Sự dùng điển trong thơ văn và sự chú thích

Sự dùng điển trong thơ văn và sự chú thích  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 164 (18. 8. 1932)

Mới rồi tôi đọc bài Việc dùng điển trong thơ văn của ông Hải Lượng đăng ở tạp chí Văn học[1] số 2, lại nhớ luôn đến bài Oan cụ Nguyễn Du của ông Dật Lang đăng ở báo Tân Thiếu niên số 42 mà viết ra bài nầy.

Thế nào gọi là điển? – Ông Hải Lượng đáp: "Điển là một chữ hoặc một câu có ám chỉ một người, một vật, một lời nói, một sự tích xưa, khiến cho người xem phải nhớ đến người ấy, lời ấy hoặc việc ấy mới hiểu được cái lý thú của câu văn".

Rồi ông lấy thí dụ trong Truyện Kiều, lúc Kim Trọng mời nàng Kiều đánh đờn cho nghe, nói: Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ; "Chung Kỳ", ấy là một cái điển đó. Ông lại cũng lấy luôn câu Trải qua một cuộc bể dâu làm thí dụ nữa, cho rằng đó cũng là dùng điển.

Ông Hải Lượng còn cử ra nhiều thí dụ, đại khái cũng là hiệp với cái định nghĩa của chữ "điển" của ông trên kia. Sau hết ông lấy thí dụ đến câu Mừng thầm cờ đã đến tay mà nói rằng ấy là dùng điển câu tục ngữ "cờ về tay ai nấy phất". Rồi đó ông bàn đến cái công dụng của điển và chỗ cần yếu của sự dùng điển. Ông nói:

"Điển dùng khéo thì làm cho câu văn gọn gàng, ít chữ mà nhiều ý. Tỉ như hai chữ "bể dâu" cụ Nguyễn Du dùng để nói các cuộc biến đổi ở trên đời, hai chữ "Phiếu mẫu" (trong câu Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân, tác giả cũng có lấy làm thí dụ) để nói đến một bậc ân nhân đã có lòng cưu mang kẻ cùng khốn thì thật là gọn ghẽ mà bao hàm được nhiều ý nghĩa.

Nhiều khi làm văn nếu dùng lời nói thường mà diễn đạt ý tưởng thời lời văn nhạt nhẽo vô vị; giá dùng một điển gì mà khiến cho người đọc phải nhớ đến một câu văn cũ, một sự tích xưa, thì lời văn thành ra đậm đà lý thú... Làm văn có khi phải nói đến những điều khó nói, nếu dùng lời thường thì hoặc thô tục, hoặc sỗ sàng, những chỗ ấy mà khéo dùng điển thì ý tứ vẫn được rõ ràng mà lời văn lại thành trang nhã. Như khi nàng Kiều thấy Kim Trọng có ý lả lơi, nói mấy lời nầy để cự tuyệt: Vẻ chi một đóa yêu đào, vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. Đã cho vào bậc bố kinh, đạo tùng phu lấy chữ trinh làm đầu v.v...

Điển tích nhiều khi lại là chứng cớ trong văn chương nữa... Dùng điển cũng là một cách dẫn chứng. Tuy không dẫn nguyên cả câu văn cổ hoặc kể rõ hẳn một việc cũ, nhưng cũng làm cho người đọc phải nhớ đến câu ấy việc ấy mà thừa nhận cái ý tưởng của mình".

Cuối cùng, tác giả khuyên những người làm văn ngày nay nên lượm lặt những điển cố trong sử ta, trong thơ văn xưa và tục ngữ của nước ta ra mà dùng, không nên chuyên dùng những điển tích ở sách Tàu cả, vì có khi làm cho khó hiểu.

