Nhật Tân kéo cái mũ nhung đen xuống cho thêm bí mật, xốc cái cổ áo ra-gơ-lăng lên đến gáy, đánh diêm hút một điếu thuốc lá. Anh rẽ vào cái phố nhỏ thông sang Hàng Bạc. Đầu phố đang đào hào. Giữa phố tấp nập. Phòng trà, tiệm cà phê, hiệu phở, hiệu bánh cuốn, hiệu nem, vẫn mở cửa. Cửa hàng nào cũng đầy ứ xe đạp. Trong một tiệm cà phê, người ta bàn tán om sòm:

- Nó không đánh mình nó cũng chết. Mình không đánh nó cũng không sống được. Chẳng hiểu thế nào cả. Thôi, cứ biết còn được uống một cốc cà phê hôm nay.
- Chính phủ của Lê-ông Bờ-lum lên rồi. Bờ-lum là bạn thân của của Cụ.
- Chính trị thì không nói chuyện tình cảm. Toàn các xừ S.F.I.O. trong nội các mới thì ăn thua mẹ gì. “Mũi tẹt” vẫn hải ngoại. Đác-giăng-li-ơ sắp sang. Bên này Xanh-tơ-ny không gặp Cụ nữa. Liên kiểm Pháp không chịu đi chung với mình.
- Nay vụ Yên Ninh, mai vụ Yên Ninh, chết hết mất.
- Đánh đi cho nó biết tay. Ngoạm vào Hà Nội thì gãy răng. Hà Nội không như Hải Phòng. Hà Nội là ville tentaculaire [1], rắc rối hơn bất trận đồ của Khổng Minh.
- Lạ quá, không thấy Cụ nói gì cả.
- Chả có thế Việt gian nó lại rêu rao: Nếu chính phủ này bất lực không dám đánh Pháp thì rút lui đi, để dân bầu một chính phủ kháng chiến.

Nhật Tân liếc nhìn cái anh vừa nói, nghĩ bụng: “Chính mày chứ ai nữa”. Anh định bước vào trong tiệm. Một tiếng gọi. Anh quay lại. Đấy là Văn Việt, người uỷ viên quân sự khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Văn Việt vốn họ Nguyễn, nhưng cái họ ấy thông thường quá, lại còn thêm chữ đệm Văn còn quê mùa hơn, nên anh cắt họ đi như nhiều nhà nghệ sĩ đã làm. Gọi tắt là Văn Việt nghe nó kêu hơn. Văn Việt nguyên là một thầy kí máy đèn. Anh trạc hăm ba hăm bốn tuổi. Dáng người tấm thước, nho nhã, kiểu cách, gọn ghẽ trong chiếc bờ-lu-dông tím. Trên ve áo có đính cái huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh được tặng hồi đóng ở phủ Bắc Bộ. Đầu anh đội lệch một chiếc ca lô tím có sao vành, hông đeo hơi trễ bao da súng lục đánh rất bóng. Nước da anh trắng, phơn phớt đỏ – anh vừa mới làm một tợp rượu “khô” – Bộ râu quai nón được cắt nhắn xanh rờn như mặt đá mài suốt từ mang tai đến cằm. Miệng anh phì phèo một điếu thuốc lá ăng-lê. Hồi đi Nam tiến, anh đã đóng trung đội phó. Cũng hồi đó, anh được biêt Nhật Tân trong đoàn học sinh Hà Nội tình nguyện vào Nam. Nhật Tân phục Văn Việt là cấp chỉ huy gan dạ, và Văn Việt thì mến Nhật Tân là người sôi nổi, lại cùng cánh Hà Nội vào. Những ngày nghỉ, họ thường gặp nhau, kể lại những chuyện của thủ đô để khuây khoả nỗi nhớ nhà, để quên những gian khổ của cuộc chiến đấu.

Mắt lừ lừ, Văn Việt hỏi:

- Quốc Vinh dọn đi rồi phải không?
- Dọn rồi. Sáng ngày, ông ấy về ông ấy địa tôi một trận ghê quá.
- Chính trị thì phải thế chứ.

