Sự trừng trị quan lại ăn hối lộ

Sự trừng trị quan lại ăn hối lộ  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 116 (21.10.1931).

Dân còn sợ quan quá thì cái tệ hối lộ không bao giờ trừ được

Bắt đầu vài năm nay, thấy Nhà nước chăm trừng trị mấy ông quan An Nam nào ăn hối lộ. Ổ Nam kỳ có một ông quan đã về rồi mà còn bị truy tố về việc ấy. Còn ở Bắc và Trung kỳ thì việc khống cáo ấy xảy ra luôn luôn. Có đôi ba ông đã vì hối lộ mà bị kết án ngồi tù hoặc mất chức.

Gần đây, Nhà nước lại soi xét đến việc hà lạm của bọn tư lại ở dưới nữa. Như ở Nghệ có 20 thầy lý trưởng bị bắt về sự niết sách[1] của dân. Lại ở Quảng Nghĩa mới rồi cũng có một viên bang tá bị đòi đến trước mặt quan trên, để trả lời về sự người ta khống cáo mình ăn của lót.

To nhất là việc ở Huế, một vị quan nọ đã bị bắt quả tang lấy của người kia 300 đồng bạc. Việc này thiên hạ đồn đại om sòm, song chưa thấy trong giấy mực việc quan hoặc trên báo, cho nên chúng tôi không nói rõ được.

Thấy như vậy, ai cũng phải cảm động vì cái lòng chăm lo việc dân của các ngài ở Chánh phủ (……)[2].

Chúng tôi xét ra cái tệ hối lộ ở đất này từ trước vẫn có, nhưng quá lắm là mới từ hai ba chục năm nay (……)[2].

Nhà nước ngày này chăm trừng trị việc hối lộ, chúng tôi thấy thế, (……) mừng là Nhà nước đã làm được một việc đáng làm.

Song, việc trừng trị này có hẳn là sẽ có hiệu nghiệm cả không? Từ rày về sau, các quan lại An Nam có rùng mình vì sự trừng trị đó mà chừa cái thói hối lộ đi được không? Câu hỏi ấy chúng tôi còn lưỡng lự mà chưa dám trả lời một cách khẳng định cho dứt khoát.

Chúng tôi phải nói rằng cái hiệu nghiệm của sự trừng trị nầy may lắm thì thấy được nửa phần hay là non nửa phần. Được như vậy, nhân dân trong xứ cũng đã đội ơn lắm rồi; song sao cho bằng thấy cả cái hiệu nghiệm ấy là hơn!

Trong hàng quan lại ta, chúng tôi thấy có một bọn người thật tốt, dám quyết rằng họ không niết sách dân mà lấy tiền bao giờ. Những người này, do cái lương tâm họ, họ không phải thấy hình phạt mà khiếp sợ. Thế là sự trừng trị của chánh phủ đối với hạng người ấy cũng kể như là không có hiệu nghiệm vậy.

Một hạng người nữa có tính nhút nhát, ăn thì muốn ăn mà sợ cũng biết sợ. Sự trừng trị của Chánh phủ đối với họ hẳn có hiệu nghiệm lắm. Nhưng đến hạng người mà trong tiếng chúng tôi kêu là đã có gian phải có ngoan, nghĩa là những người đã bỏ miếng ăn vào miệng rồi, phải cố mà nuốt cho xuống, thì nội một sự trừng trị của Chánh phủ mà thôi, tưởng cũng khó mà làm cho sự hồi đầu. Vì họ còn sinh ra thiên mưu bách kế để mà trốn ra ngoài vòng pháp luật, để mà nuốt lấy đồng bạc từ cổ trôi xuống bụng.

Những người ấy họ không có chịu thiệt thà để đến vỡ cái việc hối lộ của họ ra đâu. Họ sẽ bưng bít đầu này đầu kia, nhất là đối với dân, họ sẽ ngăn doạ sự báo phục về sau, thôi thì đố ai đã ở dưới tay họ mà còn dám khống cáo hay là cung khai sự bất chánh của họ ra. Những người ấy, trong quan trường ngày nay nào phải là không có, nhưng Chánh phủ đâu đã trừng trị chính mình họ được?

Tức như việc sách nhiễu của viên bang biện ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Nghĩa, mới nói trên kia, có một tờ báo ở Trung kỳ nói về việc ấy như vầy: Quan huyện đương cho đòi xuống hỏi đầu đuôi. Viên Bang tá nghe tin, cho người đến mấy nhà bị thiệt hại mà khuyên dỗ và hứa đừng khai sự thực ra thì sẽ trả bạc lại cho. Bọn dân quê kia, một là sợ phiền lụy đến mình, hai là sợ Bang tá hiềm thù, có lẽ chối đại đi chớ gì!

Mấy lời của nhà báo ấy đủ cho người cầm quyền ở trên thấy rõ chỗ khổ tình của dân ở dưới. Đại để là bởi cớ cái cửa quan Toàn quyền, quan Thống sứ thì xa mà còn cái bàn tay thộp nạt của viên bang tá, viên chánh tổng thì gần. Những dân quê ai ai cũng nghĩ đến cái thế lực của họ và cái sự thù oán sau này mà ghê sợ, thà mất của mà được yên thân, cho nên phần nhiều phải ngậm miệng cho qua việc thì thôi.

Hẳn các ngài ở trên, có ngài trách dân sao dại quá, gặp những việc hà lạm mà sao không biết tố cáo, hay là đến khi quan trên thương tình, đã mở mồm cho rồi mà còn cứ ngậm câm? Thật quả dân dại thật! Nhưng xét kỹ ra, nào có phải họ dại đâu; chỉ bởi cái tình thế nước xa không cứu được lửa gần mà thôi vậy.

Dân còn sợ quan quá! Hễ còn sợ quá thì cái tệ hối hộ cũng cứ còn hoài.

Chớ ai thấy nói thế mà bảo chúng tôi ao ước cho dân đừng sợ quan. Không đâu. Dân phải sợ quan mới được. Song sợ là sợ cái lẽ phải. Hiện nay thì dân dầu có lẽ phải cũng khó đem mà bày trước mặt quan. Bởi vậy, cái tệ hối lộ mới thịnh hành, nghĩa là đem đồng bạc thế vào cái địa vị của lẽ phải.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Niết sách (chưa thật rõ nghĩa); có chữ niết trỏ cái thuộc tòa án xưa (niết ty); lại có chữ niết trỏ sự cầm nắm, bày đặt (niết tạo) nghĩa là bịa đặt, vu niết nghĩa là cáo gian); có lẽ niết sách gần với yêu sách, bức sách, đều trỏ hành vi đòi ăn tiền.
  2. a ă Các chỗ này bản gốc để dấu chấm chấm liền 1 đến 3 dòng.