Tuy vậy, trong sự dùng điển, ông Hải Lượng có hạn chế, mà sự hạn chế của ông tôi rất lấy làm phải. Ông nói:

"Cách dùng điển nên cho vừa phải, không nên lạm dụng quá mà làm cho lời văn vì thế thành ra tối nghĩa; phải cho đích đáng, nghĩa là lời xưa hoặc việc xưa mình lấy làm điển phải hợp với ý mình nói; phải cho tự nhiên, không nên câu nệ cầu kỳ quá; lại phải cho thích hợp với lời văn, giọng văn, vì có chỗ dùng chữ thường lại hay hơn dùng điển tích; phải cho mới mẻ biến hóa, không nên dùng nhiều những chữ sáo".

Bao nhiêu ý cốt của bài ông Hải Lượng, tôi đã dẫn cả ra trên đây thì cũng biểu đồng tình. Một điều còn muốn thương xác lại với ông là sự định nghĩa về chữ "điển".

Những cách đặt để trong văn chương, theo ý tôi tưởng, nếu phân tích ra được tinh tế chừng nào thì càng hay chừng nấy; bằng như phân tích không tinh tế, nói một cách u òa xấp nhập, thì có giản tiện thật, nhưng mà thành ra thô thiển quá, kém mất cái vẻ mỹ thuật của văn chương đi. Ấy là sự có quan hệ về tu từ học (rhétorique), nếu ta bàn luận cùng nhau cho đến chỗ tinh tế, tưởng chẳng phải là không có ích.

Nếu cho rằng phân tích cho tinh tế là phải và cũng là cần thì cái định nghĩa chữ "điển" của ông Hải Lượng và mấy cái thí dụ ông cử ra trên đây sẽ thành ra vấn đề.

Trước hết nói về mấy cái thí dụ.

Theo ý tôi thì duy có cái thí dụ đầu hết. "Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ", thì mới kể được là dùng điển.

Nhiều người tưởng trong câu ấy chỉ có chữ "Chung Kỳ" là điển, chớ không ngờ cả chữ "nước non" với chữ "Chung Kỳ" ứng nhau mà thành ra điển. Vì sách nói khi Bá Nha khảy đờn mà chí ở nước thì Chung Kỳ nói "chí tại lưu thủy", khi Bá Nha chí ở núi (non) thì Chung Kỳ nói "chí tại cao sơn", nên câu Kiều ấy dùng chữ "nước non" để cắt nghĩa chữ "lưu thủy cao sơn" ra, hiệp với chữ "Chung Kỳ", thành ra cái điển nói về sự nghe đờn giỏi. Mà sở dĩ gọi được một cái điển, là bởi nó là một cái việc đã xảy ra.

Thế thì, theo nghĩa trên đây, cái định nghĩa chữ "điển" của ông Hải Lượng thành ra được chỉ có bốn chữ "một sự tích xưa" là thích dụng; còn không thích dụng nhứt là ba chữ "một lời nói".

Căn cứ vào đâu mà tôi nói như vậy? Tôi căn cứ ở hai điều.

Một là: Ta nói dùng điển, Tàu cũng nói dụng điển ( 用 典 ) và cũng có nói sử sự ( 使 事 ) nữa. Sử sự, nghĩa đen là khiến việc, có ý là sai khiến việc đời xưa bắt nó ứng dụng trong bài văn của mình đời nay. Đã gọi việc là điển, tức nhiên chỉ có "sự tích xưa" mà thôi, chớ "lời nói" không phải là điển.

Hai là: Theo cái thuật ngữ (mot technique) trong làng văn ta ngày xưa, cách đặt để như ông Hải Lượng nói đó có chia ra hai thứ: một là dùng điển; một là lấy chữ. Khi nào dùng việc gì xảy ra đời xưa, có chép trong sách, đặt vào bài văn của mình, mới gọi là dùng điển. Còn khi cũng dùng như vậy mà không phải là việc (có lẽ giống ông Hải Lượng chỉ về một lời nói), thì phải gọi là lấy chữ. Nhưng theo ông Hải Lượng đây thì sự lấy chữ đó ông cũng đánh nhập vào mà kêu là dùng điển hết.

