệt. Khách giục Vân-Anh vào xem bà cụ có bảo gì, mặc mình tự uống rượu, không cần phải ngồi tiếp. Vân-Anh chạy vào qua, rồi lại ra, lên ngồi kề gần khách, múc thìa rượu, vừa cười vừa mời uống. Khách lấy tay gạt đi, rồi cứ cầm chén uống tự-nhiên, như quên mình là ngồi ở nhà cô-đầu vậy. Vân-Anh nghĩ cũng lấy làm lạ, ngồi có ý ngắm nhận người khách, ăn-mặc thời nhũn-nhặn mà vẻ mặt rất lanh-lợi, ngồi uống rượu mà vừa như có nghĩ-ngợi điều riêng gì. Suốt một bữa rượu ấy, ngoài sự ăn uống, không có câu chuyện gì cả. Rượu xong, khách đi ngủ, đến sáng dạy, chi tiền rồi đi.

Cách chừng một tuần-lễ, nhà Vân-Anh lại có khách uống rượu, tức là người khách uống rượu cách một tuần-lễ trước mà bận này đến, lại có mang mội cái va-ly. Hôm ấy giời hơi mưa, trong lúc uống rượu, khách lại tự uống một mình mà uống tất bằng chén. Vân-Anh nghĩ lại lấy làm buồn cười. Một lúc, có người nhà cô-đầu khác đến gọi Vân-Anh đi mời rượu, Vân-Anh xin phép đi, khách chỉ tự-nhiên mặc lòng. Hôm ấy bà cụ đã khỏi mệt, sau lúc Vân-Anh đi mời rượu, ra ngồi chơi ở trường-kỷ uống nước. Khách nhân hỏi chuyện về Vân-Anh. Bà cụ nói: « Con bé nhà tôi, tên nó là Vân-Anh, vẫn gọi là cái Vân. Từ bé cháu có học chữ nho, cũng đã biết làm thơ. » Bà cụ ngồi chơi một lát, rồi vào buồng nằm nghỉ. Khách lại tự uống rượu một mình.

Khoảng hơn mười hai giờ, giời mưa to, Vân-Anh về, đã loáng-choáng say rượu. Khách ở nhà, uống cũng đã say. Vân-Anh lại ngồi lên, rót rượu mời uống. Khách cười nói rằng:

— Mời rượu thời phải có hãm chứ?

Vân-Anh:

— Hãm câu gì?

— Chỉ muốn nghe một câu hãm bằng chữ nho.

— Ai biết chữ nho mà hãm; cũng chẳng thấy ai hãm bằng chữ nho bao giờ.

— Không ai hãm bao giờ mà bây giờ hãm, thế nó mới mới.

— Khốn như tôi không biết.

— Tôi biết rằng chị biết.

— Ô hay, cứ buộc vào người ta.

— Thôi, hãm đi,

— Thế ông đặt đi cho một câu.

— Ai hãm thời người ấy phải đặt lấy, nhờ người đặt hộ thời còn có thú gì nữa!

— Tôi đặt lấy thời không biết có nghe được không.

— Hãy cứ hãm đi, nghe được hay không, mặc người ta.

Vân-anh vừa mỉm cười, vừa nghĩ. Khách cũng cười mà cất chén uống rượu để mà đợi nghe.

Vân-Anh nghĩ đã xong, rót chén rượu mời, hãm rằng:

鷄 鳴 風 雨 瀟 瀟
天 涯 遊 子,藍 橋 神 仙
好 惡 姻 緣.
Kê minh, phong vũ tiêu-tiêu;
Thiên-nha du-tử, Lam-kiều thần tiên.
Hảo, ác nhân-duyên?

Khách nghe, thần-hồn như phiêu-động, cạn chén, hỏi Vân-Anh rằng:

— Thế trước chị học chữ nho được bao năm?

Vân: — Tôi học từ năm lên sáu, đến năm mười sáu tuổi thời thôi.

