Sống mòn/Phần X
Bà cụ Hà làm cơm sang quá. Những ba món ăn toàn cá thịt hẳn hoi. Ấy là chưa kể đĩa rau, món ăn chính của... San và Thứ xưa nay. Cơm dẻo trắng như bông . Cái mâm thau đánh sáng choang, bát đĩa chùi sạch sẽ. Chưa bao giờ Thứ được hưởng bữa cơm thường tươm tất như thế. Y hơi áy náy, hỏi San.
- Chúng mình đưa mỗi tháng có bảy đồng mà bà cụ làm hoang thế này mà không lỗ vốn ư?
- Lỗ thì không lỗ, nhưng cũng chẳng còn được lợi gì.
Thứ tính ra rằng họ đưa như vậy, thì mỗi ngày cả hai người mới được bốn hào, chưa đến năm hào, độ bốn hào với sáu xu gì đó. Nghĩa là có hai hào ba một bữa cơm, vừa gạo, vừa các thức ăn, lại còn phải kể cả củi, nước và mắm muối. Như vậy thì tính nguyên cơm với thức ăn, mỗi bữa chỉ vào khoảng hai hay chưa đến hai hào. Bữa nào cũng cá thịt như thế này thì làm thế nào cho đủ được. San lẩm nhẩm tính từng đĩa đồ ăn và bảo: đủ...
- Có lẽ may ra thì cũng đủ. Nhưng chỉ đủ thôi thì không được. Bà cụ thổi nấu không công cho chúng mình ư?
- Tôi nói đủ nghĩa là đủ cả cho bà cụ. Gạo thì mỗi người ăn chẳng là bao. Ngay cả vợ thằng Mô ăn vào đấy nữa, cũng chẳng phải thêm mấy. Còn thức ăn thì cố nhiên là chúng mình không ăn hết đấy thôi. Thế nào chúng mình cũng phải để thừa chút ít. Chỗ thừa ấy bà cụ ăn...
San lại tính cho Thứ biết rằng ở nhà quê bảy đồng bạc có thể đủ cho cả gia đình. Hai vợ chồng, một con, một đứa ở ăn. Ở nhà quê mỗi người chỉ ăn chừng một xu hoặc xu rưỡi, hai xu... Thứ ngạc nhiên. Sự sinh hoạt rẻ đến thế mà sao dân quê mình vẫn đói? Ở làng Thứ, bao giờ cũng như bao giờ, hiếm hoi lắm mới có một bữa no, bữa đói hay một bữa thôi. Trong mười nhà thì có đến chín nhà phải chia cơm. Mà nào có được hoàn toàn là cơm! Họ phải ăn độn ngô, khoai. Những năm lụt, bão hay đại hạn, mất mùa thì cháo rau má, cháo cám, rau luộc trừ cơm. Thứ đã từng thấy có người ăn lá sắn tầu luộc làm rau, lá bà mụ nấu canh, sung luộc... Có người ăn cháo, nấu chỉ có một tí gạo còn thì toàn nõn khoai ngứa, có khi cả những cái lá non, bỏ vào cho đặc và nhiều. Có người ăn củ chuối... Một ông lão hàng xóm đã kể cho Thứ nghe một câu chuyện ngụ ngôn. Một năm lụt, một buổi tối ông gọt sạch sẽ một cái củ chuối, ngâm bên dưới cầu ao cho nó hết nhựa đi, để sáng mai ăn. Ông cứ tưởng mình như thế đã là cùng cực lắm rồi, và khi ngủ rất yên tâm, chẳng thắc mắc một tí nào về kẻ trộm. Ấy thế mà lại có một anh hàng xóm khổ hơn, lúc chập tối trông thấy ông ngâm cái củ chuối ở cầu ao, đêm đói quá, sinh thèm không ngủ được phải vùng dậy, im hơi lặng tiếng lội qua ao, lấy trộm cái củ chuối, rồi lại lóp ngóp lội về nhà mình ăn... Thứ nghĩ đến tất cả những điều ấy và lại càng thấy rằng bữa ăn của mình quá phong lưu. Có thể gọi là xa xỉ rồi đấy. Y nghĩ đến bà, đến mẹ, đến vợ, đến em... Y nghĩ đến một lão ăn mày có những chiếc răng thưa đến nỗi chẳng còn chiếc nào dính chiếc nào, cũng dãi, cũng dớt, cũng bẩn thỉu như cái thân hình còm rom và dài thườn thượt của lão ta. Hình như lão có họ hàng xa xôi gì với nhà y, nên mỗi lần đến bà y bảo đem cho những một xu (những người kia chỉ được một trinh hay một kẽm thôi). Lần nào Thứ cũng tranh lấy cái việc đem cho. Chẳng lần nào y chịu chon gay. Y nắm chắc đồng xu trong tay, bắt lão đọc cho nghe bài vè con chuột, chẳng biết lão đặt ra hay học ở đâu, mà cả vùng y chỉ có mình lão biết. Hồi ấy y mới chỉ là một thằng cỏn con, độ lên bốn, lên năm. Y nghe nhiều, đến thuộc cả đi. Nhưng bây giờ thì cố nhớ lại, y cũng chỉ còn nhớ được bốn, năm câu vào quãng giữa thôi...
