Tiếng trái phá đầu tiên đã làm cho Trần Văn tỉnh giấc. Anh tung chăn, thoang thoảng mùi nước hoa và phấn. Gian phòng tối như hũ nút. Người anh bàng hoàng, lẫn lộn vừa lo sợ, vừa hối hận, vừa chán chường, như một buổi, duy nhất trong đời, anh quá trớn theo anh em đi hát cô đầu và ngủ dậy trưa. Anh giụi mắt, định thần nhìn, vẫn chỉ thấy đen đặc. Không gian và thời gian hỗn loạn, mới đầu anh không phân biệt được. Như một người lặn sâu dưới nước nổi lên và thấy thấp thoáng trời đất, dần dần anh nhớ lại những sự việc đã xảy ra trong buổi chiều, những công việc sáng ngày ở khu phố. Trống ngực anh đập mạnh. Cái mà anh chờ đợi và nó rất khủng khiếp đã đến thật rồi. Tiếng súng nổ ran bốn phía và xe chạy ầm ầm một cách quay cuồng. Mồ hôi anh toát ra. Đánh nhau rồi. Và sao anh còn ở đây? Anh sẽ về bằng cách nào? Anh thấy lẻ loi một cách đáng sợ. Anh loạng choạng đứng lên. Mắt cay, mồm chát đắng, cuống họng khô như cát. Anh muốn nốc hết cả nước mát ở trên đời. Tay anh bỗng quờ vào cái núm bật đèn. Anh bấm, điện không bật, anh lại bấm. Vẫn không thấy gì. Đạn bay réo trên mái nhà. Anh tìm được cửa ra. Người chủ nhà này là thế nào? Là một người lương thiện hay là một Việt gian? Và bây giờ anh ta ở đâu rồi? Anh nằm ở trong nhà anh ta hay là ở một nơi khác, hay là ở trong tay giặc? Anh đang rờ tường thì bỗng cộc đầu vào trán một bóng người ở đâu đâm sầm tới. Anh rụng rời thét: Ai đấy? Tiếng người kia cũng kêu rú: Ai đấy? Anh giật mình. Hình như tiếng Long đen. Như cái máy anh run rẩy hỏi: Có phải Long đen không? Tiếng kêu thất thanh: Úi giời ơi! Ông Văn!

Cái bóng đen lao xuống cầu thang, biến mất. (Mà đúng đấy là Long đen. Tên lưu manh định làm một mẻ lớn rồi ra ngoài. Nhưng đang lục lọi thì điện tắt, hắn ù té chạy). Trần Văn suýt bước hụt cầu thang. Anh thấy mỉa mai với chính mình. Anh cũng chỉ là một thằng ăn cắp. Anh thẹn với các bạn ở nhà, với Quốc Vinh, với Loan, với Tu, với Sờn, với anh. Anh tiếc đã không có mặt với anh em, trong cái giờ phút quyết định. Lúc này, có lẽ họ đang đánh nhau với giặc, và có lẽ đã có người ngã xuống. Lần mò mãi, anh xuống được dưới nhà. Buồng ăn đây rồi. Hình như bữa rượu vẫn còn đấy. Anh không nghĩ tìm cái mũ phớt nữa. Anh bước ra cái phòng trống lúc mới vào gặp người chủ ở đây. Anh đẩy cửa và lấy làm lạ, cửa không đóng mà mở toang. Anh gạt cái ý nghĩ người chủ có thể là Việt gian. Chỉ là một anh chàng lập dị.

Đường Hàng Bài đây rồi. Bóng tối chớp chớp, rùng rùng sáng rồi lại tắt, chập chờn như có cháy ở đâu. Trước mặt, trăng trắng mờ mờ dãy cột dài nhà Gô-đa. Đường loang loáng. Một đám đông lôi thôi, lếch thếch, bồng bế con cái, léo xéo gọi nhau không thành tiếng, kêu khóc thảm thiết. Tiếng một người đeo băng hiệu ở cánh tay:

- Mau lên! Xuống thẳng Bạch Mai!

Trần Văn hỏi một người đàn ông:

- Tình hình thế nào, ông?

Lo tranh thủ từng phút để đưa những người yêu quý của mình ra khỏi nơi nguy hiểm hơn là trả lời một anh dớ dẩn, còn sặc mùi rượu, người ấy chỉ việc giục vợ và con đi. Trần Văn hỏi luôn mấy người, không ai trả lời. Anh cuống lên hỏi một người nữa:

- Về Hàng Đào có còn được không ông?

