Sự phân cách nam nữ và sự tỵ hiềm

Sự phân cách nam nữ và sự tỵ hiềm  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 130 (12. 5. 1932)

Đọc bài Ba năm đất Bắc của Hồng Cẩm nữ sĩ đăng bào Sài thành vừa rồi, thấy thuật một chuyện nhỏ mọn đã qua, chuyện cô ấy đi chơi cùng cha, làm cho người Hà Nội kìa quái[1], mà tôi được gợi ý viết nên bài nầy, hầu như một bài khảo cứu.

Nói hồi đó cô theo cha ra Hà Nội. Một hôm ông thân cô dắt cô đến chơi nhà một ông Tham. Người nhà ông Tham thấy cô thì coi bộ lợt lạt và có ý khinh bỉ. Sau đến chừng cô đã chơi thân cùng con gái ông Tham là cô Tuệ Nương rồi, cô nầy mới tỏ tình đầu cho cô Hồng Cẩm biết rằng hồi mới gặp nhau sở dĩ hờ hẫng, là vì thấy cô răng trắng, lại con gái đã lớn mà đi chơi cùng cha, sỗ sàng không giữ lễ, cho nên không mặn tiếp.

Cô Hồng Cẩm thuật chuyện như thế rồi trở lại kìa quái người Hà Nội, tiếp theo đó cô viết rằng: "Trời ôi! để răng trắng là người không đúng đắn? Đi chơi cùng cha là người sỗ sàng? Tục đâu có tục lạ vậy?"

Phải, không luận cô Hồng Cẩm, mà cũng không luận người đàn ông hay người đàn bà nào, ai đã có cái óc mới mẻ một chút thì đều phải lấy cái điều người Hà Nội kìa quái đó làm đáng kìa quái. Một người con gái phải e dè trong sự đi đứng giao thiệp đã đành; nhưng với ai kia, chớ đi với cha là một việc quang minh chánh đại, có gì đâu mà phải tránh? Có lẽ nào thấy một người con gái đi với cha mà có thể nghi được rằng người con gái ấy đã bậy bạ với cha mình sao? Mà duy có nghi được như thế thì mới thấy mà kìa quái chớ. Cái điều không đáng nghi mà nghi, như thế, cái tâm đức của người đời chẳng là còn hèm kém quá?

Không, nói cho phải, người ta không ai nghi đến thế, có điều theo tâm lý phổ thông, dầu cha con cũng phải tỵ hiềm. Có tỵ hiềm coi mới được. Ấy là theo cái óc cũ hiểu như vậy.

Sự tỵ hiềm[2] ấy là do cái lễ phân cách nam nữ mà ra. Theo lễ thì nam và nữ phải phân cách hẳn. Cha với con gái, tuy lễ không bắt phải phân cách, nhưng cũng là nam và nữ, cho nên theo tục phải tỵ hiềm.

Lễ do thánh hiền nhà Nho đặt ra. Xã hội ta là xã hội theo luân lý của Nho giáo. Vậy mà người mình lâu nay không còn giữ được sự phân cách nam nữ theo lễ, chỉ giữ được sự tỵ hiềm theo tục, đó là một điều đáng cho ta đem ra mà nghiên cứu.

Kinh Lễ, thiên Nội tắc, dạy rằng con trai con gái trong một nhà từ bảy tuổi trở lên thì không được ngồi cùng chiếu, không được ăn cùng mâm, không được máng chung giá áo, không được dùng chung khăn và lược. Lại cũng dạy rằng chị dâu và em chồng không được hỏi thăm hay nói chuyện cùng nhau. Lại cũng dạy rằng con trai với con gái không được liền tay nhau trao chịu vật gì. Lại cũng dạy rằng lời nói ở ngoài không được vào trong cửa buồng, lời nói ở trong không được ra khỏi cửa buồng…

Ấy là những lễ pháp dùng mà phân cách nam nữ đó. Cái cách làm cho con trai con gái không có dịp gần nhau, ta coi thấy nghiêm nhặt là dường nào. Song thử hỏi đời nay có ai làm theo những điều ấy được chăng?

