Sử với tiểu thuyết  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 179 (1. 12. 2932) và số 180 (8. 12. 1932)

Ai cũng biết sử – hoặc lịch sử – là thứ sách chép những chuyện đã xảy ra của đời xưa, còn tiểu thuyết là thứ sách chép những chuyện tưởng tượng mà bịa đặt ra của nhà làm tiểu thuyết, hai thứ không có thể lẫn lộn cùng nhau được. Ấy vậy mà có một thứ tiểu thuyết kêu bằng lịch sử tiểu thuyết (Roman historique), lấy một ít chuyện trong lịch sử làm cốt rồi tưởng tượng mà bịa đặt thêm ra, thứ tiểu thuyết nầy thì có thể lẫn lộn với lịch sử bởi những người ít học hay hiểu lầm.

Sự lẫn lộn nầy rất có hại. Một người hiểu lầm chẳng nói làm chi; đến phần đông trong một xã hội đều hiểu lầm mà làm cho tiểu thuyết lẫn lộn với lịch sử thì thật là một việc đại bất lợi cho xã hội ấy lắm, cần phải đính chánh mới được.

Lịch sử toàn chép những chuyện có xảy ra, là những chuyện thật. Bởi vậy lịch sử mới là cái gương tấn hóa của đời xưa để lại cho người đời sau soi chung. Nhưng lịch sử tiểu thuyết thì chỉ một cái "giàng trò" là bằng lịch sử, còn ngoài ra tác giả có thể lấy sự tưởng tượng của mình mà tô điểm thêm, giống với sự thật được thì càng hay, mà nếu có xa với sự thật hoặc rất đỗi trái với sự thật đi nữa cũng không ai trách. Bởi vì đã là tiểu thuyết thì chỉ cầu cho khoái cái mỹ cảm của độc giả là được, độc giả đọc mà thấy hay là được, chớ cái sự đúng với sự thật cùng không, là sự không cần.

Dân nào chịu giáo dục đúng đắn, có lý trí đầy đủ, biết phân biệt sự hư sự thật, biết thế nào là nói thiệt, thế nào là nói chơi, thì dầu cho đọc thứ tiểu thuyết hoang đàng đến mấy cũng không sao. Nhưng dân nào kém giáo dục, thạnh bên tình cảm mà suy bên lý trí, trong óc rặt những mầm mê tín mà chẳng có cái ánh sáng phán đoán lấy một tý ty, thì dân ấy phải cẩn thận mà đọc tiểu thuyết, nhứt là lịch sử tiểu thuyết.

Thứ dân nói sau đó họ đọc lịch sử tiểu thuyết thì ắt phải hiểu lầm ngay, dặn họ cẩn thận mà được? Điều ấy ta đã thấy rồi. Mà ta cũng đã thấy đến sự hại của nó nữa.

Ai đã tin những chuyện trong tiểu thuyết nói là chuyện thật, không khác chi chuyện trong lịch sử, thì cái loài người đời xưa ở trong óc họ đã thành ra loài ma quỷ hay loài thần tiên gì chớ chẳng còn phải là loài người. Đánh giặc với nhau bằng "phép", đi thì đi trên mây, như những chuyện Lê Huê Lưu Khánh đó, nếu mà cho rằng thật thì cái dây liên lạc của loài người từ xưa đến nay phải đứt ra từng khúc. Chẳng những vậy thôi, kẻ tin ấy còn vu cho loài người đời nay nữa: loài người đời nay đã tấn hóa, giỏi hơn đời xưa không biết bao, mà cứ như ý họ thì đã thành ra thối hóa! Hễ đã tin như thế, đã có cái quan niệm sai lầm như thế, thì trong óc cũng thường chứa những cái tư tưởng huyễn hoặc, lại thường ôm những cái hy vọng kỳ khôi, rốt lại sự sống của họ như sống trong chiêm bao, uổng phí cả một đời người. Ví phỏng một xã hội hay một dân tộc cũng sống trong chiêm bao, thì thôi còn nói chi nữa, cái hại còn phải nói!

