Gần sáng, cuộc thảo luận sắp kết thúc. Hồng Lưu vẫn trở lại những ý kiến của anh, lời nói đôi chữ có ý móc máy Quốc Vinh:

- Tôi và đồng chí Nguyễn Gia Định đây, phụ trách bảo vệ Bắc Bộ phủ và dinh Hồ Chủ tịch. Chúng tôi sẽ noi gương cụ Hoàng Diệu, noi gương những tiên liệt của Đảng ta, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bộ đội của chúng tôi sáng và chiều đều đứng trước cờ làm lễ tuyên thệ sống chết với dinh lãnh tụ. Nghĩa là về phần bộ đội, về bản thân mỗi đồng chí chúng ta, tinh thần có thể tin được, hoàn toàn tin được. Nhưng không đủ, tinh thần không, không đủ. Vì quân số ta ít, võ khí càng ít. Chúng ta đều thấy thủ đô là vị trí quan trọng, nhiệm vụ của nó rất nặng nề đối với toàn bộ cuộc kháng chiến. Nhưng sao lại chỉ để một lực lượng rất mỏng ở trong này thôi? Tôi rất tán thành cái chủ trương hư trương thanh thế, chiều cho bộ đội vào, sáng lại cho bí mật rút đi, cái đó có tác dụng làm cho giặc không mò được lực lượng của ta, không biết được kế hoạch bố trí của ta, nó gây thêm tin tưởng cho nhân dân. Nhưng sao chỉ hư mà không thực? Sao không cho tăng quân vào đây? Sao có những liên thanh tốt lại để ở ngoài, mà không để ở trong này? Đồng chí Quốc Vinh bảo có thể giữ được một tuần lễ, và còn có thể kéo dài hơn nữa, chủ quan tôi cũng muốn kéo dài cuộc chiến đấu hàng tháng, hàng năm, nhưng căn cứ vào đâu mà đồng chí nói như vậy? Vào bộ đội chăng? Thì như trên tôi đã trình bày. Vào lực lương Đảng của ta chăng? Thì chính đồng chí Quốc Vinh đã nói, toàn Liên khu I, chúng ta không đầy một trăm đồng chí. Vào dân chăng? Thì Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào đi, cách mạng xuống thì nó quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo, Tàu trắng cũng theo, Việt Minh cũng theo, và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ. Đồng chí Quốc Vinh định dựa vào họ ư? Không chắc đâu. Chắc chăng là đồng chí Quốc Vinh đã tiểu tư sản hoá rồi thì có…
- Có người Hà Nội là người Hà Nội chứ. Anh nói thế rất vô chính trị. Anh không nên hiểu lầm đồng chí Quốc Vinh. Lúc này không phải là lúc đem việc riêng của nhau ra. Tình thế cấp bách lắm rồi. Còn bao nhiêu việc phải chuẩn bị. Không thể kéo dài cuộc họp mãi được. Ý kiến của đồng chí thế nào?

Oanh đứng lên, không nhìn hai bên, mà nhìn thẳng sang đồng chí Bí thư, tay chị xách một cái túi vải đã buộc gọn ghẽ, cái bút máy đã gài vào cổ áo len xanh đan thưa để lộ một cách đỏm dáng cái cổ áo lụa thêu. Chị đã có vẻ nóng ruột muốn về. Hậm hực vì Hồng Lưu động đến người Hà Nội, Oanh nói thêm, cái bàn tay rất thon xoè ra trước ngực:

- Tôi là người Hà Nội, tôi cũng bấp bênh ư?
- Nhưng được mấy người như chị. Phụ nữ Hà Nội…
- Thì sao? Đồng chí Hồng Lưu?

Chị quay lại, không bình tĩnh, nhìn Hồng Lưu, cái khăn vuông quặt sau gáy chìa ra hai múi nhọn khiêu khích, vểnh như hai cái tai đen. Lời nói nhanh nhanh, láu táu, có pha cái giọng dỗi dỗi của người làm công tác phụ nữ lúc nào cũng tưởng như đàn ông hay chế giễu đàn bà. Hội nghị lao xao. Có người quàng xà cột lên vai, nhiều người đã đặt cặp da trên đùi. Đồng chí Bí thư đứng dậy, nói với giọng rất trẻ so với cái tuổi ngoài ba mươi, đôi kính trắng nhìn mọi người loang loáng. Anh nói có tính cách hướng dẫn dư luận, và đồng thời cũng để đưa ý kiến của mình:

- Đồng chí Quốc Vinh nói nhất định cầm cự được một tuần trở lên, và có thể kéo dài nữa. Nhiều đồng chí cũng đồng ý với đồng chí Quốc Vinh. Bây giờ thì ý kiến của đồng chí Hồng Lưu thế nào?