— Chị học ra làm sao?

— Cũng học đấy thôi, chẳng biết nó ra làm sao cả.

— Trong lúc học, chị có tập làm văn, làm thơ gì không?

— Cũng có làm thơ cùng những câu đề vịnh lảm-nhảm.

— Các bài của chị làm ra từ khi trước, bây giờ có bài nào còn giữ lại hay còn nhớ không?

— Kể mất đi cũng nhiều, nhưng tôi cũng giữ được một ít, vẫn cuộn để ở trong hòm, những lúc nào buồn quá thời lại giở ra xem chơi một mình.

— Bây giờ chị thử lấy ra đây xem.

Vân-Anh đi mở hòm, lấy cuộn văn ra. Ông khách giở xem, thấy cũng có nhiều bài thông lắm. Xem đến bài vịnh lĩnh-mai (嶺 梅) có hai câu rằng:

含 情 不 向 東 風 笑
獨 伴 靑 松 踏 雪 遊

Hàm tình bất hướng đông-phong tiếu,
Độc bạn thanh-tùng đạp tuyết du.

Nghĩ như hai câu này thời thật có phong-điệu cốt-cách mà tự người làm thơ cũng không đáng trụy thân vào trong đám Bình-khang. Khách xem hết các bài văn-thơ chữ nho, lại hỏi về văn quốc-âm. Vân-Anh đọc một bài vịnh sen hồ Hoàng-Kiếm rằng:

Hồ Gươm, sen mới ra hoa,
Cả hương, cả sắc, ai là không chơi.
Sen tàn lá rách tả-tơi,
Quanh hồ lai vãng ai người tiếc thương.
Nước hồ sen đứng soi gương,
Còn đâu là sắc là hương với đời.
Tủi thân sen lại giận giời,
Cho sen hương sắc, cho người trọng khinh.

Khách nói: — Văn cũng hay, nhưng sao đặt đến buồn quá thế!

Vân-Anh: — Bài này tôi mới làm. Trong lúc buồn có làm ra vui thế nào được.

Khách ngậm-ngùi một lúc, rồi nói rằng:

— Nghĩ như chị, người như thế, tài-hoa như thế mà sao không thấy nổi tiếng? Lại chắc cũng không được đông khách hát, cho nên trong nhà ở cũng có ý cẩu-thả.

Vân-Anh đến lúc ấy lại buồn lắm, giả nhời khách rằng:

— Ông nghĩ cho như vậy, chớ như tôi thời còn có gì mà nổi tiếng. Cứ về bên chữ nho bây giờ, đến như ông Nghè, ông Cử, cũng còn nhiều ông chẳng có vinh-hiển gì, huống hồ là một người cô-đầu biết đôi ba câu thơ, còn lấy gì làm có giá được. Từ khi tôi ra hát đến nay, hôm nay mới thấy có ông hỏi đến là một. Những cái sự ấy bây giờ đã không ai coi ra gì, nhà ở lại lụp-sụp rơm-rác, cũng chẳng có mấy người buồn đến, thỉnh-thoảng mới có một vài ông khách đến ăn cháo, còn thời chỉ là đi hát mảnh, lại cũng không khéo chiều quan-viên, như thế tài nào mà không phải chịu bần-tiện.?

Lúc ấy đã đến hơn bốn giờ sáng, khách bảo thôi xếp bỏ rượu để đi ngủ. Vân-Anh buông màn cho khách ngủ, rồi vào trong nhà với mẹ.

