Dựa bên đường Phú Nhuận lên Gò ­Vấp gần tới cổng xe lửa, ngó bên phía tay trái thấy một vuông đất cao ráo rộng rãi, chung quanh trồng trúc bao kín mít. Chính giữa miếng đất ấy có một cái nhà ba căn, trên lợp bằng lá vách đóng bằng ván, nhưng nhà nhờ xây cao hơn 5 tấc lại lót gạch, có mấy khuôn cửa thì đóng lá sách lại sơn màu xám tro, nên cái nhà coi mát mẻ lại có vẻ vui và đẹp.

Cạnh hai bên cái nhà ấy, song sụt vô phía trong, lại có hai cái nhà nhỏ lợp ngói cũng vách ván, cái bên phía tay mặt thì là nhà để xe hơi, còn cái bên phía tay trái thì là nhà nấu ăn.

Từ ngoài hàng rào trúc dựa lộ vô tới thềm nhà lá thì có một cái sân rộng lớn, sân xẻ đường ngang đường dọc, dài theo mỗi đường trồng xoài mít xen lộn với nhau, mà sau những hàng cây ấy lại có xây bồn trồng bông đủ màu, đủ thứ, nhờ sẵn nước trong cái giếng ở góc rào, cất lên tưới mỗi ngày hai lần, nên dầu mùa nắng nóng bông cũng thường tươi tốt.

Cái cửa ngõ thì xây hai trụ gạch, lại xây trịch một bên, ngay cửa nhà xe, nên xe hơi ra vô rất tiện.

Cuộc nhà đất nầy là chỗ của ông giáo sư Tự Cường ở với con gái của ông là cô Thanh Nguyên, cha dạy học tại trường tư “Vân Thế” dưới Tân Định còn con đương học lớp triết học tại trường trung đẳng Chasseloup-Laubat dưới Sài Gòn. Ông Tự Cường mua đất cất nhà ở đây đã lâu rồi, nên rào trúc của ông trồng bao chung quanh lên đã cao và dày bịt, mấy hàng cây ông trồng trong sân đã có trái đều hết.

Bữa rằm tháng giêng, lối tám giờ tối, mặt trăng lên cao tỏ rạng, chói ngọn cây sáng hoắc, chói bồn bông long lanh. Gió chướng thổi hiu hiu, tuy bị hàng rào trúc đóng ngăn, song cũng còn có thể làm cho ngoài sân trong nhà đều mát mẻ.

Cô Thanh Nguyên, năm nay đã được 18 tuổi. Nhờ đến trường cô học siêng năng, ở nhà lại có cha dạy thêm, nên năm trước cô thi đậu Tú tài kỳ nhứt, hiện bây giờ cô học triết lý đặng ít tháng nữa thi kỳ nhì. Đêm nay ăn cơm rồi, cô ra ngồi tại cái băng trước sân, dưới gốc một cây xoài lớn, mà xem trăng trong, hứng gió mát.

Còn ông Tự Cường, ông chưa được 45 tuổi, tuy sức ông còn mạnh mẽ, da mặt còn thẳng băng, nhưng tóc của ông đã bạc hơn phân nửa, nên học trò thấy bộ tướng của ông đểu phải kính, phải trọng. Đêm nay cũng như mấy đêm khác, ăn cơm rồi ông nằm trên ghế xích đu, miệng ngậm điếu thuốc, tay cầm nhựt báo coi. Chẳng hiểu ông đọc nhựt báo, hay là ông thấy ngoài sân trăng trong gió mát ông cảm hứng, mà tứ bề đương vắng vẻ, thình lình ông cất tiếng lên ngâm lớn:

Trước lều có bóng nga thấp thoáng

Ngẫm việc đời ngao ngán nhân tình

Mấy ai rõ biết nhục vinh,

Khòm lưng cong gối, lợi danh là gì

oOo

Thú nhàn lạc có chi sánh kịp,

Chí thanh cao sự nghiệp nhà ta.

Ngoài hiên vườn trúc thướt tha,

Ngăn chừng xe ngựa, vẹt xa phong trân

oOo

Ngọn sông quí nào cần sông cạn,

Miễn có rồng ẩn dạng thì linh.