Hồng Lưu “dạ” một cách bâng quơ, và trở lại bình tĩnh, anh nói:

- Tôi xin tiếp tục. Đấy là nói về lực lượng. Bây giờ nói về địa hình địa vật. Những thuận lợi đồng chí Khu phó đã cho ta thấy rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm về những cái bất lợi của nó. Nó không có thế rút. Có thể nói nó là một tử địa. Nếu như cầu Long Biên ta không phá được và sông Hồng bị nó kiểm soát, con đường Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền ta không giữ nổi, thì tức là ta bị chẹt ở phía bắc cũng như ở phía nam. Phía Lò Lợn và phía Yên Phụ rất dễ bị cơ giới nó cắt, thế nghĩa là đông, tây cũng bị vít kín. Chỉ còn lại Liên khu I ở giữa cái thế bốn mặt bị bao vây, thì cuộc chiến đấu sẽ như thế nào? Phải nói rằng chúng ta có kinh nghiệm đánh du kích ở rừng, ở núi, nhưng chúng ta chưa bao giờ đánh nhau trong thành phố. Không nói nhân dân, ngay cả bộ đội cũng vậy. Trong đơn vị chúng tôi, có nhiều đồng chí cùng chúng tôi đánh du kích hàng năm, sáu năm ở khu giải phóng, nhưng về đến Hà Nội thì lại rất bỡ ngỡ. Có mấy đồng chí thiểu số còn muốn trở về rừng nữa kia. Đấy là về mặt chiến đấu. Còn về mặt quân nhu, lương thực thì chúng ta giải quyết như thế nào để có thể đánh lâu dài? Võ khí không làm ra được, lương thực không sản xuất được. Không nói cái gì xa xôi, chỉ nói một vấn đề nước thôi. Đánh nhau, ta nhất định phải phá Nhà máy nước, địch nó lúng túng đã đành, nhưng ta, ta sẽ giải quyết vấn đề nước như thế nào?

Hội nghị càng xôn xao. Lắng nghe có tiếng Dân: “Khó chứ ai bảo dễ”. Anh nói một cách vô tư lự, gần như không chú ý đến hội nghị, mà cũng chẳng tỏ ra vẻ sốt ruột như phần đông đại biểu. Anh đang làm cái thế ngồi đằng xa giật quả lựu đạn và có vẻ hí hửng như mới tìm được một phát minh. Có tiếng một đại biểu hỏi:

- Đồng chí Hồng Lưu sẽ cho biết ý kiến của đồng chí là thế nào? Có phải ý đồng chí là ta không thể giữ Liên khu I được phải không?

Hồng Lưu nói:

- Ý kiến tôi đã rõ. Nghĩa là chúng tôi sẽ hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi xin thề như thế trước chân dung Hồ Chủ tịch, trước mặt đồng chí Bí thư, đồng chí Khu phó, và tất cả các đồng chí. Nhưng còn giữ được từ tuần lễ trở lên thì chúng tôi không dám hứa.

Đến đây Nguyễn Gia Định, người chính trị viên đại đội bảo vệ phủ Bắc Bộ và dinh Hồ Chủ tịch, giơ tay xin nói. Ngoài cái dáng thư sinh, anh còn có cái ẻo lả của một người con gái, cái sợ sệt tự ti của một viên chức nhỏ. Anh nguyên là một hương sư. Trong làng anh bị bọn kì lí khinh bỉ, chèn ép, đồng lương đã ít lại không được trả đều. Anh lấy vợ, con một nhà khá giả, nhưng chỉ được vài tháng người vợ chê anh là nghèo hèn và bỏ về nhà. Anh bị cả làng, kể cả học trò chế giễu. Anh đi tìm cách mạng, hoạt động bí mật; sau ngày Nhật đảo chính tham gia vào những vụ phá kho thóc của Nhật chia cho nông dân trong huyện. Anh được cử đi học trường quân chính Bắc Sơn. Ngày khởi nghĩa, anh chiến đấu ở Thái Nguyên, rồi theo đoàn quân giải phóng trở về thủ đô. Anh quen Hồng Lưu từ ngày về đóng ở phủ Bắc Bộ. Giọng nhỏ nhẻ, Nguyễn Gia Định nói:

