Tình trong tù, hay một Phan Khôi tự truyện

Tình trong tù, hay một Phan Khôi tự truyện  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số Xuân 1939.

[…]

Nếu người ta truy nhận cho chính trị phạm ở xứ ta ba mươi năm về trươc cũng có giá trị, cũng hách dịch như chính trị phạm ngày nay, thì tôi không dại chi mà không khai ra rằng, tôi là một chính trị phạm bị án đồ tam niên, giam tại nhà lao Quảng Nam 1908, tôi chưa đầy 21 tuổi. Vào tù, thật ra tôi chưa hề thấy một chút gì đáng lo buồn cả, chỉ không an lòng khi nghĩ đến thầy tôi. Chừng hơn một tháng, tôi được thư thầy tôi ở nhà gởi cho, trong thư không có phàn nàn trách mắng gì tôi cho lắm, chỉ có một câu than thở về tôi làm tôi tỉnh người ra, là câu nầy: “Lập thân nhứt bại, vạn sự ngõa giải” (nghĩa là con người ta, hễ lập thân đã hỏng đi một cái là muôn vật tan nát rã rời).

Người ta mỗi người một đầu óc, đến lúc cha con không giống nhau thì cũng không giống nhau. Thân thế của tôi dầu không lấy gì làm đáng lo cả, thằng tôi lo hộ cho tôi thì ai cần? Ấy là cái Tú tài mới đậu xong đã bị tước khử, về sau còn không được đi thi, như thế con đường làm quan hẳn cụt rồi, không khéo về nỗi vợ con sẽ còn lôi thôi nữa hẳn thằng tôi lo cho tôi vì thế.

Mà quả thế: sau một tháng, xảy ngay ra việc thối hôn do cha mẹ của người vợ chưa cưới của tôi tuyên bố, thế là hai chữ “ngõa giải” đã ứng nghiệm được một phần rồi.

[…]

Số là trước đây nửa tháng, ông Ch. Có sai lính vào lao hỏi thầy đội trong đám tù nhân có ai viết chữ tốt thì lấy một người ra viết câu đối cho ông ấy. Họ cử tôi. Tôi hôm ấy hơi nóng lạnh nhưng lấy sự được ra ngoài làm sung sướng nên phụng mạng theo chơn người lính.

[…]

Đến nơi, thấy một đống cũng đến chín mười cân lụa đỏ bỏ ngổn ngang trên chiếu giải dưới đất và một nghiên mực lớn mài sẵn. Một người đàn ông chừng năm mươi tuổi, to lớn, mặt đen, mũi to, ngồi trên sập giữa nhà, ấy là ông Ch. hất hàm chào tôi. Một thiếu phụ còn trẻ lắm, trạc tuổi tôi, người trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan, cả đầu lẫn cổ quấn cái khăn nhiễu điều ngồi bên kia sập.

Nhà không có cái ghế nào cả, tôi ngồi ngay trên cái chiếu dưới đất, chỗ để nghiên mực… Ông Ch. bảo tôi:

–  Có biết uống rượu không thì, trời lạnh, uống mấy chén mà viết cho dựa tay.

–  Bẩm có thì cũng được.

–  Nhà còn nước không mình?

Ông Ch. xây lại hỏi người thiếu phụ. Tôi nghe mới biết người ấy là bà Ch. vợ ông.

–  Có hiếm mấy.

Vừa nói thiếu phụ vừa đứng dậy đi vào bên trong cầm ra một chai rượu thuốc và một cái cốc rót đưa cho tôi một cốc đầy.

Tôi uống cạn cốc rượu thì trải lụa ra viết. Ông Ch. sợ tôi viết quấy, cứ theo nhắc từng chữ. Tôi thấy làm bực mình mà không tiện nói thì ông lại còn vẽ cho tôi chữ này viết thế này, chữ kia viết thế kia. Tôi chừng muốn phát cáu. Người thiếu phụ xuống khỏi sập, lại gần nói cùng ông Ch.:

– Tôi xem người này cầm bút là người viết thạo, xin ông để cho người ta viết tự do.

–  Bà nói lạ. Câu đối lụa ít tiền lắm sao?

–  Nhưng đã có ai làm hư của ông đâu? Ngồi kiềm một bên thì còn ai viết được nữa chứ?

Ông Ch. hình như chịu vợ nói phải, bước ra khỏi chiếc chiếu rồi hai vợ chồng đứng coi tôi.

Bấy giờ tôi thấy dễ chịu, hươi cây bút như rồng bay phượng múa, hết đôi này đến đôi khác, càng viết càng tốt. Người thiếu phụ cứ đưa con mắt theo ngòi viết tôi.

Còn hơn đôi nữa thì hết, ông Ch. bảo vợ:

– Mình ơi mình. Rót thêm cho va cốc nữa đi!

Người thiếu phụ ngoan ngoãn rót cốc rượu đặt trước mặt tôi và nói:

– Nghỉ tay uống rượu đã thầy.

Tôi vâng lời như cái máy. Viết xong tôi cung kính chào ông Ch.:

– Bẩm quan lớn.

Ông gật. Tôi lại hướng về người thiếu phụ:

–  Bẩm bà lớn tôi vào.

