Sau cái loạn cọng sản quan nên đối với dân thế nào?
Một cái hiện tượng trái ngược trong nước này: Dân ở thế kỷ hai mươi mà muốn cử hành những công việc có lẽ sẽ có ở thế kỷ hăm mốt hay hăm hai, còn quan cũng ở thế kỷ hai mươi mà lại còn cứ tỏ ra cái khí tượng quý phái hồi đời Trung cổ!
Đứng trước sự trái ngược ấy, người Việt Nam, người nào cũng phải ngạc nhiên, phải sững sờ mà lấy làm lạ mới phải. Không ngạc nhiên, không lấy làm lạ, con người ấy, nếu có sống là như sống riêng phần họ, chứ có dính dấp gì với hai mươi triệu chúng ta?
Thật thế, chúng tôi không nói quá. Ở trong nước, cái họa căn sờ sờ trước con mắt, mình không thấy hay thấy mà mần ngơ, cũng đều là có lỗi cả. Cái lỗi lớn hơn hết là lỗi nói láo: mình đã tự phụ là người yêu nước mà mần ngơ được một việc như thế thì lòng yêu nước ở đâu?
*
* *
Tại sao mấy năm vừa rồi trong nước ta có loạn cọng sản? Và tại sao nữa, cũng thì có loạn cọng sản mà Nam Bắc Kỳ chỉ có ít, duy Trung Kỳ đã có nhiều, lại có dữ, lại có lâu đến những hai ba năm mới yên?
Từ hồi trong nước hay có việc, bắt đầu từ năm 1908 đến nay, chúng tôi đọc báo Tây, gặp khi ở xứ mình có việc gì xảy ra, thì trong những tờ phúc trình của các quan thủ hiến, trong những lời tranh biện nhau ở nghị viện, người ta đều đổ lỗi cho quan An-nam cả. Đại để họ nói tại quan An-nam thế này thế khác, chịu không nổi, lòng dân phẫn khích bèn sinh biến.
Ai lại chịu cha kẻ cướp? Đổ lỗi hết cả trên quan An-nam, là sự chúng tôi không thể trọn tin được, vì một mình quan An-nam thật không đủ sức gây nên một cuộc loạn nào. Nhưng nếu nói rằng, những lời phúc trình, tranh biện trên đó là vu cả, thì cũng lại không phải. Rốt cuộc, trong những việc xảy ra ấy thế nào quan An-nam cũng mang một phần trách nhậm lớn.
Loạn cọng sản vừa rồi là một cái chứng sắt. Ở Nam Kỳ là đất thuộc địa, ở Bắc Kỳ là đất bị nghiêm cách bảo hộ, họa cọng sản hoặc chưa phát, hoặc phát ra một lúc rồi yên ngay. Duy có Trung Kỳ, trong thì Quảng Ngãi, ngoài thì Nghệ Tịnh, cọng sản vận động một cách rất lừng lẫy và duy trì đến dai dẳng.
Người ta có thể nắm lấy đó mà bảo rằng Trung Kỳ còn có một phần quyền quan An-nam, mà quan An-nam đối với dân thường thường là không tốt, cho nên loạn cọng sản ở Trung Kỳ dữ và lâu chỉ là cái sức phản động nghịch lại cái sức áp chế của quan An-nam dữ và lâu.
*
* *
Những người An-nam ra làm quan, với chúng tôi chỉ khác về đường xuất xử, chớ cũng còn có chỗ quan hệ nhau, còn có chỗ thân ái nhau hơn kẻ khác. Lẽ nào chúng tôi lại đi bênh ai mà bỏ họ?
Thế nhưng, đã là cái chứng sắt thì không còn cãi được! Chúng tôi dù muốn làm thầy kiện cãi hộ cho các quan, ngặt vì những cái sự thực ấy nó đã làm lấp miệng chúng tôi, tốt hơn là chúng tôi đừng cãi nữa mà đóng cửa mách nhau là phải.
*
* *
Nước ta từ trước theo chính thể quân chủ chuyên chế. Quan đối với dân chẳng những cách biệt như trời với vực, không thông tình đạt ý nhau được, mà còn đôi khi bạc đãi quá làm cho người dân mất cả tư cách làm người. Một đằng cúi xuống lạy, một đằng ngồi ỳ không thèm ngẩng mặt nhìn, hay là một đằng cứ “bẩm bẩm, dạ dạ”, một đằng cứ “đồ heo, đồ chó”; đều là một cái nhục mà đã là con người thì không thể chịu được, nhất là con người ấy lại có học ít nhiều. Người làm quan cho những điều ấy là thường, có biết đâu rằng vì đó mà lòng dân căm tức, đó là cái mầm loạn, gặp đất tốt sẽ nứt lên?
Xứ Trung Kỳ là xứ nghèo sát đất, dân ăn kham ở khổ đã quen rồi, họ làm gì có những cái cảm tưởng bần phú bất quân mà cũng đòi làm cọng sản? Đã nhiều lần chúng tôi lấy sự đó làm lạ mà nghĩ mãi không ra. Sau mới biết ra rằng họa cọng sản xứ ta hình như không phải vì cái giai cấp bần phú, mà chỉ vì cái giai cấp quan dân vậy. Người ta ở nhà ăn hột muối mà đi ra được kẻ nể người vì, thì cũng có thể quên được cái nghèo mà tự cho là sung sướng. Cái này, đã ở nhà ăn hột muối mà đi ra cứ mang nhục, nhục một lần còn nhẫn được, nhiều lần tất phải căm. Mà trong lòng đã có căm cái gì, thì gặp một cái thuyết, không cứ cái thuyết gì, thấy nói nhờ nó có thể báo phục được, ấy là theo ngay, mong thi hành nó để báo phục.
Có phải chăng cũng vì lẽ đó mà trong những cuộc loạn của đảng cọng sản Trung Kỳ đã làm ra, chúng ta thấy sự giết hại và làm nhục mấy ông quan nhiều hơn sự đánh cướp mấy nhà giàu?
*
* *
Chúng tôi nói đến đây, chắc các ngài là những quan Tổng đốc, quan Tuần vũ, quan Bố, quan Án, quan Phủ, quan Huyện, cũng chợt tỉnh ra vì là một việc các ngài không ngờ, rồi các ngài sẽ động lòng rơi một vài giọt lệ trên tờ báo mà vỗ đùi than rằng: À, té ra nó là như thế mà từ hồi nào đến giờ không ai nói cho mình biết!
Thật có thế đó các ngài. Đời xưa cũng bị nhục mà không có sự so sánh bên cạnh nên dân cứ chịu lì mà không sinh loạn. Đời nay, thế kỷ hai mươi là thế kỷ gì, ai cũng biết rồi, nước này dân quyền thạnh, nước kia cách mạng thành công, có nhiều tài liệu để so sánh quá, sau khi so sánh họ không còn bóp bụng mà chịu nhục được hoài.
Thế thì bây giờ các quan hãy đãi dân tử tế một chút. Chẳng gì lắm, chỉ phải coi họ cũng là người như mình. Đừng làm một người như mình mang nhục, ấy là trừ được một cái họa căn cho nước.
Báo Tràng An ra đời chưa mấy ngày đã thấy sự đụng chạm… Không có sự đụng chạm ấy thì chúng tôi cũng chưa vội nói đến chuyện này.
PHAN KHÔI