Một ông thầy tu hiện nay ở một mình trong núi sâu, kể cái nhân phẩm con người thì cũng đáng phục thật, nhưng có lần đã nói vào tai tôi rằng: "Những cơ khí kỹ xảo đời nay, chẳng còn gì trị lại nó được nữa, hoạ chỉ còn có cái học "ngũ hành sanh khắc chế hóa" cho thật tinh vi mà thôi. Tôi ở chốn thâm sơn cùng cốc như vầy, cốt được tịnh tịch để giao với Thần minh, may có ngày Thần minh mách bảo cho mà đạt được cái mục đích cao xa ấy". Đó là cái tư tưởng huyễn hoặc, cái hy vọng kỳ khôi mà tôi đã nói, nó sẽ làm cho ông thầy tu ấy chết rụi theo với nó trong cái động kia, than ôi!

Ai mà còn chẳng nhìn thấy cái hại của sự hiểu lầm tiểu thuyết? Ai mà còn chẳng biết thương tâm vì những sự mê tín đương đầy dẫy trong dân gian? Thế thì ta nên đính chánh đi, bớt được chừng nào tưởng cũng hay chừng nấy.

Thứ tiểu thuyết thông hành trong xứ ta, không gì bằng truyện Tam quốc. Hôm nay tôi xin đem nó ra mà nói chuyện trước ở đây.

Những tiểu thuyết Tàu hạp với tỳ vị người mình nhứt là truyện Tam quốc. Hồi trước thì truyện bằng chữ Hán của người Tàu đem sang bán, hầu hết học trò đã thông sách rồi thì đều có đọc qua. Đến khi quốc ngữ thạnh hành, ở Hà Nội, Sài Gòn đều có bản dịch ra quốc ngữ, thì lại càng có nhiều người đọc hơn trước. Kể ra người mình tìm được những tri thức phổ thông ở trong bộ sách ấy cũng bộn bề lắm; song kể về đường hại cho tri thức thì cũng không phải là không. Tuy vậy, cái hại ấy không nên trách ở sách mà nên trách ở sự dân ta thiếu giáo dục, không đủ sức mà phân biệt sử với tiểu thuyết.

Khoan nói hạng người chỉ đọc truyện Tam quốc bằng bổn dịch; nói ngay những người đọc bổn chữ Hán mà cũng ít kẻ hiểu đúng rồi. Không nói hàm hồ, hết một phần lớn sĩ phu về phái nho học của ta vẫn tưởng truyện Tam quốc tức là sử đó.

Số là trong các sử Tàu có một bộ kêu là Tam quốc chí của Trần Thọ, người đời nhà Tấn làm ra, có giá trị lắm, được sắp hàng với Sử ký của Tư Mã Thiên, Tiền Hán thơ của Ban Cố, Hậu Hán thơ của Phạm Việp mà kêu bằng "Tứ sử". Sách Tam quốc chí ấy ở xứ ta ít có lắm, chỉ có ở quan với mấy nhà thế gia sang trọng mới có mà thôi, chớ còn ở dân gian thì thường nghe tên nhưng có khi nào cho thấy sách. Không thấy được thứ sách Tam quốc chí tức là sử ấy, mà cứ thấy truyện Tam quốc là tiểu thuyết kia luôn, vì tên giống nhau, nên nhiều người yên trí mà lầm tưởng cái kia ấy là cái nọ rồi.

Kỳ thiệt thứ sách bằng chữ Hán, ta quen kêu bằng Truyện Tam quốc, người mình đã do đó dịch ra quốc ngữ, thì tên là Tam quốc chí diễn nghĩa chớ không phải Tam quốc chí trơn. Có để hai chữ "diễn nghĩa", trông vào khắc biết rằng sách ấy do sách Tam quốc chí (sử) diễn ra, bằng một lối văn thông tục, tức là tiểu thuyết. Nhưng khốn thay! người mình học hỏi su sơ quá, thấy Tam quốc chí bèn tưởng nó chính là sử Tam quốc chí mà mình vẫn nghe, chớ cũng quên ngó đến hai chữ "diễn nghĩa" của người ta!

Bởi cớ ấy mà thuở xưa trong lúc còn làm văn khoa cử, nhiều kẻ đã lấy những sự tích trong Tam quốc chí diễn nghĩa đem ra dùng trong bài của mình. Nếu họ coi Tam quốc chí diễn nghĩa cũng như Phong thần, Tây du thì thôi, họ có dùng vậy đâu: họ đã dùng, vì họ coi nó là sử.

