Tơ hồng nguyệt lão với hôn nhân tự do

Tơ hồng nguyệt lão với hôn nhân tự do  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 20 (12.9.1929)

Tôi có nhiều khi ngồi nghĩ vơ nghĩ vẩn, nghĩ hoài mà không hiểu cái chữ “hôn nhân tự do” là nghĩa làm sao.

Ừ thật đấy, cũng nên đặt ra một câu hỏi : Hôn nhân tự do là nghĩa làm sao ?

Chắc có kẻ hốp tốp mà trả lời : Chi cái đó mà không biết ! Ngày xưa cái quyền hôn nhân ở nơi cha mẹ, cha mẹ tự ý định đôi lứa cho con, đến đỗi nhiều khi hai người nam nữ lấy nhau mà chưa biết mặt nhau từ trước một lần nào. Về sau cái thuyết nhân quyền thạnh lên, về sự hôn nhân, con trai con gái không chịu ở dưới quyền cha mẹ nữa ; hai đàng phải qua lại cùng nhau, có biết nhau, yêu nhau rồi mới lấy. Hễ trai gái đã ưng nhau rồi thì lấy nhau, cha mẹ dầu không bằng lòng cũng không được cản. Vậy là cái nghĩa hôn nhân tự do đó, chớ có lạ gì ?

Phải. Nhưng mà đó cũng chỉ mới cắt nghĩa được có nửa phần. Cái chỗ tôi không hiểu còn ở nửa phần khác.

Ngày nay khắp các nước văn minh đều có một cái nạn chung, là vợ chồng hay để bỏ nhau, làm cho cái nền gia đình không vững chãi. Nước nào, sự kết hôn càng tự do bao nhiêu, thì nước ấy, sự ly hôn càng dễ dàng bấy nhiêu, và những án ly hôn càng thêm nhiều ra bấy nhiêu. Vả, nếu vợ chồng lấy nhau không cốt chi tính cuộc trăm năm và cũng không cốt chi lập ra gia đình, thì chẳng nói làm chi ; chớ đã muốn ở với nhau cho lâu dài, cho có tư cơ con cái, thì phải chịu rằng sự ly hôn dễ dàng và thêm nhiều ra như thế, thì là một sự bậy. Mà sự bậy ấy là cái kết quả của sự hôn nhân tự do. Vậy thì tự do trong sự bậy mà gọi là tự do được sao ?

Huống chi, đã lấy cớ rằng vì sự gả cưới ép uổng có sanh ra phu phụ bất hòa, nên mới trai gái tự lựa lấy nhau, hầu cho bền duyên cầm sắt. Thế là cái ý chí của mình cốt muốn cho thuận vợ thuận chồng, bền quai giai cuống, đừng chối ! Muốn mà được, thì cái ý chí ấy mới đáng gọi là tự do. Cái nầy, sau khi tự lựa lấy nhau chừng nào, lại càng bỏ nhau chừng nấy, muốn mà không được, kết quả trái với ý chí mình, thế mà kêu bằng tự do, là tự do nỗi gì chớ ?

Đó, cái chỗ tôi không hiểu là vậy đó.

Tôi nói vậy, không phải là tôi có ý phản đối sự hôn nhân tự do và muốn quay đầu lại với cái chế độ “đặt đâu ngồi đó” đâu. Tôi nói vậy, chẳng qua là có ý não nùng và than thở cho cái cuộc hôn nhân của người đời, dường như chẳng phải sức người ta tự chủ được ! Cha mẹ định đôi cho thì phàn nàn rằng không vừa ý ; đến mình tự kiếm bạn lấy, cũng lại lanh quanh vào trong cái vòng chẳng duyên thì nợ ấy thôi !

Thế ra trong sự hôn nhân, cha mẹ không có quyền làm cho con cái được vẹn bề gia thất ; mà chính hai người con trai con gái cũng không có quyền làm cho mình được tròn chữ thất gia. Vậy thì cái quyền ấy ở đâu ? Ai cầm ?