... Tý hợi khai thiên
Đặt tên là chuột,
Cái đuôi vuôn vuốt
Cái mõm thì dài
Trời làm đại hạn.
Lão chỉ đọc, chứ chẳng hát hoặc ngâm nga, nên khi y đã thuộc hết rồi, thì nghe đi, nghe lại cũng chẳng thú vị gì. Nhưng y cũng cố cứ bắt lão đọc cho bằng được mới nghe. Hình như y muốn làm tội, làm tình lão ta chơi. Lão để giục ba, bốn lần rồi mới chịu đọc vè, biết không đọc cũng không xong. Nhưng lão đọc bằng một cái giọng miễn cưỡng, bực mình, hấp tấp vội vàng, tiếng nọ vấp vào tiếng kia, và thường thường ăn bớt câu, như sốt ruột, muốn chóng xong, hoặc chưa hết bài đã dừng lại, ì ra, không đọc nữa. Thế rồi mặt khó đăm đăm, nhăn nhó, lão nuốt nước dãi, rít đến "sịt" một cái qua những kẽ răng thưa, hơi há mồm ra, khoe những chiếc răng khểnh, như suốt đời chưa bao giờ ăn cả... Y nghĩ đến một câu của Gandhi mà y chỉ còn nhớ mang máng nghĩa đại khái của câu: "Mỗi miếng ăn, ăn vào những lúc chẳng cần ăn, là một miếng giật lấy của những người khổ đói".
Mâm có những hai bát cá riêu. San và Thứ bàn nhau hai người ăn chung một bát thôi, còn để bát kia nguyên vẹn, để bà cụ Hà không phải ăn thừa. Đó là một cách kính già. Tự nhiên Thứ lại nghĩ đến bà y. Bà cụ Hà chắc phải coi y, một ông giáo, như là một người biệt hẳn bà, trên hẳn bà, thuộc vào cái hạng như bà chỉ đáng làm u già, đầy tớ. Hẳn bà không ngờ rằng ông giáo lại có những người đàn bà cũng rách rưới như bà, lam lũ như bà, mà lại còn khổ hơn bà một nước, là phải đói. Thứ không ao ước gì hơn là có thể nuôi bà y mỗi ngày hai bữa cơm như hai bữa cơm của bà Hà bây giờ. Một ý nghĩ nảy ra trong khối óc y. Mời bà theo mình để bà thổi nấu cho mình với San ăn. Như vậy thì có phải bà đỡ vất vả mà lại được no không? Mà y vẫn phải chi tiêu bằng ấy. Việc ấy giá thực hành được thì cũng hay hay, nhưng y sợ mang tiếng với San. Đã muốn phụng dưỡng bà thì phụng dưỡng ra hồn, chứ nuôi bà để bà làm đầy tớ cho mình thì thiên hạ cười vào mặt. Vả lại, bà cụ cũng chẳng chịu đi nào. Vợ con Thứ còn phải ở nhà thì đằng nào bà cụ chịu đi để y nuôi. Thỉnh thoảng, Thứ biếu cụ dăm ba đồng để ăn quà, cụ vẫn giữ tiếng không chịu nhận.