Mà cũng chẳng trách gì hạng học trò tầm thường ấy; cho đến ông Bùi Huy Bích, tấn sĩ nhà Lê, dọn sách Thiếu vi tiết yếu (tức là bộ sử Tàu gón lại mà người mình vẫn dùng làm sách học lâu nay) cũng đem những sự tích tiểu thuyết vào, là như chuyện Quan Vân Trường bỉnh chúc, mới đáng trách cho. Cái chuyện ấy, ở bên Tàu, chẳng sử nào có hết, những tay học giả đúng đắn đều bỏ ngoài tai, mà ở nước ta thì đem vào sử, rủ nhau cắm đầu mà học, trách nào chẳng càng học càng ngu càng dốt?

Đây hẵng nói sơ qua cái gốc tích của sách Tam quốc chí diễn nghĩa đã, rồi hãy nói chuyện kia sau.

Sách Tam quốc chí diễn nghĩa mà người mình đọc thuở nay và đã đem ra dịch đó, không phải do một tay tác giả nào đã làm ra, nhưng là sách dồn dập năm trăm năm, trải qua tay nhiều người mới thành ra đó. Người ta tra ra từ hồi đời Đường đời Tống thì bên Tàu đã có những người kể chuyện Tam quốc rồi, mà những chuyện ấy từng mục riêng ra, chớ chưa liên lạc từ đầu đến đuôi. Từ Tống sang đến Nguyên Minh, lại có diễn ra tuồng nữa, như những Tam chiến Lữ Bố, Khốc Châu Du, Đơn đao phó hội, v.v… vẫn cũng còn là rời rạc ra từng đoạn một. Kể riết ra thì đến hồi đầu nhà Thanh mới có sách Tam quốc chí diễn nghĩa mà ta đọc ngày nay đây. Thế là chuyện xảy ra xưa non hai ngàn năm, mà đến trước đây ba trăm năm mới chép thành sách, người sáng dạ nắm một chỗ đó đủ hiểu thật hư thế nào rồi.

Cũng có một thuyết nói hồi cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh, đã có sách Tam quốc chí diễn nghĩa, tác giả là La Quán Trung. Nhưng sách ấy không phải là sách ta thấy bây giờ đây. Lại đến cuối nhà Minh, có một bổn khác do Lý Trác Ngô phê bình, bổn nầy cũng lại khác với bổn ngày nay nữa. Bổn ngày nay là bổn của Mao Tôn Cương san cải, có Kim Thánh Thán phê bình, toàn khác với hai bổn trước kia.

Đó là theo lời trong bài tựa Tam quốc chí diễn nghĩa của Hồ Thích làm khi tái bản sách ấy mới đây do nhà in Á Đông đồ thơ quán ở Thượng Hải. Cái thuyết của họ Hồ đó tỏ cho ta thấy rằng Tam quốc chí diễn nghĩa chẳng phải sách xưa, vả lại chẳng phải do một người làm, trải qua một đời thì cái nội dung của nó hoặc thêm hoặc đổi, nhứt là cái bổn hiện lưu hành ngày nay, trong đó có một phần lớn là do sự tưởng tượng của Mao Tôn Cương mà khác với chuyện cũ đã lưu truyền từ đời xưa.

Ta cứ giở ngay mười điều "phàm lệ" ở đầu sách của bổn họ Mao thì đủ thấy. Tức như điều thứ hai, họ Mao nói thiệt tình rằng có những sự tích thêm vào, mà những sự tích ấy là cứ theo cổ bổn. Nhưng "cổ bổn" ở đâu, còn ai biết nữa? Chúng ta phải đoán quyết rằng những sự tích ấy là của họ Mao bịa ra đó thôi.

Như chuyện Quan Vân Trường bỉnh chúc, chính họ Mao nói là theo cổ bổn mà thêm vào. Nhưng xét xem các bổn tuồng Tam quốc hồi nhà Tống đến nhà Minh như đã kể trên kia còn nhiều nữa, mà đều không có chuyện ấy. Vả lại câu chuyện "bỉnh chúc" ấy từ nhà Tống về trước chưa hề nghe ai nói tới trơn, thế thì đủ biết là chuyện mới bịa sau.

Nay ta đem câu chuyện ấy ra đánh giá lại coi thử nó có đáng gì chăng.