- Trước hết, tôi xin nói là các đồng chí thiểu số thực tình là có nhớ quê hương. Điều đó cũng tự nhiên, vì các đồng chí về Hà Nội từ ngày cách mạng đến nay xa nương xa bản hơn một năm rồi. Nhưng ngại chiến đấu mà xin về thì không có ai cả. Bây giờ tôi xin có ý kiến. Tôi không xin thêm người và võ khí. Với lực lượng hiện có, chúng tôi thề tử chiến. Dù trong tay không còn một khẩu súng, một viên đạn, chúng tôi cũng không để cho quân địch lọt vào dinh Bác. Chúng nó chỉ có thể vào khi chúng tôi không còn một người nào nữa.

Anh ngồi xuống, môi run run, không dám nhìn Hồng Lưu, vẻ lo ngại của một anh nhu nhược đã nói trái ý một người mà mình vẫn nể. Tiếng ồn ào của hội nghị:

- Chúng tôi đã hạ quyết tâm sống chết với thủ đô!
- Xin Đảng cho đánh. Chúng tôi thề giữ được thủ đô!
- Xin cho đánh.
- Chúng tôi không chịu được nữa rồi. Một tháng nay, chỉ còn thiếu cái nước của Việt Vương Câu Tiễn. Chính phủ còn đợi gì mà không cho đánh.

Khu phó đứng lên, nói:

- Tôi rất hoan nghênh cái tinh thần quyết tử của các đồng chí. Nhưng nhân ý kiến của đồng chí Định, tôi muốn nói vấn đề này. Vấn đề là kéo dài cuộc chiến đấu ở Hà Nội. Nói chung là Đảng yêu cầu các đồng chí tử thủ các vị trí mình có nhiệm vụ bảo vệ. Không có lệnh, không được rút, bất cứ vì một lí do gì. Nhưng đấy là một mặt. Còn một mặt khác, các đồng chí cũng cần chú ý. Tức là cũng có khi có lệnh rút, rút để mà bảo vệ thủ đô tốt hơn. Khi ấy thì nhiệm vụ của các đồng chí, và đây cũng là một kỉ luật nghiêm minh, là phải bảo toàn lực lượng, người cũng như võ khí, chuyển về một vị trí được chỉ định để tiếp tục tác chiến. Như trong cái mệnh lệnh mà các đồng chí đã nghiên cứu để chấp hành, thì nếu như ban chỉ huy thấy không thể tiếp tục cuộc chiến đấu ở Bắc Bộ phủ nữa thì các đồng chí sẽ rút về Liên khu I phối hợp với các đồng chí ở đây tổ chức đánh lâu dài. Hi sinh vì nhiệm vụ là thuộc về phẩm chất người chiến sĩ cách mạng. Trong cuộc chiến đấu sắp tới lại càng cần phải cổ võ đề cao nó. Nhưng vấn đề ở đây là ta có thể kéo dài được cuộc chiến đấu ở Liên khu I không?

Nguyễn Gia Định đứng lên:

- Nhưng thưa anh, nếu như phải rút, mà điều đó là một khổ tâm, thì chúng ta có phá cái dinh Bác ở, như phá máy đèn, máy nước không? Hàng ngày Bác ở đấy, chúng tôi được luôn luôn trông thấy Bác, được sinh hoạt với Bác, tăng gia với Bác, được nghe Bác giảng dạy, được Bác săn sóc đến cả cái ăn cái uống, cùng Bác chụp ảnh, Bác chia kẹo, chia thuốc cho luôn luôn, hình ảnh của Bác còn ăn sâu trong từng gian phòng, từng lối đi, từng bực thang, từng góc vườn. Sáng hôm qua, Bác còn dặn chúng tôi phải quyết tâm bảo vệ thủ đô. Lời Bác còn văng vẳng bên tai chúng tôi. Chúng tôi không ngại chiến đấu. Rút đối với chúng tôi là một sự vạn bất đắc dĩ. Bởi vì chúng tôi sẽ phải bắt buộc tự tay phá cái dinh mà chúng ta không ai đang tâm làm cả.