Ngày mai, giời mưa rầm mãi từ sáng cho đến chiều. Lúc người khách ngủ dạy thời vào khoảng chín, mười giờ. Nguyên ý người khách đến uống rượu bận ấy, hoặc định ngủ một tối rồi sáng hôm sau đi đâu thời không biết, nhân có một đêm nói chuyện, cái cảm-tình đối với Vân-Anh thực thương tiếc vô hạn; lại nhân hôm ấy giời mưa rầm, cho nên thành ra lại giữ khách ở lại. Mười giờ hơn, Vân-Anh nói cùng khách xin để làm cơm sáng ăn, khách cũng ừ, nhưng không có đưa tiền. Trong nhà Vân-Anh từ tối hôm trước chỉ còn có một con gà thời đã làm rượu rồi mà cũng phải vay thêm đồ ăn mới đủ dọn; đến lúc ấy không biết làm thế nào, nghĩ người khách đi lại chưa thân, cũng không tiện ra hỏi. Hai mẹ con ra vào thì-thầm bàn cùng nhau, khách cũng hiểu tình-ý, nhưng cứ tự-nhiên như không biết, chỉ nằm xem những bài thơ văn của Vân-Anh, rồi lại mở va-li ra, lấy giấy bút để viết. Độ 12 giờ hơn, thấy có cơm bưng lên, cũng lịch-sự. Khách bảo Vân-Anh mời cả bà cụ ra cùng ăn cơm, nhưng bà cụ xin từ chối. Bữa ấy hai người cùng ngồi uống rượu, ngoài bức mành thưa, giời vừa mưa vừa gió, những người đi ngoài đường thật là lặn-lội mà trong chỗ mâm rượu thời một người du-tử ngồi đối với một mỹ-nhân cùng thù tạc, đàm-đạo những nhân-tình thế-cố cùng là sự làm văn, làm thơ, khách tuy không phải là người say đắm ở nơi Bình-khang, nhưng lúc ấy bất-giác cũng cao-hứng. Đương trong lúc tửu-hứng, Vân-Anh nói rằng:

— Tôi có một bức tranh sơn-thủy, là của gia-bảo, vẫn cuộn để trong hòm, thường muốn đề một bài quốc-âm mà nghĩ lại không xứng, nay không mấy khi được gặp cao-nhân, xin hạ bút đề cho một bài, thực là quí-hóa quá.

Khách nói:

— Sự đề-vịnh nguyên đã không dễ, lại đề vào một bức họa trân-trọng thời thực không dám nhận; nhưng chị thử lấy cho xem thời hay lắm.

Vân-Anh đi mở hòm lấy bức tranh đem ra, khách giở xem, thực là một bức cổ-họa. Trông khoảng trên có đề ba chữ triện, không hiểu là những chữ gì. Vân-Anh nói đây là chữ nôm. Khách nhận ra thời là ba chữ « Thề non nước ». Vân-Anh nói:

— Cứ ba chữ này, nguyên nghĩa thường thời là chỉ non thề nước; đề vào đây thời là làm sao?

Khách nghĩ một lúc, rồi nói:

— Đây hoặc là người ta mượn câu sẵn mà khiến về nghĩa riêng. Ba chữ đề đây, phải nhận nghĩa là non với nước, hai cái thề với nhau. Như thế, có nhẽ mới hợp ý bức họa.

Vân. — Dẫu nhận là như thế, nhưng đây chỉ vẽ một rẫy núi, còn không thấy sông nước gì cả, lấy gì làm hai cái thề với nhau?

Khách. — Đây dẫu không có vẽ sông nước, nhưng nhận kỹ một ngàn dâu ở chân núi này, ý tức là sông nước khi xưa mà tang-thương đã biến-đổi.

Vân. — Dẫu nhận cho là như thế, nhưng lấy gì làm thề?

Khách. — Nguyên bức họa này, ý chỉ là một bức tang-thương, cho nên ở dưới vẽ một ngàn dâu tựa như thế khúc sông; trên núi thời như mây, như tuyết, như mấy cây mai già, như bóng tà-dương, đều là để tả cái tình-cảnh thê-cảm. Bởi thế cho nên ba chữ đề này, dẫu là lấy câu sẵn mà đề vào, song thực tỏ ra được cái tình thương nhớ của rẫy núi, tức là vì rẫy núi mà cảm nỗi tang-thương. Bây giờ tất cứ trong bức họa mà muốn tìm cho ra thế nào là thề, như thế thời nệ vì chữ đề mà hại đến nguyên-ý của bức họa.