Nhật Tân nhận ra ngay cái mỉa mai trong giọng nói của Văn Việt và cười đồng tình. Anh rút một điếu thuốc là Phi-líp Mô-rít trong cái bao mà Văn Việt vừa chìa ra, vừa đánh diêm vừa nói:

- Không biết chính trị đến bao giờ. Điên lên mất.
- Chưa hết đâu.

Mắt Văn Việt càng lừ lừ, như lim dim buồn ngủ. Anh bước lên cái hè hẹp, nhường lối cho mấy cô nữ sinh, kéo Nhật Tân lại gần. Anh thì thào:

- Vụ Hàng Bún là một balon d’essai [2]. Mình không làm gì là nó lấn. Cậu hiểu tâm lí thằng Pháp chứ gì? Già dái non hột. Ai cứng thì nó mềm, ví dụ Đức bên kia, Nhật bên này. Ngược lại ai mềm thì nó cứng, như ta bây giờ. Ở trên thì đã cương quyết lắm rồi. Ông Võ Nguyên Giáp, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có lời kêu gọi thanh niên sống chết với thủ đô. Người ta đang kẻ khẩu hiệu vung lên đấy. Nhưng Quốc Vinh nhà cậu thì thế nào? Vừa rồi họp thì vẫn nói mấy điểm cũ rích. Tích cực vận động đồng bào tản cư này, dự trữ gạo nước này, hết sức tránh khiêu khích này…

Văn Việt cũng không tán thành những chuyện manh động. Để cho Nhật Tân không phật ý, anh nhẹ nhàng:

- Có nhiên những việc ấy thì đúng thôi, cũng như cái việc tích cực đục tường, đắp ụ mà ông ấy nhấn đi nhấn lại, có ai không đồng ý đâu. Những việc ấy mình đã làm và đang làm, không mới gì cả. Cái mới bây giờ là vấn đề quân sự, là vấn đề vũ khí, thì ông ấy không chú ý. Còn cái này là cái mới của ông ấy đây này: tổ chức một cuộc bãi thị toàn thành, tẩy chay quân đội Pháp, để phản đối vụ Yên Ninh. Đấy mới đấy. Bà Oanh đang hấp tấp đi vận động chị em chợ Đồng Xuân đấy. Y như thiên hạ đại thái bình.
- Nó thế nào ấy nhỉ.
- Chậm ghê lắm. Nhu nhược hết sức. Ví dụ: Nhà Quảng Xương Long Hàng Bồ có hàng núi cuốc xẻng. Lão Cự Lâm viện hết lí này đến lí khác, không ủng hộ lấy một cái. Tự vệ thì đang thiếu cuốc xẻng. Chỉ cần một cái giấy trưng dụng là xong, thế mà không làm. Một ví dụ khác: Thuốc men thì cần lắm chứ gì. Thiếu bét hết. Y tá Sỹ chạy long tóc gáy mới được một ít bông băng. Tôi đề nghị trưng dụng luôn mấy cái nhà bào chế thuốc trong Liên khu, có thể đủ dùng hàng năm. Nhưng cũng không dám làm, nói phải dựa vào sự ủng hộ của nhân dân là chính. Làm mạnh thì sợ Pháp nó buộc cho là khiêu khích, tư sản hoang mang.
- Sao anh không nói?

Văn Việt nhún vai:

- Nói đấy chứ, nhưng ai nghe. Nói mãi thì lại mang tiếng là chủ nghĩa quân sự, là tiểu nữa. Nghe ai bảo mình tiểu thì muốn độn thổ rồi còn gì.

Anh rụt đầu, giơ tay:

- Không biết tiểu tư sản thì có tội gì? Đi Nam tiến đánh chết thôi cũng tiểu. Xin thêm bộ đội vào đây cũng tiểu. Bảo trưng dụng cuốc xẻng cũng tiểu. Còn cái gì không tiểu nữa. Giá mình như cái loại cậu Dân thì nghe hay đấy.
- Để xem tiểu hay đại được việc. Được, tôi sẽ đến bảo thằng Phúc nhà Cự Lâm. Tôi sẽ phá cái nhà Quảng Xương Long lấy cuốc xẻng cho anh em.
- Bà Oanh phụ trách vận động vị hôn phu rồi. Oanh bảo Phúc thì vẫn dễ hơn hơn cánh ta. Còn ta, việc gì giao cho ta ta cứ làm. Làm thật lực, không ai nói tiểu vào đâu được nữa thì thôi.