Tam quốc chí diễn nghĩa, bổn Mao Tôn Cương, chép rằng sau khi Tào Tháo sai thuyết hàng được Quan Võ rồi (hàng Hán bất hàng Tào), đem Quan Võ và hai bà vợ (kêu bằng nhị tẩu) Lưu Bị về Hứa Xương, bắt nhốt chung một buồng để ép làm loạn cái luân quân thần và huynh đệ. Nhưng Quan Võ ở trong buồng, cầm cây đèn mà đứng hầu hai bà luôn cho đến sáng. Ấy gọi là câu chuyện "bỉnh chúc đạt đàn", nhà làm tiểu thuyết bịa chuyện ấy ra để tả cái tánh trung nghĩa và quang minh lẫm liệt của đức Quan công họ, và người mình cũng thường hay nhắc đến câu chuyện ấy mà trằm trồ "Ông" là thánh là thần. Nhưng, nếu ai biết nghĩ cho sâu một chút thì câu chuyện nầy cái láo của nó đã đành, dầu cho thật chăng nữa, thì cũng lại là câu chuyện rất tầm thường, chẳng đáng kể số vào đâu hết.

Trước hết phải biết Tào Tháo tuy là tay gian hùng thật, nhưng nó "sang trọng" lắm, không khi nào thèm làm cái việc bậy bạ ấy đâu. Người ta quên đứt đi rằng Tào Tháo vốn là chưn "Hiếu liêm" xuất thân, như "Cử nhân" ta vậy, nó nho nhã lắm chớ, biết trọng người tài; mà theo như tiểu thuyết nói, thì nó trọng Quan công lắm, đâu có làm việc bậy như vậy được? Theo sử, hồi Trần Lâm ở với Viên Thiệu, có làm bài hịch kể tội Tào Tháo mà nói phạm tới ông cha Tào, sau Lâm đầu về Tào, Tháo có trách Trần Lâm rằng: "Nhà ngươi làm bài hịch, kể tội một mình ta cũng đủ, sao lại kể đến ông cha ta?" Trần Lâm chịu lỗi rồi Tháo cũng dung cho, và đó về sau đối đãi Trần Lâm vẫn tử tế. Coi một việc đó thì biết Tào Tháo không có khi nào nhốt Quan Võ với hai vợ Lưu Bị vào một buồng.

Mà dầu cho Tào Tháo có bụng bậy toan làm vậy đi nữa là cũng không dám làm. Thà mà nó giết Quan Võ đi, chớ nó đã biết Quan Võ là kẻ hay khinh người, huống chi nó lại có ý thâu dụng Quan Võ nữa, mà nó còn làm vậy, há chẳng sợ Quan Võ coi nó như cầm thú sao? Khôn trổ trời như Tào Tháo, có lẽ nào cái việc vô nghĩa như vậy mà nó chịu làm? Vô nghĩa vì nhốt chung một buồng mà người ta không chịu loạn thì có phải phơi cái dại của nó ra không, Tào Tháo há là trẻ con mà không nghĩ đến nơi đến chốn?

Về phần Tào Tháo, đã không có thể có được việc ấy rồi; còn về phần Quan Võ, giả sử việc ấy có chăng nữa, Quan Võ đã bị nhốt cùng nhị tẩu chăng nữa, thì sự cầm đèn mà đứng là sự tự nhiên, một thằng lính của ông ấy cũng làm được chớ không cần anh hùng nghĩa khí như ông ấy mới làm được. Cái quái gì đó mà trung nghĩa? Cái quái gì đó mà lẫm liệt quang minh?

Người ta đã muốn cho mình loạn luân, ấy là muốn hãm hại cái danh tiết mình; lâm cảnh ấy, chỉ có đứa dâm như con khỉ đột trong vườn thú Sài Gòn[1] mà lại chí ngu, không biết một chút gì hết nữa, thì mới tắt đèn và đi nằm mà thôi. Còn kẻ dầu dâm cho mấy, nhưng có một chút khôn ngoan, biết tính lợi tính hại, biết hễ khi người ta toan hãm hại mình thì mình phải lo mà thoát thân, thì có cầm đèn mà đứng mười lăm đêm hơn Quan Vân Trường nữa họ cũng đứng được, chớ đừng nói thứ một đêm.

Hay! Quan Vân Trường bỉnh chúc đạt đán, câu chuyện hay! Câu chuyện như thần như thánh của người Tàu và người An Nam trằm trồ, khen ngợi, ca đi tụng lại bấy lâu nay, mà bây giờ đem đánh xác ra, nó thơ ngây mà vụng dại, rõ là câu chuyện nhà quê, câu chuyện con nít!