Hai vợ chồng cháu đi ăn riêng, đã chẳng cho cháu được tí gì!... Bà cụ cứ nghĩ thế và tự làm khổ cái thân mình một cách vô lý quá. Bà Thứ đã khổ suốt cả một đời. Thủa bé, bố chết mẹ đi lấy chồng, bà đã phải đi làm con nuôi nhà người, cùng với người em. Người ta nuôi, có phải vì hiếm hoi gì đâu, chỉ là cầu lấy việc đó thôi. Nghĩa là đi ở không công. Cái khổ còn biết nói thế nào cho xiết. Lớn lên lấy chồng nghèo, chồng lại cờ bạc, rượu chè. Cứ vợ làm ra được tí nào, chồng lại phá đi. Vợ chồng đánh, chửi nhau. Rồi nhân một chuyến thua bạc, ông chồng cầm cố sạch nhà cửa, ruộng vườn, bỏ làng đi biệt tích, chẳng bao giờ còn về nữa. Năm ấy bà mới có hăm ba tuổi với được một người con. Bà ở vậy nuôi con, gây dựng cho con, rồi nuôi cháu, gây dựng cho các cháu. Suốt một đời, bà chỉ những làm, những lo hết việc nọ đến việc kia, chưa một phút nào được rảnh rang. Bây giờ tuổi già đã đến rồi. Đã lẽ bà đã đến lúc được nhàn thì nhà lại túng, và các cháu, đứa bé còn bé quá, chưa làm gì được. Những đứa làm được thì lại có vợ, có con; chúng nuôi vợ con chúng chưa xong, còn nói gì đến chuyện nuôi bà nữa! Ấy thế là bà lại vẫn phải lo. Hết lo ăn, lo mặc, lo tiền thuốc thang lúc ốm đau, lại còn lo làm sao dành dụm được một món tiền vài ba trăm, để lúc chết làm ma, khỏi phải để khổ đến con, đến cháu. Sao lại có một người từ lúc bé cho đến lúc già lại chỉ những lo là lo như vậy? Thứ thương bà lắm. Thật lòng y muốn sống rút đi mười năm để có thể làm cho bà sung sướng lấy vài ba năm trước khi rời cõi đời khổ ải này. Y rất sợ bà chết đi mà chưa được hưởng một chút gì, chưa trông thấy một tí gì của chính y. Y rất có thể không nuôi vợ con, để nuôi bà. Nhưng bà lại không bao giờ để cho y làm thế. Bà giữ tiếng... Có lẽ chỉ khi nào Thứ đem được vợ con đi, thì bà mới chịu đi. Nhưng nghĩ đến lúc ấy, Thứ vẫn thấy ngại ngùng. Già trẻ là hai thái cực không nên để gần nhau. Thứ kinh nghiệm đã biết rồi. Bà già chưa bao giờ được ăn ngon, không thể quan niệm rằng người ta có thể ăn ngon, chưa bao giờ được nghỉ ngơi, không thể tin rằng người ta có quyền được nghỉ ngơi, chưa bao giờ được vui vẻ, yêu đương, không bằng lòng cho kẻ khác yêu đương và vui vẻ. Trước mắt bà, Thứ vẫn luôn luôn đóng bộ mặt ghét Liên. Y vẫn phải giả vờ chép miệng, lắc đầu nghe bà phàn nàn với y về những tật hoang phí vô lối, lười biếng của Liên, tuy y biết Liên vẫn lo hóp người đi, ăn chẳng đủ no, và chỉ săn sóc đứa con nay sài mai đẹn của y của đứt hết thở rồi, huống chi lại còn phải làm để kiếm tiền thêm nữa. Ấy là bây giờ Liên còn phải làm mà ăn còn thế (y chỉ giúp đỡ Liên ít và ngấm ngầm thôi) huống chi là lúc Liên hoàn toàn trông cậy vào chồng. Y đã đoán trước ra những sự ghen tức, những lời kêu ca, day dứt, những nỗi bủn xỉn, cay nghiệt của bà. Rồi bà chỉ những hậm hực suốt ngày, những tiếc tiền, những nặng mặt sa mày, giận dỗi mát hờn mà cháu cũng bực bội, buồn rầu, ngao ngán. Gia đình mất hẳn vui. Bà khổ, Liên khổ, mà ngay chính cả y cũng khổ. Con người ta, vào cái hạng phải nai lưng ra làm mới có được miếng ăn, thì chỉ lo sao kiếm nổi mỗi ngày vài bữa cơm no đã chật vật lắm rồi. Nhưng thật ra thì ăn no đã đủ đâu. Nếu sống mà không thấy sống là vui, thì thật không đáng sống. Chao ôi! Cuộc sống như cuộc sống của chúng ta đang sống bây giờ đã thật có gì đáng cho ta thấy vui chưa? Người ta ghét nhau hoặc yêu nhau, nhưng bao giờ cũng làm khổ nhau cả. Tại sao như vậy?...