Văn Việt bắt tay Nhật Tân:

- Chào ông tiểu.

Cả hai người đều rũ ra cười. Nhật Tân đã vào tiệm cà phê, Văn Việt còn quay lại giơ một ngón tay ra hiệu:

- Đánh chết thôi. Sống chết với thủ đô.

Nhật Tân đứng trên bực cửa:

- Đúng. Sống chết với thủ đô. Cánh ta thì càng phải sống chết với thủ đô để gỡ tiếng.

Từ ngày về làm uỷ viên quân sự ở khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Văn Việt có những chuyện buồn bực. Điều làm anh cho là không vui nhất là cảm thấy mình không được tín nhiệm cho lắm, vì anh là một quần chúng. Mỗi khi buồn bực, anh lại tìm mấy người bạn uống rượu, nói chuyện văn thơ, rồi vùi đầu vào công việc huấn luyện kĩ thuật tác chiến cho bộ đội và anh em tự vệ. Anh có cái ám ảnh là Quốc Vinh không thật tin anh, cho anh là kiêu và nóng nảy. Không những không ưa Quốc Vinh, anh còn khinh thường cả anh ta nữa. Anh cho Quốc Vinh là người của đoàn thể nên được đề bạt chứ chẳng hơn gì anh. Quốc Vinh là một tự vệ chiến đấu, thế mà được làm Chủ tịch uỷ ban bảo vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục kiêm Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ liên khu I. Văn Việt còn biết chắc chắn rằng đoàn thể đã nhằm đưa Quốc Vinh lên làm Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến liên khu, nếu xảy ra tác chiến. Văn Việt ức là mình đã từng học ở trường võ bị Trần Quốc Tuấn, từng đi Nam tiến, đã từng vào sinh ra tử, lại là người trong khu này, biết người biết việc, thế mà vẫn cứ lẹt đẹt với chức đại đội phó. Trên danh nghĩa là uỷ viên quân sự, nhưng quyết định thì vẫn là mấy anh cán bộ chính trị trong cái Uỷ ban bảo vệ bên trong kia. Về đời tư, Quốc Vinh cũng chẳng hơn ai. Quốc Vinh sắp lấy Phượng, chị gái Nhật Tân từ đầu đến chân chẳng có gì là công nông cả. Văn Việt nghĩ: “Đã thế, ta sẽ cứng như sắt đối với đàn bà. Để xem ai mới là tiểu tư sản”. Anh ăn nói có duyên, nhiều cô nghe anh kể chuyện Nam tiến thì ngây ngất, có nhiều cô mê anh. Nhưng anh, anh nhất định không để cho tình yêu chi phối.

Văn Việt nhanh nhẹn bước trên con đường nhỏ, ngoại ô của những rạp hát, những hiệu ăn quen thuộc. Người, xe đạp, xích lô ứ lại. Con đường trơ trụi không cây cối lổn nhổn gạch đá, lạo xạo vôi cát. Những dãy nhà chen chúc, xộc xệch rung lên những tiếng đục tường. Từ trong một ngôi nhà cổ mà bên ngoài đã chế biến thành một cửa hàng giải khát sơn xanh diêm dúa, cất lên tiếng đàn ghi-ta trầm trầm luyến tiếc. Ngồi trên bao lơn gỗ của một căn nhà gác nhỏ đầy câu đối, mấy thanh niên đang tranh nhau xem một tút đạn súng lục của một người ăn mặc lam lũ, người này rối rít lấy ra một cái túi nữa trong cái bị rách như bị ăn mày. Tất cả phố xá nhuộm một màu đen xám, chớp chớp nhấp nháy đó đây một vài ngọn đèn điện trong những nhà tối tăm, ẩm thấp. Ngoài đường, kẻ chạy ngang, người chạy dọc, kẻ bước vội, người đứng trầm ngâm, rùng mình trong khí lạnh của buổi chiều. Gió bấc thổi hiu hắt, bốc lên mùi hôi của cống rãnh, và thỉnh thoảng sực nức cái mùi thơm phức của cà phê, mùi mặn ngậy của phở xào.

