Sự tích hoa quỳnh và hoa mẫu đơn
Theo truyền thuyết, ngày xưa vào thời nhà Tùy (Dương Quảng 605 - 617) ở Dương Châu, Trung Quốc, có Tùy Dạng Đế là ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, xa hoa, phung phí, một đêm nằm mơ thấy một cây trổ hoa đẹp... Cùng thời điểm ấy, tại Lạc Dương thành có ngôi chùa cổ kính là Dương Ly, vào giữa canh ba, ngoài cửa chùa thình lình ánh sáng rực lên như lửa cháy, hương thơm sực nức lạ lùng, như sao trên trời sa xuống, làm dân chúng bàng hoàng đổ xô đến xem đông như kiến cỏ. Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên cây bông lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi nơi, lan xa ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh.
Điềm báo mộng của vua Tùy Dạng Đế được ứng với tin đồn đãi, nên Vua yết bảng bố cáo: "Ai vẽ được loại hoa Quỳnh đem dâng lên, Vua trọng thưởng". Không đầy tháng sau... có một họa sĩ dâng lên Vua bức họa như ý. Nhìn đóa hoa trong tranh cực kỳ xinh đẹp, tất nhiên hoa thật còn đẹp đến dường nào! Nghĩ vậy, Vua liền quyết định tuần du Dương Châu để thưởng ngoạn hoa Quỳnh.
Trong chuyến tuần du cần có đủ mặt bá quan văn võ triều thần hộ giá, nên để tiện việc di chuyển, Tùy Dạng Đế ban lệnh khai kênh Vạn Hà từ Trường An đến Dương Châu. Hàng chục triệu ngày công lao động phải bỏ ra, hàng vạn con người phải vất vả bỏ mình. Kênh rộng cả chục trượng, sâu đủ cho thuyền rồng di chuyển. Hai bên bờ kênh được trồng toàn lệ liễu đều đặn cách nhau 10 mét một cây (cụm từ "dặm liễu" xuất phát từ đó, điển hình câu thơ: Dặm liễu sương sa khách bước dồn của Bà Huyện Thanh Quan). Kênh đào xong, một buổi lễ khánh thành được cử hành trọng thể, đoàn thuyền giương buồm gấm khởi hành... cả nghìn cung nữ xiêm y rực rỡ, mặt hoa da phấn... thuyền rồng được buộc bằng các dải lụa dùng để kéo đi. Vua Tùy Dạng Đế ngồi trên mui rồng uống rượu nghe đàn hát ca sang ngắm cảnh Giang Nam và đàn cung nữ tuyệt thế giai nhân. Vua thấy nàng nào thích ý cho vời vào hầu ngay. Chuyến tuần du của bạo chúa Tùy Dạng Đế vô cùng xa xỉ, hao tốn công quỹ triều đình. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy đất nước đến đói nghèo, loạn lạc khắp nơi, đưa nhà Tùy đến sụp đổ, dựng nên cơ nghiệp nhà Đường. Trong những quan quân hộ giá, có cha con Lý Uyên. Qua thời gian hơn 90 ngày, đoàn du hành đến đất Dương Châu. Thuyền vừa cặp bến, con của Lý Uyên phương danh là Lý Thế Dân cùng bằng hữu rủ nhau lén lút đi xem hoa ngay trong đêm, sợ sáng hôm sau triều thần cùng đi đông vầy lớp trẻ khó chen chân lọt vào vườn hoa. Lý Thế Dân là người có chân mạng đế vương (về sau là Vua Đường Thái Tông 627 - 649) nên giống hoa nhún mình lên xuống 3 lần để nghinh đón. Cánh hoa cong trắng nõn, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng, hương hoa ngọt ngào. Dưới ánh trăng vằng vặc hoa đẹp tuyệt vời! Xem xong, một cơn mưa to rụng hết.
Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa, chỉ còn thấy trơ vơ cánh hoa úa rũ, tan tác!... Vua tức giận, tiếc công nghìn dặm không được xem hoa, ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi! Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở về đêm cho những ai có lòng lân ái: "Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên".
Qua cuộc tuần du, nhiều cuộc bạo loạn nổi lên khắp nơi. Tùy Dạng Đế bị cận thần sát hại dẫn đến nhà Tùy mất ngôi, Lý Thế Dân đứng lên lập nên nhà Đường.
...Đến đời Đường Cao Tông, say đắm Võ Hậu, lúc Vua băng hà con còn nhỏ, Võ Hậu chuyên quyền nhiếp chánh hãm hại công thần, tự xưng vương, đổi nhà Đường thành nhà Đại Châu, xưng hiệu Võ Tắc Thiên hoàng đế. Một hôm, Võ Tắc Thiên ngự du vườn thượng uyển nhìn cỏ cây xác xơ trơ trọi liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt khắc ngay cửa vườn:
Lai triều du thượng uyển - Hỏa tốc báo xuân trị
Bách hoa liên dạ phát - Mạc đãi hiểu phong xuy
Dịch:
(Bãi triều du thượng uyển - Gấp gấp báo xuân hay
Hoa nở hết đêm nay - Đừng chờ môn gió sớm).
Linh ứng thay! Trăm hoa phụng mệnh, chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, mùi thơm sực nức nhân gian! Rạng sáng hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn trông muôn hồng ngàn tía ngoan ngoãn đua chen nở rộ, lấy làm tự mãn cho rằng quyền uy tột đỉnh. Bất giác, bà Chúa bạo dâm Võ Tắc Thiên nhìn đóa Mẫu Đơn bất tuân thượng mệnh, thân cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa lá. Giận thay cho loài hoa ngoan cố, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày Mẫu Đơn xuống tận Giang Nam. Do đó, vùng Giang Bắc thiếu vắng loài hoa vương giả, biểu trưng cho quốc sắc thiên hương nhằm ám chỉ tuyệt sắc giai nhân. Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ nhằm thương hại và tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự giải phóng cuộc đời chớ không làm vương giả chốn kinh đô, chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, đem sắc đẹp hương thơm ban rải cho mọi người để được dự phần thanh cao.
Đó là truyền thuyết hoa Quỳnh và hoa Mẫu Đơn được đời sau dệt thành giai thoại đầy hấp dẫn qua thuyết Đường của Trung Quốc biểu thị cho người đời suy gẫm Hoa và Người: Ai là người xứng đáng thưởng hoa và hoa phải thế nào cho con người thưởng ngoạn.