Trong xã hội Việt Nam ta, dầu cho những nhà lễ nghĩa, gia pháp rất nghiêm đi nữa, cũng không ai thiệt hành được những điều như Nội tắc dạy. Trong nhà họ nếu đông con và đủ cả con tra con gái, thì những sự không máng chung giá áo, không dùng chung khăn lược, họ vẫn thi hành; nhưng sự thi hành đây là thuộc về vấn đề trật tự và vấn đề vệ sanh trong gia đình, chớ không phải về sự phân cách nam nữ. Còn như anh với em gái, chị với em trai, họ vẫn cho ăn chung một mâm, ngồi chung một chiếu, không có ngại ngùng gì. Mà sự ăn chung ngồi chung đó, luôn cho tới khi khôn lớn, chớ không những nội hồi còn con nít; con nít thì thôi, càng thả lỏng lắm.

Con trai lớn, con gái lớn mặc lòng, hễ đã kể là người nhà thì không còn khem cữ trong ngoài nữa. Em chồng nói chuyện và hỏi thăm chị dâu, là sự thường lắm, vì đã vào vòng chị em rồi thì không có kiêng cữ chi. Bà chủ nhà hai tay cầm trầu cau đưa cho ông khách, ông khách hai tay lãnh lấy và cảm ơn, ra dáng lịch sự lắm, còn câu sách "thọ thọ bất thân" đã đem chôn chặt xuống dưới đất cái! Thế mà trong những nhà ấy – nhà nào lại chẳng vậy? – cũng chẳng nghe xảy ra có việc bậy bạ gì.

Làm sao? Độc giả nghĩ cho là làm sao? Ấy là ta trái lễ chăng? Nếu ai nghĩ rằng ta trái lễ là nghĩ lầm!

Không phải ta trái lễ, nhưng bởi cái lễ ấy ta không cần giữ nữa. Lễ ấy, lễ phân cách nam nữ ấy, là cái lễ để kìm chế cái thú dục của loài người hồi còn dã man. Về sau loài người càng ngày càng có văn hóa cao lên, đến chúng ta đây đã thoát khỏi cái dã man ấy rồi, thì ta không thèm giữ lễ ấy nữa, chớ không phải trái.

Đời thượng cổ, loài người chẳng khác cầm thú là mấy, trai gái thấy nhau thì muốn gần nhau cũng như con đực con cái bắt hơi nhau thì lại nhau. Hồi bấy giờ chưa có gia tộc, chưa phân biệt vợ chồng cha con gì hết, trai gái lấy bậy nhau, kêu là "tạp giao". Đến sau lần lần đặt ra lễ cưới gả, rồi mới có vợ chồng và có gia đình, các đấng bậc trong xã hội cũng bởi đó mà sanh ra nữa. Khi ấy xã hội đã ra bề ra thế rồi, nhưng cái thói tạp giao hồi trước cũng vẫn còn sót lại chưa tiêu hết, nên thánh hiền mới đặt cái lễ phân cách nam nữ kia ra để mà ngăn giữ.

Coi như hồi đời Xuân Thu, trước Khổng Tử không xa, có những người chư hầu, thái tử thông gian với mẫu hậu; lại có ông vua cha ban đầu tính cưới vợ cho thái tử là con mình, sau thấy nàng dâu đẹp, nhè cưới quách cho mình. Lại trong dân gian, những sự dâm loạn bậy bạ không biết bao nhiêu mà kể; ai có đọc qua bộ Kinh Thi thì đủ biết. Ấy đều là những cái chứng cớ tỏ cho ta thấy rằng cái thói tạp giao đời thượng cổ còn sót lại trong đời bấy giờ vậy. Những điều lễ nghiêm nhặt như Nội tắc trên kia, là đặt ra trong thời đợi ấy; chớ như đời nay thì thôi, có đặt ra làm chi!

Tôi tin rằng loài người đời nay chẳng những khôn hơn đời xưa, mà cũng lành hơn đời xưa. Tuy những sự dâm loạn đời nay vẫn chưa dứt hết được, nhưng hẳn là ít hơn đời xưa lắm. Thử nghiệm như một việc cha tính cưới vợ cho con mà sau nhè cưới quách cho mình, nó "chó má" đến đâu, người đời nay dầu cho kẻ "bọc trấu" thế mấy cũng không thể làm được, vậy mà một ông vua đời Xuân Thu làm được đi!