Người này coi bộ dễ tính, và có cái lòng tốt tự nhiên như trong những cơn nguy hiểm ta thường gặp những người như thế. Tiếng anh ta nói:

- Đang đánh nhau to ở Bắc Bộ phủ, ở Thị chính, ở nhà máy đèn, không biết có đi được không? Nhưng bộ đội thì vẫn đi.
- Mình có thắng không?
- Vây chặt nó trong thành rồi. Đêm nay may xong.
- Thế thì chạy làm gì?
- Ấy cho nó chắc.

Trần Văn thấy yên tâm nhưng lại càng sốt ruột. Anh cắm đầu chạy, thuộc đường hơn là trông rõ.

Vừa nhảy xuống đường Hàng Khay, anh vấp ngã, nằm lên một xác người, tay anh mó vào một khúc ruột lầy nhầy. Anh giật bắn người lên, rùng mình và nghẹn cổ. Anh không dám quay lại nhìn, rút mùi soa chùi bàn tay giơ và dính rồi vứt đi.

Bóp Hàng Trống đang đánh dữ, hình như có nhiều xe ùn lại. Nhà hát lớn nghe ra cũng có tiếng súng. Anh chạy núp vào trong tháp Bảo Thiên, theo cái bản năng tự vệ. Một đoàn xe tiến xuống Tràng Tiền, đèn pha của cái đi đầu chiếu một vệt sáng dài. Anh tự hỏi sao vây nó trong thành rồi mà xe nó vẫn lồng ra được? Phủ Bắc Bộ đưa lại những tiếng liên thanh cục cục rõ mồn một, và những tiếng súng trường gióng một mà anh có cảm tưởng là người ta ngắm kĩ lắm rồi mới bắn. Tiếng súng im một lúc rồi lại nổi lên như mưa sau một khoảnh khắc yên tĩnh. Hồ Gươm nằm dúi dụi trong bóng tối. Trần Văn chỉ cảm thấy nó thôi, như một bài thơ thuộc lòng từ thuở bé mà mình nhớ ra với cả cái âm hưởng của điệu nhạc và cái dư vị của thời đã qua. Bên kia bờ Hàng Trống, đen như làng xóm trong đêm khuya. Nhưng nước hồ bên này thì rực lên vài mảng đỏ ngầu, sóng lăn tăn. Vài con đom đóm lần đầu tiên anh trông thấy ở đây, bay trong các lùm cây. Nơi quen thuộc này chỉ còn là một cái gì rộng rộng, trông trống, lành lạnh mà gió thổi nhiều, dật dờ bốn phía. Thân cây quằn quại vặn vẹo, lá thít lên đổ xuống lạo xạo. Đất rùng rùng, động đậy, thỉnh thoảng lại như vỡ ra trong những tiếng nổ khủng khiếp. Tai anh ù ù, màng tai căng ra bởi những tiếng tặc tặc, đoành đoành, lục cục, ríu ríu xé trời, ran ran như pháo đùng, pháo tép, không chừa một khoảng không khí nào của Hà Nội. Quãng đường không xa lắm, mà anh thấy đi mãi không hết, đầy bất trắc và hiểm nghèo. Bàn tay vừa mó vào xác chết cứng còng còng. Anh rùng mình sởn gai ốc. Anh nôn ọe, nhưng chỉ nhổ một chút nước bọt tanh tưởi. Khát lại như cào cuống họng. Anh thấy khổ sở, và tự giận mình ngu ngốc. Anh chạy rồi lại nằm vật xuống mỗi khi có tiếng nổ to hay là gió thổi lạnh lạnh bên tai, sau gáy. Anh đi trên hè, phút lại lủi vào bờ, ôm lấy một thân cây. Trống ngực anh đỡ đập. Bên kia, trước cái bãi ô tô, gần nhà Bưu điện, lố nhố hai bóng người. Anh định thần nhìn thì thấy họ đang lúi húi mỗi người chặt một cây. Một đoàn xe Pháp chạy rầm rộ trên đường Hàng Khay bắn lẹt đẹt sang. Trần Văn nấp vào sau một thân cây. Hai người kia vẫn cứ đứng chặt. Anh bước ra đường, vấp phải một người bên một gốc cây ven đường. Anh nói xin lỗi. Người kia thét: Đi đâu? Nhưng không tỏ vẻ gì là riết róng. Anh ta cũng đang mải chặt cây. Trần Văn hỏi:

- Sao không đánh mìn hở anh?