Theo đó thì cái thí dụ thứ nhì trên kia là lấy chữ chớ không phải dùng điển. Chữ bể dâu đó là theo một câu nói của người đời xưa chớ không phải việc đã xảy ra. Nói một cuộc bể dâu cũng như nói một cuộc đời biến cải, chẳng qua đem chữ bể dâu thay cho chữ biến cải chớ chẳng gì lạ. Theo văn học Pháp thì cái danh từ bể dâu ấy chỉ gọi được là cái métaphore mà thôi; mà chỉ có allusion[2] thì mới kêu là điển được.

Cái thí dụ thứ ba trên kia lại càng không kêu là điển được nữa. "Cờ vào tay ai nấy phất", chỉ là một cái thành ngữ (expression); dùng thành ngữ có kể là dùng điển được đâu.

Đây là tôi cứ theo nghĩa hẹp của chữ điển mà bác bẻ cái bài của ông Hải Lượng đó thôi; chớ cái định nghĩa của ông ấy chẳng phải là chẳng có thể thành lập được nếu theo nghĩa rộng.

Nghĩa rộng nghĩa hẹp của một chữ hay một danh từ là tùy mình cho nó. Nếu cho chữ dùng điển một nghĩa rộng, rồi bao nhiêu những sự dùng thành ngữ, dùng tỉ dụ (métaphore), dùng sự tích xưa đều nhốt vào đó hết thì cũng không phải là không được. Như thế thì định nghĩa của ông Hải Lượng trên kia lại thành lập được liền.

Đây là một cái vấn đề văn học ở trong phạm vi tu từ, nếu chúng ta không bàn định và giải quyết từ bây giờ thì về sau sẽ lôi thôi hoài mà sách tu từ học không bao giờ làm nên.

Hễ người làm sách đã có dùng điển thì tự nhiên đến người đời sau phải có chú thích. Không phải hết thảy đều vì sự dùng điển mà chú thích, nhưng có một phần chú thích những điển khó. Vì đó mà tôi bàn luôn đến sự chú thích.

Trong báo Tân Thiếu niên ra ngày 24 Juillet mới rồi, có một bài đề là "Oan cụ Nguyễn Du", toàn bài cốt chỉ trích những chỗ chú thích sai lầm của hai ông Trần Trọng KimBùi Kỷ trong Truyện Thúy Kiều hai ông ấy xuất bản.

Sự chỉ trích nầy, tôi nhận là rất đúng. Quả hai ông ấy có những chỗ lầm ấy thật. Tôi xin lục vào đây vài đoạn như nguyên văn của Tân Thiếu niên:

« Câu: Hoạ là người dưới suối vàng biết cho, Hai họ Trần, Bùi chú thích rằng:

"Tả truyện: Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến dã.

"Rõ khéo khoe chữ xằng! cứ chua hoàng tuyền là "dưới âm phủ" có gọn hơn không? Can chi mà lôi Tả truyện với Hữu truyện ra? Thưa hai ông, Tả truyện câu ấy là lời Trịnh Trang Công thề với mẹ, việc gì mà mang vào đây?

Câu: Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra.

Hai ông đổi là: Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra, rồi hai ông lấy chữ Kinh Thi Sinh sô nhất thúc ra mà chú thích. Rõ khéo hiếu sự xằng! Đổi là đặt cỏ để lôi chữ Sinh sô nhất thúc ra. Ngờ đâu điển ấy ông lại quên.

Tôi xin nói để hai ông nghe:

Về đời Hán, Tứ Trĩ viếng mẹ Quách Lâm Tông, để một nắm cỏ trên mộ, ý muốn dùng chữ Kinh Thi mà nói rằng:

Sinh sô nhất thúc,
Kỳ nhân như ngọc.

(Một nắm cỏ tươi, người kia như ngọc).

Sau nhơn có chuyện ấy người sau mới lấy hai chữ "sinh sô" mà chỉ lễ vật viếng người chết. Chớ nguyên mấy chữ ấy có để viếng ai đâu. Mấy chữ ấy ở thơ Bạch câu trong Kinh Thi, xin hai ông xem lại.

