Sống mãi với Thủ Đô/Chương 21
- - Anh Loan đấy ư? Sao còn ở đây, chết chửa? Không biết gì à? Trời ơi! Trông Loan lạ quá. Bây giờ ở đâu? Thích quá, thầy Văn này, anh này, ở đây cả. Vẫn như ngày ở nhà trường thôi. Về đi. Không biết gì cả à?
Loan giật mình, sừng sốt vì lại gặp Quyên. Cái vẻ bí mật quan trọng của người bạn học làm cho anh chột dạ. Anh đỏ mặt, tay khẽ đẩy đôi kính trắng gọng kền lên một cách ngượng nghịu. Anh đã mặc tây, săng-đan nâu, sơ-mi trắng để hở ngực. Nguyên là Nhật Tân thấy anh đóng cái áo the dài lệt bệt như lễ sinh, đã chạy đi kiếm cho anh một bộ Tây, tự tay cởi áo the của Loan ra, bắt anh mặc bộ mới vào, và nói: “Bây giờ không chệch được là người Hà Nội”. Và anh ta kéo Loan tới trước tủ kính, nói: “Đã đỡ nhà quê chưa? Khổ với ông lắm”. Thế rồi biến mất. Loan rất bằng lòng với cách ăn mặc mới mà anh mong mỏi từ lâu nhưng lại sợ gặp người quen.
Loan vừa đi xe một cái máy in đến trụ sở Ban tuyên truyền và trở về Hàng Đào là nơi anh mới tới ở với mấy anh em khác, được uỷ ban giao cho chuẩn bị tờ báo kháng chiến của Liên khu. Anh bước chậm trên phố Hàng Buồm, mà cái vẻ an nhàn vô sự làm cho anh khó chịu. Cái phố của Việt Nam, mà anh có cảm tưởng như lạc vào đất Tàu, tới những hình bát quái, những gương con treo trước nhà, những bàn thờ nhỏ sơ sài ngoài cửa, những bó hương ở mọi xó, những hiệu Sinh, hiệu Đường, những biển sặc sỡ dài như phướn còn khá nhiều mà hình như họ chưa muốn cất đi. Nhiều nhà đã đóng cửa kín, những cánh cửa có những chấn song nhỏ bằng chiếc đũa, trông thâm nghiêm như những khám thờ. Không thiếu nhà còn mở. Ngồi trên những ghế đẩu sát vào tường của một hiệu ăn, lơ thơ vài người khách, mấy chú hầu sáng khoanh tay lại nhìn ra ngoài một cách ngây thộn. Vài hiệu khác, người ta đang tính sổ trên bàn tính, mấy thím khách già ngồi tựa vào tường, hai tay chắp vào nhau, mắt lim dim, lặng đi như từ thuở nào và như thế không biết đến bao giờ. Trong lớp học, các bạn của Loan và cả Loan thường đem chuyện người Tàu ra để khôi hài với nhau. Bây giờ Loan thấy Hoa kiều có nghĩa là ích kỉ, bình chân như vại nữa. Loan ghét họ như những kẻ dửng dưng trước những nỗi khổ của ta. Tất cả các nhà đều dán đỏ chói, những giấy đỏ có hình cờ thanh thiên bạch nhật, với những hàng chữ yêu cầu “Pháp Việt song phương thuận tôn trọng hoa thương địa vị”. Không những bàng quan, mà xem ý còn trọng Pháp hơn mình. Loan bùi ngùi nhìn mấy nhà Việt Nam lạc lõng ở đây. Buổi chiều gió buốt. Anh cảm thấy thật cô đơn. Một người mẹ Tàu lặng lẽ như một cái bóng đi nép bên vỉa hè, âm thầm trong bộ quần áo đen cũ đã ngả sang màu cánh gián mốc ở hai vai, mặt buồn buồn, vẻ sợ hãi, tay xách một cái lẵng tre quá nặng. Thấy một người đàn bà tản cư gánh con nhỏ và bọc gói đi qua, người mẹ Tàu đứng lại, lấy ở lẵng ra mấy cái kẹo đưa cho đứa bé, nắm tay nó gật gật đầu. Nhưng người đàn bà đang vội chẳng nói chẳng rằng cứ xăm xăm bước. Người mẹ Tàu vẫn đứng gật gật rồi lại lủi thủi đi. Loan đã tới đầu phố, còn quay lại nhìn theo cái búi tóc đằng sau cài trâm gãy của người mẹ Tàu.