Người kia nói:

- Mìn gôm như muỗi đốt voi. Mười cây thì mười một cây không đổ. Lại phải xoay ra chặt. Đến sáng có xong được cây này không? Bình thời ai nói cũng ghê lắm. Cháy nhà mới ra mặt chuột, con dao rựa cũng chẳng có. Chẳng thấy một thằng nào vác mặt ra. Đường thông thống thế này, thật là rước cho xe nó đi. Phá với chẳng hoại.

Người ấy lại âm thầm chặt bằng một thứ dao rựa nhỏ như thứ để chẻ lạt, và nói tiếp:

- Chỉ chết những thằng lo công lo việc thôi.

Nhà Bưu điện Trung ương ồn ào những tiếng nói, tiếng kêu, tiếng thét, tiếng chuông máy nói, tiếng alô rối rít. Lắng nghe có tiếng líu ríu: xe tăng nó húc đổ cửa dinh Cụ. Nó đánh vào cả bốn cửa. Có phá được cái xe nào không? Bóng hai người khiêng một cuộn gì tròn tròn chạy ra đường. Họ loá nhoá đỏ như nung vì ánh lửa cháy. Một người kêu:

- Này, các ông ơi! Chặt đến bao giờ cho nó xong. Lại đây có cách này chu hơn. Ta chăng cái dây cáp ngáng đường, mau lên anh em. Có thế này mà nghĩ không ra. Chẳng phải vạ tìm dao tìm kéo. Đào đâu ra lúc nhốn nháo này. Mai sáng hẵng hay.

Giữa tiếng súng ầm ầm chung quanh, bốn người xúm lại, cuộn dây cáp vào một gốc cây rồi kéo sền sệt qua đường một cách uể oải, an nhàn, chẳng ăn khớp với cái cảnh rối ren đùng đùng chung quanh. Họ nói chuyện:

- Có giết được nhiều không?
- Đâu mình hạ được ba xe tăng ở vườn hoa Con Cóc.
- Dinh Cụ có việc gì không?
- Không biết. Đánh to lắm. Nó vào thằng nào, bộ đội diệt luôn thằng ấy. Thành Cửa Bắc mình xung phong vào được rồi. Đáng kiếp cho nó. Cụ đã bảo nó không nghe. Mình bắt dược Sainteny rồi.
- Ái chà chà.
- Sao ở đây thì cứ loạc choạc thế nào ấy.

Bỗng có tiếng reo hò ở phía công an Hàng Trống, từ lúc nãy vẫn đánh nhau dữ, tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ không ngớt. Một cái xe cao lênh khênh đang phừng phừng bốc cháy.

Trần Văn đang ngán ngẩm cho cách phá hoại ở đây, thì lai trào lên vui sướng vì cái thắng bên kia. Vẫn có người. Có một cái gì làm cho anh ấm áp, dịu dịu. Anh tỉnh dần dần. Gió ở hồ lạnh buốt, lá rụng rào rào. Sương gieo nặng. Anh thấy có cái say sưa của sự thay đổi, cái bồi hồi nhẹ nhõm của một việc đã xảy ra rồi. Anh rưng rưng nước mắt quay lại nhìn những cái bóng đang lúi húi làm việc. Cái vô tư của họ làm cho anh cảm động. Anh tiếc tiếc những cái cây râm mát làm đẹp cho cái thành phố của anh. Anh thở dài: Việc phải làm thì cứ phải làm.

Anh vừa chạy ra khỏi nhà Bưu điện thì trên đầu anh, đạn bay vèo vèo, bắn từ bên kia Bờ Hồ sang. Anh nằm sấp xuống hè như chết. Hồi lâu ngớt tiếng súng, anh ngẩng đầu lên. Bên vườn hoa Chí Linh thấy lố nhố bóng người rì rầm nói trong cổ. Ho nhảy như châu chấu sang phía Thị chính. Tiếng nổ ở dinh Bắc Bộ ầm ầm.