Hai ông lôi bốn chữ Sinh sô nhất thúc ra, nhưng khốn thay! hai ông lại hiểu lầm. Hai ông cắt nghĩa rằng: Tục cỗ hay dùng bó cỏ làm lễ viếng, lễ tế, để rót rượu vào, hay để thay nén hương.

Thưa hai ông, hai ông lầm to. Dùng "một nắm cỏ tươi" làm lễ viếng mới từ ông Từ Trĩ dời Đông Hán! Bó cỏ để rót rượu vào, thưa nó là cái sa mao! Chữ "sô" không có "thảo đầu", xin hai ông bảo thợ in sửa lại.”

Hai điều chú thích trên đó, mỗi điều sai lầm một thế. Điều dưới sai lầm vì háo sự mà lại quên sách; còn điều trên sai lầm vì háo sự. Rõ ràng cái háo sự thật là cái bịnh to của nhà chú thích.

Đại phàm câu nào dùng điển khó hiểu thì mới cần đến chua. Ấy là cái nguyên tắc của sự chú thích. Câu nào lời nào để trần trọi mình nó cũng hiểu được, mà còn kiếm chuyện để chú thích cho được, ấy là háo sự.

Như câu Họa là người dưới suối vàng biết cho, ấy là chỉ lấy chữ suối vàng để chỉ nghĩa âm phủ mà thôi chớ không phải dùng điển Trang Công như hai ông đã chua đó. Vậy thì câu đó nếu muốn chua chỉ chua được hai chữ suối vànghoàng tuyền, chớ không nên đem chuyện Tả truyện vào làm chi. Đem vào thì chẳng những không ăn thua gì cả mà lại thành ra bậy.

Đại để nhà chú thích nào cũng vậy, như chú thích Truyện Kiều, họ cũng đều muốn cho ông Nguyễn Du thành ra một người nói đâu có điển cố đó, "nói có sách", nên bất kỳ câu nào, họ cũng kiếm cách mà chua cho được, duy có khi nào không kiếm ra được họ mới chịu thôi.

Như vậy thành ra văn của Nguyễn Du không còn có giá trị gì cả, chỉ mô phỏng tuần tập mà thôi, chớ không biết sáng tạo; kỳ thật Nguyễn Du đâu có thế.

Trong bản Truyện Kiều của hai họ Bùi Trần, tôi còn thấy nhiều chỗ háo sự mà sai lầm như vậy nữa.

Như câu: Tay tiên gió táp mưa sa, chua rằng: Cổ thi: phong võ thôi thi tứ = cái thi tứ nhanh như gió mưa đun đẩy.

Lầm rồi! Nguyên văn: Tay tiên gió táp mưa sa, khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu, là nói sự viết chữ chớ không phải nói sự làm thơ. Gió táp mưa sa đi sau chữ tay tiên là nói viết thảo mau lắm, thì có ăn thua gì với câu phong võ thôi thi tứ? Vả lại, câu nầy, chỉ nói là "cổ thi", chẳng biết cổ thi nào, xuất xứ không minh bạch như thế thì chua vào có ích gì đâu?

Lại như câu: Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần mà chua rằng câu nầy dịch thoát câu nguyệt di hoa cảnh ngọc nhân lai, thì kỳ quá! Sao dám chắc là dịch thoát? Ngộ như ông Trần ông Bùi thấy câu ấy mà ông Nguyễn Du không thấy thì ông biết đâu ông dịch? Huống chi tự ông Nguyễn Du theo ý tưởng mình đặt ra một câu như vậy không được sao mà bắt ổng phải dịch thoát, – kỳ thiệt là ăn cắp – của cổ nhân?

Cũng như câu: Bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao, mà cũng kiếm cho được một câu ở Tây Sương để làm gốc thì bướng quá. Nếu vậy thì chẳng những tác giả Truyện Kiều là tay bất tài đã đành mà tiếng Việt Nam cũng lại thành ra một thứ tiếng không độc lập được. Không; đâu có phải thế! Những câu như câu ấy là do ông Nguyễn Du khéo vận dụng tiếng Việt Nam mà đặt ra thành câu tuyệt hay, chớ chẳng hề lấy điển tích ở đâu hết.