Loan ấp úng mấy câu, rồi chỉ người mẹ Tàu, nói với Quyên, vừa để đánh trống lảng, vừa để bộc lộ những cảm xúc của mình:
- - Trông bà Tàu kia cũng nhăn nhúm teo quắt lại, bộ mặt thì không thể cười được, tấm lưng còng rất nặng nhọc, thấy đỡ ghét người Tàu. Chị có thấy không, người mẹ Tàu chẳng khác gì người mẹ Việt Nam. Các bà mẹ đều có một thói quen là không muốn sự có mặt của mình làm bận rộn những người khác và cũng là hiện thân của lòng hi sinh lặng lẽ cả.
Quyên kêu:
- - Anh lại làm thơ đấy à? Còn làm thơ à?
Nghe nói đến chuyện này, Loan dúm cả người lại, như con cu li giấu mặt:
- - Thơ gì nữa.
Đôi mắt tròn xoe của Quyên trông như ướt. Mặc bộ áo len dài màu tím, Quyên trông đã có vẻ một cô con gái đứng đắn, hơn là trong bộ thiếu nữ tiền phong, mặc dầu mớ tóc thề dài thượt sau lưng. Quyên nói:
- - Đúng rồi. Thơ gì nữa. Thôi đi nhé. Không biết gì cả à?
- - Nếu làm được thơ thì cứ làm chứ. Bên Pháp kháng chiến, họ có những Aragon… Un grand poète, une célébrité mondiale…[1]
Bác sĩ Pha ở đầu phố đi tới, tay ôm một bọc táo, vừa nói vừa gật gù, rồi lại pha một tràng tiếng Pháp, giọng cũng rất Pháp. Đây là một người cao lớn, nhưng rất thanh, đeo kính trắng, vẻ rất trí thức, chỉnh tề trong bộ áo màu hạt dẻ cài cúc bên. Quyên được Oanh giao cho việc đi kèm bác sĩ để theo dõi hành động. Việc này chẳng oai gì hơn là công việc mật mã mà Quyên chê ỏng chê eo, nhưng Quyên nhận một cách vui vẻ. Quyên tin Oanh cũng có và muốn khám phá ra một tổ chức phá hoại cũng có. Một cái bĩu môi kín đáo in trên mép dày của người thiếu nữ. Quyên nói:
- - Thưa bác sĩ, tôi nghĩ làm thơ bây giờ là một cái tội. Nó làm mất nhuệ khí đi.
Bác sĩ Pha nhún vai:
- - Plutôt le contraire, mademoiselle [2]. Tôi đã sống những ngày kháng chiến Pháp ở Paris. Không có những việc đục tường, đào hố như ta. Thanh niên Pháp không có những lời thề đanh thép: “Sống chết với thủ đô” như thanh niên ta. Làm gì họ có những người mẹ sắm súng cho con ở lại, chồng cho vợ về quê để vào tự vệ, em bé nằn nì xin vào bộ đội. Cả một dân tộc đứng lên, quây chung quanh một chính phủ, thà hi sinh tất cả chứ không chịu trở về đời nô lệ, mais c'est inoui, c'est magnifique[3]. Các thuộc địa đã có đâu được như mình. Phải làm thơ chứ. Kháng chiến Pháp buồn lắm. Paris vẫn yên như không, chẳng có gì là kháng chiến cả. Thế mà những nhà thơ của nó làm như đẹp lắm, to lắm. Cả thế giới biết. Huống chi là ta. Tôi rất vui được sống ở Hà Nội những ngày tuyệt đẹp như thế này. Những cái phố rất Việt Nam, đi lâu về mới càng thấy quý, những tên phố rất nên thơ, những con người rất sympathiques, tout pour une noble cause [4], như cô chẳng hạn, gentille mademoiselle… C’est de quoi nous enorgueillir[5]. Phải để thì giờ đi xem phố mới được. Chúng ta không thể sống được hai lần để chứng kiến những cảnh rất vĩ đại này.