Và cứ thất thểu như thế, Trần Văn cảm thấy mình như đã vứt được bao nhiêu nguy hiểm. Đã gần tới máy đèn rồi. Gần tới nhà, lòng anh ngổn ngang trăm mối. Phần lo cho tính mạng đến đây rồi đã thoát được chưa. Phần vui vui vì một vài tin đầu tiên thu lượm được. Nhưng bao trùm nặng nề, day dứt là cái ý nghĩ sắp gặp lại anh em. Anh càng đau xót thấy mình là một thằng hèn hạ, một kẻ trốn tránh, một tên đào ngũ. Sự bỏ đi của anh có thể làm thiệt nhiều đến bao nhiêu công việc ở nhà. Anh đã làm thiệt nhiều cho kháng chiến. Trong khi mọi người đang xông ra giết giặc, hay ít ra cũng có nhiệm vụ gì – anh thèm cái công việc chặt cây thầm lặng của mấy người vô danh kia – thì anh còn ở đây, lang thang và thảm hại. Anh vẫn chỉ là một kẻ đứng ngoài đối với cuộc chiến đấu. Nó không phải là của ai nữa mà là của anh, của tất cả mọi người Việt Nam lúc này. Anh muốn được trở về ngay. Anh sẽ cầm khẩu súng lục của anh xông ra trận, có gục chết vì đạn giặc, anh cũng vui lòng. Đạn vèo vèo, anh tự nhủ: Trần Văn ơi, mày đừng chết nhé. Nhưng rồi anh lại nghĩ: Mà có chết đi thì cũng đáng đời! Đầu anh nhức, lòng trống không, miệng cay đắng. Cái khát kinh người càng làm cho anh rời rã, khốn khổ, hoang mang.

Anh giật mình thấy có một đống lù lù chắn ngang trước mặt, lều nghều xông lại. Anh kêu lên, vướng vào những dây loằng ngoằng, ngã xuống, tay ôm phải một cái gì ram ráp. Hồi lâu, anh định thần. Một cái cột đèn đổ. Anh cuống quýt gỡ mãi không ra khỏi những dây điện giết người. Nhưng anh không bị giật gì cả. Anh còn sống. Điện của thành phố chết rồi. Anh ngồi thở. Lá cây quét vào mặt anh. Anh gạt ra, lá lại quét vào. Nhìn kĩ thì là một cái cây bị ngả chắn ngang đường. Hà Nội đã đồ nát nhiều rồi. Anh nhìn về phía hồ. Cái tháp bút nằm nghiêng nghiêng dưới lùm cây, hai cái trụ cổng vào cầu Thê Húc sừng sững cao vút lên như của một ngôi đền nhà quê vắng vẻ. Lần đầu, giữa Hà Nội, anh nhìn thấy, cả một khoảng trời đen, chung quanh ánh lên một màu hồng nhạt nhạt, đục ngầu như máu, chớp chớp nháy nháy, làm đen và lay động những mái nhà cao. Gió đánh các tàn than bay loạn trên không, lẫn với một đàn chim bay loạng choạng, ngơ ngác. Anh đứng dậy và tối sầm mặt mũi. Anh giụi mắt, thấy một con đom đóm rất to lượn nhanh trên mặt hồ. Anh nắm chặt lấy một cành cây. Không phải là đom đóm. Phùn phụt từ phía nhà Moóc-li-e đạn bắn sang phía nhà Bưu điện bên này.

Anh loạng choạng bước qua cành lá. Phía trước đền Bà Kiệu, một dãy toa xe điện mờ mờ đứng trơ trơ, bên những hàng liễu xoã tóc đen rũ rượi. Trời đất lúc này im lặng. Chỉ còn có tiếng đại bác thưa thớt trong thành, vài tiếng súng trường lẻ tẻ. Anh liên tưởng đến cái đêm mồng chín tháng ba, sau những giờ đầu quân Nhật tấn công dữ dội, thì thành phố im ắng và đấy là lúc mà khắp nơi quân Pháp đầu hàng, chỉ còn một vài ổ cầm cự. Ta đã làm chủ tình thế rồi chăng? Câu nói của anh bạn trong bữa tiệc: Chúng mình sẽ là những lebérateurs de la capitale[1] lại đến với anh, làm cho anh buồn buồn, tiếc tiếc một cái gì đẹp lắm.

Những đám cháy chung quanh thành phố bừng lên, làm cho phố xá rực lên màu hoàng hôn. Anh chợt trông thấy một con chó giống như con Lu lu của Nhật Tân và mừng rỡ như một người, trải qua bao nhiêu ba đào, trờ về gần đến quê nhà và gặp lại cảnh quen đầu tiên. Một ánh đèn pin loé lên. chiếu vào mặt anh. Một tiếng kêu bên kia đường:

- Trần Văn đấy hả? Sang đây!

Đúng là tiếng Nhật Tân. Rõ cái hình anh ta với cái mũ phớt và áo ra-gờ-lăng loà xoà, đốm thuốc lá cháy trước miệng. Trần Văn chạy sang. Lại vướng dây điện, anh lúng túng không gỡ được ra. Nhật Tân chạy lại:

- Không phải hôm nay thì dây điên giật chết rồi nhé. Chiến tranh thích thật. Đi đâu, ông bố tếu? Thằng Pháp chết rồi. Nó chết rồi.