Ấy là bởi hồi Xuân Thu đó, cái cơ sở gia đình tuy đã vững chãi rồi nhưng vẫn còn mới, cái quan niệm về dây máu của người ta vẫn chưa được phân minh lắm, nên thường xảy ra những cái án loạn luân. Từ đó đến nay gần ba ngàn năm rồi, cái cơ sở gia đình càng chặt chịa hơn, người ta càng biết bà biết con hơn, cho nên sự lấy bậy nhau phải ít hơn.

Bởi vậy mà những điều cấm trong Nội tắc không còn thích dụng cho đời nay nữa. Hề gì thứ con nít mới bảy tuổi, cái máy tình của chúng nó chưa động, chưa biết chi là chi hết, mà lại bắt chúng nó dứt tình anh em chị em ruột thịt cùng nhau, không được ăn cùng mâm, ngồi cùng chiếu, coi nhau quá người ngoài đường, có ai mà lại nhẫn tâm làm được việc ấy?

Vậy thì cái lễ phân cách nam nữ là lễ của thời đợi còn dã man, đặt ra để ngăn ngừa cái thú dục của đời tạp giao còn sót lại, chúng ta ngày nay đã vượt lên trên bậc ấy rồi, nên không thèm giữ lễ ấy, chớ không phải là trái lễ vậy.

Trước đây độ một ngàn tám trăm năm, về đời nhà Tấn, đã có người biết cái lẽ ấy rồi. Nguyễn Tịch[3] là bậc danh nhân đời bấy giờ, làm người không chịu câu thúc theo lễ pháp. Ông ấy có người chị dâu góa, mỗi khi ông đi xa về, trò chuyện với chị dâu luôn, đến lúc đi nữa, cũng lại kể lể với chị dâu cả ngày cả buổi rồi mới đi. Có người thấy vậy can ông ta, sợ làm thế là trái lễ, nhưng ông ta trả lời rằng: "Lễ há vì bọn tôi mà đặt ra ư?" (Lễ khởi vị ngô bối thiết dã?)

Cái lý thuyết trên đó không phải tự tôi nghĩ ra; nhơn đọc sách gặp một chỗ mà tôi suy tưởng ra như thế. Một chỗ người làm sách dẫn lời của Frazer[4], nhà trứ thuật nước Anh, nói về lễ pháp của các dân tộc dã man, như vầy :

"Theo lễ pháp của người dã man, đối với bà con, có cái lệ tránh nhau. Như các bộ lạc Ban-đô ở Phi châu thì con trai phải tránh mặt mẹ vợ cùng đàn bà con gái bên thê đảng, không được thấy nhau. Ngoài ra, các bộ lạc Ma-sa cũng vậy. Bên Mỹ châu, ở bán đảo Ca-ri-phúc-ni, thuộc địa nước Anh, cũng có lệ ấy. Thổ nhân bên xứ Sumatra cũng tránh bà con gái bên vợ: Sở dĩ tránh làm vậy là họ muốn cho đừng thấy nhau thì khỏi sanh ra lòng ưng nhau rồi xảy ra chuyện dâm loạn nọ kia.

Trong các bộ lạc Ban-đô lại có người A-khang-ba lập lệ nghiêm hơn nữa. Ở đó cha phải tránh con gái mình, từ khi đứa con gái thành nhân cho đến khi có chồng rồi mới hết tránh. Còn người Ru-bô của xứ Sumatra thì ông gia với nàng dâu không được thấy nhau. Thổ nhân ở hòn quần đảo Ca-rô-lim thì cha với con gái, mẹ với con trai, anh em chị em đều tránh nhau hết, không ngồi chung, không ăn chung, con trai lớn lên rồi mà chưa có vợ thì ngủ chung với nhau một chỗ gọi là "Fel". Ở Hắc Đảo, bọn thiếu niên cũng ở nhà ngoài, tránh mẹ mình và chị cùng em gái. Kiêng tên lẫn nhau; không phải chính tên mà cho đến cái gì có dính dấp với tên cũng phải kiêng nữa. Mẹ không đưa ngay đồ ăn trên tay con trai, để nơi đất bảo đến mà cầm lấy. Người Ba-nhĩ-đạt ở Sumatra cũng đồng một tục ấy".

