Tây chinh đạo trung (tái chinh Ai Lao)

Tây chinh đạo trung (tái chinh Ai Lao) - 西征道中 (再征哀牢)  (1294) 
của Trần Nhân Tông

Sở dĩ vua Trần Nhân Tông đem quân đi đánh Ai Lao vì trước đó Ai Lao đã nghe lời dụ dỗ hứa hẹn của nhà Nguyên đánh vào mặt phía tây của nước ta trong khi Thoát Hoan đánh vào từ mặt bắc. Lần này khi đi tây chinh Ai Lao lần thứ nhì năm 1294 có những tướng giỏi đi theo như Phạm Ngũ Lão, Trung Thành Vương... Tuy đánh Ai Lao là chuyện bắt buộc để giữ an ninh mặt phía tây nhưng vua Trần Nhân Tông đã cho biết nhà vua không thích chiến tranh, không muốn mang tiếng say chinh chiến như Hán Vũ Đế.

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

錦帆輕趁浪花開,
篷底厭厭首不抬。
三峽暮雲無鴈到,
九灘明月有龍來。
淒涼行色添宮夢,
撩亂閒愁到酒杯。
漢武藩招窮黷謗,
男兒得得若為哉。

Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,
Bồng để yêm yêm thủ bất đài.
Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo,
Cửu Than minh nguyệt hữu long lai.
Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.
Hán Vũ[1] phiên chiêu[2] cùng độc báng,
Nam nhi đắc đắc nhược vi tai!

Buồm gấm (thuyền chiến) nhẹ nhàng đuổi theo nhau làm tung lên những hoa sóng,
Dưới mui thuyền láp nháp ướt, đầu không muốn ngẩng lên.
Tại Tam Giáp, trong mây chiều chim nhạn không thấy bay đến,
Ở bãi Cửu Than vào đêm trăng sáng chắc rồng đã hiện ra.
Vẻ thê lương tạo thêm màu sắc buồn bã cho những cơn mộng nơi hành cung,
Lòng ngổn ngang trăm mối (vì việc nước) đã đến cùng chén rượu.
Hán Vũ Đế đánh dẹp phiên bang nhiều lần mang tiếng hiếu chiến,
Nam nhi tuy làm được như vậy cũng không phải là chuyện đáng khen đâu!

   




Chú thích

  1. Hán Vũ Đế Lưu Thiết 劉切 (141 tr.CN - 87 tr.CN) là người ham chinh chiến, phía bắc và tây bắc đánh Hung Nô, Đại Uyển, Nhục Chi, Ô Tôn... phía đông đánh Triều Tiên, phía nam đánh Tam Việt (Đông Việt, Mân Việt, Âu Việt). Rồi lại cho quân xuống đánh Nam Việt (con cháu của Triệu Đà) chiếm đất trong đó có Tượng Quận, Nhật Nam và Cửu Chân là đất nước ta
  2. Chiêu hàng các Phiên Bang (những nước nhỏ chung quanh) bằng dụ dỗ và vũ lực đi kèm