Mừng mừng tủi tủi, Trần Văn bắt tay Nhật Tân, nắm chặt lấy, như đứa trẻ vớ được một vật gì thì không rời ra. Nhật Tân vốn đa nghi, nhưng anh ta chưa biết việc của Trần Văn, và coi anh đến đây cũng như nhiều người đang nhảy bổ vào nhà máy đèn, cười nói um thiên địa. Anh ta hỏi:

- Đi đâu? Thích quá. Xe điện chết lung tung. Đúng như mình dự đoán, không cần làm chướng ngại vật vất vả, chỉ cần xe điện tàu hoả là chặn được chúng nó. Vào nhà máy điện thu chiến lợi phẩm đấy chứ?

Trần Văn còn dè dặt, chưa trả lời đã nghe tiếng Nhật Tân cười nói:

- Mình tiêu diệt chúng nó hết rồi. Vào xem, mấy khi.

Nhật Tân ba hoa:

- Xong hết rồi. Mình vào thành rồi, đang tước võ khí. Trường bay Gia Lâm đốt sạch. Chín cái phóng pháo mới lắp bom tan xác pháo. Các phi công bị bắt hết. Mình làm chủ hoàn toàn tình thế. Cừ quá. Chúng mình nhanh hơn hồi Nhật đảo chính. Cừ ghê. Việt Nam không phải xoàng. Hà Nội được đấy chứ. Rất ăn chơi, rất lịch sự, đánh rất hăng. G.Q.G. mình đánh điện mừng chiến sĩ Thủ đô.

Trần Văn cười, miệng rộng ra:

- D’Argenlieu làm bộ mãi. Ê hơn đối với Nhật.
- Ấy là mình không phá được cầu Long Biên. Bí mật quân sự. Đừng nói với ai.
- Sao biết nhiều thế?
- Tớ cứ chạy loăng quăng. Đêm nay mà ro ró ở nhà thì chỉ có bọn ronds de cuir[2]. Mình ra bờ sông. Cũng như anh chứ gì. Mai không xin gì cả, chỉ xin cho gặp thằng Sainteny. Rất khiêm tốn, rất lịch sự, mình sẽ nói với nó: “Thưa ngài, chúng tôi trót lỡ tay. Bây giờ ngài bảo thế nào chúng tôi cũng xin chịu”.

Anh vừa nói vừa hoa chân múa tay, rồi rất nghiêm trang, cúi mình, giơ tay lên trán chào Trần Văn một cách rất lính tẩy, anh lại nói:

- Thôi vào xem.
- Vào thế nào được?
- Anh ngốc lắm. Có chứng minh thư là vào được tất. Nhiều người vào lắm rồi. Hà Nội cả ấy mà.

Nhật Tân đánh diêm hút thuốc, kéo vành mũ phớt xuống một bên cho lệch hẳn, cài cúc áo ra-gờ-lăng cho đứng đắn, huýt sáo gọi con Lu lu. Anh bấm đèn pin, kéo Trần Văn bước qua cổng nhà máy. Không có người gác, họ cứ xồng xộc tiến vào. Ánh đèn loáng trên xác một tên lính Pháp bị tước cả mũ sắt, thắt lưng và súng, nằm giạng hai tay trên lối ra vào lát xi măng. Họ gặp luôn ba cái xác nữa cũng bị mất những thứ đã nói trên. Ở trong lù lù đi ra hai cái bóng vệ quốc quân với mũ ca-lô và áo trấn thủ. Họ vừa thở vừa khiêng một cái gì nặng, chắc là hòm đạn. Nhật Tân nói:

- Người mình cả đây. Đưa chúng tôi khiêng giúp.
- Không cần. Các đồng chí đi đâu?
- Chúng tôi là dân vào giúp.
- Tốt lắm. Trong kia còn nhiều, các đồng chí vào thì anh em hoan nghênh lắm. Làm mau lên, không nó phản công bây giờ.

Nghe mấy tiếng “nó phản công”, Trần Văn hoang mang lùi lại. Anh hỏi:

- Cấc đồng chí diệt hết chúng nó rồi chứ?
- Không sót một thằng nào, giết không tiếc tay. Các đồng chí tính, hôm qua, một thằng lõ bắn một đồng chí mình ngay tại cổng. Bấm bụng chịu. Súng nổ một cái là thịt ngay thằng ấy, thịt luôn một lúc cả tiểu đội chúng nó. Chỉ còn một thằng trốn được mình đang lùng trong kia.

