Trời mưa dầm dề, lại thêm gió thổi vùn vụt làm cho người đi đường quần áo ướt loi ngoi, nên lạnh lẽo vô cùng.

Hữu Nhơn mới thi đậu lại có hy vọng sẽ được vợ vừa ý nên ngồi trên xe đò cực nhọc, song chàng hớn hở trong lòng, trông về tới nhà cho mau đặng báo tin cho cha mẹ mừng.

Ba giờ khuya xe mới xuống tới Cần Thơ. Chàng nóng nảy trong lòng, không thể chờ đến sáng đặng đi xe đò khác nữa được nên chàng mướn một cái xe Location về liền. Xe tới cửa, trời vẫn còn mưa lâm râm, trước sân tối đen, trong nhà im lìm. Lòng chàng khấp khởi, chí chàng hăng hái, nhưng về tới nhà thấy quang cảnh u ám buồn bực như vầy, chẳng khác ngọn lửa mới phừng lên lại bị nước xối nên hạ xuống gần muốn tắt.

Hữu Nhơn được mãn ý, nên chàng bước xuống xe rồi dầm mưa vô nhà vỗ cửa kêu om sòm.

Trong nhà có tiếng hỏi: “Ai kêu đó”.

Hữu Nhơn bực mình nên nói lớn: “Tôi là Hữu Nhơn. Tôi thi đậu rồi nên về đây. Mở cửa giùm cho mau một chút”.

Nghe trong nhà có tiếng nói lộn xộn rồi mới nghe lộp cộp rút cây thông hồng mở cửa.

Cánh cửa vừa mở ra, Trần Hữu Nghĩa thấy con liền hỏi: “Con thi đậu rồi hay sao?”.

Hữu Nhơn bước vô nhà đáp:

- Đậu rồi. Mới dán tên hồi chiều nầy nên con đi xe tối về liền.

- Từ hôm qua tới bữa nay ở nhà trông dây thép dữ quá. Mỗi hôm cha có vô nhà dây thép hỏi thăm nữa.

- Tại họ dán tên trễ quá, nên con tính thôi con về, không đánh dây thép làm gì.

Cô Phụng bưng một cái đèn lớn đem để tại ghế giữa, thấy con quần áo loi ngoi thì nói:

- Đi sao mà mưa gió khổ cực quá. Con có đem áo quần về hay không?

- Có. Con đem về một va ly đồ còn để ngoài xe. Má biểu đứa nào ra xách vô giùm con. Má cho 3 đồng bạc đặng trả tiền xe chút má.

Hữu Nghĩa kêu đứa ở ra xe đem va ly vô, còn cô Phụng đi mở tủ lấy bạc và hỏi:

- Con mướn xe ở đâu về đó?

- Con đi xe đò về Cần Thơ, rồi con mướn xe Location về liền. Trời mưa lạnh quá.

- Thi đậu rồi thì ta mướn xe trên Sài Gòn ta về luôn, đi xe đò làm chi cực khổ quá.

- Bà ngoại mạnh hả má?

- Mạnh. Bây giờ mấy giờ rồi?

- Bốn giờ rồi.

Hữu Nhơn thấy đứa ở đem va ly vô liền biểu xách luôn vô buồng, và chàng đi theo vô thay đồ, vì quần áo ướt hết.

Vợ chồng Hữu Nghĩa mừng con thi đậu, nên kêu tôi tớ trong nhà dậy hết rồi sai đứa mở cửa, đứa đốt đèn manchon, đứa nhúm lửa nấu nước.

Bà Cả Kim đang ngủ nghe chộn rộn, nên bà thức dậy mang giày đi ra. Năm nay bà đã được 66 tuổi, tóc đã bạc, da đã dùn, răng đã rụng, vóc đã ốm, mắt đã lờ, nhưng nhờ ăn ngủ được nên đi đứng còn cứng cỏi. Từ ngày Như Thạch chết rồi mà con của Như Thạch bà tìm hết sức cũng không được, bà rất ăn năn về sự nghiêm khắc với con, bởi vậy bà không muốn biết tới sự sản nữa, bà giao hết ruộng vườn cho vợ chồng Hữu Nghĩa thâu góp huê lợi, bà đóng trang thỉnh tượng Quan Âm về thờ. Mỗi ngày vác khuya và vác tối bà đốt nhang, rót nước, đánh chuông và vái lạy, tính làm như vậy đặng chuộc cái tội nghiêm khắc giết con dâu ngày xưa.

