Tản Đà tùng văn/Tình lụy/I
Tình Lụy
(Thuyết-văn dịch thuật)
I
Xưa nay những người hết lòng chăm-chúi về một sự học, thường hay sinh một cái bệnh chán-đời, coi nhất-thiết các việc trên đời, không còn có việc gì thích ý. Tự người ấy đã chán ghét hết cả các cái ở đời thời lấy bụng mình suy bụng người, cho là các người trong đời, ai cũng đều chán ghét mình cả; nhân thế, càng thấy ở đời là vô-vị. Như anh chàng Mạc-Biên-Địa-Thuận ở nước Anh, tức là người mang nặng cái bệnh chán-đời ấy. Chàng mới ngoài 20 tuổi, người cao mà gầy, mặt xương võ, đầu tóc rối bung như mấy tháng không chải; trông thật ra bộ-dạng chán đời. Người thời cho chàng ấy là vì cớ nọ mà sinh ra chán đời, người thời bảo là chàng ấy bởi sự kia mà chán đời, cứ thực thời Mạc-Biên-Địa-Thuận chỉ là một người có cái bệnh chán đời. Cái bệnh chán đời của Mạc-Sinh do cái tư-tưởng chán-đời mà sinh ra; cái tư-tưởng chán-đời của Mạc-sinh do cái ý-thức trong sự học mà sinh ra. Mạc-sinh làm một người thầy cãi có tiếng ở Luân-Đôn; nhưng không thích nghiên-cứu về pháp-luật, chẳng qua mượn sự đó để nuôi miệng. Mạc-Sinh chính thực là một nhà triết-học, lại thích nghiên-cứu về cách-vật, hóa-học, thường muốn tìm một chỗ rừng xa núi vắng, làm nhà ở một mình, đem thân-thế chuyên-cung về sự học; song cho được như ý thực khó. Bỏ cái nghề thầy cãi để đi làm bạn với hươu-nai, ngày tháng thanh nhàn, không bận việc đời rắc-rối, như thế thực hay lắm; vậy mà quả rừng rau núi, không đủ no con bụng cao-hiền, không đi mà cứ làm nghề cãi ở Luân-đôn thời mồm mép kiếm-ăn, lâu đã thấy dơ dáng dại hình, linh-hồn không có sức tiêu-thụ được mãi. Than ôi! vì một nỗi ăn mà phải làm duyên cùng cái đời dơ bưởnh, dẫu sống cũng không còn có thú-vị, chẳng thà một chết cho rồi. Nghĩ đến thế, càng thấy đời người là bể khổ, đem thân chìm nổi, thực là quá ngu. Tuy vậy mà tự-nhiên vô-cố tự-tử cho song đời, lại cũng không thành nghĩa-lý mà thật khó. Tính quẩn nghĩ quanh, ngày qua tháng chạy, một năm lại một năm mà anh chàng Mạc-Biên-Địa-Thuận kia lại cứ vẫn là một người thầy cãi ở Luân-đôn vậy.
