Tây-hồ tức cảnh
Lọ là đồn hỏi chốn bồng Doanh[2],
Này thú này âu cũng có tình.
Đôi đóa nhị hồng in dáng tía,
Một doành nước biếc ánh trời xanh.
Làu-làu các nọ phong rèm nguyệt,
Văng vẳng chiền kia dõi tiếng kình[3].
Lần trải nắng sương đà mấy tá,
Kim-ngưu[4] dấu trước hãy rành rành.
Chú thích
- ▲ Tây hồ 西 湖 : tên một cái hồ ở phía tây bắc thành-phố Hà-nội, tên cũ là Lãng bạc hồ 浪泊湖
- ▲ Bồng Doanh : Núi Bồng-lai 蓬萊 và đất Doanh-châu 瀛洲 đều là nơi tiên ở
- ▲ Tiếng kình : tiếng chuông chùa vì cái chày đánh chuông thường làm theo hình con cá kình (hoặc kềnh) 鯨 (cá ông voi) bởi thế cái chày đánh chuông thường gọi là chày kình
- ▲ Kim-ngưu 金 牛 : con trâu vàng. Theo một câu chuyện tục truyền thì chỗ Tây-hồ nguyên xưa là một khu rừng ở trong có con yêu-tinh hay làm hại người. Sau khi ông Khổng Lồ (tức Nguyễn-minh Không) đúc xong một quả chuông ở núi Phao-Sơn (thuộc tỉnh Bắc-ninh) ông đánh thử ba tiếng kêu rất to ; ở bên Tàu có con trâu vàng, nghe tiếng chuông, tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, mới chạy sang nước Nam ; khi chạy đến khu rừng ấy, không thấy mẹ, mới vùng vẫy, thành ra khu rừng sụt xuống, hóa ra cái hồ, chính là Tây-hồ
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.