Cô Phụng thấy mẹ ra cô liền nói: “Thằng Nhơn thi đậu má à. Nó mới về đó”.

Bà Cả không tỏ dấu mừng vui chi hết, bà chỉ nói:

“Đậu hay sao” rồi bà đi lại ngồi tại bộ ván cẩm lai dựa chỗ cửa sổ chỗ bà ngồi đã mấy chục năm nay. Hữu Nghĩa lật đật bưng một cái đèn dầu lửa đem để trước mặt bà.

Hữu Nhơn rửa mặt, thay đổi quần áo xong chàng đi ra, thấy bà ngoại chàng bước lại nói: “Cháu đậu rồi ngoại à”. Bà Cả ngó cháu và nói: “Ừ, bà hay rồi, má con mới nói đó... Con Hai coi biểu bầy trẻ nấu cơm hay cháo gì đó cho nó ăn. Đi đường xa quá chắc nó đói bụng”.

Hữu Nhơn cười và nói: “Đi dọc đường con buồn ngủ lắm chớ không đói. Ở trển con ăn cơm rồi lên xe đi về liền. Về rửa mặt thay đồ rồi bây giờ hết buồn ngủ nữa”.

Cô Phụng hỏi con:

- Còn rương của con đâu? Sao không thấy con đem về.

- Con còn bỏ trong trường. Hồi chiều con hay con đậu thì con xin phép ra liền. Để ít bữa rồi con trở lên lấy rương.

- Ta lấy về luôn thể, còn trở lên trở xuống làm gì cho mất công.

- Bề nào con cũng trở lên chớ.

Hữu Nghĩa nghe vợ cãi với con chàng không chịu được, nên xen vô nói: “Ôi, miễn thi đậu thì thôi, lấy rương chừng nào lại không được. Ví như bỏ luôn cũng không hại gì. Hơi nào lo việc nhỏ mọn như vậy”.

Cô Phụng bị chồng bắt bẻ cô không dám cãi, cô lại ván ngồi với mẹ rồi têm trầu và nói: “Nó học nay đã xong rồi. Bây giờ còn lo vợ con cho nó nữa thì rảnh việc”.

Hữu Nhơn cười và nói: “Việc đó má khỏi lo kiếm mất công. Con đã đành bụng một chỗ rồi, mà cô đó cũng ưng làm vợ con nữa. Cha với má đến nhà cho biết nhau rồi cha má nói cưới”.

Nghe nói như vậy vợ chồng Hữu Nghĩa nhìn nhau chưng hửng, còn bà Cả thì ngồi cúi xuống lo ngoáy trầu không nói chi hết.

Hữu Nghĩa châu mày hỏi con:

- Con đành bụng chỗ nào, ở đâu? Con ai vậy?

- Con gái của một ông Cử nhơn làm giáo sư dạy trường tư trên Sài Gòn.

- Trời ơi, mình làm ruộng, mà con đòi cưới con gái ở Sài Gòn, nó về dưới nầy nó biết làm công chuyện gì?

- Cha muốn vợ con phải làm công việc gì?

- Thì phải biết coi sóc việc nhà, phải biết thăm ruộng góp lúa, vậy chớ việc gì?

- Hứ, cưới vợ cho con mà ba tính kiếm đứa cho biết làm công chuyện, thế thì ba mua mọi chớ có phải cưới dâu đâu. Làm công việc thì mướn người ta không được hay sao? Mà cha má không phải nghèo, nên cần kiếm dâu đặng nó làm nuôi cha má.

- Nghèo giàu cũng vậy, ở ruộng phải thạo nghề ruộng vườn. Má con đó cũng phải làm công việc vậy chớ, con không thấy sao?

Hữu Nhơn rùn vai rồi xây lưng đi vô buồng nằm không nói lời chi nữa hết.

Cô Phụng trách chồng:

- Tại mình cứ ép nó học hoài, nên bây giờ mới vậy đó. Hồi nó 18, 19 tuổi tôi muốn lo vợ cho phứt nó cho rồi, học làm gì.

- Học thì học chớ học mà hại gì. Khéo nói kỳ cục.

- Bởi nó đi học nên bây giờ nó mới nói ngang tàng như vậy đó.

- Nói mà chơi, chớ nó ngang sao được. Tuy thuở nay mình cưng nó mặc dầu, song làm con có lẽ nào nó dám cãi cha mẹ.