Nói xong, người chính trị viên ngồi xuống, trong cái im lặng đột ngột của gian phòng. Oanh quay xuống đăm đăm nhìn Nguyễn Gia Định và thấy mắt anh hoe hoe đỏ. Bàn tay anh run run, rút cái bút máy ra rồi lại kẹp vào túi. Anh cũng chẳng nhìn ai cả. Anh chưa nói ra, nhưng anh đã có một chủ trương dứt khoát. Nếu như phải rút khỏi dinh, anh sẽ là người cuối cùng ở lại, và cả cái lâu đài kia sẽ đổ sập xuống quân thù.

Đồng chí Bí thư đứng lên, trong lúc mọi người còn hướng vào nhìn Nguyễn Gia Định, và vẫn cái giọng trẻ trẻ, anh nói:

- Chúng ta sẽ phải trải qua những ngày rất đau xót, vì những thương tổn mà địch nó sẽ gây ra cho các đồng chí chúng ta, cho đồng bào, cho thủ đô Hà Nội. Chúng ta không muốn, nhưng chúng ta vẫn phải làm, hay nói cho đúng, thằng Pháp nó bắt chúng ta phải làm. Các đồng chí của chúng ta rất sôi nổi, đó là một điều rất tốt. Nhưng chúng ta cũng cần phải rất khách quan. Đánh, chúng ta thấy cần phải đánh. Các đồng chí chỉ mong được đánh. Hơn một tháng nay, hay nói cho đúng là từ ngày ta kí Hiệp định sơ bộ với thằng Pháp kia, các khu gấp rút chuẩn bị chính là để lúc nào Đảng cần đến thì chúng ta chỉ có việc tiến lên. Nó định cướp nước ta thì chúng ta phải đánh. Lúc này, chúng ta chỉ còn chờ lệnh của Đảng, của Chính phủ. Nhưng vấn đề là như đồng chí Khu phó đã nói, đánh thì có chỗ phải rút, có chỗ phải giữ, có chỗ giữ ít, có chỗ giữ nhiều, có chỗ giữ đến cùng. Bây giờ nói về Hà Nội. Kế hoạch là phải giữ trong một thời gian, kìm chân giặc càng lâu càng tốt. Liên khu I đối với Hà Nội có thể như xưởng Tháng mười đỏ đối với Stalingrad không? Chúng ta nên trở lại vấn đề ấy. Có giữ được lâu không? Và bao nhiêu lâu? Chúng ta cần dứt khoát với nhau ở đây, rồi người nào người nấy còn về vị trí của mình mà chuẩn bị.

Tiếng nói lộn xộn:

- Một tuần lễ là ít.
- Nói như đồng chí Hồng Lưu là hi sinh chủ nghĩa.

Đồng chí Bí thư hỏi:

- Một tuần lễ, hay ít hơn, hay nhiều hơn? Bao nhiêu lâu nào?

Dân bỗng đưa hai cánh tay sắt của anh bê Quốc Vinh đứng dậy, và nói lớn:

- Xin cho đánh. Giữ được. Anh Quốc Vinh sẽ trình bày cho chúng ta một lần nữa, rõ ràng hơn.

Đồng chí Bí thư nhìn Quốc Vinh, khẽ hất hàm. Quốc Vinh cuộn tay che cái miệng hơi giảu ra của anh. Anh ho vài tiếng, mắt rất nhanh nhìn về phía Hồng Lưu. Anh biết Hồng Lưu không muốn về Liên khu I vì sợ ở dưới quyền lãnh đạo của anh. Hồng Lưu cũng không ưa anh, vì hai lần Quốc Vinh đã bắt gặp Hồng Lưu giả ăn mặc như một người thường để đi chơi nhà thổ. Anh đã khuyên Hồng Lưu, vì phẩm chất của một đồng chí đã từng hoạt động khá nhiều năm ở chiến khu, không nên tiếp tục cái việc xấu xa. ấy. Quốc Vinh thoáng nghĩ: Rồi cậu ta cũng hiểu mình thôi, mình lo cho đồng chí mình chứ lo cho ai. Anh đứng lên, nói giọng đều đều, nhỏ nhỏ, như không phải trong một cuộc thảo luận:

- Đa số các đồng chí đều nói có thể giữ được Thủ đô. Ý kiến của tôi cũng thế và tôi đã nói. Tôi nghĩ như thế này. Lực lượng ta yếu, võ khí ta ít, thô sơ nữa, đúng, nhưng cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà ta đã làm cách mạng thành công. Đồng chí của chúng ta hồi ấy được bao nhiêu mà chúng ta vẫn lãnh đạo được cách mạng? Mà chỉ trong mấy hôm, chính quyền của ta được thành lập suốt từ Nam chí Bắc? Trước ta có quen đánh rừng núi đâu, trải qua đấu tranh rồi chúng ta có kinh nghiệm. Đánh nhau trong thành phố bây giờ cũng thế thôi.