Quyên đưa mắt nhìn Loan như để bảo bạn không nên tin cái ông bác sĩ. Xui người ta làm thơ là để quên việc chuẩn bị đánh nhau. Đi lang thang ngoài phố là để nghe ngóng tình hình. Khen mình giỏi là để không ai nghi nữa. Nhưng giấu thế nào được Quyên. Sắp đánh nhau rồi còn đi mua táo, kháng chiến gì những người ấy. Lại vẫn nói tiếng Pháp, chỉ riêng việc này cũng chứng tỏ rằng lão này nặng cảm tình với địch. Mới ở Pháp về yêu nước làm sao được. Quyên sung sướng như làm được một cái bài tính đố, và nháy mắt với Loan, chỉ chực nói. Loan không nói, theo đuổi những ý nghĩ mới đến với anh. Từ hôm đến đây, Loan đã cho rằng chẳng bao giờ mình còn làm thơ nữa. Cuộc đời sẽ chỉ còn là chém giết, là đổ nát, là căm thù, là chết chóc, chẳng còn có gì là đẹp. Đã mấy lần, anh định trở về cái đền cũ mình ở trọ để lấy lại tập thơ, đem theo làm kỉ niệm. Nhưng Loan không đi vì thấy việc làm ấy vô ích và còn làm cho mình thêm mơ mộng, trong khi cuộc chiến đấu bắt buộc mình phải thiết thực và lạnh lùng. Nghe bác sĩ Pha nói, Loan bàng hoàng như người tìm thấy một vật quý tưởng như đã mất. Quyên giục Loan:
- - Thôi, anh công tác ở đâu thì về đi. Mau lên. Anh chưa biết gì à? (quay lại nói với bác sĩ Pha). Xin mời bác sĩ về ạ.
Như ái ngại cho Loan lơ mơ như người rừng, Quyên kéo anh ra một chỗ, rỉ tai:
- - Tối nay, nó đánh mình đấy. Biết chưa? Biết rồi chứ? Thôi, về đi. Sao anh đến trước mà không biết gì cả. Này, bí mật đấy nhé.
Loan không nói được một tiếng. Phố xá đều vắng tanh thật. Người nào người ấy chắc là đã chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi. Tiếng đục tường trước mặt, tiếng đục tường sau lưng, tiếng đục tường ở gần, tiếng đục tường ở xa, tiếng đục tường ở dưới nhà, tiếng đục tường ở trên gác. Loan nghe rõ hơn hôm mới đến. Họ sắp sửa chia tay nhau thì Oanh phóng xe ở Hàng Bồ đi tới. Oanh đã mặc theo kiểu thành phố, vẻ mặt bận rộn. Oanh nói như gắt với Quyên:
- - Chết chửa. Về đi Quyên. Sao còn đứng ở đây? Mau lên, Quyên. Xin mời bác sĩ về đi.
Quyên nói:
- - Chị ơi, em báo cáo với chị này…
- - Thôi, mai, chốc nữa.
*
* *
Oanh quay nhìn về phía Hàng Ngang, bỗng kêu lên mấy tiếng: cậu, cậu, và định chạy xuống. Trong phố, một người phóng xe đạp đi ra. Đấy là y tá Sĩ, dáng trông bơ phờ, một mắt kính cận thị vỡ như mạng nhện. Trông thấy Oanh, Sĩ hãm xe lại, giọng khản đặc:
- - Thuốc thì quyên được khá, nhưng toàn thuốc thường, cảm sốt lăng nhăng. Thuốc tê ít quá. Một mình tôi chạy suốt từ sáng đến giờ, tụi bào chế nó giữ như mả tổ. May mà gặp chị. Chị có chị nào cho đi thêm với tôi. Đây là vấn đề chính trị chứ có phải chơi đâu. Khổ quá đi mất. Nhà tôi nó lại đem cả mấy đứa con ra, vừa mới ban trưa, có giết tôi không. Bây giờ làm thế nào? Chị cho tôi mấy chị.
- - Nhưng bây giờ làm sao huy động được.
- - Thế thì bác sĩ đi với tôi vậy. Bác sĩ thương tôi với. Khổ quá, trước thì không ra cho, bây giờ mới ra. Người ta thì đang tản cư không xong. Mời bác sĩ, mau lên.
Anh giằng mạnh cánh tay bác sĩ Pha làm cho những quả táo rơi cả xuống hè, xuống đường. Bác sĩ Pha nói:
- - Tôi đi cũng được, những tôi mới ở Pháp về, có quen ai đâu. Sao họ lại thế được. Mais c’est de la trahison, mon Dieu![6]
- - Thế thì mời bác sĩ về để sắp xếp các tổ cứu thương giúp tôi vậy. Bác sĩ Quán không chịu làm.