Ấy là cái lỗi của nhà tiểu thuyết bịa chuyện mà bịa không khéo; cũng tại cái lỗi người đọc tiểu thuyết không rành. Nhưng câu chuyện nầy sở dĩ được xem như thánh như thần bấy lâu, là ở một cái tâm lý , sau đây sẽ tiếp.

Sở dĩ trong truyện Tam quốc bịa chuyện ra để bôi dơ cho Tào Tháo, tô điểm cho Quan Công, là do một cái tâm lý; mà cái tâm lý ấy nửa phần bởi tánh tự nhiên của loài người, nửa phần bởi sử gia và vua chúa tạo ra.

Tánh tự nhiên của loài người, là tôi muốn nói về cái tánh ưa thiện ghét ác. Thật thế, người ta chưa chắc là làm điều thiện hết thảy, song theo lương tâm thì ai cũng ưa điều thiện như ai. Bên ác cũng thế; kẻ kia làm điều ác luôn, nhưng vẫn ghét điều ác. Tào Tháo là tay gian hùng, cướp ngôi nhà Hán, tất nhiên phải bị người ta ghét. Còn bên Lưu Bị, Quan Công, chưa chắc thiện cùng chăng, song đã nghịch với Tào Tháo, thì làm cho người ta ưa, là lẽ cố nhiên.

Đức Khổng có nói một câu, ý như vầy: "Điều ác của vua Kiệt vua Trụ chưa chắc là quá lắm như trong sách đã truyền lại; có điều hễ đã là người ác thì bao nhiêu cái ác cũng đổ về. Cho nên người quân tử không chịu ở giòng dưới, sợ bao nhiêu thứ dơ bẩn đều tấp về đó".

Câu ấy đem suy ra việc Tào Tháo cũng một lẽ. Tào Tháo vẫn ác, nhưng chưa ác đến như những chuyện trong tiểu thuyết đã vu cho nó đâu. Tôi nói làm vậy không phải là để đỡ gạt cho Tào Tháo, nhưng chỉ có ý minh biện sự thiệt hư, hầu cho những người hay quá tin khỏi bị lầm bởi những tay tiểu thuyết Tàu đó thôi.

Ưa thiện ghét ác, là cái tâm lý sẵn có của mọi người; nhưng nội một sự đó thôi, chưa đủ làm cho Tào Tháo đến ác và Quan Công đến thánh thần như vậy. Phải có nhà làm sử nữa để giúp cho cái tâm lý ấy càng thêm mạnh hơn.

Phải biết trong sử học nước Tàu có một chỗ họ hay tranh nhau, là cái thuyết chánh thống. Khi trong nước chỉ có một nhà làm vua mà thôi, thì chánh thống (mối chánh) về nhà ấy, đã cố nhiên rồi. Còn khi trong nước chia tư chia năm, mỗi người làm vua một góc thì chánh thống về ai? Ấy đó là chỗ tranh nhau.

Theo lẽ, gặp khi như vậy, nhà làm sử cứ liệt các nhà vua ấy ngang hàng nhau cũng được chớ. Nhưng theo thuyết nhà nho "Trời không hai mặt trời, dân không hai vua: Thiên vô nhị nhựt, dân vô nhị vương" tự thuở nay, thành ra họ phải tôn một nhà làm chánh thống mà thôi, còn bao nhiêu là ngụy.

Muốn tôn một nhà nào làm chánh thống, sử gia sẽ cứ vào đâu? Điều nầy thật chẳng có chuẩn đích gì nhứt định hết, mà lộn xộn lắm. Họ căn cứ cho tới mấy cái điều kiện, song đây hẵng kể lấy hai cái: một là nối theo chỗ đóng đô cũ của triều vua trước; hai là cùng triều vua trước có dính dấp bà con.

Sau đời Tam quốc, nhà Tấn tu sử thì để chánh thống về nước Ngụy, tức là con cháu Tào Tháo. Cách đó sáu bảy trăm năm đến nhà Tống, ông Tư Mã Quang làm bộ sử Tư trị thông giám cũng còn để chánh thống về Ngụy luôn. Ấy là theo cái điều kiện thứ nhứt, bởi Ngụy đóng đô Hứa Xương là nơi Hán Hiến đế đã đóng đô.