Vân. — Vậy thế bây giờ muốn đề một bài thời thế nào là phải?

Khách. — Bây giờ nếu muốn đề một bài, nên phải trông vào bức họa mà lại lấy ba chữ đó làm đầu đề. Chú-trọng vào một chữ non, lấy chữ non làm chủ, vì rằng non đó thực là chủ-trương trong bức họa mà lại có ở trong đề; còn như chữ thề với chữ nước thời trong họa không có mà trong đề có, cũng phải nhận như có mà chỉ nên nói nhẹ như không, vì là thề thời về sự đã qua mà nước thời không trông thấy ở đó. Nghĩ như thế, hoặc có phải chăng?

Vân. — Như thế thời khó lắm. Tôi thời không biết thế nào mà đề được.

Khách. — Ý chị muốn đề bằng văn nôm? hay bằng văn chữ nho?

Vân. — Đề bằng văn nôm thời hơn, vả nhân ba chữ đề đây cũng bằng nôm.

Khách. — Vậy thời đề một bài thơ, hay một bài lục-bát?

Vân. — Bài lục-bát cũng được, hay một bài cổ-luật cũng được.

Khi ấy, khách lại ngồi uống rượu mà vừa nghĩ. Bức họa vẫn để đó. Vân-Anh thời đứng dậy đi xuống bếp, bảo con ở lên bưng mấy bát đồ-ăn xuống để hâm lại. Lúc Vân-Anh lên, cùng ngồi vào uống rượu thời khách đã nghĩ được mấy câu, đọc rằng:

Nước non nặng một nhời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non.
Nhớ nhời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

Vân. — Như thế thời hay lắm! Chữ thề chữ nước, vẫn nói đến mà vẫn là không có; chỉ một chữ non là nói thực. Nhưng còn hơi hiềm vì trùng mất một vần non thời kém hay.

Khách. — Vần non trùng, tưởng cũng không hại lắm; nếu nệ mà đổi đi thời mất hết cái thiên-nhiên.

Vân. — Thế bây giờ xuống thế nào nữa?

Khách. — Bây giờ thừa xuống, cứ trông cái non trong bức họa mà tả thực, tả cho hết những cảnh-vật ở non mà cho tỏ được cái tình tương-tư của non thời hay.

Vân đọc:

Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy;
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Giời tây chiếu bóng tà-dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi-pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Khách: — Hay lắm! Thử đọc lại cho nghe một lượt nào.

Vân-Anh đọc lại. Khách nói: — Như thế thời dẫu không trông vào bức họa, cứ nghe đọc cũng thấy như vẽ ra một cái núi tương-tư. Không ngờ chị văn nôm hay mà nhanh được như thế.

Vân. — Cũng là tại ông đã bảo rõ cho cái thế làm.

Khách. — Nếu tôi với chị mà cùng ở với nhau thời có nhẽ hai người cùng có ích.

Vân. — Cái ấy thời cũng tùy ở ông.

Khách. — Khốn nhưng tôi thời lông-bông lắm, nếu chị mà dính vào với tôi thời lại túng khổ hơn ở đây.

Vân. — Chịu được thời thôi, chớ sao.

Khách. — Nói đùa đấy, tôi thật là một người không có tình.

Vân. — Không có tình, thế sao văn lại có tình?

Khách. — Ấy chỉ có tình ở văn thế thôi.

Câu chuyện quá vui, trông ra giời đã chiều. Khách đứng dạy, nói phải lên ga để đón một người quen, vội mặc áo đi ngay, còn cái va-li thời gửi lại ở đấy.

