Sự từ chức của các bậc đại thần
Số báo vừa rồi, nơi mục Duyệt bình các báo ở phụ trương, khi duyệt bình một bài báo của Tiếng dân về cụ quận Phước Môn,[1] chúng tôi có kể chuyện cụ được gia phong năm 1916 vì việc vua Duy Tân mà bảo là sự may mắn cho cụ.
Đó là một lối nói phản ngữ (ironie)[2] nhà viết báo thường dùng: vua bị đày, tôi được gia phong, đáng nói là sự không may mắn nhưng chúng tôi lại nói là sự may mắn.
Nói như thế e có người lại hiểu lầm chăng, nên hôm nay chúng tôi viết bài này có ý kéo câu nói ấy lại về đường chánh đáng. Liền đó, chúng tôi nghĩ đến sự từ chức của các bậc đại thần.
Trong bài này chúng tôi tỏ ý kính nể một người mới quá vãng nên không nhắc lại câu chuyện về cụ quận Phước Môn nữa; chúng tôi chỉ tỏ ra sự từ chức là cần có cho các bậc đại thần và lâu nay các bậc đại thần ta ít hay từ chức mà thôi.
Làm một vị đại thần là gánh lấy cả sự an nguy vinh nhục cho một nước chứ không phải như một quan chức thường, chỉ làm xong việc quan hàng ngày là hết trách nhiệm. Nói rõ hơn nữa, ông đại thần chẳng những đứng đảm bảo cuộc trị an của xã hội mà còn phải làm tiêu biểu cho nền phong hóa giữa quốc dân.
Nước ta ngày nay các cơ quan chánh trị hầu cầm cả trong tay chánh phủ Bảo hộ thì các bậc đại thần ta cũng có đỡ bớt cái trách nhiệm về trị an đó chút. Nhưng một ngày quốc dân hãy còn thì một ngày nền phong hóa của quốc dân cũng hãy còn, các ngài là bậc trổi hơn trong quốc dân, bao giờ các ngài cũng vẫn là nhân vật đứng đầu trên nền phong hóa, phải chịu trách nhiệm về phong hóa.
Sự hệ trọng nhất trong phong hóa là cái đức liêm sỉ. Một dân tộc dù đã đến thế nào mà còn có đức liêm sỉ thì dân tộc ấy cũng còn gọi được là một dân tộc. Trái lại, cái đức liêm sỉ mà đến mất thì dân tộc dù còn cũng chẳng ai đếm xỉa vào đâu.
Các bậc đại thần đã làm tiêu biểu cho nền phong hóa của một dân tộc cho nên cần phải giữ vững cái đức liêm sỉ hơn những người thường.
Bởi vậy mỗi một người lên làm đại thần nên cầm sẵn sự từ chức trong tay ngay khi mới làm. Vì một vị đại thần dù có lỗi cũng ít khi bị ai đàn hạch, duy có mình tự động từ chức mới tỏ ra được là mình còn có liêm sỉ.
Chúng tôi phải lấy làm phục cái cử chỉ của các ông thượng thơ hay bộ trưởng ở các nước văn minh. Mỗi một lần họ làm việc sai lầm hay là không được quốc dân đồng tình với, là họ từ chức.
Các quan lớn ta ngày xưa mỗi khi có lầm lỗi cũng hay dâng sớ cho vua mà “mạo cữu” hoặc “thỉnh tội”. Làm thế có hơi nô lệ một chút, chẳng khác nào kẻ đầy tớ làm bể cái bát rồi tự nằm dài xuống, đặt cán roi trên lưng và xin chủ đánh cho.
Sự từ chức của các quan lớn ở các nước văn minh không phải như thế. Trong khi từ chức có tỏ ra nhiều ý: tỏ mình không ham phú quý, tỏ mình hay tự trọng và cũng tỏ mình khiêm tốn, biết nhường ngôi cao cho người giỏi hơn mình. Sự từ chức ấy rất là đáng quý vì nó đề tỉnh cho người ta cái điều liêm sỉ và làm tốt cho phong hóa.