Vợ Mô đi làm về, tạt qua sân, đi thẳng vào bếp của ngôi nhà lá. Ngôi nhà lá hiện không có người thuê. Bà cụ Hà được dùng tạm, không phải tiền nong gì cả. Bà Hà vẫn ăn cơm trong đó. San đưa mắt ra hiệu, bảo Thứ nhìn. Y lấm lét nhí nhảnh, trông ghét lắm. Thứ lừ lừ, tỏ ý không bằng lòng và ra hiệu cho San biết ông chủ nhà đang ngồi xay bột đậu ở ngoài sân có thể trông thấy được. Y cũng nhìn ra, nhưng vẫn giữ nét mặt nghiêm và làm như không chú ý.
Hà không đẹp. Dáng người cứng, đuỗn. Mặt dẹt quá. Cái mũi hơi đỏ. Da sần sần, nhờn, trông như bẩn. Cổ chân, cổ tay thì thô lắm. Nó bước mải, cái đầu hơi nghẹo đi, như thẹn. Còn cách hè độ mười bước, nó ù té chạy tọt vào. Thứ nghe tiếng nó cười ri rí, như vừa cười vừa bịt mồm, và tiếng bà cụ làu nhàu chửi. San lại đung đưa đôi mắt, cười. San thèm những cử chỉ uốn éo, nũng nịu. Y vẫn thường kêu với Thứ:
- Lấy vợ nhà quê tức tức lạ! Chẳng biết làm nũng gì cả. Giá tôi là con cái, tôi làm nũng thì phải biết!...
Cửa buồng đóng chặt rồi, đôi bạn nằm khểnh trên giường, vừa xỉa răng, vừa bàn tán nhỏ với nhau về vợ thằng Mô:
- Xấu quá! Không bằng nửa con Lân. Sao thằng Mô không lấy con Lân nhỉ?
San bảo thế... Lân là nhân tình cũ của Mô. Đã có hồi cứ sáng sáng, hai nhà giáo ra đứng ở sân gác, đợi nhìn một con bé đi chợ sớm. Con bé khá xinh, đôi mắt đen lay láy, có lẽ còn đen hơn vành khăn nhung nó đội rất khéo trên đầu. Ngực chắc nịch, thân thể nở nang và khêu gợi, tròn, béo lẳn, lồ lộ trong chiếc áo dài bằng phin trắng may thật khít với chiếc quần lĩnh đen, óng ả, buông chùng kín gót chân và đi guốc quai da láng. Nó đi yểu điệu, khoan thai, hơi lấy dáng, hai tay vung vẩy một cách dịu dàng, mềm mại. Ai dám bảo nó là một con sen? Hai nhà giáo vẫn nhìn nó bằng đôi mắt rất thèm thuồng. Nhất là San: y vẫn vuốt ve từng nếp thân thể nó bằng con mắt. Nhưng bỗng một hôm, San nghe lỏm được một câu hai thằng em Đích bảo nhau:
- Nhân tình thằng Mô đấy!
Y sửng sốt. Y khoe với Thứ. Thứ hỏi Mô thì Mô tủm tỉm cười. Nó chối. Nhưng lại cho Thứ biết con bé là con nuôi nhà bà đỡ. Nó lại thêm:
- Gọi là con nuôi, nhưng chính là con sen nhà bà ta. Bà ta giả nó mỗi tháng có năm hào.