Một tay vẫn để lên miệng, một tay cầm cuốn sổ, anh đưa lên mắt liếc qua, rồi lại buông tay xuống. Quốc Vinh nói tiếp:

- Nhưng tôi muốn nói nhiều về nhân dân. Tôi đồng ý với đồng chí Hồng Lưu và nhiều đồng chí khác là người dân ở đây phức tạp. Có những người bấp bênh, có những người dao động, có những người không ủng hộ ta, ví dụ như tụi Quảng Xương Long, ví dụ như nhiều nhà bào chế không chịu quyên thuốc quyên men, hơn nữa có cả những kẻ phản động chỉ lăm le đánh ta sau lưng. Nhưng đại đa số nhân dân Hà Nội, tôi khẳng định là tốt. Đấy là những tiểu thương, tiểu chủ, những viên chức, những người trí thức, những anh chị em nghèo, nhất là nam nữ học sinh và anh chị em thợ thuyền, công cũng như tư. Phải kể cả những anh chị em phu phen, những anh xích lô hàng phở, những em nhỏ đánh giày, bán báo, v.v… Ngay cả tư sản cũng có một số người hăng hái vào tự vệ, đặc biệt là con cái họ thì rất nhiều người có lòng yêu nước, ví dụ như con trai Cự Lâm.

Oanh quay lại nhìn Quốc Vinh và gật đầu, tay nắm chặt lấy tay một chị ngồi bên. Quốc Vinh ngừng lại để ho rồi lại nói:

- Căm thù quân giặc, chị em chợ Đồng Xuân, và tất cả các chợ Hà Nội đã nhất tề bãi thị, thề không bán lương thực cho Pháp. Nhiều chị em đã tự động quyên tiền, quyên gạo giúp đỡ bộ đội. Rất đông nam nữ học sinh, không chịu tản cư với gia đình, hăng hái xung vào các tổ tự vệ. Nhân dân các khu phố góp tiền mua súng, mua đạn. Không nên chỉ tính cái số võ khí của quân đội chính quy. Số võ khí nằm ở trong tay nhân dân không phải là ít. Trong việc đào hầm, đắp ụ, dựng chướng ngại vật, đục các lỗ giao thông xuyên nhà nọ sang nhà kia, chúng ta đã trông cậy vào ai? Vào những người dân nghèo; những anh em công nhân. Có những người không có tiền, không có gạo cũng xin ở lại để được kháng chiến. Có thể nói chúng ta đứng trước một phong trào nhân dân tự võ trang sôi nổi chưa từng có. Họ đứng lên, với cái quyết tâm giữ nhà, giữ phố. Ông già bà cả thì lo tích trữ gạo nước cho con em. Giải quyết được vấn đề nhân dân thì đồng thời giải quyết được vấn đề lương thực. Tôi nói với số lương thực hiện có ở Liên khu I, ta có thể cầm cự được hàng tháng. Nước ở đâu? Ở trong các vại, các chum, các bể, trong hàng trăm hàng ngàn cái giếng trong Liên khu I. Tất cả những con người ấy, bị áp bức, bị bóc lột, bị đày đoạ về tinh thần và vật chất, dưới thời nô lệ, đã thấy rõ cách mạng đem lại quyền lợi cho mình. Từ ngày tiền khởi nghĩa đến giờ họ đã được giáo dục, được động viên, được tổ chức, nên họ có một lòng căm thù sâu sắc đối với giặc, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ, vào Hồ Chủ tịch. Sao đồng chí Hồng Lưu lại có thể thành kiến với họ được? Ấy là tôi chưa kể cái truyền thống đấu tranh của người Hà Nội suốt từ ngày Pháp nó cướp nước ta đến giờ. Không phải tự nhiên mà có những Đông Kinh Nghĩa Thục, những phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, những đám tang Phan Thanh, những cuộc bãi khoá của học sinh trường Bưởi, bãi công của anh em thợ hãng Aviat, những cuộc biểu tình có hàng vạn nhân dân lao động tham dự, dưới lá cờ đỏ búa liềm ngày Quốc tế Lao động mồng Một tháng Năm 1939, v.v… Không phải tự nhiên mà hàng chục vạn người đứng lên cướp chính quyền ở Hà Nội, trước mũi súng của phát-xít Nhật, hàng chục vạn người kéo đi phản đối phái bộ Anh dung túng cho quân Pháp trở về Nam Bộ, hàng vạn hàng triệu người hoan hô Hồ Chủ tịch và chế độ Dân chủ Cộng hoà ở vườn hoa Ba Đình năm ngoái…