Vân-Anh, sau lúc khách đi, cùng đứa ở xếp dọn chỗ mâm rượu, cuộn bức tranh cất đi, cả cái va-li của khách gửi cũng sách để vào tủ, khóa lại, rồi đi ngủ một lúc. Đến tối dạy, trong nhà chỉ còn một ít gạo; những đồ ăn mua chịu để làm cơm buổi sáng, người ta đến đòi tiền, không có đâu mà giả. Lại từ đêm hôm trước cho suốt ngày hôm sau, giời mưa mãi, nhà ở ẩm-thấp, bà mẹ lại bị cảm, lên cơn sốt nằm rên. Nghĩ thực nhiều nỗi buồn, có ý mong mãi mà không thấy người khách về; ai gọi đi mời rượu, đều kiếu cả. Suốt đêm chỉ đi ra đi vào một mình, ngồi chán rồi lại đứng. Ngày mai, lấy cái áo mền nhiễu đem lên Hanoi, để cầm được ba đồng bạc, lấy cho bà mẹ hai chén thuốc cảm, còn thời về trang giả những tiền mua đồ ăn. Thế là chỉ còn một cái áo băng rách cánh tay, để có đi mời rượu đâu thời mặc. Ôi! giời tháng chín, mưa mưa gió, thu sắp hết, đông gần tới, lạnh-lùng thay giai-nhân! Nghĩ là thân một người con gái, có nhan-sắc, có tài-hoa, có học-vấn, vì cửa nhà sa-sút mà trụy-lạc vào xóm Bình-khang, ừ thôi thân-danh duyên-phận đã không được như ai, còn như cái mặc cái ăn, tưởng đâu đến nỗi phải đói rét. Vậy mà con tạo-hóa đã ghen ai, ghen cho thật quá nhẽ; đã ghét ai, ghét cho thật đủ đường. Nào ai là những kẻ có tài, nghĩ chữ « tài » còn nên có nữa hay thôi? Qua ngày hôm ấy đến tối, không thấy người khách về; đêm cũng không thấy về; suốt ngày hôm sau đến đêm hôm sau cũng không thấy về; lại ngày hôm sau nữa, đêm hôm sau nữa, mãi mãi không thấy người khách về.

Một tối, Vân-Anh ngồi buồn một mình, tưởng lại bài đề họa hôm nọ, tìm tờ giấy biên đem ra xem, nghĩ như thế này mà thôi thời chưa được sung nghĩa mà lại sợ có nhẽ sái. Ngồi nghĩ nối thêm rằng:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãi còn thề xưa.

Mới được hai câu thời thấy có người vào, thời là ông khách ấy, tay cầm một chai rượu văn-khôi, cười nói vui-vẻ và bảo làm rượu uống. Vân-Anh lúc ấy cũng vui mừng mà cũng lại ngại, vì lại không biết lấy gì mà làm rượu. Sai con ở đi mua chịu gà, không được; mình chạy sang chị em vay một đồng bạc cũng không được. Sau phải lấy tình-thực nói với khách.

Khách nói: — Thế chỗ tiền ấy, đã hết cả rồi à?

Vân. — Tiền nào à?

Khách — Ấy có tiền ở trong va-li ấy, va-li tôi vẫn để ngỏ không khóa, tưởng là đi thời về ngay, cho nên cũng vội không kịp dặn. Thế ở nhà chị không lấy tiêu à?

Vân. — Không, tôi có biết đâu.

Vân-Anh đi lấy va-li ra thời vẫn không khóa thật, mở ra, trong có một gói giấy bạc vào độ hơn ba chục, lấy mấy đồng đi mua đồ làm rượu, còn thời lại để vào đấy, khách bảo Vân-Anh lại cất đi. Đêm hôm ấy, anh chị lại thù tạc, lại nói chuyện về bài đề họa.

Vân-Anh nói: — Bài này nếu cứ thế mà thôi thời sợ có nhẽ sái.

Khách. — Làm văn, có sợ gì sái; nhưng bài này cứ thế mà thôi thời không được rào ý.

Vân-Anh nhân đọc hai câu mới nghĩ nối.

