Sự hành động của các hội Phật giáo ở ba kỳ và cái hiệu quả tương lai của các hội ấy
Hiện nay Trung, Nam, Bắc mỗi kỳ đều có một hội Phật giáo hoặc Phật học, tên tuy khác nhau, đều có chung một mục đích là để tuyên truyền đạo Phật.
Đã họp đông người lại thành một cái hội, là cốt lấy sức mạnh để hành động. Nhưng, hình như lệ thường trên cõi đất này, hễ là hội thì lại lấy sự không hành động làm hay, cho nên các hội Phật giáo cũng chẳng có hành động gì lắm hơn những hội thường.
Thành lập trước nhất là Hội Phật giáo ở Nam Kỳ. Hội viên của nó phần nhiều là các viên chức tòng sự ở các sở nhà nước. Có thế lực, đáng lẽ làm được nhiều việc lắm, nhưng từ đó đến giờ, ngoài sự tu bổ chùa Linh Sơn ở một góc thành phố Sài Gòn làm chỗ cơ quan của hội và phát hành cái tạp chí Từ bi âm, chẳng thấy được một trò trống gì cho nổi đình nổi đám. Người ta đoán rằng Hội Phật giáo Nam Kỳ sẽ cùng sống lâu với Hội đức trí thể dục và Đảng Lập hiến của xứ ấy, mà cũng sẽ cứ im lặng một mực như nhau!
Thành lập sau hết là Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đóng cơ chỉ tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Hội này mới vừa được phép, mở ra một cuộc rước xách, giảng diễn om sòm, nhưng người ta cầm chắc rồi nó cũng sẽ ngủ quên, vì nó phải lây cái ngủ của Hội Khai trí tiến đức ở bên cạnh nó!
Hai đầu đã như thế rồi, ở giữa, Hội Phật học của đất Huế chúng tôi cũng phải tẻ ngắt trong năm sáu năm nay. Tạp chí Viên âm ra đời, kể cho hội ấy được một sự hành động; rồi đến ngày nay, lễ Vía Phật, một sự hành động nữa. Nhưng từ đây về sau, ai dám chắc rằng nó sẽ còn có nhiều sự hành động khác, nó sẽ hoạt bát hơn Hội Quảng tri, lân cận nó?
Phải chi là hội lập ra cho có, miễn có cái tên để khoa thị với người ngoài thì chẳng nói làm chi. Cái này, đã là chung lưng đấu cật lại để duy trì phát triển một cái tông giáo mà công việc làm lơ lửng như thế, cho ai cũng phải lấy làm lạ.
Chúng tôi không chuyên tôn một tông giáo nào hết. Chúng tôi không lễ bái đức Phật cũng như không lễ bái đức giáo chủ khác. Tuy vậy, ở trong nước, ai khuynh hướng về tông giáo nào, chúng tôi cũng muốn người ta theo làm cho đến nơi đến chốn. Hội Phật giáo lập ra mà lâu lắm mới thấy được một việc hành động cỏn con, thật chúng tôi lấy làm đáng tiếc vô cùng.
Sao tín đồ Phật ở xứ ta không làm như bạn đồng đạo của họ ở bên Tàu? Thôi đừng nói tín đồ Phật ở Nhật Bản làm gì, chỉ lấy Tàu làm gương cũng đủ cho người mình xem mà xấu hổ.
Bên Tàu ngày nay các hội Phật giáo lập nên cũng hầu khắp các nơi. Họ có những đoàn thầy tu đi bố đạo. Mỗi mùa hè, họ rủ nhau vào trong rừng rậm mà tu hành và giảng đạo, gọi là “tùng lâm giảng diễn”. Mỗi một lần Dương Cảnh Vô thuyết pháp ở Kim Lăng, có hàng vạn người đến nghe, cho tới bọn danh nhân học giả như Chương Bính Lân, Hồ Thích cũng chen mình trong đám thính giả. Còn Thái Hư pháp sư thì đi khắp trong nước để liên lạc các giáo hội làm một, lại du lịch các nước Âu Mỹ để tuyên dương cái Phật học của Trung Hoa.