Việc là việc của người ta, do ý chí của người ta mà mới có việc ấy, thế mà nên hay hư, đặng hay mất, bền hay bở, lại không phải ở người ta. Cái gì mà lạ vậy !

Trời chăng ? Thần Phật chăng ? Duyên nợ ba sanh chăng ? Tiền nhân hậu quả chăng ? Không ai biết được ! Con mắt ta chỉ ngó khỏi lỗ mũi, đừng có cậy mình. Trải bao nhiêu đời nay, người xưa đã kinh nghiệm chán chê mà cũng hoàn không hiểu như ta vậy, nên đã bực tức lắm mà đặt ra cái thuyết “Tơ hồng Nguyệt lão” hay là “ông Tơ bà Nguyệt”.

Tôi nói quanh quẩn mãi rồi té ra lại chui đầu vào trong rọ mê tín của phường hủ lậu. Nhưng hãy khoan khoan chớ vội, để nghe !

“Vi Cố, người ở Đỗ Lăng, mồ côi từ nhỏ, muốn lấy vợ sớm, dạm nhiều đám mà không thành đám nào.

Năm thứ hai hiệu Trinh Quán[1], Cố sang Thanh Hà chơi, nghỉ tại một cái quán phía nam huyện Tống Thành. Có người điểm chỉ con gái một nhà quan gần đó. Cố hẹn sáng sớm thì đi xem thử.

Bấy giờ trăng đã xế mà còn sáng, có người già ngồi trên thềm, dựa cái túi, xây mặt phía trăng mà dò sách[2]. Cố thử dòm vào sách, chẳng biết chữ gì, bèn hỏi :

- Ông già tra xét đó là sách gì ? Tôi hồi nhỏ chăm học, biết nhiều thứ chữ, chữ Phạn bên nước Tây Trúc tôi cũng đọc được, duy có thứ chữ nầy tôi chưa từng thấy bao giờ, chữ gì đó ông ?

- Sách nầy không phải của thế gian, anh làm sao biết được ? - Người già cười và nói như vậy.

- Vậy thì là sách gì ?

- Sách của chốn Âm gian.

- Người ở chốn Âm gian sao lại đến đây ?

- Tại anh đi sớm, chớ không phải tôi không phép đến. Quan lại chốn Âm ty đều coi việc người sống, thể nào chẳng đi xen lộn giữa họ được ? Bây giờ đây, trên đường đi nửa người nửa ma, có điều mình không biện ra đó thôi.

- Vậy thì ông coi việc gì ?

- Tôi coi về sổ hôn thú cả thiên hạ.

Vi Cố nghe đến đó, có ý mừng, liền hỏi :

- Tôi mồ côi từ nhỏ, muốn cưới vợ sớm để kiếm con ; mười năm nay tìm khắp mọi nơi mà chưa nơi nào vừa ý. Nay có người điểm chỉ con gái quan Tư mã họ Phan gần đây, chẳng biết có thành được không ?

- Chưa được. Vợ anh năm nay mới có ba tuổi ; đến mười bảy tuổi, sẽ về với anh.

Vi Cố chịp lấy, hỏi trong túi đựng vật gì.

Ông già nói : Toàn là những sợi dây đỏ để buộc chưn vợ với chồng[3]. Lừa khi họ ngồi, lén mà buộc nhau, thì dầu hai họ vốn cừu thù, đôi bên sang hèn xa cách, hoặc là mỗi người một xứ, xa nhau mặt biển chưn trời, mà hễ dây nầy buộc vào rồi, đố trốn đi đâu cho thoát. Chưn của anh đã bị buộc vào với nàng ấy, đi tìm nơi khác mà ích gì ?

Vi Cố hỏi :

- Thế thì vợ tôi ở đâu ? Nhà nảng làm gì ?

- Nảng[4] là con gái mụ bán rau ở phía bắc cái quán này. Ông già trả lời như vậy.

- Có thể thấy được không ?

- Mụ thường bồng con đến đây đặng bán rau. Đi với tôi rồi tôi chỉ cho.

