Sự dùng người của chánh phủ

Sự dùng người của chánh phủ  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6157 (27.5.1930)

Vẫn biết việc chánh trị của chánh phủ Pháp là theo lối pháp trị, chớ không theo lối “nhân trị” như triều đình An Nam ngày xưa. Theo lối pháp trị thì đã có hiến pháp và pháp luật làm thầy cho nên trong sự dùng người, cứ quý hồ người nào làm được việc thì thôi chớ không cần đến cái tư cách riêng của người ấy cho lắm. Hay là, muốn nói cho dễ hiểu hơn thì nói rằng trong sự dùng người chỉ trọng về đằng tài chớ ít trọng về đằng đức.

Vẫn biết vậy rồi, nhưng mà đối với dân tộc Việt Nam trong sự cai trị, chưa có thể rặt ròng khuynh hướng về phương diện ấy được đâu; nói trắng ra tức là chưa có thể chuyên dùng lối pháp trị.

Người Việt Nam trải lâu đời ở dưới quyền quân chủ, ở dưới quyền Nho giáo, ai nấy đều trông lên ông quan mà tôn là một hạng người “dĩ đức hóa dân”; chẳng những coi quan trên như cha mẹ mà thôi, lại cũng coi như thầy dạy nữa. Cho nên, một ông chủ tỉnh (Administrateur de la province), theo con mắt người Pháp thì chỉ coi như một ông quản lý của một nhà buôn; song theo con mắt người An Nam, thì coi là quan hệ với mình lắm, là cha mẹ và thầy mình.

Theo ý chúng tôi thì làm dân đời nay mà đối với quan lại, còn có cái quan niệm ấy, là không tốt. Song sự ấy chúng tôi đem mà bàn luận ở đây[1]. Ở đây chúng tôi chỉ vạch đến chỗ ấy ra, là cốt muốn cho chánh phủ chớ[2] rằng trong khi dân An Nam còn có cái quan niệm “coi quan như cha mẹ và thầy” đó, thì còn cần phải dùng lối nhân trị nghĩa là chánh phủ dùng người ra làm quan, cần phải trọng bên đức hơn bên tài.

Có một lúc, bị tình thế ép buộc, chánh phủ dùng người không cần “đức”, là lúc xứ nầy mới bị chinh phục vừa xong, người hiền trốn lánh không chịu ra, mà muôn việc không thể bỏ, thì lúc bấy giờ có tên thợ rèn đã được làm Tổng đốc, tên buôn gà đã được làm tri huyện. Cái chế độ dụng nhân ấy tạm thi hành trong hai lần lấy thành Hà Nội (1873 và 1882) nên mới có câu đối rằng: “Dã tượng tích vi tổng đốc; mại kê kim tác huyện quan”[3].

Chúng tôi đã nói là “tạm hành”, vì biết sự đó là bởi cực chẳng đã, hồi nhà nước cần có người để sai sử, mà không có người, thì cũng phải dùng đỡ vậy thôi. Sau khi đó, trong nước được bình yên, nhà nước lại lấy nhân tài ở trong khoa cử hoặc học đường ra mà dùng.

Tuy vậy, chúng tôi cũng còn thấy những người xuất thân đê tiện mà được lên làm quan sang. Một anh lý trưởng đã nhảy lên ngôi tứ trụ. Vài anh bồi cũng đã nhờ có tài năng mọn mạy chi đó mà anh thì làm đến thượng thơ, anh thì làm đến tuần phủ. Còn mấy ông do chưn thông ngôn ký lục mà bây giờ cũng “vị cực nhân thần”, thì đem sánh với những hạng trên kia, thiệt đã xứng đáng lắm, chúng tôi còn nói năng chi.

Chúng tôi không hiểu làm sao đến ngày nay là ngày cuộc bảo hộ đã yên rồi, mà nhà nước lại còn đem cái “chế độ tạm” hồi trước ra mà thi hành lại? Sự dùng người lộn xộn như vậy thiệt là làm mích lòng dân nhiều lắm; mà sự làm mích lòng dân, ai dám bảo là sự không có hại gì cho chánh phủ ư?

Trước hết là đối với bọn sĩ phu. Bọn nầy, thầy của họ là Khổng Tử, Mạnh Tử, có cái chí khí tự trọng tự cao, ít hay chịu khuất, mà khi thấy anh bồi hay chú xã nhảy lên làm thầy họ, thì họ chịu sao nổi? Nhà nước chớ ngó thấy một vài kẻ ở trong đám nhà nho ra, cũng lòn lỏi nơi cửa quyền để nuôi cái thân cho mập, mà tưởng lầm rằng hết thảy sĩ phu trong nước đều phục cái chế độ ấy. Không đâu; sĩ phu họ vẫn không chịu được cái lối dùng người đó, mà nhiều sự phiến động cũng có một phần bởi cái duyên cớ ấy mà ra vậy.