- - Vâng. Nhưng có ông ở nhà thì tôi mới biết cách làm. Tôi có biết tổ chức là thế nào đâu. Khổ quá. Chỉ có một minh ông.
Nói với mọi người:
- - Ông Sĩ, tôi mến lắm. C'est le meilleur des hommes[7].
Sĩ cười mát:
- - Tôi làm tất, tôi làm tất. Sao không trưng dụng mẹ nó các hiệu bào chế còn để làm gì. Cái gì cũng đến mình thôi. Nếu không phải là vấn đề chính trị thì cho trôi hết.
Sĩ đã rẽ ra Hàng Ngang, tiếng thở dài ầm ầm, còn đưa lại. Trong khi bác sĩ Pha và Quyên lúi húi nhặt táo thì một xe bò chở đầy những bị gạo lộc cộc đến. Ông Phùng Gia Lộc đi theo, một tay dắt xe đạp, một tay đẩy xe bò. Ông để trần cái đầu hói bóng. Nhà thể thao có tuổi chỉ đánh cái quần soóc vải, cái áo sơ-mi phờ-la-nen màu gạch kẻ vuông. Cánh tay khoẻ như nhắc bổng cái xe đạp lên. Ông nói:
- - Ông ơi đi chậm quá. Trời đất này mà cứ bò ra. Phải tập thể dục đi ông nhé. Có tập mới nhanh nhẹn lên được.
Ông cười một cách đắc thắng, và nói với con gái:
- - May quá con ạ. Phân phát được hết cái kho gạo của Tổng hội cứu tế rồi. Bây giờ thì tha hồ muốn đánh nhau lúc nào cũng được. Nào, quân y đâu, đi đi ông xe. Cái xừ này, cố tập thể dục đi nhé. Nào, đi nào.
Ông Lộc là một ông bầu bóng đá nổi tiếng của Hà Nội. Tuy già rồi, nhưng ông vẫn tập thể dục hàng ngày. Công việc nhà in của ông có bận mấy ông cũng không bỏ cái thói quen đã thành nghiện của ông. Từ khi có phong trào khoẻ vì nước, cứ năm giờ sáng là ông đi khua từng nhà ở phố Nhà Thờ của ông, bắt anh em phải dậy, có khi xông vào tận giường lôi từng người dậy rồi bắt cùng ông chạy một vòng quanh Bờ Hồ. Bà Lộc mất rồi. Nhà chỉ còn hai cha con. Ngoài công việc kinh doanh ông chỉ còn có cái thú thể thao. Oanh cũng phải tập, chị thường hay cùng bố lên bơi ở Quảng Bá hay chơi thuyền ở Hồ Tây.
Oanh nói với bố:
- - Thưa cậu…
Ông vừa đẩy xe, vừa bảo con gái:
- - Trong túi cậu có khẩu súng, con lấy ra hộ cậu. Rồi giữ lấy mà dùng.
- - Thưa cậu. sắp tối rồi. Con mời cậu về đi. Súng của cậu, cậu cho, nhưng con không dám xin ạ. Còn cái xe này, cậu cứ để đấy, con xin đưa về, nhân tiện có bác sĩ và em Quyên đây…
Ông Lộc chào bác sĩ Pha:
- - Đây là số gạo của Tổng hội cứu tế chúng tôi. Có mấy tấn, sợ để trong kho thì lọt vào tay Pháp mất. Chúng tôi đem cúng anh em tự vệ, còn đây thì đem lại các ngài.
Bác sĩ Pha một tay ôm táo, một tay chìa ra:
- - Ồ, ồ. Xin cảm ơn cụ lắm… Cụ là… sinh ra chị, cô…
Oanh nói:
- - Vâng ạ. Thưa cậu, cậu về nhé.
Ông Lộc nói:
- - Được, để cậu đi cho. Có gì đâu. Cầm lấy súng, Oanh!
Ông đưa khẩu súng cho Oanh. Oanh nói:
- - Con không dám nhận đâu ạ. Cậu về, cậu nhé. Không muộn rồi đấy cậu ạ.
- - Việc gì mà muộn.
- - Cậu biết rồi chứ ạ?