Các hội Phật giáo xứ ta không làm lớn lối như họ được thì cất nhắc sơ sơ ở nội trong nước, tưởng cũng đủ sức bay có thừa, chứ sao lại ngồi mà “nhập định” luôn đi như thế?
Những việc làm ra như lễ Vía Phật hôm nay chẳng qua là việc cổ động, việc quảng cáo, chứ chẳng có ích gì lắm cho cái mục đích tuyên truyền đạo Phật. Việc có ích nhất là lập trường học dạy đạo và phái người đi giảng đạo, các hội ta tưởng chẳng có lẽ nào tránh trút đi hay nạnh hẹ cho ai mà chẳng làm.
Hai việc đó mà chẳng làm, theo chúng tôi, chẳng lấy gì xứng đáng gọi là hội Phật giáo hay Phật học hết.
Nếu quả các hội Phật giáo hay Phật học xứ ta thực hành mọi việc được xứng với cái tên của nó, rồi mai sau này sẽ có hiệu quả thế nào. Cái xã hội Việt Nam sẽ ra sao, – đó cũng là một câu hỏi mà hiện nay có nhiều người đương để ý.
Phật giáo thịnh, xã hội Việt Nam sau này sẽ trở nên một xã hội lười biếng, hay nhịn nhục, yên lặng mà không động đậy một tý gì, – có người lo cho như vậy.
Bởi vậy quan Toàn quyền P. Pasquier, ngài đã mất rồi mà ở xứ này ngài còn đeo một cái tiếng là nhà chánh trị thâm hiểm. Vì một tay ngài đã ký tên cho phép đến mấy cái hội Phật giáo thành lập ở Đông Dương cho đến bên Lào, bên Cao Miên. Riêng về ba kỳ đây, người ta bảo rằng ngài thấy người Việt Nam hoạt động lắm như từ năm 1926 đến 1932 nên mới làm mê họ bằng Phật giáo để đưa họ vào cái cảnh hư vô tịch diệt. Chúng tôi không phải quan cố Toàn quyền P. Pasquier, chúng tôi đâu biết được chỗ dụng ý của ngài; nhưng, dù có ý ấy nữa, chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành cũng chẳng hề có cái hiệu quả như thế, vì chúng tôi có lịch sử để làm chứng.
Nước Ấn Độ nghèo yếu từ hồi nào đến giờ, có người cho là tại nó là đất sản sinh ra Phật giáo. Nhưng, đó là cái Phật giáo của Ấn Độ chăng, chứ khi đã sang Việt Nam hay Trung Hoa rồi, Phật giáo không có thế đâu.
Phật giáo sang Tàu từ đời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh, đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bấy giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy và vững vàng, tứ di đều thần phục.
Xưa nay bên Tàu, quốc thể có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương Bắc vào đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh, thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý học; còn Phật giáo, theo lịch sử, chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả.
Ở nước ta cũng vậy. Vào thuở nhà Lý nhà Trần, đạo Phật tràn khắp cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại mà Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm, mấy phen giặc Tàu sang, chúng ta đuổi đi như đuổi vịt!
Lịch sử là cái chứng mạnh lắm, không ai cãi được, nó đã làm chứng cho Phật giáo không phải là một thứ như thuốc phiện, làm mòn yếu con người.
Vậy nên đối với sự tuyên truyền Phật giáo, chúng tôi tuy không hợp sức với người ta được, chứ bao giờ chúng tôi cũng sẵn lòng mà biểu đồng tình. Chúng tôi chỉ bực mình các hội Phật giáo xứ ta cũng như các hội khác cứ im ỉm mà chẳng chịu làm việc gì hết.
Sau ngày lễ Vía Phật này, Hội Phật học ở Huế lập trường học đi, giảng kinh đi, thử xem!
PHAN KHÔI