Đến sáng, người hẹn trước không đến. Ông già xếp sách mang túi đi. Cố đi theo, vào chợ, thấy có mụ già bồng đứa con gái ba tuổi đến, coi tệ lậu lắm, ông già chỉ mà bảo Vi Cố rằng : “Ấy là vợ anh !”

Vi Cố giận quá, hỏi rằng :

- Giết nó đi, được chăng ?

- Người ấy mạng lớn lắm, rồi sẽ nhờ anh mà được phong tước, giết đi sao được ?

Ông già nói câu ấy xong thì biến mất.

Vi Cố mài con dao nhỏ, đưa cho đứa đầy tớ mình, dặn rằng : Mầy thuở nay vẫn được việc ; hãy giết con bé ấy cho ta, ta sẽ cho tiền.

Tên đầy tớ vâng lời. Hôm sau, nó dấu dao, vào trong chợ, đâm đứa bé giữa đám đông người rồi chạy. Chạy thoát. Vi Cố hỏi rằng : Đâm có trúng không ? Tên kia thưa rằng : Tôi cốt đâm ngay ngực nó, rủi trúng phải chang mày[5].

Từ đó về sau, Vi Cố hỏi vợ đâu cũng không thành.

Cách mười bốn năm nữa, Vi Cố tập ấm cha, được bổ làm tham quân Tương Châu. Quan thứ sử bổn châu là Vương Thái thấy Cố có tài, gả con gái cho.

Người vợ Cố đây chừng mười sáu mười bảy tuổi, đẹp lắm, Cố lấy làm rất vừa ý. Nhưng nàng có thói quen dán nơi chang mày một cái huê vàng, dầu khi tắm gội cũng không hề bỏ ra. Hơn một năm, Cố hỏi cho kỳ được. Nàng ngậm ngùi thưa rằng : Thiếp là cháu quan quận đây, chớ không phải con. Hồi trước cha thiếp làm quan huyện Tống Thành, mất tại lỵ, bấy giờ thiếp đương còn bồng. Rồi thì mẹ và anh cũng mất luôn, để lại một cái lều ở bên huyện ; thiếp ở với người vú già họ Trần. Nhà gần chợ, vú bán rau kiếm ăn lần bữa. Hồi thiếp ba tuổi, vú bồng đi trong chợ, rủi bị có đứa đâm nhằm, vết dao hãy còn đây, nên dán cho khuất đi. Bảy tám năm nay chú làm quan ở đây, thiếp được theo ở ; chú bèn nhận làm con gái mà gả cho phu quân vậy.

Vi Cố hỏi : Người vú già họ Trần đó có phải là mù một mắt không ?

Nàng nói : Phải. Sao mà chàng biết ?

Vi Cố vừa lấy làm lạ, vừa nói : Người đâm nàng đó, chính là tôi đây. Nhơn kể đầu đuôi cho vợ nghe.

Từ đó vợ chồng yêu kính nhau rất mực. Sau sanh con trai là Côn, làm Thái thú Nhạn Môn, Vương thị được phong là Thái nguyên quận Thái phu nhân.

Quan huyện Tống Thành nghe được việc ấy, bèn đề tên cái quán đó là “Định hôn điếm”.

Chuyện trên nầy thấy trong sách Huyền quái lục của Lý Phục Ngôn, người đời nhà Đường, tôi dịch ra đây gần trọn cả nguyên văn.

Chuyện là chuyện bên Tàu mà chừng như lọt vào tai An Nam mình đã lâu rồi. Những cái danh hiệu “Tơ hồng nguyệt lão” hay là “Ông Tơ bà Nguyệt”, mà người mình coi như là đấng thần thánh cầm quyền trong sự hôn nhân, là sanh ra bởi đó.

Tơ hồng”, bởi chữ “xích thằng” nghĩa là “dây đỏ” mà ra. Cứ theo trong truyện này thì ông Nguyệt chớ không có bà ; nhưng ý chừng vì là việc hôn nhân, thì người cầm quyền ấy cũng phải “song toàn” đã, cho nên người ta bịa thêm “bà” cho đủ đôi.