- - Biết chứ. Ở phố nhà, anh em chuẩn bị hết cả rồi, sẵn sàng cả rồi. Nhưng nay bảo nó đánh, mai bảo nó đánh. Việc mình thì cứ làm, chứ bỏ cả sao. Mình biết phần mình chứ nó thì biết thế nào được.
- - Thưa cậu, biết chứ ạ. Em Quyên mời bác sĩ về đi. Ông xe cứ cho xe đi theo nhé.
- - Được, cậu làm xong rồi về, xe đạp phóng mấy chốc. Nó có đánh thì cũng là sau bữa ăn của nó. Chúng nó đi xem xi-nê còn thế huống chi là đánh nhau.
Cái xe bò ì à ì ạch lăn giữa phố vắng tanh, bác phu chuệnh choạng khi sang phải khi sang trái. Bác sĩ Pha và Quyên bước trên hè thỉnh thoảng quay lại chờ. Ông Lộc dắt xe đạp đuổi theo xe. Nhưng Oanh quăng xe xuống đường chạy kéo bố lại. Một tay chị đưa lên cài khuy cổ cho bố. Phố Hàng Ngang, người ta đang chuẩn bị những việc cuối cùng. Một tốp tự vệ, lưng giắt lựu đạn, đấm thình thình vào cái cửa gỗ của một hiệu đồng hồ, một người thét: “Còn ai trong nhà không. Đàn bà trẻ con cho đi ngay nhé”. Hiệu tạp hoá bên cạnh, một thanh niên dán cái giấy: Bảo vệ tài sản đồng bào tản cư. Trên một gác cao đầu phố Hàng Bồ, hai bóng nam nữ nhô người ra khỏi bao lơn, chĩa súng lục xuống đường, dứ dứ như bắn, rồi lại chạy vào. Hai cô học sinh đi xe đạp kèm một cái xe tay từ Đồng Xuân xuống, trên xe chất những thúng, những rổ gạo nếp, đỗ xanh, đỗ đen, những bó đũa con, những hộp bánh. những cái pha cà phê, và cả một bó hoa lay ơn hồng. Rồi cảnh phố lại vắng tanh. Cái đền trên gác đầu phố khói hương nghi ngút như chiều ba mươi. Gió thổi tung tà áo len xanh của Oanh, chị giữ lấy áo.
Oanh ngập ngừng. Chị muốn nói với bố sự thật – Chiến tranh đến nơi rồi. Chẳng có lí gì chị còn giấu người thân duy nhất trên đời chị trong lúc này: cậu chưa biết gì cả thật. Chị mừng thầm: những điều bí mật của hội nghị đêm qua vẫn giữ được. Nhưng chị càng thấy thương thương người bố. Oanh rưng rưng nước mắt, nũng nịu như hồi còn trẻ dại:
- - Câu ơi, cậu về cậu nhé. Con không muốn cậu dùng dằng nữa. Tối nay, thế nào cũng chiến tranh đấy. Con đi, cậu nhé, chỗ gạo kia, con lo cho.
- - Được, cậu chiều con, cậu về. Có gặp Phúc không?
- - Thưa cậu, hôm qua, lúc các chị ấy được nó thả về con có gặp. Cậu không phải lo gì cho chúng con, cậu nhé. Thưa cậu, cậu về, không các anh ấy mong cậu ạ. Con sẽ về luôn.
- - Còn khẩu súng này?
- - Cậu giữ lấy cậu nhé.
Ông quàng xe đạp xuống đường, rồi đứng trước mặt con, hai tay kéo Oanh lại gần, ngửa mặt Oanh lên, mỉm cười nhìn con, và ghì má con vào má mình, theo cái cách bộc lộ tình cảm của phương Tây mà ông là một trong những người cha đầu tiên ở Hà Nội thường làm trước mặt mọi người. Ông nói:
- - Oanh, con là đứa con độc nhất của cậu. Con cố lên. Cậu về đây. Nếu nó đánh, ít nhất cậu cũng hạ một xe tăng của nó.
Ông nhanh nhẹn nhảy lên xe và đạp đi, không ngoái cổ lại. Oanh loạng choạng suýt ngã xuống đường. Chị khóc nức nở như hồi nhỏ nói dối bố, làm cho bố rất buồn và rất giận, vì bố cho nói dối là tính xấu nhất của con người. Chị lấy khăn lau nước mắt, lên xe. Đèn phố đã nhấp nháy bật. Chị phóng xe. Gió lạnh táp vào mặt. Chi run cầm cập như người lên cơn sốt rét.