Nhật Tân hỏi:

- Đâu, đâu?

Anh bộ đội chưa kịp chỉ thì Nhật Tân đã chạy vào trong sân mà ánh lửa chiếu mờ mờ. Anh huýt sáo gọi Lu lu, kêu Trần Văn đi gấp. Tiếng súng ở phủ Bắc Bộ lại nổ, và như tiếng gà ban sáng ran lên sau một lúc nghỉ, chung quanh lại ầm ầm, ầm ầm, xô xát, quyết liệt. Trần Văn vấp luôn, hụt chân luôn, nhưng cố đuổi sát Nhật Tân. Tim anh đập rộn ràng. Trong bóng tối thỉnh thoảng le lói sáng, nhốn nháo những người, bộ đội và công nhân, tự vệ và dân thường, lấp loáng súng trường, lưỡi lê, mác búp đa, kiếm Nhật, gậy, dao găm, người nào cũng cởi mở với nhau. Từ các nhà trong sở, nhiều anh em công nhân kéo ra lố nhố, người đầu trần, người bê-rê, người cát-két, người cầm búa, người lắc lê, người cái thuốn, người xà beng, tối tối như những bóng trong đêm trăng. Một ông già, áng chừng là người gác cổng, tay cầm một chùm chìa khoá rung lên những tiếng kim khí chạm nhau. Con Lu lu nhảy cỡn trong đám đông rối rít, hít hít, đánh hơi như tìm kiếm một vật gì. Tiếng đập phá ầm ĩ, trong nhà giấy, trong nhà máy. Đằng sau, trong kho có những tiếng lựu đạn nổ đoành đoành. Một tốp công nhân reo hò đẩy một chiếc xe gíp. Những bóng người giãn ra. Những tiếng cười, những tiếng vỗ tay. Người ta lùi lại. Một anh tự vệ lấy chân gạt một xác lính Pháp sang bên, chân giẫm lên ngực nó một cách hiên ngang. Tất cả láo nháo, bần thần, ngơ ngác, gần như không có ai chỉ huy cả. Và họ cứ đi, hiếu kì nhiều hơn là hăng hái. Những cái bóng lại giạt ra. Bóng một anh bộ đội dẫn đến một thằng Tây ủ rũ, đầu trần, mồm còn ngậm tẩu, mình khoác một cái áo ba-đờ-xuy thành phố. Nó run bắn lên như cầy sấy. Một con đầm theo sau nó. Nổi lên màu trắng của hai chân không đi bít tất. Nó cúi đầu, thở dài. Tiếng kêu lộn xộn:

- Thằng giám đốc, thằng giám đốc.
- Nó cũng bắn đấy, không vừa đâu.
- Cho nó một nhát dao.

Người Tây run rẩy xua tay. Nhật Tân thét:

- Nó không giơ tay hàng, xua xua cái gì. Lúc này còn hách.

Anh quai tay, tát bốp vào má nó, cái tẩu văng đi.

- Haut les mains, salaud![3]

Ông già chìa khoá như mủi lòng thương, nói:

- Thằng này là Tây sơ-vin[4], nó không muốn đánh nhau đâu.

Tiếng thét:

- Còn bênh nó à?

Viên giám đốc Pháp, ánh căm hờn nơi khoé mắt, nói ồ ồ trong cổ:

- Oui, oui! Vive Hồ Chí Minh![5]
- Không tin được lời nói đường mật của kẻ thù!

Trần Văn thấy thằng Pháp tiều tuỵ, run sợ, hèn hạ và anh em thì có vẻ dữ dội, tự nhiên anh không đang tâm, cái tình cảm mà người ta thường có khi đứng trước một con người bất lực giữa một đám đông áp đảo, dù người kia chính là kẻ thù mà mấy phút trước đây thôi mình muốn moi gan xé xác. Lẫn lộn trong anh cái lòng tự hào của người thắng thế, sự đồng tình đầy trìu mến đối với đồng bào của anh, sự tha thứ bịn rịn đối với kẻ thù đã trở thành vô hại. Nó chỉ còn là một con người khổ sở, nạn nhân của cái kiếp người vô lí đến ngu xuẩn đầy thù hằn này. Anh can các bạn và nói với thằng giám đốc bằng một thứ tiếng Pháp sách vở:

- Ne craignez rien. Le Président Hồ a ordonné formellement de bien traiter les prisonniers et civils arrêtés. Nos compatriotes ne sont pas méchants. Ils sont enthousiastes.[6]

Viên giám đốc gật đầu lia lịa:

- Oui! Oui! C’est l'homme providentiel.[7]

Hắn nhìn về phía người nói tỏ vẻ biết ơn, và chú ý nghe tiếng súng, chờ đợi quân nó đến giải phóng, nhưng làm ra bộ khách quan một cách giả dối.