Khách. — Như thế thời hay lắm! một câu trên mượn vào mà tả-chân thật hay.

Vân. — Thế đã thôi được chưa?

Khách — Kể thôi cũng được, nhưng nối thêm được nữa thời có nhẽ mới được là rồi-rào.

Lúc ấy, tửu-hứng đã cao, khách lại nối rằng:

Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể, lại mưa về nguồn.
Nước non hội-ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãi còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Vân-Anh nối rằng:

Nghìn năm giao-ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi nhời thề.

Khách nói. — Như thế thời thật là hết nghĩa.

Vân-Anh đem chép lại tất-cả cho thật rõ, rồi đọc suốt lại một lượt. Hai người cùng lấy làm ưng ý. Sẵn bút mực trong va-li, tức-thời đốt đèn thật sáng, đem bức họa ra để đề. Khách đề trước một bài chữ nôm, Vân-Anh thời viết quốc-ngữ. Đề xong, lại cùng ngồi uống rượu làm văn, thường hai người cùng làm chung nhau một bài, mỗi người làm mỗi đoạn. Cuộc rượu chưa tàn, hứng văn thơ cũng chưa tàn, nghe tiếng gà như đã giục sáng. Khách xin biệt để đi. Vân-Anh ngẩn người mà giữ lại. Khách nói phải đi kịp chuyến xe lửa nhất, kẻo nhỡ mất việc buôn bán. Vân-Anh lại hỏi đến hôm nào giở lại thời khách bảo không biết thế nào mà nói trước, hoặc không giở lại đây nữa cũng nên. Lúc ấy, hai tình quyến-luyến, tự người Bình-khang kia không phải là giả ý mà du-tử cũng nặng lòng biệt-ly.

Vân-Anh nói: — Từ khi tôi đem thân ra đi xướng-ca, bao những cái tính-tình trong lúc thơ ngây thật không còn có chút nào nữa. Không ngờ rằng đến nay được gặp có người như ông mà cùng nói một đôi câu chuyện, khiến cho những cái tính-tình trong lúc thơ-ấu như đã chết mà lại được hồi-sinh. Nghĩ rằng còn được thừa-tiếp ông về lâu, cho nên chưa dám vội hỏi rõ. Nay cái thì-giờ trân-trọng còn có ít như thế mà từ nay về sau, lại cũng chưa biết ra làm sao. Sau này nếu tôi có bài văn nào làm ra, hoặc là câu chuyện gì muốn gửi trình ông biết thời viết ra làm sao. Muốn xin ông bảo cho thời hay lắm, và lúc nào ông có thì-giờ rỗi, xin ông cũng viết giấy cho.

Khách — Thôi! Can gì phải phiền thế. Như chị thời hoa đào nước chẩy, chỗ ở rất là vô-thường; tôi thời là một người khách buôn, quanh năm giang-hồ, càng không biết đâu mà định. Lúc nào ngẫu-nhiên gặp nhau thời lại cùng nhau nói chuyện; còn những lúc mỗi người mỗi nơi thời ai có việc của người ấy, cũng không cần phải tưởng nhớ đến nhau làm gì. Tôi cũng có một hai câu chuyện, muốn nói chuyện với chị, nhưng thôi hãi để đến khi khác.

Lúc ấy, bà cụ cũng đã tỉnh dạy. Khách bảo Vân-Anh lấy hộ cái va-li ra, trong va-li còn ba mươi đồng bạc, bảo cầm đưa cả vào bà cụ, nói trong mấy hôm quấy-quả, xin cụ miễn-trách cho. Mở cửa ra thời xe cao-xu đã kề vào tận hè, khách chào để lên xe. Từ đấy mà về sau, những xe kề cửa nhà Vân-Anh, vắng hay đông, không biết những ai, một người khách từ-biệt trong lúc mờ sáng hôm ấy mà đi thời khó thay có buổi trùng lại vậy!