Bà Cả thở dài nói: “Con Hai nó nói phải lắm. Tại đi học. Thằng cậu nó hồi trước cũng tại đi học nên mới sanh chuyện đó. Bây giờ tới nó, coi bộ cũng vậy nữa. Ôi thôi! Nó đành nơi nào bây cưới phức cho nó, sau nên hư nó chịu, nó khỏi trách”.

Hữu Nghĩa cãi lại:

- Má nói như vậy sao được má. Cưới vợ là việc trăm năm của con, mình phải lọc lừa kén chọn cho nó, chớ nó là con nít, vui đâu chúc đó, nó có hiểu việc đời đâu lại chiều theo ý nó.

- Năm nay nó 23 tuổi rồi, cũng gần bằng tuổi thằng cậu nó hồi đó, chớ phải nhỏ sao. Thằng Thạch hồi nhỏ tao gắt với nó lắm, nó còn vậy thay. Thằng Nhơn bây giờ vợ chồng bây cưng nó quá, nó quen thói ngang tàng rồi, dễ gì bây uốn nắn nó cho được.

Cô Phụng nói: “Việc đó thủng thẳng rồi sẽ hay. Nó thi đậu mới về để cho nó vui chơi, cãi lẽ với nó làm gì cho nó buồn. Ví như chỗ nó muốn đó mình coi được, cưới cũng tốt vậy chớ”.

Hữu Nghĩa đứng dậy đi ra cửa và nói: “Con gái Sài Gòn cưới về dưới nầy làm cái gì?”.

Cô Phụng cũng đứng đi vô buồng. Cô thấy con nằm đắp mền trùm đầu, tưởng con ngủ, nên cô đi thẳng xuống nhà sau biểu trẻ bắt gà làm thịt nấu cháo.

Tảng sáng tôi tớ trong nhà lo mở cửa tắt đèn, bưng cháo dọn lên bàn án. Cô Phụng vô buồng kêu con dậy ăn. Hữu Nhơn cứ nằm im lìm , không cục cựa, không ừ hử. Cô Phụng nắm tay vừa kéo vừa nói: “ Dậy con, dậy ăn một tô cháo gà cho khỏe bụng, ăn chơi rồi trưa con sẽ ngủ nữa”.

Hữu Nhơn giựt tay và nói cùng quằn: “Không thèm ăn đâu”.

Con vô lễ như vậy, mà vì cô cưng nên không giận, cô lại cười rồi bước ra ngoài nói với chồng: “Thằng Nhơn nó giận nó không chịu ăn”.

Hữu Nghĩa cười đáp: “Không ăn thì thôi! Phải nó lên 5 lên 3 gì hay sao mà dỗ”.

Đến buổi trưa Hữu Nhơn dậy ăn cơm, nhưng chàng buồn hiu, cứ ngồi chiêm biểm, chớ không nói không cười như hồi mới về nhà vậy nữa. Ăn cơm rồi chàng thơ thẩn ngoài hàng ba một hồi rồi vô mùng nằm nữa, không nói tới ai hết.

Luôn ba ngày sau, Hữu Nhơn cứ lộ sắc buồn bực hoài, bà ngoại hay là cha mẹ có hỏi điều chi chàng đáp tiếng một cụt ngủn chớ không muốn nói chuyện. Trời mát thì chàng thơ thẩn trước sân, hoặc ra đứng tại mé sông, trời nắng thì chàng kiếm sách cũ đem lại bàn viết, ngồi đọc hoặc rút vô buồng nằm.

Hữu Nghĩa làm cứng không chịu thua con, nên không thèm nhắc tới chuyện định đôi bạn cho con nữa.

Cô Phụng yếu trí, thấy con buồn quá cô chịu hết được, nên qua đêm thứ ba, trong nhà ngủ hết, cô mới bưng một cây đèn đem để trên phòng của con, kéo một cái ghế ngồi rồi với tay giở mùng kêu con: “Dậy con, dậy má nói chuyện một chút”.

Hữu Nhơn mở mắt ngó mẹ và hỏi:

- Má muốn nói chuyện gì?

- Con muốn giống gì thì con nói ra chớ con dàu dàu hoài má rầu quá.

Hữu Nhơn nằm nín khe một chút rồi chàng ngồi dậy vén mùng lên nói:

- Con muốn cha má lên Sài Gòn vô nhà thăm ông giáo sư cho cô Thanh Nguyên biết cha má rồi cha má nói cưới cô cho con.