Khi ấy, có ông Nghị-trưởng thứ-dân-nghị-viện nước Anh bị ốm chết. Ông nghị-trưởng nhà giầu có, lúc chết, lấy của còn lại chia cho các người trong họ thân. Mạc-Biên-Địa-Thuận là hàng cháu, cũng được dự có một phần của. Mạc-sinh vốn là một người điềm-đạm, không có bụng hám tài-lợi; song cái của nên được, cũng tự-nhiên nhận lấy mà thôi. Cứ số của ấy mà tính lãi, cũng đủ nuôi người ẩn-sĩ được một đời. Theo với số của ấy, lại được có một khu đất nữa. Khu đất gọi là Mạn-thù, ở về phía cực-đông trong hạt phủ Khắc-tô-liên; phủ Khắc-tô-liên ở về phía cực-bắc trong xứ Tô-cách-lan. Phủ Khắc-tô-liên ba mặt là bể; khu đất Mạn-thù ở liền ngay bờ bể. Trong bến bể Mạn-thù có một dẫy đá mọc, gọi tên là Lam-lũ. Trong một dẫy đá Lam-lũ ấy có nhiều những tròm đá nhớn ở dưới bể mọc lên, hoặc liền nhau, hoặc cách nhau, chạy dài đến vài bà mươi trượng, xa trông như cái lưng của một giống cá lạ. Mỗi bận gió đông thổi nước bể, đánh vào những cái tròm đá, xói lên thành từng sóng cao, vừa lượn, vừa nhấp-nhô, như thể con rồng trắng chơi dỡn ở dưới nước; tiếng sóng vỗ kêu như tiếng sấm; hột nước phùn lên mà bay toé ra như mưa, những hoa sóng vượt qua cả cái nhà đá ở trên bờ, đến tận cái núi trọi đằng sau nhà. Cái nhà đá ấy có hai từng, từng dưới bốn gian, từng trên hai gian, kiểu nhà làm từ đời trung-cổ, công-trình rất tinh khéo kỹ-lưỡng, so với các nhà sang-trọng ở kẻ-chợ, thật không hơn kém nhau. Đứng trong cái nhà ấy mà trông ra, mặt trước thời là bể, mặt sau thời giẫy núi lượn quanh, chung-quanh không có nhà láng-giềng nào, chỉ là mấy đám khói mờ, một làn cỏ lụi, bãi cát vàng, đàn gấu trắng, khéo họa thành một bức hoang-lương. Khu đất ấy, cái nhà ấy, nếu vào phần người khác mà được, thật không biết lấy mà làm gì; vậy mà thật tiện cho anh chàng có cái bệnh chán-đời kia được chỗ đó làm nơi nhà thương để tĩnh-dưỡng. Mạc-sinh từ khi đã được phần gia-tài ấy, thuê ngay tầu để đi, đem hết các sách triết-học trong ngày thường thích xem, các đồ dùng về hóa-học cùng là các thứ thuốc thí-nghiệm, đến cái nhà ấy ở. Hai gian nhà ở trên, một gian để làm buồng thí-nghiệm về hóa-học, một gian làm buồng ngủ; những gian dưới thời làm buồng ăn, buồng ngồi nghỉ; thuê một người vú già, cũng ở dưới; thừa một gian dưới nữa, còn khóa lại để không đấy. Sự ao-ước trong mấy năm, một lúc bỗng-nhưng được như ý. Anh chàng ta đi khắp trong nhà, xuống thang lại lên gác, một mình vui thú mà mình lại bảo mình rằng: « Thế này mới thật là cái thế-giới của ta! » Từ đấy, ngày thời đóng cửa ở trong buồng thí-nghiệm, chỉ đun nấu cùng phân hợp, có khi tức về sự thí-nghiệm mà đến quên cả ăn. Đêm thời đem các sách của các nhà triết-học như Bồi-Căn, Địch-Tạp-Nhi, Khang-Đức vào chỗ ngủ để đọc. Lúc nhàn thời đi chơi ở bãi bể, để hưởng-thụ không-khí trong sạch, ngẩng lên xem giời không cao rộng, xa trông ra mặt nước mênh-mông, có khi chèo lên trái núi đằng sau nhà để ngắm xuống bãi cát vàng, xem đàn gấu trắng; có khi bơi chiếc thuyền con, chơi ở mặt bể, lần theo trong khói bạc dáng vàng. Bao nhiêu những cái cảnh-tượng hoàng-lương ở chỗ chân giời mũi bể đó, người đời ai có qua trải, tưởng đều coi như chỗ đi đầy; tự anh chàng thiếu-nhiên kia thời bức-tức cõi trần, duy có những cái đó thích ý. Ngồi nghĩ lại ngày nào còn ở trong Luân-đôn, thành to phố nhớn, bụi ngựa tiếng xe, giao tiếp ganh đua, trò đời thói thế mà nay ra làm bạn với một làn nước bể, lắng không làm được cho trong, quấy không làm được cho đục, đằng nào có thể giúp cho ta tinh-thần ý-khí được khoẻ mạnh mà thênh-thang?!