Thì người đứng dậy:

– Tôi không dám, thầy lên.

[…..]

Tôi mở cái gói ra trước mắt Trưng. Đố ai đoán biết được gói gì? Trời ơi! Gói trầu cau! Mười miếng trầu têm kiểu Huế với mười miếng cau bửa dính, mỗi dây năm miếng chồng nanh sấu lên nhau thêm mười mụn vỏ chay và mấy chùm hoa sói. Cái gì lạ! Thực tình tôi không hiểu, hỏi Trưng:

–  Của ai thế này? Mà lại đưa cho tôi?

–  Của bà Ch. – Trưng vừa nói vừa cười ngỏn ngoẻn.

–  Đưa cho tôi? Tôi biết bà ấy là ai?

–  Ấy thế mới lạ. Thầy mới có chuyện lạ, tôi đã nói.

Trưng nói câu ấy ra dáng đắc ý lắm, và hắn bắt đầu làm như hắn là người có công ơn lắm đối với tôi.

Liền tay gói cái gói lại, tôi trao trả Trưng, thêm rằng:

– Anh cầm lấy, tôi không biết.

Trưng xin tôi cứ nhận và kể đầu đuôi:

– Lâu nay tôi phục dịch hằng ngày trong nhà ông Ch. và tôi đã được tin cậy nên bà Ch. có đem tình riêng ngỏ với tôi nhiều lần. Bà nói bà thấy thầy thì thương lắm, hôm nay gởi vật nhỏ mọn làm tin, mong ngày khác thầy cho bà gặp để nói chuyện…

[…..]

Nhà có một mình bà Ch. Bà tiếp tôi trong một phòng xép. Tôi ngồi trên cái chõng nhỏ, bà ngồi ghế bên cạnh, tay đặt lên cái gáy trên cổ tôi, êm đềm nói:

–  Chớ anh làm gì mà họ tù anh?

Tôi gắng mỉm cười nói bâng quơ một câu:

–  Thưa bà, bà còn thương hại tôi nữa sao? Nội một cái hoang tôi dám đến đây cùng bà là cũng đủ lắm rồi.

Bỗng thằng Trưng chạy thình thịch từ ngoài ngõ vào, đứng trước cửa sổ đưa tay cao lên, chẳng nói chi hết. Bà Ch. đứng dậy mở cái cửa cho tôi xuống bếp, và bảo tôi cứ đứng yên một lúc sẽ hay. Tôi bấy giờ thấy nguy, nghe có tiếng nói ồ ồ ở nhà trên, tôi mở cửa nhà bếp thoát ra ngõ. Tìm lại người lính, tôi trở về nhà lao một mạch.

Ngay đêm hôm ấy, thằng Trưng nói cho tôi biết rằng khi tôi đến, bà ấy liền cho hắn ra đứng canh ngoài đường, phòng ông Ch. trở lại thì vô báo. Quả nhiên ông trở lại, nói các quan còn nửa giờ nữa mới đi, nên ông không tội gì mà ngồi chực, về nhà nghỉ cho khỏe. Hắn lại nói bà phân vân về tôi mãi: sao đã dặn ở đó một chút nữa mà tôi lại bỏ về đi?

Từ đó bà Ch. vẫn thông tin tức cùng tôi, nhưng cũng không còn dịp nào cho hai chúng tôi gặp nhau nữa. Vì ông Ch. giữ bà ấy cũng như thầy đội đề lao giữ tôi vậy, hàng ngày không dễ gì bà ra khỏi cửa và mỗi lúc ông đi việc quan thì đi rồi về ngay, không để bà ở nhà một mình quá ba giờ đồng hồ.

Không biết làm sao được, thỉnh thoảng bà Ch. lại bảo Trưng nói với tôi kiếm cách đi ngang qua nhà bà một lần để bà trông thấy. Qua tháng tư năm sau, ông Ch. không ở nhà cũ nữa, dọn về ở cái trại lính cách nhà lao không bao xa. Từ ấy bà ấy cùng tôi dễ và năng trông thấy mặt nhau hơn trước, nhưng vẫn không có dịp gần kề trò chuyện. Đến thằng Trưng mãn tù, giữa hai chúng tôi tin tức cũng thưa dần.

Một ngày tháng chạp, thình lình tôi tiếp được lá thư của bà Ch., ấy là lần đầu bà viết thư cho tôi mà cũng là lần cuối. Trong thư bà nói nhân gần đi chữa lại đồ nữ trang, muốn gặp tôi tại nhà người thợ bạc, câu này tôi nghĩ mãi:

“Dù yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ chết đem đi”.

Tôi đến nhà thợ bạc thì gặp bà Ch. ở đó nhưng người trong nhà đông quá, chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê. Trọn buổi chiều ở đó, làm ông cũng lò mò tới. Khi trông thấy cái sống mũi đỏ chờn vờn trước cửa thì tôi đã đảo ngõ sau, thành ra thủy chung với bà tôi chẳng trao đổi cùng nhau một lời nào. Tôi không ngờ lần đó là lần cuối cùng tôi gặp bà Ch., vì sang tháng giêng bà lâm bệnh, được đưa về Huế điều trị, rồi mấy tháng sau có tin bà từ trần…