Trong ánh sáng bừng lên, một người chạy lại, vừa đi vừa thắt cái thắt lưng Mỹ mới chiếm được, reo mừng rỡ:

- Nó trong này, nó trong này, tìm thấy rồi. Ở trong hầm của thằng giám đốc.
- Đâu đâu? – Tiếng nhao nhao hỏi.

Và cả đám người rầm rộ chạy theo người kia. Nhật Tân đẩy viên giám đốc chúi đầu xuống, bắt cùng đi.

- Suis-moi, assassin. Mais avance, parbleu![8]

Họ vào cái vườn hoa của nhà giám đốc, bước chân lạo xạo trên sỏi. Bên hàng rào sắt, trông sang phòng lục lộ bên kia đường, lù lù cái hầm tránh máy bay xây bằng xi-măng cốt sắt từ hồi chiến tranh. Người dẫn đường nói:

- Thằng lính Pháp trốn vào trong hầm này. Nó còn bắn người này nữa.

Mờ mờ trên cái bậc lên nhà viên giám đốc, nằm vật xác một người mặc tây. Nhật Tân nói:

- Cho nó một quả lựu đạn xuống.

Người kia nói:

- Chúng tôi cũng đã định như thế. Nhưng nguy hiểm, vì trong hầm có cả đồng bào.

Mọi người đứng đặc trước cửa hầm. Có tiếng trẻ khóc ở dưới đưa lên, và tiếng đàn bà rên rỉ: Cứu tôi với! Cứu tôi với!

- Đồng bào ở dưới lên nhé. Có bộ đội trên này.

Tiếng một người đàn ông:

- Không lên được, nó giữ cửa không cho lên. Nó doạ ai xuống thì nó giết chúng tôi.

Nhật Tân uốn lưỡi giọng Pháp, sừng sộ với viên giám đốc:

- Tu es content, toi? Mais appelle-le, nom de Dieu! Qu’il sorte ou tu es mort?[9]

Thằng Tây và con đầm sợ hãi gọi tên lính Pháp, nửa tắc trách, nửa van lơn. Nhật Tân sốt ruột, gắt ầm ĩ. Trời tối, không còn ánh lửa nữa. Những luồng đạn đỏ lượn thành những hình cong trên mặt hồ, phùn phụt bắn sang. Bên trái phủ Bắc Bộ, súng nổ dữ và nhà cửa như đang đổ nháo nhào. Tiếng đàn bà vẫn nhỏ nhẻ kêu cầu cứu. Một lúc lâu im bặt, tiếng trẻ lại khóc thét lên, cái thứ tiếng nghẹt thở yếu ớt vô tri, và trách móc như cất lên từ dưới mồ âm u, lạnh lẽo và xé lòng mọi người. Ở bên hồ bỗng có mấy tiếng cú kêu buồn thảm, tanh tưởi. Lần đầu tiên, giữa Hà Nội người ta nghe thấy có cái tiếng ghê rợn báo chết này. Người Trần Văn lạnh giá, anh rùng mình. Một người nói:

- Hun khói, nó phải ra.

Tiếng anh bộ đội gạt đi:

- Còn em bé thì làm thế nào. Phải cứu em bé lên. Tôi xuống.
- Ở dưới nó bắn lên. Nó liều nó giết em bé mất.

Người ta thấy cần phải gượng nhẹ, như khi cầm một cái bóng đèn. Những bóng người không quen nhau nhìn nhau, âm thầm. Những con mắt ngơ ngác trong đêm tối, như mắt của những người bộ hành lạc lối, chia sẻ giữa hai con đường. Con Lu lu như cũng cảm thông với nỗi băn khoăn của người, rú lên một hồi tuyệt vọng, hai chân nó cào cào vào cửa hầm, thân nó nghiêng nghiêng như muốn xuống. Rồi nó quay lại tìm kiếm Nhật Tân. Tiếng cú lại đưa sang, quái gở và tối tăm. Cái hầm nặng nề kiên cố, nhớp nháp hơi sương, vẫn đưa lên tiếng kêu của người mẹ, tiếng khóc của đứa con, và cả sự lặng im kinh khủng của tên lính thực dân. Con chó lại đến cào cào hầm. Nhật Tân nghiến răng, anh nắm lấy tóc thằng giám đốc, rập mạnh đầu nó xuống sỏi, thét: - Appelle-le, je te dis[10] Răng anh nghiến kèn kẹt. Tiếng súng kêu vang chung quanh, nghe văng vẳng có cả những tiếng thét xung phong. Bóng con Lu lu biến mất. Nó đã chui tọt xuống hầm, giữa những tiếng kêu kinh hãi. Nhật Tân kêu như nói với người:

- Lu lu, Lu lu. Cắn thằng Tây, đừng cắn người mình.