Bước qua đời Nam Tống, ông Châu Hy làm sách Cương mục, mới bắt đầu truất chánh thống của Ngụy đi mà đem dâng cho Thục Hán, tức là Lưu Bị. Ông Châu Hy làm việc mới mẻ nầy, tự cho là bắt chước cái bút pháp Xuân thu của Khổng Tử; và người đời sau cũng đã nhìn nhận cho là như vậy. Đó là ông cứ theo cái điều kiện thứ hai, bởi vì Lưu Bị là dòng dõi của Lưu Bang (Hán Cao tổ).

Nhưng người ta thấy ra các sử gia ấy bữa nay đem chánh thống dâng cho nhà nầy, đến mai đem dâng cho nhà kia như vậy, ấy chẳng phải bởi cái lòng công bình gì cả, nhưng chẳng qua là vì bổn triều của mình đó thôi. Nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, nhà Tống (Khuông Dẫn) cướp ngôi nhà Châu, cùng một loài với con cháu Tào Tháo; nếu mà truất Ngụy đi thì day động đến việc đương thời, cho nên họ phải để chánh thống về cho Ngụy. Còn đến đời Nam Tống, bị nước Kim choán mất già nửa phần thiên hạ phải ở ghé một góc phía nam, tình hình giống như Thục Hán, bởi vậy ông Châu Hy để chánh thống về nước Thục Hán, tức có ý tôn Nam Tống là chánh thống đó thôi.

Ông Châu Hy là bậc đại nho, có thế lực trong học giới nước Tàu lắm, mà ông đã làm vậy, thì tự nhiên có ảnh hưởng. Từ đó về sau kẻ học đều cho cái thuyết của ông là phải; và ai nấy xúm nhau chê trách những kẻ chủ trương như ông Tư Mã Quang.

Mọi người đã sẵn lòng ưa thiện ghét ác, mà lại chịu thêm cái ảnh hưởng của sử gia Châu Hy, thành ra từ đó càng thêm vị nể bên Lưu Bị Quan Công và nói xấu cho Tào Tháo, ấy là một điều hiển nhiên trên lịch sử.

Bao nhiêu những chuyện phô trương cho bên Thục và gìm ếm bên Ngụy, đều nhóm lên từ hồi Nam Tống về sau, bởi đã chịu ảnh hưởng của sử gia Châu Hy, mà trước kia chưa hề có. Sự nầy đã nói ở bài trước.

Riêng về phần ông Quan Võ, ông ấy chỉ là một tay mãnh tướng, đánh giặc bị bại trận mà tử tiết, cũng như Trương Tuần, Hứa Viễn hồi nhà Đường, chớ chẳng khác là bao. Song gần ba trăm năm nay, từ bên Tàu đến bên ta, hầu khắp các nơi đều có nhà thờ ông hết, cho đến đàn bà trẻ con cũng biết tiếng và kính sợ, cũng là bởi cái tâm lý trên kia mà nhờ có nhà vua làm cho mạnh thêm.

Vẫn biết người trung nghĩa thì làm cho đời sau mến phục, song ông Quan Công đã được người ta mến phục rồi, còn được người ta tin tưởng gần như một ông giáo chủ nữa, thì thiết tưởng cũng là một điều lạ, chẳng phải một cái trung nghĩa của ông mà đủ được thế đâu.

Xem nhiều sách Tàu, từ nhà Minh về trước, chẳng thấy sách nào nói chuyện Quan Công hiển thánh hết. Từ ngày Tam quốc chí diễn nghĩa của Mao Tôn Cương ra đời rồi mới có chuyện ấy.

Có nhiều nhà học giả Trung Hoa khảo cứu chuyện ấy rồi nói rằng Quan Công sở dĩ được linh hiển và trở nên như một đấng thánh, ấy là tại vua nhà Thanh. Nhà Thanh, bắt đầu từ vua Thuận Trị, Khương Hy thì đã tôn thờ Quan Công, coi gần bằng như Khổng Tử, ấy chẳng qua để khuyến khích cho bầy tôi cũng cho trung nghĩa như vậy đối với mình. Mà từ đó rồi dân Tàu hóa theo, đâu đó lập đền lập miếu thờ Quan Công, kẻ đạo sĩ lại còn lợi dụng nữa mà bày ra những kinh những sách; người Tàu đến đâu cũng đem tượng và kinh của Quan Công theo, thành thử cái đạo ấy cũng lan đến bên ta.