Một đoàn ba bốn cái xe bò chở đầy mọi thứ đất cát còn ướt xồng xộc lao tới, làm chật lên cái phố hẹp, lúc nhúc. Đằng xa phần lớn là những người lao động và một số học sinh quần tây xắn cao. Một học sinh giơ nắm tay.

- Cát đây chứ đâu. Ai thiếu cát làm ụ thì ra sông Hồng mà lấy.

Tiếng reo:

- Cát sông Hồng. Dô ta…

Người ta chạy ùa ra, vẫy vẫy đoàn xe bò vui như vẫy xe hoa. Văn Việt nghĩ: Đông Kinh Nghĩa Thục như cái tổ kiến, người ta mang đủ thứ về để đánh giặc. Mặc dù tíu tít, người ta vẫn nhường bước cho Văn Việt. Nhiều người chỉ trỏ, nhiều người cung kính chào anh. Anh giơ tay lên mũ ca-lô đáp lại mọi người một cách lịch sự và hiên ngang. Một anh tự vệ, mũ ca-lô sao vuông, đứng ngay ở đầu phố, sau một cái ụ bằng những bao cát chồng lên đến ngực, nhác trông thấy Văn Việt ở xa, đứng nghiêm bồng súng. Một anh trong nhà bước ra, cấm lấy cái thuổng ở trong tay một anh khác, cúi xuống đào, nói nhỏ với anh em: “Ông Văn Việt, ông Văn Việt”. Sự có mặt của một người bộ đội, nhất là của người cấp chỉ huy, đã làm cho mọi người vững chí trong cái buổi chiều âm u, lạnh lẽo, đầy lo âu này. Văn Việt thấy rõ cái cảm tình của nhân dân đối với bộ đội, đối với anh, và anh mỉm cười sung sướng. Anh nghĩ: “Văn Việt không phải là một thằng xoàng”.

Trần Văn đứng ở trên bờ cái hầm nông choèn. Anh vừa xúc đất xong và bây giờ nhường xẻng cho Loan. Thấy Văn Việt, anh có cái ngượng của một người học trò bị thầy giáo bắt gặp đứng chơi.

Từ ngót nửa tháng nay vào tự vệ, đây là lần đầu tiên anh ra đào hầm. Anh không phải là một công tử nhà giàu. Đi dạy học cũng chỉ đủ ăn. Nhưng từ thuở nhỏ đến nay, anh chưa hề rờ vào con dao, cái xẻng. Anh ngại những công việc lao động. Sau vụ Tràng Tiền, tiếp luôn đến vụ Yên Ninh, anh uất ức muốn xông ngay vào cuộc chiến đấu. Giặc đã trắng trợn ra mặt. Không còn là lúc đi vận động bà con tản cư, tích trữ gạo nước, đi nghe giải thích về trường kì kháng chiến, về nhiệm vụ của thanh niên nữa. Tất cả những việc đó anh thấy đều là viển vông cả. Giờ hành động đã đến rồi. Anh sẵn sàng làm tất cả những việc gì khó nhọc, nguy hiểm. Khi được lệnh của uỷ ban là phải tích cực đào hầm, đắp ụ, anh không chờ đến tối nữa, ra đây xẻ đường với một tiểu đội trong trung đội của anh. Anh hăm hở tưởng như anh có thể đào ngay một cái hào sâu, dựng ngay chiến luỹ, to hơn vững chắc hơn những cái ụ ở Khâm Thiên, ở ô Chợ Dừa, ở Cầu Rền, ở ô Đống Mác. Khi được tin rằng ở nhiều phố nhỏ như Tô Tịch, ở Hàng Gai, tự vệ cũng đã dựng chướng ngại vật vít kín hai đầu phố, anh càng sốt sắng. Nhưng chỉ bổ được mấy nhát cuốc thì vai anh đã trối, tay anh đã rát. Tuy vậy, anh vẫn cố. Có Loan đứng đấy, anh thấy cần phải tỏ ra hăng hái để khỏi giảm cái hăng hái của người học trò. Đầu đường bên kia phía Cầu Gỗ, cái ụ đã cao, với những cây gỗ nằm ngang kiên cố. Anh thúc giục mọi người làm. Người ta xúm đen xúm đỏ xem anh em tự vệ. Một anh hàng phở rong ngứa mắt cũng chạy ra đào. Một anh xích-lô đạp xe tới nằn nì xin cho cuốc vài nhát. Mấy anh tự vệ phố Hàng Đào đi qua, ghen với bọn Trần Văn, kêu rầm lên trách Uỷ ban không cho xẻ đường ở những phố lớn. Mấy cô nữ sinh trông thấy tự vệ làm công tác phá hoại thì reo lên sung sướng. Đã hết rồi cái thời thấy một thanh niên ăn mặc hơi cỏ rả là các cô bĩu môi chế giễu. Bây giờ thì với bộ quần áo tây cũ, với đôi giày tàng, Trần Văn lại thấy mình hãnh diện. Ngược lại, một thanh niên chải chuốt đi qua, thì bị mấy cô nguýt và rũ ra cười.

