So sánh văn pháp chữ Pháp với chữ Hán

So sánh văn pháp chữ Pháp với chữ Hán  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 161 (28. 7. 1932)

Nói về “Hán văn độc tu[1]

Trong báo Phụ nữ nầy chúng tôi đương bày ra cách dạy chữ Hán theo phương pháp mới, thì vừa gặp ông Nguyễn Ngọc Ẩn, một nhà tinh thông Pháp tự, xuất bản cuốn sách Mẹo chữ Pháp, chuyên dạy về lối đặt cho đúng "cách" (modes) và "thì" (temps) của "động từ" (verbes) trong tiếng Lang-sa.

Cuốn sách của ông Nguyễn, trong số báo nầy, chúng tôi đã có giới thiệu qua rồi. Đợi khi đọc kỹ lại, chúng tôi sẽ phê bình thật kỹ trong một số tới.

Nay nhơn thấy việc ông Nguyễn làm có hơi tương tợ với việc chúng tôi, thành ra sau khi đọc qua cuốn sách của ông, khiến chúng tôi không đừng được mà đã nảy ra một cái cảm tưởng, không lạ lùng chi lắm chớ cũng khá gọi là có ích.

Cái cảm tưởng về sự đem văn pháp của chữ Pháp với của chữ Hán mà so sánh nhau.

Sự so sánh nầy, chẳng biết trước chúng tôi đã có ai làm hay chưa. Nếu đã có kẻ làm rồi thì lại lấy làm tiếc cho chúng tôi không có hân hạnh mà được trải mắt qua công việc của họ. Nói vậy cho biết sự so sánh mà chúng tôi làm đây, là sự sáng kiến, không có dựa dẫm vào đâu hết, nên dẫu có sơ suất điều gì, cũng còn dễ mà trông mong độc giả khoan thứ cho.

Cứ như lời ông Nguyễn, tác giả cuốn sách nói trên đó, và bao nhiêu người khác tinh thông tiếng Pháp cũng vậy, cái then chốt của chữ Pháp là ở động từ (verbe). Phàm ai học chữ Pháp mà đã đến bực vận dụng động từ cho thật đúng, thì mới là người giỏi chữ Pháp. Bởi vậy tác giả làm sách Mẹo dạy tiếng Pháp, chỉ nhè chỗ then chốt ấy mà dạy thôi, tức là chỗ đặt cho đúng "cách" và "thì" của động từ Lang-sa.

Nếu đem chữ Hán mà so sánh với chữ Pháp thì chúng tôi lại thấy cái then chốt của nó khác hẳn đi: Cái then chốt của chữ Hán không ở động từ như chữ Pháp mà lại ở những hư tự, như chúng tôi đã nói trong bài ở số vừa rồi.

Động từ của chữ Hán không có thay đổi như của chữ Pháp, ấy là một điều mà nhiều người lấy làm lạ. Có kẻ cho rằng loài người dùng lời nói để phát biểu ý tưởng của mình, cái ý tưởng đã bởi cách phát biểu và thời gian mà phân biệt thì tiếng nói cũng nên phân biệt theo, như chữ Pháp phân biệt bằng động từ vậy mới phải; cái nầy, động từ chữ Hán không có phân biệt, thế thì ý tưởng há chẳng vì đó mà hóa ra lộn xộn lắm sao?

Kẻ nào tưởng vậy là chưa hiểu thấu chỗ then chốt của chữ Hán. Thật, chữ Hán không nhờ động từ để phân biệt thật, động từ chữ Hán không có chia ra "cách" và "thì" như chữ Pháp thật; song le, cái vật dùng để phân biệt cách phát biểu và thời gian của ý tưởng, thì trong Hán văn cũng chẳng phải là không có đâu. Như chúng tôi đã nói, cái vật ấy là hư tự mà.