Từ hồi có Bảo hộ đến giờ các ông đại thần ta hầu như ông nào cũng ở chức Thượng thư rồi thăng Hiệp tá về hưu chứ không hề có ông nào từ chức, trừ ra một mình ông Ngô Đình Diệm mới đây mà chúng tôi đã có lần khen là rất hiếm, 50 năm nay mới có một người.
Tức như năm 1916, việc biến loạn xẩy ra ở Kinh đô, đức Duy Tân bị phế mà các quan phụ chánh đại thần chẳng có một người nào từ chức, thật là đáng trách.
Nếu phải ở lại để dẹp loạn thì khi loạn dẹp xong cũng phải từ chức, mới tỏ được cái tâm sự của mình. Các ngài đã không từ chức trong dạo đó, chúng tôi chẳng biết các ngài lấy lời gì tự giải với Bảo hộ, tự giải với quốc dân; riêng về cái nghĩa quân thần, chúng tôi chẳng biết các ngài có bụng dạ nào khi nghĩ tới ông vua mình đã thờ mười năm đằng đẵng!
Cụ quận Phước Môn cũng như các ông đại thần khác trong hồi đó đáng từ chức mà không từ chức. Thật chúng tôi có lấy chỗ đó làm bất mãn, chỉ không phải bất mãn riêng gì về một mình cụ. Nhưng hoặc giả đó là một cái cơ hội bởi trời xui khiến, cho cụ ở lại làm tướng ngót 20 năm nữa, đến ngày nay mới mất để báo Tiếng dân khen là “chánh giới chi hùng”!
Thế nào mặc dầu, theo chánh lý, một vị đại thần khi thấy việc gì có quan hệ đến danh giá mình là phải từ chức. Cái cử chỉ ấy vừa để nêu cao cái nhân cách của mình, vừa để nuôi sống cái lòng liêm sỉ của sĩ phu.
Việc đã qua rồi, bỏ đi; viết bài này, chúng tôi chỉ mong mỏi ở việc chưa đến.
Các quan thượng thư các bộ ngày nay đều là nhân vật mới. Chúng tôi mong các ngài sẽ làm được như các ông tổng trưởng ở các nước văn minh, các ngài sẽ từ chức khi có dịp đáng từ chức.
Việc ám sát một ông vua ngoại quốc xảy ra tại Marseille, lập tức ông Albert Sarraut tổng trưởng bộ Nội vụ nước Pháp đứng dậy khỏi ghế tổng trưởng. Cái thái độ ấy đã được các ngài cho là cao quý, tưởng các ngài cũng nên theo gương.
Rày về sau chúng tôi chỉ trông thấy được cái thái độ ấy của các ngài. Nếu có ông nào ra làm thượng thư là vì có một cái hoài bão gì, rồi vì cái hoài bão ấy không thi thố ra được mà từ chức thì chúng tôi lại càng khâm phục lắm.
Ông Ngô Đình Diệm làm thượng thư đến năm nay chưa chắc có công trạng gì đáng chép cho bằng ông đã có ảnh hưởng tốt vào tâm thuật sĩ phu bởi sự từ chức của ông năm kia.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ cụ quận Phước Môn: đây là nói về Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) quan chức cao cấp triều Nguyễn, từng là Thượng thư bộ Hình (1904), bộ Công (1906), bộ Binh (1907), bộ Lại (1917), sung viện Cơ mật (1906), phụ chính đại thần (1907), Hiệp tá Đại học sĩ (1909), tước Phước Môn tử (1912), Phước Môn bá (1916), Thái tử thiếu bảo (1917), Đông các điện Đại học sĩ (1920), Thái tử thiếu phó (1923), Võ hiển điện Đại học sĩ (1925), Phước Môn quận công (1932), truy tặng Cần chánh điện Đại học sĩ (1935). Đám tang quan chức này được tiến hành rầm rộ tại Huế ngày 30/7/1935.
- ▲ ironie (chữ Pháp): mỉa mai, phản ngữ.