Oanh kêu lên hai tiếng hoan hô và vỗ tay sung sướng. Chị gục đầu xuống bàn, xấu hổ vì cái cử chỉ tán thành lộ liễu của mình. Cả hội nghị vẫn lắng nghe Quốc Vinh. Đồng chí Bí thư nhìn sang, khẽ mỉm cười một cách độ lượng với người nữ cán bộ Hà Nội. Quốc Vinh lại nhìn cuốn sổ, và nói:

- Ở Hà Nội, cũng như ở các nơi, vấn đề là phải lãnh đạo nhân dân tự võ trang đánh giặc cứu nước. Người Hà Nội đã tự võ trang đứng dậy. Thanh niên Hà Nội đã được sơ bộ học tập về chính trị, về thường thức quân sự. Họ đã thề sống chết với thủ đô. Người dân Hà Nội đã nêu cái khẩu hiệu: “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài”. Nói thế mang dao động của họ trước những khó khăn phức tạp sau này. Nhưng cái nhiệt tình yêu nước của người Hà Nội là một đảm bảo. Cần phải nắm lấy họ và tổ chức họ cho chặt chẽ. Nói tóm lại, về các mặt tinh thần, vật chất, võ khí, lương thực, địa hình địa vật, lực lượng chiến đấu chính quy, và về mặt người dân mà nói, tôi thấy ta có đủ điều kiện để kéo dài cuộc chiến đấu ở thủ đô.

Bàn tay Quốc Vinh như chém vào không khí. Mắt lồ lộ của anh sáng lên. Anh nói:

- Không phải chỉ một tuần lễ mà thôi đâu, tôi nói có thể một tháng.

Dân vỗ tay khe khẽ vào cái hông gầy gầy của Quốc Vinh:

- Một tháng là ít.

Nhiều đại biểu rào rào:

- Được rồi.

Quốc Vinh nói tiếp. Anh nhác trông thấy Oanh quay mặt về phía anh. Oanh chờ anh nhìn chị, như khi ta tán thành ý kiến của một người nào, thì muốn người ấy trông thấy sự biểu hiện đồng tình của ta qua khoé mặt nụ cười. Nhưng Quốc Vinh nhìn thẳng lên phía dãy ghế trên:

- Tôi chỉ xin có mấy đề nghị vắn tắt như thế này mà tôi chưa sắp xếp được cho có thứ tự.

Anh đọc mấy điểm đã ghi trong cuốn sổ : Bảo toàn thực lực của mình – Quấy nhiễu và đánh tỉa quân thù – Vừa đánh vừa võ trang – Vừa đánh vừa đào tạo cán bộ, và nhất là vừa đánh vừa phát triển đồng chí. Tôi xin có mấy ý kiến như vậy.

Quốc Vinh ngồi xuống, vừa ho vừa hỏi khẽ Dân:

- Có được không? Không hiểu thế nào, mình chẳng nhớ được cái gì. Nói lộn xộn quá. Thiên binh!

Dân cười hề hề:

- Được rồi. Tán thành. Tốt.

Anh giơ tay đứng lên.

- Chúng tôi đồng ý cả rồi. Xin đồng chí Hồng Lưu cho biết ý kiến.

Hồng Lưu nói:

- Tôi chỉ nêu một số khó khăn. Còn tôi cũng nghĩ như đồng chí Quốc Vinh. Không có gì khác cả.

Đồng chí Bí thư sắp sửa đứng lên nói, thì một cán bộ quân sự mở cửa vào, không nhìn ai, tới thẳng chỗ Khu phó ngồi, đứng nghiêm chào, rồi đưa cho người chỉ huy một phong bì nhỏ. Khu phó xem xong, mím môi lại, và trao cho đồng chí Bí thư. Hai người nhìn nhau như chỉ nói chuyện với nhau bằng mắt. Hồi lâu đồng chí Bí thư đứng lên, giọng cố giữ vẻ thản nhiên:

- Các đồng chí, bọn chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước khí giới tự vệ, đòi giữ quyền công an, đòi đảm bảo lấy việc trật tự trong thành phố. Chúng nó đòi Chính phủ ta phải trả lời chúng trước hai mươi giờ rưỡi ngày hôm nay, mười chín.

