Tản Đà tùng văn của Tản Đà
Tình lụy, VI của không rõ, do Tản Đà dịch

VI

Sau đấy trong khoảng hai tháng, cũng không có sinh ra sự-cớ gì. Mạc-sinh, trong những lúc đi chơi quanh, khi thời thấy ở bãi cát có những cái vết giầy nhớn mới đi; ở sườn núi đằng sau nhà, chỗ ngồi ròm vào trong nhà được, khi thấy có những tàn thuốc lá ở đất. Một hôm, đương ngồi chơi ở cái gò con sau nhà để xem ra phong-vật ngoài bể, bỗng nghe thấy như có tiếng hét lên ở mạn gần nhà đưa lại. Theo tiếng nghe mà trông thời thấy một người cao nhớn, lưng cõng một cái dài mà trắng, từ ở trong nhà mà chạy vượt ra, tức là Đại-Giải-sinh ăn trộm Thọ-Mỹ đem đi vậy. Mạc-sinh xuống ngay để chạy theo, gần đến bờ bể thời Đại-Giải-sinh đã đem Thọ-Mỹ xuống thuyền; chạy đến bờ bể thời cái thuyền của hai người đã cách xa hai trăm thước. Đứng một mình ở bãi bể, trông theo xem cái thuyền đi đâu, lâu-lâu, cái điểm đen như một quả bàm-bàm đã lặn mất vào trong mù khói mà không thấy đâu nữa. Mặt giời thu bóng, núi bể mê-man, Mạc-sinh những quanh-quẩn chưa về rướch. Đã tự kể mình làm một người con giai, nhận bảo-hộ một người con gái mà không bảo-hộ được cho chót, buồn-bực ra làm sao! Đêm hôm ấy đã về, không ăn được cơm, giời lại gió bão, suốt đêm không ngủ được. chỉ đi đi lại lại ở trong nhà. Sáng hôm sau, đi ra bến bể, xa trông ở ngoài một trăm thước có một cái khi chìm khi nổi, theo làn sóng đưa đi, nhìn kỹ thời là một cái thuyền con đã nát mà tức là cái thuyền con của mình. Hết sức mắt trông vào cái thuyền thời như không có bóng người nữa. Trông sang cái vũng ở gần cạnh, có mấy con chim trắng lượn ở trên. Chạy đến gần xem thời Đại-Giải-sinh đã úp mặt chết đuối ở đó.

Vậy thời người con gái ra làm sao? Mạc-sinh hãy làm cách lấy cái thây Đại-Giải-sinh đem lên. Cái thây người con gái kia tức ôm ở dưới cái thây ấy. Nọn tóc như sắc vàng quấn vào cổ Đại-Giải-sinh mà hai tay ôm lấy thật chặt. Đại-Giải-Sinh có nói rằng: « Đem sinh-mạnh để đổi lấy cái yêu của người con gái. » Thật thế.

Mạc-Biên-Đại-Thuận cùng người vú đào một hố ở bãi cát mà chôn cả hai cái thây làm một.

Đời đáng chán mà thật không nên chán; đời không nên chán mà thật đáng chán. Bởi thế cho nên có người như Đại-Giải-Sinh, có người như Mạc-Biên-Đại-Thuận. Chán đời, nên như Mạc-Biên-Đại-Thuận; không chán đời, không nên như Đại-Giải-Sinh.