Thấp cao mình biết lấy mình,

Non xanh, nước bích, chung tình năm canh

oOo

Mặc ai trục lợi tranh danh

Ông Tự Cường ngâm tới đó, thì trước sân cô Thanh Nguyên lại cất lên ngâm tiếp:

Ngày xuân với gió xuân man mác

Thêm mùi đời bát ngát thơm tho

Được làm người phước trời cho,

Tội gì mà phải nằm co than thầm.

Mồi chung đỉnh nên tầm mà hưởng,

Thú cao sang há nhượng cho ai.

Phải vui cười phải nhảy bay,

Phải vui với tục, phải say với tình

oOo

Vòng cạnh tranh, lấy mình làm quí,

Kể nghĩa nhơn, luân lý làm chi.

Tìm đường sung sướng mình đi.

Miễn là tới chốn, thị phi mặc dầu

oOo

Đời người gẫm chẳng bao lâu

oOo

Thanh Nguyên ngâm mấy câu, rồi cô cười ngất và bươn bả đi vô nhà.

Nhờ ngọn đèn Manchon treo giữa nhà chói sáng nên bây giờ thấy hình dung mặt mày cô rõ ràng. Cô dong dảy yểu điệu, tướng thanh nhã, bộ nghiêm trang, tuy không dồi phấn thoa son, song tự nhiên da trắng nõn, môi đỏ lòm. Cô mặc bộ đồ pyjama hàng màu cà phê sữa, tóc bới theo điệu bôm bê, hai trái tai đeo hai chiếc bông kiểu tây lòng thòng. Tuy ở trong nhà cô không trang điểm, nhưng nhờ dáng cô dịu dàng, nhờ vóc cô tròn trịa, gương mặt sáng rỡ, nhứt là cô có cái vẻ vô tội, cái vẻ thiên chân, nên tướng mạo cô đẹp đẽ khác thường, lại thêm có duyên nữa nên trai nào thấy cô cũng phải liếc ngó, song ngó rồi khen thầm, chớ ít dám buông lời chọc ghẹo.

Cô Thanh Nguyên vô nhà đứng trước mặt cha vừa cười vừa hỏi:

- Ba nghe con ngâm mấy câu trái hẳn với ý của ba, chắc ba giận con lắm hả?

- Không, ba không giận, làm sao ba giận con cho được. Song ba buồn.

- Tại sao ba buồn?

- Ba buồn vì ba dạy dỗ con, đã mười mấy năm nay, công phu lắm, ba làm cho trí con minh mẫn được, làm cho con biết phân biệt cao thấp, khôn dại, dữ lành, mà ham cái khôn, cái cao, cái lành, và ghét cái thấp cái dại, cái dữ. Còn có một chút nữa, là cái lòng của con, ba không làm cho thoát khỏi lòng thế tục được, ba buồn là buồn chỗ đó.

- Ba muốn cho con thoát tục chi vậy? Con được sanh trong dương thế lại có phước được làm con người, thì con phải làm con người cho hoàn toàn đến 100 phần 100 chớ ba. Ai làm sao con phải làm như vậy, nếu thoát tục, không chịu như thiên hạ thì sự sống của con có vui vẻ gì đây?

- Những việc của thiên hạ làm có chỗ nào cao thượng đâu mà con mong làm theo họ? Những đường của thiên hạ đi có quãng nào sạch sẽ đâu mà con muốn đi theo họ?

- Con nói làm như thiên hạ là con tính chung lộn với họ, rồi tranh đấu hay bay nhảy mà làm cho sự sống của con được sung sướng, đẹp đẽ, vui vẻ mà thôi, dầu họ làm việc đê tiện, dầu họ đi đường dơ dáy thì mặc họ, trí ý của họ có can hệ gì đến con đâu mà ba ngại.

- Lội xuống vũng bùn, làm sao khỏi lấm chân cho được.

- Chớ đứng trên chỗ cao ráo, mà đứng một mình, thì làm sao mà vui được, lại biết lấy chi so sánh mà phân biệt thấp cao, dơ sạch. Con tưởng nên lội xuống dưới bùn với thiên hạ, song giữ gìn đừng để lấm chân, rồi khuyến khích thiên hạ làm như mình, thủng thẳng kéo vớt họ lên trên cao đứng với mình cho đông, được như vậy ở trên cao mình mới vui.

Tự Cường lắc đầu nói: "Hứ! Nói hơi giống rặc".