Trần Văn cảm thấy có một cái gì vui không thể nói được, nó ấm ấm, nhẹ nhẹ, phơi phới từ bên trong đưa ra. Cái vui mỏi mệt của một người bằng lòng đã làm được một việc gì thiết thực và thấy mình gắn sâu vào cuộc đấu tranh chung, hoà với cái say sưa của bỡ ngỡ và cái khoái cảm đau đớn của bắp thịt bị tù hãm, bước đầu được kích thích.

Họ chỉ có một cái cuốc, hai cái thuổng, một cái xẻng. Những dụng cụ tầm thường ấy bây giờ trở nên rất quý, vì chỗ nào người ta cũng dùng đến nó. Nó cũng quý như những người trước đây anh không chú ý hoặc khinh rẻ, nhưng lúc này thì rất được việc. Đứng trên bờ hầm, anh nhìn họ, và thấy ấm lên trong một tình yêu kì lạ. Sờn, anh thợ xẻ phố Gia Ngư, một thanh niên vạm vỡ, và hiện nay phải ở lại Hà Nội để trông xưởng cho chủ. Tu, một người phu khuân vác ở Cột đồng hồ. Anh ta mới chạy được một trăm bạc cho vợ con về quê. Thấy Trần Văn ra làm thì anh có ý bất nhẫn, phàn nàn luôn miệng: “Ông để cho cháu làm cho. Các ông có quen những việc này đâu”. Anh ta không để cho Trần Văn đào hay cuốc lâu bao giờ.

Mọi người dừng tay khi Văn Việt tới gần, nín thở chờ anh nói. Văn Việt ghếch chân lên một cái bánh xe bò ứ lại bên hố bao cát, hỏi:

- Sau vụ Yên Ninh có ai sợ không?
- Không ạ - Tiếng đáp mạnh mẽ - Chỉ phiền một nỗi là thiếu dụng cụ. Chúng tôi may mà còn mượn được, chứ nhiều phố khác bói không ra một cái.

Long đen, một thanh niên có cái mu bàn tay thích chàm nổi rõ nét hai lưỡi kiếm giao nhau, cái miệng đầy những răng vàng, nhanh nhảu:

- Thưa ông, anh em chúng tôi bàn là cứ vào nhà Quảng Xương Long mà lấy thì có hàng ức, hàng vạn cái.

Mọi người cười ồ ồ. Văn Việt đứng dậy:

- Ta hãy trông vào sức ta trước đã.

Anh học sinh xe cát nói:

- Làm như chúng tôi thì cần gì xẻng cuốc. Thưa anh, xe tăng có nhiều không ạ?
- Nó có ít thôi, nhưng nó vẫn hơn ta vì ta không có.
- Ở Hàng Bún nó cho xe đến nhổ chướng ngại vật như ta nhổ cọc, như thế thì làm thế nào?
- Đâu cũng xẻ đường, đâu cũng dựng chướng ngại vật thì nó phá được hết à?