Kể các lễ pháp ấy rồi, nhà trứ thuật có lời phán đoán như vầy: "Những cái lễ tránh nhau của họ đó không phải do đạo đức nghiêm chỉnh mà ra, chính bởi đạo đức suy đồi mà có vậy. Tức như người Ba-nhĩ-đạt, họ nghĩ rằng hễ con trai con gái gặp nhau nơi vắng, nghĩa là không có người thứ ba ngó thấy nữa, thì thế nào cũng có sự tư thông cùng nhau. Trong lời báo cáo của một vị giáo sĩ phương Tây, khi xét về tục ấy cũng có nói rằng: Những lề luật cấm đoán ấy đối với ta tuy quá kỳ khôi, song ở xứ họ thì là điều cần phải có lắm"[5].

Những cái lệ tránh nhau hiện đương thông dụng ở các bộ lạc bên Phi châu, Mỹ châu ấy, đem so sánh với những điều trong Nội tắc dạy thật chẳng khác gì nhau. Người Việt Nam ta hiện nay không còn giữ lễ của Nội tắc nữa, thế mà các bộ lạc Ban-đô, các bộ lạc Ma-sa họ vẫn giữ những lệ tránh nhau đó, đủ chứng rằng dân tộc ta đã thoát khỏi cái thời đại dã man lâu đời rồi, cái trình độ văn hóa của ta cao hơn họ lắm, mà cũng cao hơn dân tộc Tàu hồi đời Xuân Thu nữa. Vậy mà có người hễ thấy trong Lễ dạy điều chi mà ta không thiệt hành được điều ấy thì than rằng ta trái lễ, như vậy há chẳng đáng nực cười lắm ư?

Ta không giữ cái lễ phân cách nam nữ nữa, nhưng ta vẫn còn theo tục, hay tỵ hiềm giữa nam nữ. Tôi nói "theo tục", là vì những sự tỵ hiềm nầy không phải lễ, có điều nhơn lễ đã có sự phân cách ấy nên mọi người cũng dựa theo đó mà tránh ghé luôn, lần lần thành ra cái tục, ai không theo, tức là khác tục, trái mắt mọi người. Như cô Hồng Cẩm đi chơi cùng cha, người Hà Nội thấy mà kìa quái, là vì cô đã không theo tục mà tỵ hiềm vậy.

Xét trong sự tỵ hiềm có điều chánh đáng mà cũng có điều không chánh đáng, nghĩa là có điều nên tỵ mà cũng có điều không nên tỵ. Nói như vầy hoặc có thể tóm cả đại ý được: giữa người dưng với nhau thì nam nữ tỵ hiềm là sự chánh đáng, nên tỵ; còn trong vòng bà con ruột rà thì nhiều khi sự tỵ hiềm thành ra không chánh đáng, không nên tỵ.

Trong sách Nho có chỗ dạy rằng "Chớ nên làm bạn với con trai của người quả phụ". Sự tỵ hiềm nầy có lẽ là chánh đáng. Bởi vì làm bạn với con bà góa, dầu mình có ngay thẳng đúng đắn tới đâu đi nữa, trong khi tới lui qua lại với nhau cũng có thể làm cho mình mang điều mang tiếng vì những miệng người ngoài. Đến như những sự vốn không có gì là hiềm nghi hết mà mình tỵ hiềm, thì lại trở thành ra bất chánh. Như con gái đi với cha mà có người ngờ vực thì có thể nói cái người ngờ vực ấy là có bụng bậy.