Trống ngực của tất cả anh em bộ đội, tự vệ, công nhân, đập thình thịch, rõ một cách lạ lùng. Trần Vản như không nghe thấy những tiếng súng chung quanh nữa. Anh lần đến trước cửa hầm. Tiếng ở dưới hầm thét lên. Mọi người ở trên ngửng thở. Nghe có tiếng lục đục dưới hầm. Nhật Tân nằm toài trên sỏi, đầu ghé vào trong hầm huýt sáo. Tay vẫy đằng sau, anh nói khẽ với Trần Văn:

- Đừng sợ, đừng sợ.

Tiếng người đàn bà ở dưới:

- Trời ơi? Con chó hay cái gì?

Tiếng reo của người đàn ông:

- Nó cắn vào cổ thằng Tây rồi.

Hình như dưới reo lên. Trên hầm ai cũng reo theo. Nhật Tân vui sướng, gọi nhẹ nhàng, thân mật:

- Lu lu, Lu lu.

Bóng anh nhỏm dậy, biến xuống hầm. Một lúc, con chó nhảy lên, cong đuôi như một cái vòng đen. Nhật Tân ì ạch chui lên, hai tay ôm cái đầu thằng lính Pháp và kéo cả cái người giãy giụa của nó lên, cái mũ sắt của nó va vào thành hầm, kêu lọc cọc.

Nhật Tân nói to:

- Chị ấy ngất đi Ai xuống đón em bé lên.

Trần Văn nhảy vào, trong tối mò, anh gọi:

- Em bé dâu. Đưa tôi đỡ.
- Đây đây, anh mang ra hộ.

Anh quờ quạng, hai tay nâng cái bọc bông mềm mềm. Tiếng trẻ không khóc, có lẽ vì nó sợ và mệt quá. Nhưng nó vẫn thút thít. Mùi phấn, mùi nước hoa, mùi sữa. Trần Văn loạng choạng bế em lên. In rõ trước cửa hầm bóng của Nhật Tân chống hai tay vào háng, chân xoạng ra, cái mũ phớt bẹp dúm. Anh thở một cách kiêu hãnh, như một đấu thủ bóng tròn sau một trận thắng. Anh giơ tay đỡ Trần Văn lên. Mọi người reo mừng. Con Lu lu nhảy, hít hít tay Trần Văn. Người ở dưới hầm lục tục kéo lên. Người mẹ là một phụ nữ mà bóng tối không giấu được cái thân hình thon thả và cái dáng người đẹp. Chị ta chìa tay ra đón lấy con, bỗng kêu lên:

- Trời ơi, ai như anh Văn?

Anh kêu lên một tiếng ối rất to và lùi lại. Theo một cử chỉ ngoài ý muốn, anh đưa bàn tay lên miệng như để giấu sự ngạc nhiên. Anh nhận ra Trinh. Anh hỏi, giọng tự hào che chở của một người thắng trận:

- Sao bà lại ở đây?

Trinh không nói, rũ ra khóc. Ánh chớp đại bác loé sáng. Anh thoáng thấy mặt Trinh nhợt nhạt.

   




Chú thích

  1. Những người giải phóng thủ đô
  2. quan chức
  3. Giơ tay lên, thằng khốn!
  4. dân thường
  5. Vâng, vâng, Hồ Chí Minh muôn năm!
  6. Ông không phải sợ gì cả. Hồ Chủ tịch đã ra nghiêm lệnh là đối xử tốt với các tù binh và những người dân thường bị bắt. Đồng bào chúng tôi không ác. Mà họ phấn khích thôi.
  7. Vâng, vâng, Cụ Hồ là người trời!
  8. Đi theo tao, quân giết người!
  9. Mày hài lòng hả? Gọi nó lên, đồ chết giẫm! Nó không lên thì mày chết.
  10. Gọi nó đi, tao bảo mày mà.