Mọi người ngồi im không động như khối đá, mắt nhìn lên đồng chí Bí thư, mở không chớp. Vài tiếng ho nổi lên. Ngoài ga, tiếng còi tàu hoả rú lên một hồi trong vắng lặng. Âm vang như một lời từ biệt. Ào ào tiếng lá rụng ngoài đường. Đồng chí Bí thư nói:

- Vì quyền lợi của dân tộc. Hồ Chủ tịch và Hội đồng Chính phủ vừa họp đã quyết định bác bỏ bức tối hậu thư láo xược, và hạ lệnh cho toàn thể quân đội và nhân dân sẵn sàng. Nếu nó liều lĩnh gây ra cuộc chiến tranh xâm lược thì tiếng súng kháng chiến của chúng ta sẽ lập tức nổ vào đầu chúng nó. Chính phủ đã quyết định không để cho chúng đánh trước…

Đồng chí Bí thư khẽ nhếch mép cười và hỏi:

- Các đồng chí, các đồng chí đã sẵn sàng chưa?

Một tiếng thét lộn xộn:

- Sẵn sàng cả rồi ?
- Đã đánh được chưa, các đồng chí?

Người cầm sổ, người gập bản đồ, người đánh rơi cặp xuống sàn, người đưa cái quai súng sang bên, họ đứng cả lên:

- Đánh!
- Các đồng chí đang mong được đánh lắm phải không?
- Vâng. Chúng tôi chỉ mong có thế.
- Các đồng chí, tám giờ tối hôm nay, trước cái hạn tối hậu thư, thủ đô sẽ nổ tiếng súng đầu tiên của kháng chiến.

Một tiếng ồ dài ran ran trong gian phòng rối loạn như nước ứ tháo ra.

Nhiều bàn tay nắm lấy nhau. Những tiếng thì thào bên tai nhau: Tám giờ. Tám giờ. Có tiếng nói to:

- Phải thế. Phải thế. đây là nguyện vọng của toàn dân. Trả lời cái tối hậu thư láo xược bằng tiếng súng!
- Chúng tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ.

Đồng chí Bí thư nói:

- Các đồng chí ngồi xuống. Đồng chí Khu phó có nói gì nữa không?

Khu phó, nét mặt nghiêm nghị như hạ lệnh, và mọi người lại giở sổ ra ghi:

- Các đồng chí sẽ chờ lệnh cụ thể. Bây giờ chỉ dặn mấy điểm. Một là tiếp tục cho trinh sát đi điều tra tình hình địch, xem động tĩnh di động thế nào, thực tế đi điều tra đường lối và vị trí đóng quân của địch và nghiên cứu kĩ càng trên bản đồ. Hai là chuẩn bị các khí giới, các đồ vật ngăn cản như bị cát, rào thép, dụng cụ để ngả cây cối, sắp xếp lại các đội cảm tử phá xe tăng, thiết giáp, duyệt lại những khu vực hoạt động của các đơn vị chiến đấu (bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ phố, công an xung phong v.v…), bố trí liên lạc cho chặt chẽ, chỉ định những địa điểm cho các đơn vị đến chiếm giữ ngay khi có lệnh kháng chiến, nhất là những nơi cao như nóc nhà thờ, cột vô tuyến điện v.v… để làm chòi quan sát. Ba là chuẩn bị đầy đủ lương khô cho các lực lượng chiến đấu mang sẵn trong mình và bố trí việc tiếp tế gạo nước cho nhân dân. Bốn là canh phòng và định cách đối phó với kiều dân Pháp và ngoại quốc, đặc biệt chú trọng vận động Hoa kiều. Năm là bố trí thật chặt chẽ các khu phố liền nhau. Hết.

Chỉ nghe thấy tiếng bút hối hả sột soạt trên giấy. Một con muỗi bám vào bàn tay Quốc Vinh. Anh xuýt xoa và bóp nó ra nước trên đầu ngón tay cái cứng đờ của anh. Dân đưa cho Quốc Vinh cái bản đồ Hà Nội của anh ta và rủ rỉ:

- Anh cầm lấy cái này mà dùng. Tôi đã xoay được một cái rồi.