Cũng trong sách Nho có chỗ lại nói "Phàm kẻ tỵ hiềm là bởi trong lòng chẳng đầy đủ; cho nên người quân tử chẳng tỵ hiềm". (Phàm tỵ hiềm giả nội bất túc dã; cố quân tử bất tỵ hiềm). Lời nầy thì thật là rất phải. Tục ngữ ta có câu "có ghẻ né ruồi", lại có câu "có tật giật mình"; trong lòng chẳng đầy đủ tức là có ghẻ và có tật vậy.

Ông Tùng Thiện vương, tức ông Thương Sơn, con vua Minh Mạng, là tay thi nhân bực nhứt nước ta, có bà công chúa là em mà học làm thi với ông, thi bà cũng hay và có tập kêu là Diệu Liên thi tập.[6] Tôi có nghe một vài ông già nói rằng đời bấy giờ người ta đồn rằng hai ông bà ấy có tư tình với nhau. Tôi hỏi chớ có mối mớ gì mà người ta đồn như vậy. Các ổng nói thứ người ta đồn đãi vậy thôi, chớ nào có ai biết mối mớ gì; có điều coi một chút nầy cũng thấy lạ, là trong tập thi bà Diệu Liên có không biết bao nhiêu là bài thơ nhớ ông Thương Sơn, mà còn chồng bả là ông phò mã Thân Di Phủ thì chẳng thấy bả nói tới lấy một bài.

Tôi không tin được. Vả chăng hồi ông Thương Sơn còn sống thì anh em xướng họa với nhau luôn, đến chừng ông chết, bà Diệu Liên cảm cảnh làng thơ, có nhiều bài nhớ hay khóc ông Thương Sơn là phải. Còn ông phò mã Thân tuy là chồng bà mà không phải tay hay thơ, thì sự bà bỏn xẻn cái thi hứng đối với ông ấy cũng chẳng lạ gì. Dầu chỉ là ngờ mà thôi đi nữa, tôi cũng cho là không nên ngờ cho người ta vì chỉ thấy có cái điều như thế.

Song một lần, tôi đọc tập thơ Thương Sơn, thấy có một chỗ nói về bà Diệu Liên mà ông Tùng Thiện Vương nói: "Ta bình nhựt hay giữ kỹ chỗ hiềm nghi về anh với em gái..." (Dư tổ cẩn huynh muội chi hiềm), thì tôi bỗng lại phát nghi, hoặc giả cái điều mấy ông già nói trên kia mà có thể, chưa biết được.

Anh với em gái mà lại em gái có chồng rồi, nhà ai nấy ở, mỗi khi gặp nhau, chẳng có người nhà bên nọ thì có người nhà bên kia, quang minh chánh đại ở giữa nhà giữa cửa, có phải là tiếp nhau trong buồng kín đâu mà hòng có sự hiềm nghi? Vả lại ông Thương Sơn là anh mà là thầy, lấy đạo mạo đối với em mình, thì có việc gì mà hiềm nghi cho đặng? Ừ, mà dầu có thiệt tình giữ sự hiềm nghi chăng nữa, lòng dặn lòng là đủ, sao lại phải nói ra cho thiên hạ biết làm chi? Sao lại phải viết vào sách để đời làm chi? Thấy câu ấy tôi có thể cũng ngờ như người ta, mà sự tôi ngờ đây là tại ổng lòi mối ra vậy.

Có lẽ là ông Thương Sơn không có sự ám muội gì trong đó, nhưng chỉ vì ông cầm bút viết hớ, cốt muốn tỏ lòng trong sạch của mình ra mà trở thành như phơi chỗ ghẻ chỗ tật của mình ra. Nếu quả vậy thì lại tại câu văn của ông, tức là câu "Dư tố cẩn huynh muội chi hiềm". Vậy cho biết gặp khi không đáng tỵ hiềm mà tỵ hiềm, lại thành ra hỏng việc!

Có một cái sự lệ nữa dẫn vào đây sát ý lắm, mà xem đây lại càng hiểu đến cái thể thống làm văn, tôi dẫn vào không phải thừa. Ông Chương Học Thành có luận về mười cái tệ trong lối cổ văn (cổ văn thập tệ), cái thứ nhứt, ổng nói như vầy :

"Phàm làm cổ văn, phải biết trước cái đại thể của cổ nhân; còn văn từ khéo hay vụng lại là sự chưa kể đến. Hễ không biết đại thể thì sự phải quấy trong lòng mình không đủ cậy, rồi viết ra chưa chắc đều nhằm sự lý. Mà có khi sự lý vốn không ngại gì, mình lại nhè thấy là có ngại, rồi theo mà bổ cứu, thành ra cái phải bị mình mà trở nên quấy đi.