- Thế nó lấy tiền đâu mà diện thế?
- À, thưa cậu, cái giống nó đỏng đảnh thì nó ăn vận thế, chứ thật ra ở nhà nó cũng khổ hơn con chó. Không những hầu hạ vợ chồng nhà bà đỡ, lại còn hầu hạ cả những người đến đẻ dơ dáy, bẩn thỉu. Có khi phải giặt dịa cả cho người ta. Đến lúc về, người ta cho nó dăm hào. Nhờ có những số tiền ấy, nó mới may mặc được quần, được áo...
Một buổi sáng Chủ Nhật, Lân vừa đến ngang chỗ cửa trường, Mô đứng trong nhà dặng to một tiếng. Lân quay vào, toét môi cười. Thứ nhận ra rằng nó cười không đẹp: những chiếc răng to quá, ánh lên môi, làm thâm cả đôi môi dày quá. Trông thật là khả ố. Từ hôm ấy, y cứ dần dần tìm ra những vẻ thô của người Lân, những vết tích không thể xóa của đời con sen, con ở. Bàn tay Lân chắc phải nhơ nhớp lắm. Y tờm tởm. Y không còn nhìn Lân bằng những con mắt ham muốn nữa. San không thế, đã đành y cũng không dám nhìn Lân một cách quá đường hoàng như trước nữa nhưng y vẫn bảo với Mô:
- Mày cứ lấy nó đi! Mô ạ! Vợ đẹp thế không lấy, còn lấy ai? Mà nó lại sang. Mày lấy nó, lúc về làng ta, vợ mày cứ hơn những bà lý, bà phó đấy. Cứ hơn cả vợ chúng tao. Mày xem: mợ mày có quần lĩnh thì nó cũng có quần lĩnh, mợ mày có khăn nhung nó cũng có khăn nhung, nó lại còn hơn mợ mày cái áo trắng dài và đôi guốc quai láng nữa, mợ mày dám diện cũng chỉ dám diện đến áo the thâm, chứ làm gì dám mặc áo trắng dài. Mà guốc thì chỉ tối rửa chân thôi, chứ đã ra đến đường là đi đất!
Mô cười khinh bỉ bảo:
- Cậu cứ dạy làm vậy, chứ hạng con làm gì đã dám lấy vợ mặc quần lĩnh áo trắng dài?
- Mày không lấy nó thì chim nó làm gì?
- Thưa cậu, con có chim nó đâu! Nó chim con đấy chứ...
Thấy San và Thứ bật cười, nó đỏ mặt lên. Mà thực thế, chính con Lân chim nó trước. Nó là con gái nó chẳng sợ thì Mô việc gì mà sợ... ? Nhưng Mô cũng thú thật rằng đã có lúc nó toan lấy Lân làm vợ thật. Chúng đã bàn định với nhau. Chúng sẽ về quê Mô, làm ruộng làm vườn. Liên biết nghề đỡ đẻ, không có bằng cấp thật, nhưng ở nhà quê thì ai cần gì sự đó... Mô thấy cũng có lý. Chúng đã suýt thu xếp lấy nhau. Ấy thế rồi suy đi tính lại thật kĩ càng, Mô lại không lấy nữa. Chỉ vì cái đẹp không mài ra mà ăn được. Đỡ đẻ cho mỗi người, người ta cũng biếu dăm, ba đồng bạc thật nhưng cả năm được mấy người? Nhất là ở nhà quê, chẳng mấy người chuộng những bà đỡ theo Tây. Trẻ như Lân thì lại càng chẳng có ma nào mời đến. Thế mà ngoài cái nghề đỡ đẻ học mót được, thì Lân còn biết làm gì? Vườn không quen, ruộng không quen, hàng xay hàng xáo không quen. Ngay đến dệt vải cũng không biết dệt. Ăn không nhi di! Mà lại thích ăn trắng mặc trơn. Mà lại còn biết cả tỉa lông mày, đánh phấn bôi môi, vuốt tóc bằng những chất làm cho mượt bóng. Đã chắc gì khi lấy Mô rồi nó chịu chừa những cái dởm ấy đi và biết chịu thương chịu khó, chịu đầu gio mặt muội, chân lấm tay bùn, để sống với nhau? Đã chắc gì! Chưa lấy Mô, nó có là bà vương, bà tướng gì đâu? Cũng cơm thầy cơm cô, cũng chỉ là một con sen. Thế mà động ra khỏi cửa là quần chùng áo dài ruôn ruốt. Nước ban ngày không dám gánh sợ người ta trông thấy, chỉ chờ đến đêm khuya mới ra máy gánh một mình. Có khi ngại gánh, bỏ tiền túi ra thuê. Thế rồi lại còn động cỡn đánh đôi đánh lứa với con sen nhà bà Phán, hai đứa rủ nhau đi chụp ảnh, cả hai đứa cùng mặc tân thời, giày gót cao, cổ lại đeo kiềng vàng tử tế. Chắc là đồ lề của hiệu ảnh cho thuê chớ sắm thì những mã ấy, lấy tiền đâu. Mà mượn thì ai rỗi hơi cho những quân ấy mượn?...