Cho đến hạng dân hèn đi nữa, cũng đừng nên thấy họ ngu dốt mà tưởng rằng bất kỳ ông quan nào, hễ có bằng sắc của nhà nước thì họ cuối đầu vâng phục hết đâu. Cái người làm cha mẹ, làm thầy họ, mà không đáng mặt, thì họ đâu có chịu? Há chẳng từng thấy có nhiều dân làng kiện quan, và đến nỗi có nhiều khi họ khiêng quan đem trả cho nhà nước sao? Hạng bình dân nầy dễ bị người ta khêu chọc lắm, hễ họ đã sẵn có sự bất bình rồi, thì gặp có dịp gì một chút, họ sẽ nổi lên làm quấy.

Dùng người không có đức không có tư cách ra để làm lớn dân, thì cái hại là vậy đó.

Hiện bây giờ đây, ở Bắc kỳ dân sự đương kêu rêu về ông Vi Văn Định là người Thổ mà làm Tuần phủ Thái Bình. Tờ báo Tây Ami du Peuple đã viết một bài kể tội ông quan nầy và một bạn đồng nghiệp chúng tôi là Đuốc Nhà Nam có dịch đăng cách mấy bữa trước.

Theo báo Ami du Peuple thì ông Vi Văn Định thiệt là người tàn ác hại dân nhiều bề, cho nên dân tỉnh Thái Bình mới có cuộc biểu tình ngày 1er Mai để phản đối ông ấy.

Chúng tôi chẳng biết cài tài ông Vi Văn Định có những gì, chỉ biết ông ấy là người kém về đức; vậy mà nhà nước dùng làm một ông quan chúa tỉnh, theo cái lý thuyết trên kia thì dân sự không phục tình mà phản đối là phải.

Ngoài cái vấn đề tài đức, lại còn cái vấn đề chủng tộc nữa. Thái Bình là một tỉnh lớn, thanh danh văn vật giữa trung châu Bắc kỳ, cả dòng giống An Nam chẳng có một người đủ gánh cái trách nhiệm chúa tỉnh hay sao, mà lại phải cầu đến một người tôi con của “ngài Điêu”[4] mới được? Nhà nước không nghĩ kỹ mà làm điều ấy, thiệt đã chích bụng người An Nam lắm đó.

Đối với dân Chàm, nhà nước cũng còn nể họ, huyện Tham Lý[5] là huyện rặt những Chàm đó, vẫn dùng người Chàm làm tri huyện, thì nỡ nào lại dùng một người Thổ để ngồi trên dân An Nam?

Cái vấn đề chủng tộc tuy là quan hệ mà là đơn độc, vì chỉ có cái “ca” Vi Văn Định đây thì nó mới phát sanh. Còn cái vấn đề tài đức kia là phổ biến, vì nó bao hàm hết sự dùng người của chánh phủ, vậy nên chúng tôi xin chánh phủ để ý về chổ đó hơn khi bê một ông quan địa phương ra, phải nghĩ đến chỗ cái đức ông ấy có đủ cho dân tình phục không, chớ đừng kể nội một cái tài đủ cho chánh phủ.

Đã có một lần chúng tôi đem cái ý kiến trên nầy mà bày tỏ cho một vị thủ hiến bên Bảo hộ ở Trung kỳ nghe. Ngài dạy rằng đã biết vậy rồi, song trong quan trường An Nam ngày nay hình như ông nào cũng vậy đó, biết đâu kiếm cho ra người có đức mà dùng! Chúng tôi thưa lại như vầy: “Nếu quả như lời thượng quan nói đó thì “người” Việt Nam chúng tôi ngày nay đã hóa ra “ma” hết rồi sao? Không có lẽ”. Vị thủ hiến bèn gật đầu mỉn cười, và nói rằng: “Nhưng lại còn phải biết sự thay đổi là khó quá!” – Cái đó thì chúng tôi cũng biết rồi, khó quá!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Có lẽ câu này phải là “… không đem bàn luận”… mới hợp với mạch văn
  2. Có lẽ “nhớ rằng” mới có nghĩa trong đoạn câu này; phải chăng bản gốc có lỗi in sai?
  3. Sự việc này đã được nhắc đến trong “Câu chuyện hằng ngày”, Thần chung ngày 3.8.1929
  4. Họ Điêu là họ hào trưởng đằng Thổ ở mạn ngược Bắc kỳ, người ta kêu người hào trưởng ấy là “Ngài Điêu” (nguyên chú của Phan Khôi)
  5. Có lẽ là Phan Lý, về sau gọi là Phan Rí?