- Việc đó có gấp gì đâu. Nếu con muốn như vậy để thủng thẳng rồi sẽ tính, chớ làm giống gì mà buồn dữ vậy.

- Con muốn cha với má đi cho mau, đi trong đôi ba bữa đây.

- Theo má thì con muốn sao cũng được hết. Ngặt vì cha con khó lắm, ổng nói ổng quê mùa, ổng sợ gái Sài Gòn, nên biểu ổng đi không dễ gì đâu. Mà con có quen cô đó hay sao con muốn dữ vậy?

- Sao lại không quen. Cô học một lớp với con đã mấy năm nay, con lên nhà cô con chơi hoài, không quen sao được. Hôm bữa con với cổ thi đậu cổ rủ con lên nhà ăn cơm tối, rồi con mới lên xe về đây.

- Ạ, cô đó cũng thi đậu Tú tài như con vậy sao?

- Phải.

- Giỏi quá hả! Cô mấy tuổi?

- Mới 18 tuổi.

- Chà! Chà! Con gái 18 tuổi lại đậu Tú tài.

- Cô giỏi lắm.

- Học chung với nhau như vậy, tới lui chơi bời với nhau thường, vậy con đã có tình tự với cô rồi hay chưa?

- Má đừng hỏi kỳ như vậy! Hễ gần nhau rồi lấy nhau hay sao. Phải, con thương lắm, mà con coi ý cô cũng thương con nữa. Nhưng thương thì thương có hại gì.

- Ai biết đâu, nghe trai với gái gần nhau như vậy má phải nghi chớ.

- Con có hứa với cô để con về thưa cho cha với má hay rồi lên nói cưới cô. Cô biểu con dắt cha má lên cho cô biết rồi cô sẽ nhứt định.

- Cha mẹ cô giàu hôn?

- Má hỏi chi vậy? Giàu nghèo có quan hệ gì đâu. Con không cần việc đó nên con không thèm hỏi. Dầu cô nhà nghèo đi nữa, mà nhà mình giàu quá, không đủ sức nuôi cô hay sao?

- Thôi, con để thủng thẳng cho má òn ỹ với cha con coi. Như ổng không chịu thì má đi.

- Như cha con không chịu đi, má đi với bà ngoại cũng được. Má mướn xe Location và đem ngoại đi, có mệt nhọc gì đâu.

- Được để hoãn vài bữa cho má tính.

- Con nói thiệt, nếu không cưới cô Thanh Nguyên cho con, thì con buồn rầu chắc con phải chết mất.

- É! Đừng có nói bậy, không nên.

Sáng bữa sau Hữu Nhơn thức dậy, tuy chàng không vui cười như ngày thường, song chàng bớt buồn, nên hay nói chuyện với cha mẹ chớ không dàu dàu nữa.

Đến xế chàng tắm gội mặc đồ tây đội nón ra đi. Cô Phụng hỏi chàng đi đâu, chàng nói đi vô chợ thăm anh em bạn, kỳ thiệt chàng tính đi hỏi thăm xe Location mướn đi Sài Gòn, đi có lại, họ tính bao nhiêu.

Ở nhà cô Phụng bèn thuật những lời của Hữu Nhơn nói hồi hôm lại cho chồng và mẹ nghe. Cô khen Thanh Nguyên còn nhỏ tuổi lại học giỏi, rồi cô tỏ ý muốn biểu Hữu Nhơn dắt lên Sài Gòn, coi tướng mạo của cô nọ về bề ăn ở cha mẹ cô ra thế nào.

Hữu Nghĩa là người không có học, mê mẩn những thói xưa tục cũ, thuở nay ít chịu se sua, chủ tâm muốn cho có ruộng đất, có bạc tiền mà thôi, mà dầu có rồi lại muốn có nhiều thêm nữa, bởi vậy hôm nọ nghe con nói người con muốn cưới làm vợ là gái ở Sài Gòn ông đã lo sợ, nay nghe vợ nói gái ấy mới thi đậu tú tài ông lại càng ghê hơn nữa, nên lắc đầu nói rằng:

- Theo ý tôi, tố nào theo tố nấy, mình ở ruộng nên kiếm dâu ở ruộng cho dễ. Chớ dâu học giỏi mình dùng về chỗ nào?