Tên sách là Huyền quái lục, thế thì chuyện chép ở trong đều là chuyện u huyền quái dị cả, mà tin làm sao được ? Chuyện không đủ tin, thế mà có kẻ chép ra, rồi ai ai cũng tin đi, đến nỗi trong hôn lễ ta, có lễ hiệp cẩn, lễ trung đình, một ông chủ tế với chú rể cô dâu, rủ nhau đâm đầu lạy vị thần bông lông ấy, thì nghĩ cũng buồn cười thật !

Bông lông như vậy mà tin được,là vì chuyện nó hiệp với tâm lý người ta.

Chúng ta đây, những người có vợ có chồng rồi, trong một trăm người, ít nữa cũng có năm chục người ngồi buồn nhớ lại việc đôi lứa của mình mà phải lấy làm lạ. Huống chi lại từng trải xem những trò bi hoan ly hiệp của kẻ chung quanh mình, trớ trêu lắm nỗi, mà sao được chẳng đánh ngay một cái dấu hỏi giữa lòng ta ? Lạ làm sao ! Từ trước biển thề non hẹn, mà sau ra kẻ ngược người xuôi ; đầu thì mặt trăng mặt trời mà rốt lại nên nhà nên cửa ; hoặc có kẻ tình cờ mà gặp gỡ ; hoặc có khi trăng gió mà đá vàng ; chim tìm mãi nhà quan mới đậu, đậu thoắt lại bay ; chuột nhắm vào chĩnh nếp mà sa, sa xong liền chết ; những nỗi trớ trêu như vậy, quy công cho ai, ai cũng không dám nhìn ; mà đổ lỗi cho ai, ai cũng không khứng chịu ; vì đâu dun dủi, tại ai mở buộc, có ai chịu khó mà cắt nghĩa cho tôi không ? Bằng cứ để tôi trong đám mây mù hoài, thì tôi phải nói : “Buộc chưn âu cũng xích thằng !” , hay là tôi phải kêu lên rằng : “Trăng già độc địa làm sao !” cho nó hả.

Tôi đã vậy, mà tôi tưởng ai cũng có cái tâm lý như tôi. Sẵn cái tâm lý ấy trong lòng mọi người rồi, thì cái thuyết “Tơ hồng Nguyệt lão” tự nhiên làm cho nhiều người tin được, dầu nó là lời vô bằng cũng mặc.

Cho nên tôi nói : cái tự do trong sự hôn nhân chỉ tự do được nửa phần mà thôi ; còn nửa phần nữa phó mặc đâu đâu, mình không tự do được. Nói rằng hôn nhân tự do là nói khoác. Còn cái “đâu đâu” đó có lẽ tức là Tơ hồng Nguyệt lão.

Bao giờ loài người trở lại cái thói tạp giao như thời thượng cổ, bỏ hôn nhân đi, mới thật có sự tự do. Chớ như bây giờ, còn nhà còn cửa, còn thiếp đó chàng đây, thì xin chớ nói khoác rằng hôn nhân tự do, mà không có một cái luân lý gì cho vững vàng, nó hạn chế mình, thì sự hôn nhân tự do cũng có lúc hại.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Trinh Quán là niên hiệu vua Đường Thái Tôn, vào đầu thế kỷ VII (nguyên chú của Phan Khôi)
  2. Bản gốc chú nguyên văn câu chữ Hán và chỉ ra xuất xứ chữ nguyệt lão
  3. Bản gốc chú nguyên văn chữ Hán câu này và chỉ ra xuất xứ chữ xích thằng hệ túc (dây đỏ buộc chân)
  4. Nảng : nàng ấy (có lẽ Phan Khôi mượn kiểu ông/ổng của phương ngữ Nam kỳ để tạo các dạng nhà/nhả; nàng/nảng...)
  5. Chang mày : lông mày, “lông mọc vòng cung ở trên hai mí mắt” (H.T. Paulus Của)