Thanh Nguyên chúm chím cười và hỏi: “Giống ai vậy ba?”

Tự Cường đáp: "Giống triết lý của phái vật chất".

Thanh Nguyên gật đầu và nói "mà lẽ có cũng giống chủ nghĩa của phái lãng mạn nữa a!"

Cô kéo một cái ghế lại để một bên cha mà ngồi, rồi một tay cô nắm cánh tay cha, một tay cô vuốt tóc của cha luôn mà nói dịu ngọt rằng: "Gió mát mẻ, trăng sáng lòa, hoa thơm tho, đời vui vẻ quá. Thiên hạ họ đều đua nhau hưởng những thú sung sướng, những mùi ngọt bùi, tại sao ba không muốn con chung hưởng với thiên hạ?"

Tự Cường lắc đầu rồi thở dài đáp:

- Đó mới thiệt là lãng mạn! Mùi đời có ngọt bùi mà cũng có cay đắng, thú đời có sung sướng mà cũng có cực khổ. Ý ba muốn cho con khỏi chịu cực khổ cay đắng mà thôi chớ. Con còn trẻ tuổi, máu con còn nóng nảy, trí con còn hăng hái, nhứt là con chưa bước chân vào thế đạo, con chưa có kinh nghiện nên con thấy bề mặt của đời đẹp đẽ hớn hở con ham. Chừng một ít năm nữa, con lớn khôn, con nếm đủ mùi của đời, con thấy rõ bề mặt trái của xã hội rồi, con mới thấu hiểu cái lý thuyết của ba không phải dở.

- Tại ba thấy thiên hạ giả dối, không có liêm sỉ, không biết nhân nghĩa nên ba chán ngán, rồi ba không muốn cho con chung chạ với thiên hạ phải hôn?

- Phải, nhứt là con không có mẹ, mà con chung chạ với cái đời như vậy lúc con còn xuân xanh, làm sao mà ba không lo cho được.

Thanh Nguyên nghe mấy lời ấy thì cô ứa nước mắt, ngồi buồn so.

Tự Cường thấy vậy, ông lấy làm ăn năn nên ông nói:

- Bậy quá! Con đương vui, mà ba vô ý làm cho con buồn!

- Không, có bậy đâu. Đó là ba ngăn cản bớt cái hăng hái của con chớ. Huống chi má chết hồi con còn nhỏ mới đẻ nên con không biết má. Lâu ba nhắc lại như vậy đặng con khỏi quên má chớ.

- Mấy lời con nói đủ cho ba thấy tánh con rõ ràng. Con là gái đa sầu đa cảm. Con có cái tánh ấy mà con chung lộn với đời, ba càng thêm lo sợ.

- Con tưởng không hại chi hết. Họ là họ, mình là mình, dầu mình ở chung với họ, mà mình có phải là họ đâu mà ba lo. Đem con gà ba nhốt chung với bầy vịt, thì bao giờ gà cũng là gà, chớ có thành vịt được đâu mà sợ. Huống chi đời cần phải có kẻ dại mới nổi người khôn lên, cần phải có kẻ quấy mới lòi người phải ra chớ. Người khôn, người phải nếu ở riêng một cõi, thì cái khôn cái phải đó ai thấy được.

- Con nói nghe cũng phải, ngặt vì thiên hạ họ không phân biệt dại với khôn, quấy với phải. Đám dại họ cho rằng khôn, đám quấy họ lại cho là phải. Đời trái ngược như vậy mình chen chân vào đó làm gì. Để thiên hạ loi nhoi trong chỗ hỗn độn ấy. Mình lánh xa rồi để chí làm bạn với nước non vui say với trăng gió mà chơi cho sạch thân, cho khỏe trí.

- Ba nói nghe xưa quá! Sanh về thế kỷ 20 mà lập chí theo thế kỷ 15, thì con sợ e trái mùa quá. Con tưởng không nên lội ngược dòng nước, trái lại, phải lội với thiên hạ mới được.

- Ồ! Con nhiễm theo tâm hồn mới rồi!

- Có lẽ. Mà lỗi không phải tại con. Trái lại tại ba mua sách xã hội ba cho con đọc. Tự nhiên con phải nhiễm theo những tư tưởng của nhà triết học đồng thời chớ sao.