Biết anh em lo lắng về xe tăng, và để tỏ tài quân sự của mình, Văn Việt nói:

- Không có thứ khí giới gì tuyệt đối cả. Ta sẽ có cách chống tăng. Đào hầm là một cách. Lấy cát về đắp ụ cũng là một cách. Thế gọi là làm cho Pháp có chân như què đấy. Tích cực hơn nữa là ta sẽ có mẹo phá tăng bằng những khí giới riêng của ta, ngay cả bằng lựu đạn.

Trần Văn dỏng tai. Trong một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc mà anh được dự, Văn Việt đã giảng về cách đốt xe tằng bằng ét-xăng cờ-rếp, cách dùng lựu đạn ném vào lầu xe tăng. Mới đấy, anh lại nghe đồn bộ đội có một thứ khí giới bí mật là bom ba càng. Anh nhìn Văn Việt, muốn hỏi về thứ võ khí lạ lùng ấy. Nhưng anh vẫn rụt rè. Văn Việt nói tiếp:

- Đánh nhau với bọn đế quốc mạnh hơn ta về võ khí, thì yếu tố quyết định đối với chúng ta vẫn là tinh thần. Chúng ta không sợ xe tăng thì đánh được xe tăng. Một võ quan Anh là Y-ăng Lê-vy, đã từng chiến đấu ở Tây Ban Nha, có nói rằng cái đức cần thiết cho một chiến sĩ đánh xe tăng là bình tĩnh, gan dạ, chịu hi sinh. Tôi đang tổ chức một đội cảm tử đánh xe tăng. Chúng ta phải làm thế nào cho khu Đông Kinh Nghĩa Thục của chung ta đi đầu trong việc phá tăng. Có ai tình nguyện vào đội ấy không?

Trần Văn nói:

- Tôi xin tình nguyện.

Mọi người đều nhao nhao hưởng ứng. Văn Việt nói:

- Thôi, anh chị em làm đi. Chúng ta là những người của khu Đông Kinh Nghĩa Thục mang tên cái trường của nhà cách mạng Lương Văn Can, cái khu tiêu biểu nhất của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục lừng danh toàn quốc, giặc nghe thấy phải kinh hồn táng đởm. Được không nào?

Văn Việt rất tự hào với cái khu của anh. Anh muốn bộ đội, tự vệ trong khu giỏi hơn các khu khác. Tên tuổi anh sẽ rực rỡ cùng với tên Đông Kinh Nghĩa Thục. Cái tên nho nhã này lại phù hợp với cái tính thích văn chương của anh. Cho nên anh thường nghĩ: mình là một nhà quân sự, nhưng phải là một nhà quân sự phong lưu.

Anh sắp sửa đi thì có những tiếng chạy rầm rập hoà với những tiếng kêu và những tiếng cãi nhau ầm ĩ. Người ta đổ xô cả sang Hàng Bạc. Nhật Tân cũng chạy tới.

Trước cửa nhà hát Tố Như, một toán người kéo đi, ùn ùn, lộn xộn. Người xách va-li, người đeo đẩy, người gồng gánh, phần lớn là những anh em lao động. Một người đứng ở giữa đường, cản họ lại:

- Các anh em, các anh em là thanh niên. Sao các anh em lại đi. Đề nghị các anh em ở lại. Lúc này thanh niên rời thủ đô là một tội lớn!

Trong bọn, một thanh niên, mũ sơn xanh, chân đi đất, tiếng ra nói:

- Chúng tôi phải đi như thế này là một điều khổ tâm. Chúng tôi đã quyết định ở lại để kháng chiến. Nhưng bà con cũng nên hiểu cho hoàn cảnh của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi tiền không còn một xu, gạo không còn một hột. Chúng tôi không dám đòi hỏi Chính phủ, vì Chính phủ chúng ta chẳng giàu gì mà còn phải lo hàng trăm hàng nghìn công việc. Vì thế chúng tôi phải về. Chúng tôi về thế này thì có sung sướng gì đâu.