Đó là theo cái giọng của Mô. Nghe nó nói thì ra sự nó ghét con Lân lắm. Nó mỉa mai và hằn học. Nhưng San bảo Thứ:
- Thật ra thì cu cậu cũng thèm rỏ dãi. Anh tính: miếng ngon thì thằng nào chẳng thích ăn. Có thằng nào thích của không ngon? Mà lấy vợ thì anh con trai nào chẳng vậy. Ngu đến đâu mà không biết thích con gái đẹp. Tôi thì tôi đoán chắc thằng Mô cũng thích lấy con Lân lắm. Nhưng nó không dám lấy. Ở nhà quê có vườn đất nhà cửa gì đâu. Mẹ nó chỉ có đâu một sào vườn với một cái túp con con. Nó sợ xấu hổ với con kia, về trông thấy cơ cảnh ấy, chắc cũng sinh chán mà chẳng sớm thì muộn cũng tìm đường, tìm nẻo tếch... Chắc là cậu cả Mô suy tính thế, chứ con Lân đẹp thế thì sao mà không muốn lấy?
San mỉm cười, bảo thêm:
- Đừng nói gì đến thằng Mô, ngay đến hạng chúng mình mà không phải lấy ư? Tôi hỏi thật anh: anh chẳng hạn, nếu nó lấy anh thì anh có lấy nó không?
Thứ nghĩ đến những bàn tay nhơ nhớp của Lân và tỏ ý ghê tởm với San:
- Vẽ chuyện!... San nhạo Thứ. - Thế những cô đỡ, những cô khám hộ quần áo trắng bôm bốp thì sao? Anh chẳng cảm ngấm ngầm cô Trinh mãi đó ư?
Thứ cười nhượng bộ:
- Thế có lý. Chúng ta vẫn tự phụ không định kiến nhưng thật ra vẫn còn nhiều định kiến. Chúng ta còn để ý quá nhiều đến những cái tên...
Và y hỏi lại San:
- Thế còn anh? Nếu nó lấy anh thì anh có lấy không? San ngập ngừng một chút rồi cười:
- Ngay ở đây thì có lẽ không. Nhưng đến một chỗ khác, chẳng ai biết tôi, biết nó là ai thì tôi lấy.
- Nghĩa là anh sợ mang tiếng chứ gì? Đó, anh đã thấy chưa? Nghĩ người ta cũng buồn cười! Vợ ngoại tình mà người ngoài chưa biết thì tất nhiên là cũng đau đớn đấy, nhưng chưa đến nỗi đâm chết nhau hay li dị nhau đâu, thế mà việc đổ bể ra rồi thì nhiều khi phải khóc mà bỏ nhau, cũng bỏ...
San hơi đỏ mặt, cười xòa, nói lấp:
- Tóm lại thì anh hay tôi cũng không muốn lấy con Lân. Vả lại muốn cũng chẳng được nào: nó cảm thằng Mô chứ có cảm chúng mình đâu. Với lại chúng mình có vợ rồi. Hãy xếp chuyện con Lân lại. Tôi phải học một lát, kẻo hết trưa, còn gì...