- Khéo nói kỳ hôn! Mình nói như vậy, sao mình cho con đi học làm gì?

- Con mình là con trai, nên phải cho nó học đặng ngày sau nó đủ tài gìn giữ sự nghiệp chớ.

- Nếu con mình nó học giỏi lại mình có thêm con dâu học giỏi nữa, hai đứa hiệp nhau giữ gìn sự nghiệp lại càng chắc chớ sao sợ.

- Hừ, con dâu học giỏi nó đòi đi xe hơi, đeo hột xoàn, bận áo tốt, thét rồi mình mạt chớ.

- Thằng Nhơn nó sồng sồng quyết đòi phải cưới chỗ đó cho nó, nếu không cưới thì nó chết, mình giỏi mình cãi với nó đi.

- Nói việc lợi hại mà nghe chớ cãi giống gì.

- Con mình tánh ý khó lắm, chớ phải như con người ta hay sao. Nó muốn việc gì nó đòi cho bằng được nó mới nghe. Bữa hổm mình cãi với nó một chút, mà hổm nay nó dàu dàu không muốn ăn uống gì hết, mình không thấy hay sao?

Hữu Nghĩa bất bình, song không muốn đôi co với vợ nữa, liền bỏ đi ra sau vườn.

Cách một lát có một tên trạm làng đem đưa một cái thơ. Cô Phụng không biết chữ nên lấy cái thơ và hỏi của ai. Tên trạm nói thơ của cậu Hai Nhơn, rồi xá ra về. Cô Phụng đem để cái thơ tại bàn viết, đợi con về rồi sẽ chỉ cho con.

Mặt trời chen lặn, Hữu Nhơn mới về tới nhà. Cô Phụng mắc ở đằng sau coi chừng cho trẻ quét dọn lẫm lúa, nên con về cô không hay. Chừng đỏ đèn cơm dọn rồi, Hữu Nghĩa sai một đứa ở mời cô lên ăn, cô bước lên nhà trên vừa ngó thấy con vừa nói: “Hồi nãy có trạm đưa một cái thơ của con. Má để đằng bàn viết, ăn cơm rồi con coi thử coi thơ của ai vậy”

Hữu Nhơn đã ngồi lại bàn ăn rồi, nghe mẹ nói như vậy chàng đứng dậy muốn đi lấy thơ coi liền. Hữu Nghĩa nói: “Ăn cơm rồi sẽ coi, gấp gì hay sao”.

Hữu Nhơn ngồi lại ăn với cha mẹ và bà ngoại, song chàng mắc chủ ý về cái thơ nên ít nói chuyện.

Ăn cơm xong Hữu Nhơn uống một hớp nước và bươn bả đi lại bàn viết kiếm thơ. Chàng lấy đem lại đứng một bên đèn coi ngoài bao.

Vợ chồng Hữu Nghĩa ngó chừng con, thấy con coi bao thơ rồi con cười và vội vã xé một góc đặng rút bức thơ ở trong ra. Vừa mới coi thơ con lại biến sắc, coi rồi đút thơ vào bao tay run và ứa nước mắt. Cô Phụng hỏi thơ của ai gởi đó.

Hữu Nhơn không trả lời lại châu mày nhăn mặt đi vô buồng.

Cô Phụng muốn nói cho dứt vạc một lần về sự đi coi vợ cho con, lại nói cho có mặt con song cô đợi hoài không thấy con trở ra, cô bèn đi vô buồng kêu con, té ra vô tới đó thấy con đương ngồi khoanh tay trên một cái bàn nhỏ và khóc, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, cái thơ hồi nãy còn để gần cái đèn, cô nói: “Việc đó để má tính cho, có gì đâu mà phải buồn con. Con ra đây, ra đặng má nói với cha con rồi định ngày mà đi. Như ổng không bằng lòng đi thì má đi với con”.

Hữu Nhơn nước mắt càng tuôn thêm nữa, chàng lắc đầu và nói: “Còn giống gì mà đi nữa má”.

Cô Phụng chưng hửng đứng ngó con trân trân và hỏi: “Ủa, sao vậy?”

Hữu Nhơn liền lấy cái thơ đưa cho mẹ và nói: “Má coi thơ thì biết... Thế nầy con chịu không nổi, chắc con tự vận chết cho rồi”. Cô Phụng lấy thơ vội vã bước ra ngoài và trao cho chồng: “Mình đọc thử coi thơ ai gởi lại cho nó, mà nó coi rồi nãy giờ nó khóc dữ quá ở trỏng”.