Nhật Tân đã nhảy ra trước mặt anh mũ xanh. Hai cánh tay dang rộng ra cản mọi người. Con Lu lu như sắp sửa chồm lên cắn người mũ xanh. Người ta dạt về đằng sau. Nhật Tân thét:

- Đã biết thế thì phải ở lại. Thanh niên phải sống chết với thủ đô. Các anh đi đâu? Các anh không biết bỏ đi là hèn à? Trở về ngay. Tôi bảo!

Người mũ xanh giơ tay lên:

- Chính phủ không hề bắt buộc ai ở lại. Anh là gì mà giữ chúng tôi?
- Tôi là gì ấy à? Tôi chỉ nhân danh là một thanh niên Hà Nội, tôi không cho các anh về.
- Nhưng chúng tôi có được như các anh đâu. Không có cái gì vào miệng thì không ai nói cứng được. Chúng tôi không có một hột cơm vào bụng từ hôm qua rồi.
- Sắp đánh nhau với Pháp mà các anh còn nói chuyện cơm áo à?

Đám đông sừng sộ bước lên:

- Chúng tôi ở đây không có việc gì. Đào thì xẻng cuốc không có.
- Rồi sẽ có. Muốn bao nhiêu cũng có. Tôi sẽ đến tận nhà Cự Lâm lấy cho các anh em. Các anh còn muốn cái gì nữa nào? Các anh lại sợ phản động nó bảo tự vệ là bia đỡ đạn cho Việt Minh chứ gì?
- Anh không được nói láo.
- Một lần nữa, tôi bảo các anh về. Nếu không tôi sẽ…

Người thanh niên mũ xanh quăng cái va-li xuống đất, tay đưa mũ cho một người khác.

- Anh sẽ làm gì? Khai trừ chúng tôi chắc?

Nhật Tân thét:

- Khai trừ à? Không. Khai trừ một tự vệ không phải bằng một lời tuyên bố. Khai trừ tự vệ bằng súng đạn.

Anh vạch cái áo ra-gờ-lăng ra, để lộ cái dây đeo súng lục quàng trước ngực và cái thắt lưng Mỹ có giắt một khẩu súng lục. Anh rút khẩu súng giơ lên trời. Một tiếng kêu:

- Không được bắn!

Văn Việt nhìn ra thì là Quốc Vinh vừa đi ở đâu về tới đây. Anh lẩm bẩm:

- Lại sắp diễn thuyết!

Anh lủi vào đám đông đi thẳng. Trần Văn lấy làm lạ về thái độ của Văn Việt. Đã mấy lần, anh bắt gặp Văn Việt thấy bóng Quốc Vinh là lánh mặt đi.

Trái với lời nói của Văn Việt, Quốc Vinh không diễn thuyết. Trần Văn chỉ thấy anh đứng nói chuyện nhỏ nhẹ với người mũ xanh, rồi len lỏi vào giữa đám đông như bàn bạc với mọi người. Họ chăm chú nghe anh và gật đầu gật đầu. Rồi thấy họ reo hò trở lui. Những người đứng trên vỉa hè cũng vỗ tay hoan hô. Quốc Vinh quay lại, bàn tay phải cuộn tròn lại, đưa lên miệng. Anh ho khe khẽ. Đôi mắt lồ lộ của anh như tìm người nào. Chợt thấy uỷ viên kinh tế đứng gần Trần Văn, anh bước lại, nói nhỏ:

- Trích gạo kho phát cho anh em.

Ông uỷ viên bật nảy người:

- Thưa ông, số gạo dữ trữ trong kho không còn mấy. Phát cho bộ đội, nhân viên cơ quan còn đang thiếu. Còn phải đề phòng nếu xảy ra…
- Cứ xuất ra ba tạ.
- Đã đề nghị lên trên xin thêm, nhưng không được.
- Đây là những anh em dân nghèo, phu phen, công nhân. Anh em không phải là những người thiếu tinh thần. Anh em rất tích cực, phải giữ lại để phá hoại và chiến đấu. Ông xuống ngay cho. Tôi chịu trách nhiệm.