Thậm chí chú thích mà làm thành ra tương phản nữa! Như câu: Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao, mà chua rằng lấy ở điển "Đường Lý Lâm Phủ tiếu trung hữu đao" đó. Hữu đao chẳng là "có dao", mà đây người ta đã nói "không dao", sao còn lấy mà chú thích làm chi? Muốn cho sát nghĩa hơn, đáng lẽ lấy câu "sát nhân vô đao kiếm". Nhưng gẫm cũng chẳng cần, vì cái ý ấy ai cũng nói ra được hết, lựa là phải có điển?

Đại để nhà chú thích ta hay phải cái bịnh háo sự và cũng đôi khi muốn khoe mình biết điển cố nhiều, thành ra chú thích không được hiệp phép. Chớ còn theo tôi, tôi tưởng chỉ nên chú thích những điển nào khó hiểu và vốn không sẵn có trong tiếng ta mà thôi; đến như lời nào đã rõ ràng, nhứt là trong tiếng ta có sẵn – như giết người không dao – thì không nên chú thích.

Thế mà có một điều đáng lấy làm thất vọng hơn nữa, là gặp chữ đáng chú thích mười mươi, mấy ông "Châu con" lại không chịu chú thích cho.

Như trong Truyện Kiều có câu: Lỡ làng nước đục bụi trong, trăm năm để một tấm lòng từ đây! Bốn chữ "nước đục bụi trong" nên hiểu nghĩa thế nào? Nếu không có chú thích thì đố ai hiểu cho đúng. Vậy mà tôi thấy bao nhiêu bản Kiều chẳng có bản nào chua được hết.

Trong sách Văn tuyển, Tào Thực có bài thơ, bốn câu giữa bài như vầy: Quân nhược thanh lộ trần; thiếp nhược trọc thuỷ nê: phù trầm kỳ dị thế, hội hiệp an khả hài! (Nghĩa là: Chàng như bụi ở trên đường trong; thiếp như bùn ở dưới nước đục; một đằng nổi, một đằng chìm, thế đã khác nhau, đâu có thể hội hiệp nhau!)

"Bụi trên đường trong, bùn dưới nước đục" mà nát ra thành "nước đục bụi trong", có hơi cượng đó chút; nhưng nếu chẳng lấy gốc ở đó thì không làm sao hiểu câu ấy được.

Trong bản Kiều Trần Bùi cũng có chua như vầy: "Nước đục bụi trong là bởi câu Trọc thuỷ thanh trầnTình sử. Ý nói cái nghịch cảnh, vì rằng nước thì thường trong mà hóa ra đục, bụi thì đục mà hóa ra trong, như thế là lỡ làng".

Như thế là nói mò! Không tìm được gốc nó ở đâu, chỉ ức chừng mà nói, bịa những chữ "hóa ra" và "nghịch cảnh" như vậy là bướng lắm, có hại lớn cho kẻ đọc.

Kết luận bài nầy tôi chỉ mong các nhà văn học nước ta nên định nghĩa hai chữ "dụng điển" lại cho thật đúng rồi thông dụng với nhau cho khỏi kẻ hiểu thế nọ, người hiểu thế kia. Còn đối với nhà chú thích thì tôi mong chú thích cho hiệp phép, đừng có cái lầm như hai ông Trần và Bùi chú thích Truyện Kiều đó nữa.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Có lẽ ý nói Văn học tạp chí, xuất bản từ tháng 5/1932, trụ sở 193 Hàng Bông, Hà Nội, chủ nhiệm là Dương Tụ Quán; hoạt động đến 1935. Tác giả Hải Lượng được nhắc đến ở đây là bút danh của Dương Quảng Hàm (1898-1946)
  2. allusion: ám chỉ, nói bóng gió; métaphore: ẩn dụ, tỉ dụ.