- Ba nuôi con, ba dạy con, ba muốn để cho con tự do hoàn toàn, tự do về phần xác, mà cũng tự do về phần trí nữa. Sự tự do ấy có lợi, mà cũng có hại, vậy con phải coi chừng. Đọc sách để mở trí chớ không phải để lập tánh. Thiệt hồi nãy ba nghe con ngâm mấy câu.

"Vòng cạnh tranh, lấy mình làm chí,

"Kể nghĩa nhân, luân lý mà chi,

"Tìm đường sung sướng mình đi,

"Miễn là tới chốn, thị phi mặc dầu".

Ba nghe mấy câu đó ba sợ quá.

- Mấy câu đó hạp với luân lý của người đời nay lắm chớ.

- Phải. Hạp lắm. Mà vì hạp nên ba mới lo.

Thanh Nguyên cười ngất. Cô đứng dậy lấy gói thuốc với cái hộp quẹt đưa cho cha rồi nói:

- Hôm nọ con đọc quyển sách "Tân xã hội", con lấy làm bực tức, nên con đặt mấy câu ấy để đọc với anh Hữu Nhơn mà cười chơi, chớ nào phải tâm hồn con hư vậy hay sao mà ba sợ.

- Quyển sách "Tân xã hội" luận thế nào mà con bực tức?

- Ba mua hôm tháng trước mà ba chưa đọc hay sao?

- Chưa.

- Tác giả tả luân lý của xã hội đúng lắm. Ba đọc rồi ba sẽ thấy. Tác giả nói đời mới phải luân lý mới. Ở về đời cạnh tranh, phải có luân lý cạnh tranh thì mới khỏi thất bại.

- Luân lý cạnh tranh là luân lý gì?

- Luân lý ấy nói tóm lại trong mấy câu như vầy:

"Ở đời mình phải lo lấy phận mình, bởi vì không ai lo bào chữa quyền lợi riêng của mình cho bằng mình được”

"Mình phải tập cho đủ nghị lực tranh đấu đặng chống cự với thiên hạ".

"Đừng có vì lễ nghĩa mà nhượng bộ, hoặc ái ngại, bởi vì lễ nghĩa coi đẹp mắt, nghe êm tai, mà không có lợi".

Tự Cường nằm chăm chỉ mà nghe. Chừng Thanh Nguyên nói dứt lời, thì ông thở dài và đứng dậy nói rằng: "Người viết như vậy thì hiểu rõ tâm lý của xã hội hiện thời lắm. Nhưng mà con chẳng nên giận lẫy rồi con làm quá hơn thiên hạ nữa. Con biết luân lý của họ như vậy thì con nên lánh xa".

Thanh Nguyên trợn mắt ngó cha và đáp: "Con không lánh họ đâu. Họ có luân lý của họ, con cũng có luân lý của con, con sẽ chen với họ mà hưởng mùi đời, song hưởng mùi ngọt bùi mà thôi, lại lo làm cho nhiều người khác cũng được hưởng như con vậy".

Tự Cường rún vai bước ra ngoài hàng ba, đi qua đi lại mà hứng gió.

Thanh Nguyên ra đứng tại cửa mà nói:

- Con muốn xin phép ba chiều thứ bảy cho con đi ra Vũng Tàu mà hứng gió biển, rồi chiều chủ nhật con sẽ về.

- Con đi với ai?

- Để con rủ anh Hữu Nhơn đi với con. Nếu ba rảnh ba đi nữa thì càng thêm vui.

Tự Cường suy nghĩ một chút rồi đáp:

- Nếu con muốn, thì ba sẽ đi với con.

- Ba cho phép con mời anh Hữu Nhơn đi không?

- Hữu Nhơn là bạn thiết của con, con muốn rủ đi theo chơi cũng được, có chật xe đâu mà sợ.

Thanh Nguyên mừng rỡ, chạy lại cặp cánh tay của cha rồi đi qua đi lại, nói nói cười cười không dứt tiếng. Cô thấy anh sớp-phơ đi ra đằng cửa ngõ, thì cô kêu mà dặn: "Anh Tư, ngày mai anh đưa ba tôi đi dạy và đưa tôi vô trường rồi, anh về phải coi vô dầu mỡ cho kỹ lưỡng đặng chiều thứ bảy tôi đi Vũng Tàu hứng gió, nhé."