Có vị danh sĩ đem cái hạnh thuật của mẹ mình đến nhờ ông mỗ coi theo đó mà làm bài mộ chí. Trong hạnh thuật, chỗ nói về cái tiết hiếu của người mẹ đại khái như vầy: "Bấy giờ ông nội đã già quá mà lại đau nằm liệt giường, tiểu đại không hồi không chặp. Nhà chẳng còn có người nào khác, mẹ chẳng nài thương khó, mọi việc bưng dọn giặt rửa, đương lấy một tay". Việc như vậy đã là tốt rồi! Thế mà lại còn thêm mấy lời: "Khi ấy ông nội có ý ké né chẳng an, mẹ bèn làm nghiêm thưa rằng: "Con dâu nay đã năm chục tuổi, hầu việc ông già tám chục tuổi, thì có hiềm nghi gì đâu mà hòng ké né?".

Hỡi ôi! Cái nết của bà mẹ ấy đáng khen mà cái văn của người con thì thật là dại dột quá! Vả giữa hai người ấy vốn không giới đới, thì có hiềm nghi gì! Bà mẹ đã rõ cái nghĩa hầu việc cha chồng, hẳn là không có lời làm nghiêm ấy mới phải. Vậy mà người con bỗng dưng tự sanh ra điều hiềm nghi, chua thêm mấy lời, tính để cho vuông tròn câu chuyện, nghĩ rằng làm vậy mới là đắc thể, chớ không biết đó là đương thịt liền mà quào cho thành vết, càng mong rửa sạch thì vết lại càng sâu!

Nếu mình không thạo nghề làm văn cho lắm, gặp chỗ như vậy thì cứ thiệt sự thế nào chép thế ấy, chớ không nên chạm trổ bậy vào, hễ chạm trổ bậy vào thì kêu là "quào thịt thành ghẻ": đó là một cái tệ của văn nhân vậy"[7].

Luận về sự tỵ hiềm mà dẫn vào những điều như trên đây, tôi muốn chỉ cho độc giả thấy nó là một cách cực chẳng đã phải làm, chớ chẳng phải là cái đức tốt gì đó. "Người quân tử không tỵ hiềm", coi một câu đó thì đủ biết một người nếu có đức lượng cho trong lòng đầy đủ chừng nào, thì lại càng ít có sự tỵ hiềm chừng nấy. Còn kẻ nào mà động ra đâu tỵ hiềm đó, tỏ ra kẻ ấy cái trình độ làm người còn thấp kém, chưa thoát tục, cũng như dân tộc dã man đương còn phải giữ những điều lệ phân cách nam nữ mà thôi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. kìa quái (ở đây PK ghi âm phương ngữ Nam Kỳ, nhất là âm "kỳ" nghe như kìa): dạng chuẩn là kỳ quái: lấy làm lạ, cho là kỳ lạ, quái lạ.
  2. tỵ hiềm  避 嫌 ; tỵ: tránh; hiềm: nghi ngờ; tỵ hiềm: tránh sự ngờ vực.
  3. Nguyễn Tịch (210-263) nhà văn Trung Hoa cuối triều Ngụy đầu triều Tấn.
  4. Jamess George Frazer (1854-1941) học giả Anh.
  5. Thấy trong Đàm hổ tập của Châu Tác Nhân, cuốn II, tờ 371 (nguyên chú của PK).
  6. Tùng Thiện Vương tức Nguyễn Miên Thẩm (1819-1879) nhà thơ Việt Nam; Diệu Liên tức Nguyễn Trinh Thận (1826-1904) - hai nhà thơ trong tôn thất triều Nguyễn.
  7. Thấy trong Quốc học tất độc, cuốn 1, tờ 66 (nguyên chú của PK).