Hữu Nghĩa cầm thơ đem lại gần cái đèn chỗ bà Cả Kim rồi mở ra đọc như vậy:

“Anh Hữu Nhơn ôi.

“Anh vừa mới lên xe ra về, trong nhà em xẩy ra một việc bất ngờ, việc ấy làm cho lộn ngược cái đời của em, và nó cũng đổi luôn về tâm hồn của em nữa.

“Em không thể lấy chồng được, chẳng những là hiện giờ mà dầu đến già cũng vậy.

“Vậy em lật đật viết ít hàng cho anh hay và xin anh hủy bỏ những lời em hứa với anh xưa rày.

“Tại tâm hồn mới của em nó buộc em phải nhứt định như vậy, chớ không phải em phiền anh hay là em bị ai áp bức đâu.

“Xin anh đừng dắt ông bà lên mà thất công. Em kính chào và từ biệt anh”

THANH NGUYÊN

Hữu Nghĩa đọc dứt thơ rồi thì cô Phụng nói: “Cái gì kỳ cục vậy, hồi hôm nó nói con nọ đã ưng nó rồi, bữa nay sao lại viết thơ nói như vậy”.

Hữu Nghĩa cười đáp:

- Vậy thì may cho mình lắm.

- May giống gì?

- Con đó hồi rồi, thì mình khỏi cưới, mình kiếm gái khác dưới ruộng cưới cho con mình. Vậy là may chớ sao.

- May khỉ họ chớ may, thằng Nhơn nó mới đòi tự vận. Phải tính làm sao chớ không phải dễ đâu mà cười.

- Ai biết làm sao bây giờ, nó muốn con đó nhưng con nọ không ưng thì thôi.

- Nó nói nó cưới con nọ không được thì nó chết đa.

- Giống gì lại chết, thứ cưới vợ chỗ nầy không được ta kiếm chỗ khác, hết con gái rồi hay sao.

- Tôi nói nó chỉ quyết chỗ đó mà thôi. Nó không chịu chỗ nào khác hết, biết hôn?

Bà Cả Kim nghe con, rể cãi với nhau như vậy bà mới nói: “Thôi cãi nhau làm chi, đâu bây kêu nó ra đây đặng tao hỏi cho rõ ràng coi lại sao kỳ vậy”.

Cô Phụng vô buồng khuyên dỗ con thế nào đó không biết, cách hồi lâu Hữu Nhơn theo mẹ đi ra, tuy chàng thôi khóc, song cặp mắt còn ướt rượt.

Bà Cả thấy cháu bèn hỏi:

- Ngồi đó con, ngồi cho ngoại hỏi một chút. Con nói con đó nó thương con, nó cũng ưng con rồi, sao bây giờ nó lại viết thơ nói như vậy.

- Con có biết đâu.

- Cha mẹ con với ngoại không phải không muốn làm vừa ý con, ngặt bây giờ con nọ nó không ưng, ngoại ép nó làm sao được.

- Con chết cho rảnh chớ sống nữa làm gì.

- Hứ giống gì mà chết? Bây giờ ý con muốn làm sao đâu con nói cho ngoại nghe thử coi.

Hữu Nhơn ngẫm nghĩ một chút rồi mới đáp: “Con muốn cha với má lên Phú Nhuận nói với ông già cô Thanh Nguyên, năn nỉ ổng có lẽ ổng vị tình mà ép cô được”.

Bà Cả ngó vợ chồng Hữu Nghĩa nói: “Đâu bây lên trển nói thử coi, dẫu nói không được, cũng mát ruột con một chút. Bây không biết nhà thì biểu nó dắt đi vô chợ mướn một cái xe hơi đi, tốn bao nhiêu đó mà sợ”

Hữu Nghĩa nói: “Người ta đã chê mình nên người ta không ưng, bây giờ còn lên nói giống gì nữa. Mang mặt lên đó xấu hổ quá, con đi không được”.

Bà Cả cười đáp: “Giống gì mà xấu hổ, thôi mầy không đi ở nhà coi nhà, để tao đi với má nó, lên coi thử xem con đó ra làm sao mà nó muốn dữ vậy, khuya mầy dậy sớm đi vô chợ mướn cho tao một cái xe hơi đặng tao đi, thằng Nhơn sửa soạn áo quần đi con, đặng sáng mai đi với ngoại”.