Chúng tôi so sánh rồi thì thấy: Sự phân biệt ý tưởng trong chữ Pháp thì nhờ ở biến dịch động từ; còn sự phân biệt ý tưởng trong chữ Hán thì nhờ ở vận dụng hư tự.

Đừng nói qua loa vậy mà cho là rồi việc, chúng tôi phải đem ví dụ hay là chứng cớ mà chỉ rõ ra đây.

Như tiếng Pháp nói "Aimez votre patrie", thì chữ Hán nói  當 愛 爾 國 (Đương ái nhĩ quốc – Hãy yêu nước các anh). Ấy là về "mode impératif" đó, thì tiếng Pháp đổi động từ aimer thành ra aimez; còn chữ Hán đặt vào một chữ  當  là hư tự để chỉ nghĩa khuyên bảo.

Về "Mode" khác cũng vậy. Đây thử cử ra một cái lệ về "Mode conditionnel". Như ngày xưa đức Khổng Tử có nói cùng một môn đệ mình một câu rằng: 使 爾 多 財 吾 為 爾 宰 (Sử nhĩ đa tài, ngô vi nhĩ tể = Nếu ngươi nhiều của, ta sẽ làm tài phú ngươi). Thế thì hai việc đó (việc nhiều của và việc làm tài phú), việc nầy dính với việc kia, việc nầy có chắc thì việc kia mới chắc; nếu dịch ra tiếng Pháp thì phải dùng "Mode conditionnel", và trong nguyên văn chữ Hán đó, chữ  使  cũng tức là hư tự vậy.

Về "Temps" cũng vậy, "Je mange; j'ai mangé; je mangerai", tiếng Pháp dùng một "verbe manger" mà chia ra khác "thì" đó để chỉ nghĩa đương ăn, ăn rồisẽ ăn; thì bên nầy chữ Hán nói:  我 方 食,  我 已 食, 我 未 食  (Ngã phương thực; ngã dĩ thực; ngã vị thực): chữ 方, chữ  已 , chữ  未  đó, đều là hư tự hết, mà cũng đều để phân biệt thời gian hết.

Coi như trên đây thì dầu ai cũng phải tin lời chúng tôi là đúng lắm: cái then chốt của chữ Hán ở sự vận dụng hư tự cũng như cái then chốt của chữ Pháp ở sự biến dịch động từ.

Chẳng những vậy thôi, trong câu hỏi, tiếng Pháp thường đảo ngược động từ lên trên đợi danh từ (pronom), thì bên nầy chữ Hán cũng lại cậy ở hư tự để làm nên câu hỏi. Như nói "M'aimez–vous?" (Anh thương tôi không?) thì bên chữ Hán nói: "汝 愛 我 乎 ?" (nhữ ái ngã hồ?) chữ " 乎 " ấy cũng vẫn là hư tự vậy.

Nói ra không hết được; ai có từng nắm chữ Pháp dịch ra chữ Hán thì mới biết lời chúng tôi nói đây là không sai. Trong khi dịch như thế, mỗi khi gặp câu chữ Pháp nào mà về "mode" và "temps" của "verbe" hơi khó thì cũng phải rán sức ra mà gò gẫm những hư tự của bên chữ Hán thì lời văn dịch mới được đứng nghĩa và hay.

Những ví dụ và chứng cớ trên nầy đủ thấy hư tự là trọng yếu trong chữ Hán chẳng khác nào động từ trong Pháp văn. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã dày công nghiên cứu làm ra cuốn sách Mẹo để dạy về động từ tiếng Lang-sa, thì về sự dạy chữ Nho, chúng tôi cũng dám nói rằng sẽ làm một việc quan trọng như ông ấy, vì chúng tôi sẽ cắt nghĩa và chỉ cách dùng rất rõ ràng về hư tự.

P. K.

   




Chú thích

  1. Đây là nói về mục dạy chữ Hán do Phan Khôi soạn, sẽ đăng Phụ nữ tân văn từ số 164 (18. 8. 1932).