*
* *
Loan choáng váng vì cái tin Trần Văn đi mất. Anh không cho là Trần Vãn chạy trốn, như có mấy người nói. Anh nghĩ rằng có lẽ Trần Văn đã bị giết ở dọc đường rồi. Anh thấy người anh sụp xuống như cây leo không có que chống. Chân tay rã rời, anh từ ổ tác chiến của Trần Văn trở về cái toà báo bí mật của anh. Mắt anh loá lên. Một cái đầu xe điện và hai toa đỗ giữa đường một cách bất thường, không biết từ bao giờ, chắn ngang cái ngõ thông vào phố Gia Ngư. Cái cần điện bật ra ngoài dây điện trên không. Cái xe hiền lành, mà sao trông nó có một vẻ gì bí mật và đe doạ. Anh nghe thấy trống ngực của anh đập, sợ hãi như khi người ta đứng một mình giữa một khoảng rộng và xa lạ. Có lẽ Quyên nói đúng chăng? Và sao Trần Văn lại đi giữa lúc này? Chân anh như bị chôn xuống vỉa hè không rút lên được. Không có một tiếng động. Tiếng đục tường cũng như ngừng lại. Chiều buốt tê. Mắt anh dán vào cái hình thù kì lạ đứng đấy làm gì, sừng sững ở trước mặt anh, cao lên, dài ra, lù lù và như bị thui đen đi dần. Anh giật mình. Mấy bóng người đi hấp tấp lấm lét nhìn cái xe điện, ngó trước ngó sau, rồi người ẵm con, người dắt trẻ, họ chạy. Những người tản cư cuối cùng. Một anh tự vệ đeo súng lục, giục giục mọi người đi nhanh bằng cái giọng ôn tồn mà trong những giờ phút nghiêm trọng con người như không còn hiềm khích thù hằn nữa, thường nói với nhau. Một tiếng gọi xe đứt hơi không có tiếng xe đáp lại. Bốn bề lại im lặng, chỉ nghe thấy tiếng gió thổi làm động những cánh cửa xe, tiếng dây thép vo vo như khi nó kêu độc tôn trên đường sắt giữa cánh đồng. Tiếng giày tiếng dép, tiếng nói rì rào lưu luyến đã xa đi, tắt hẳn trong khí lạnh. Những khẩu hiệu: “Thanh niên sống chết với thủ đô” la liệt dán hầu hết trên các cánh cửa đóng kín, màu đỏ và trắng bỗng bừng lên, dưới ánh sáng của đèn điện bật như chớp loè trong một buổi hoàng hôn nắng quái trước con giông. Đầu phố, một đôi trai gái, những người tình nhân lạc điệu và muộn màng, khoác tay nhau trở về hối hả như chạy mưa. Tiếng người phụ nữ khóc. Họ ôm nhau hôn, vội vã, vụng trộm và rời nhau, người thanh niên biến vào cái ngõ tối mà xe điện đã chắn ngang. Loan bỗng thấy nhớ quê hương ở xứ Huế xa xa, nhớ bố mẹ và các em, nhớ trường học mà nổi lên là những buổi chia tay mỗi người một ngả, bây giờ chỉ còn hai đứa cùng ở một khu. Anh thấy nhớ Trần Văn. Nỗi đau cứ khía mãi vào lòng và làm cho anh thêm lo lắng. Trong linh tính, anh cảm thấy chiến tranh sắp xảy ra rồi. Ở đây Loan chỉ có một mình.
Trên những vọng gác cao, anh em tự vệ đều ngửa mặt lên nhìn trời, như đợi một cái gì. Trời càng tối xuống, họ ra xem càng nhiều. Loan cũng ngửa mặt lên. Anh chẳng thấy gì cả. Trong đám mây đang chạy, bập bềnh vài ngôi sao…
Chú thích
- ▲ Một nhà thơ lớn, một danh nhân thế giới...
- ▲ Ngược lại thì đúng hơn, thưa cô.
- ▲ Thật phi thường, thật tuyệt vời
- ▲ đáng yêu, vì lý tưởng cao quý
- ▲ Một cô gái đáng yêu, chúng ta đều tự hào vì cô
- ▲ Trời ơi, như thế là sự phản bội!
- ▲ Đó là người tốt nhất