Tay anh lại đưa lên, cái miệng giảu ra, làm lõm sâu đôi má. Trần Văn, mắt không rời người cán bộ, thầm khen cái bình tĩnh nhẹ nhàng của anh ta. Nghĩ đến cái hung hăng của Nhật Tân, anh bật buồn cười. Thấy Quốc Vinh đi qua, anh hỏi:

- Sao ta cứ để cho mũ đỏ hoành hành mãi thế?

Quốc Vinh bấy giờ mới nhận ra Trần Văn. Bắt tay xong, anh nói:

- Đế quốc là con quỷ. Nhưng ta thì vẫn nêu cao ngọn cờ hoà bình cho đến cùng.
- Âm mưu của nó đã rõ rồi. Mình phải làm thế nào chứ?
- Không phải đợi đến vụ Yên Ninh ta mới rõ cái âm mưu của chúng. Cái âm mưu của chúng nó đã lộ ra từ Hiệp định sơ bộ mồng sáu tháng ba, từ Tạm ước mười bốn tháng chín. Kế hoạch của nó là tằm ăn lá, hết Lạng Sơn, rồi Hải Phòng, rồi bây giờ đến lượt Hà Nội… Vấn đề của chúng ta là đoàn kết, tích cực chuẩn bị để làm hậu thuẫn cho Chính phủ, và nếu không giữ được hoà bình, phải đánh thì chúng ta đánh. Chúng ta lặng lẽ mà chuẩn bị, reo cười mà kháng chiến. Có thế thôi, phải không, nhà giáo?

Quốc Vinh vỗ vai anh, hỏi:

- Cụ bà về rồi chứ anh?

Trần Văn gật đầu, lời nói thân mật của Quốc Vinh làm cho anh cảm động. Anh như trở lại mối tình bạn cũ, không phải đứng trước người cán bộ thường vẫn có cái gì đó lạnh nhạt khó hiểu đối với anh. Anh vốn quen biết Quốc Vinh từ lâu. Quốc Vinh là con vợ bé của một ông đồ, người làng mẹ Trần Văn. Những kì nghỉ hè về quê mẹ, anh thường chơi với Quốc Vinh, học ở trường làng. Người vợ cả đanh ác quá. Bà bé phải dắt Quốc Vinh đi, khi ấy còn gọi là thằng Thụ. Mẹ Quốc Vinh không thể cho anh ta đi học được nữa, trình độ lớp nhì, lớp nhất cũng dở dang, anh ta xin vào làm thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân. Rồi anh đi hoạt động bí mật, phần nhiều ở Hà Nội. Năm 1943, Quốc Vinh có đến gặp Trần Văn tuyên truyền cách mạng. Nhưng Trần Văn sợ khủng bố, xin chỉ làm quần chúng cảm tình. Ít lâu sau, Quốc Vinh bị bắt. Đến Tổng khởi nghĩa, Trần Văn lại gặp Quốc Vinh, nhưng anh rất ngượng và không dám vồn vã, sợ mang tiếng là kẻ xun xoe xu thời. Bây giờ, nghĩ lại, lắm lúc anh vẫn tiếc đã bỏ lỡ một dịp tốt để đi vào cách mạng. Trong khi Quốc Vinh, như anh thường nói, đã trở nên một người của tình thế, thì anh vẫn chỉ là một người mò mẫm tìm đường.

Anh giới thiệu Loan với Quốc Vinh. Người cán bộ nói:

- Công tác tuyên truyền là một trong những công tác quan trọng bậc nhất. Có một nhà thơ vào thì hay lắm, tốt lắm.

Quốc Vinh bắt tay Loan, chào Trần Văn quay đi. Chợt nghĩ ra một điều, anh quay lại nói với Trần Văn. Một câu hỏi ngây thơ làm cho Trần Văn ngạc nhiên hết sức:

- Bọn mình đang cần cái bản đồ Hà Nội vẽ to ra. Nhưng ai cũng bận cả. Nhờ luôn anh ấy vẽ cho một cái, lại là nhà thơ, vẽ chắc đẹp lắm.

   




Chú thích

  1. thành phố nhiều ngóc ngách
  2. ý chỉ thăm dò