Mao Tôn Cương, người san cải sách Tam quốc chí diễn nghĩa, là người ở vào cái thời đợi mà học thuyết Châu Hy đương thạnh hành và sự sùng bái Quan Công của vua nhà Thanh đương tràn khắp. Nhà tiểu thuyết đã do cái tâm lý của chính mình rồi còn hùa theo cái tâm lý của quần chúng nữa, nên mới dọn lại bộ truyện Tam quốc mà trong đó hầu hết chỗ nào cũng binh bên Lưu, bỏ bên Tào.

Tam quốc chí diễn nghĩa khác với Tam quốc chí Trần Thọ, chẳng những ở sự bịa đặt thêm mà thôi, còn ở chỗ đó nữa. Ấy là như trên kia đã nói, sử nhà Tấn tức là sách của Trần Thọ đó, vẫn nhìn chánh thống về bên Tào, thì đâu có những sự phô trương thái quá cho bên Lưu đâu.

Chẳng những một việc Quan Công, mà việc Khổng Minh (tức là Gia Cát Lượng) cũng vậy. Theo truyện Tam quốc của Mao Tôn Cương thì Khổng Minh như là một đấng tiên tri, một trang thần tướng; song theo Tam quốc chí của Trần Thọ thì chẳng hề như vậy.

Chính tay Trần Thọ chép chuyện Gia Cát Lượng có nói rằng: "Tài ông Lượng về trị binh thì hay, chớ về mưu lạ thì kém; cai trị dân sự giỏi hơn làm tướng" (Lượng tài ư trị nhung vi trường, kỳ mưu vi đoản; lý dân chi cán ưu ư tướng lược), thế thì ông Khổng Minh giỏi về mặt gì, ương về mặt gì, tỏ rõ lắm, vậy mà truyện Tam quốc nói ông gặp việc gì cũng biết trước, định kế gì cũng như thần, chúng ta có thể nào tin được ư?

Cũng có người cho rằng Trần Thọ vì ghét bên Thục cho nên nói xấu cho Khổng Minh. Song những người ấy, sợ họ chưa đọc đến "Truyện Gia Cát Lượng" của Trần Thọ mà họ nói ức chừng, chớ đã đọc đến rồi thì sẽ thấy Trần Thọ đối với ông Khổng Minh thật hết lòng kính chuộng, khen ông nhiều lắm, chỉ chê có bấy nhiêu, lời của nhà làm sử nầy thật có giá trị lắm thay!

Trần Thọ ở cách Khổng Minh không đầy một trăm năm, nói không nhằm hơn, không đáng cho chúng ta nghe hơn là Mao Tôn Cương, người làm tiểu thuyết, sau Khổng Minh đến hơn một ngàn năm lận sao? Lấy một cớ ấy đủ biết ai thiệt ai hư, huống chi một đằng là lịch sử, một đằng là tiểu thuyết.

Tôi viết bài nầy nhơn vì thấy sử học trong nước ta còn kém quá mà có nhiều tiểu thuyết ra đời, sợ nó làm sai lầm sự tri thức của quốc dân đi. Thôi không kể việc nầy là việc nước Tàu. Ngay như sử nước ta, ít người đọc đến, trong nhà trường dạy về khoa Nam sử cũng rất su sơ. Vậy mà trong các hàng sách, đầy những lịch sử tiểu thuyết, nào là Lê triều Lý thị, nào là Gia Long tẩu quốc, e cho nhiều kẻ khát khao việc cũ tích xưa trong nước mà không thấy đâu, rồi trở đi tin những tiểu thuyết ấy, cho là sự thiệt, thì cũng đủ khốn lắm vậy!

Một dân tộc trước phải chứa lịch sử vào óc cho đầy đặn đã, rồi sau mới cho xem đến lịch sử tiểu thuyết. Hễ đã biết tích lớp đời xưa theo như trong sử rồi, thì dầu sau có thấy những chuyện huyễn hoặc trong tiểu thuyết cũng không tin. Cái nầy, lịch sử chẳng biết một chữ nào hết, mà cứ nhận đầy trong óc những tiểu thuyết là tiểu thuyết, thì có ngày đến phát điên phát khùng ra mà chớ!

Ấy là một việc coi không chi mà quan hệ lắm thay!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Ở  vườn thú Sài Gòn hiện có nuôi một con khỉ đột, hễ nó thấy trong đám người đi coi nó, đàn ông đàn bà đứng gần nhau thì nó nổi chứng lên, nhăn nhó mặt mày mà nhảy nhót làm bộ dữ lắm; người ta nói nó có tánh dâm lại ghen nữa (nguyên chú của PK).