Quốc Vinh nói:

-Cố diệt đoàn xe của nó ở Cửa Nam...

*

* *

Đồng chí Bí thư nói những lời cuối cùng:

- Chúng ta đã thảo luận suốt từ đêm đến giờ. Đồng chí Khu phó đã nói rõ những kế hoạch quân sự của địch và những chủ trương đối phó của ta. Chúng ta chờ đánh giặc. Chúng ta đã đánh được. Bây giờ đã sáng rồi. Các đồng chí phải về mà chuẩn bị. Thì giờ bây giờ là vàng. Các đồng chí không chủ quan và cũng không hoang mang. Vững tin ở Hồ Chủ tịch, ở đoàn thể, ở nhân dân. Vững tin ở chủ trương, đường lối trường kì kháng chiến, các đồng chí nắm cho chắc cái phương châm để thắng lợi ấy. Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta nhất định thắng. Vì sao? So sánh ta và địch thì rõ. Quân địch, về chính trị mà nói, thì sau bốn năm dân chúng Pháp bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh, bị chà đạp dưới gót sắt của Đức, bị đau khổ nhiều, binh lính xa nhà cửa, xa bố mẹ vợ con, chúng đều muốn hoà bình để trở lại quê hương, vì vậy cho nên chúng không muốn chiến tranh. Về quân sự thì sau những ngày Đức bên kia, Nhật bên này đánh chúng thua liểng xiểng, tinh thần của chúng suy kém. Chúng chiến đấu để xâm lăng nên tinh thần không hăng. Những binh lính tinh nhuệ thì đã chết trong cuộc chiến tranh vừa qua gần hết, hiện giờ chỉ còn lại những thanh niên chưa có kinh nghiệm mấy, nói chung là tinh thần chiến đấu không đáng kể. Còn ta, về chính trị thì ta đi trên con đường dân chủ, gánh vác một phần xây đắp hoà bình trên thế giới, nhất định ta được thế giới ủng hộ. Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc nên tinh thần quyết tử của ta mạnh mẽ. Sự đoàn kết của toàn dân là một lợi khí sắc bén để giết quân thù. Về quân sự, thực tế kinh nghiệm trên bãi chiến trường sẽ giúp chúng ta tiến bộ. Chúng ta áp đụng chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, địch sẽ hao mòn và cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta kéo dài cuộc chiến đấu để tự vệ, địch sẽ vấp phải cái hoạ người hết, lương tàn rồi ta đánh một trận, chúng sẽ bị tơi bời. Thắng lợi sau cùng sẽ về ta.
Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình. Nhưng với cái chí khí quật cường mà tổ tiên ta đã hun đúc cho những anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, dân tộc chúng ta có một tinh thần bất khả diệt. Ta chỉ hiền hậu với những người trọng tự do và dân chủ, chỉ quảng đại với những người hèn yếu hơn mình, chứ không bao giờ hiền hậu và đạo đức với những kẻ gian tà hung ác, cũng không bao giờ khuất phục trước sức mạnh của một kẻ địch nào. Chúng ta mong muốn hoà bình. Đến phút cuối cùng Hồ Chủ tịch vẫn cố gắng duy trì hoà bình. Nhưng chúng nó vẫn cố tình cướp nước ta một lần nữa. Chúng đã khai chiến ở Hải Phòng, chúng đã khai chiến ở ngõ Yên Ninh rồi. Chúng ta muốn hoà bình, nhưng không phải hoà bình trong nô lệ. Chúng ta quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ quyền lợi cho dân tộc, đập tan sự nguy hại cho nền dân chủ và hoà bình. Như đồng chí Trường Chinh đã nói, chúng ta sẽ làm cho giặc đói không có ăn, khát không có uống, có chân như què, có mắt như mù, có miệng như câm. Các đồng chí hãy nêu cao tinh thần dũng cảm của người cộng sản quyết chiến quyết thắng. Chúng ta phải làm những người tiên phong đi giải phóng dân tộc chúng ta. Trong những ngày vừa qua, nhiều đảng phái đối lập công kích ta, hòng làm giảm uy tín của Đảng ta. Họ đòi chia quyền lãnh đạo, thậm chí đòi Đảng ta bỏ quyền lãnh đạo. Nhưng trong lúc Tổ quốc lâm nguy này, thì họ ở đâu? Trước cái hoạ xâm lăng, trước vấn đề một mất một còn của dân tộc, họ đã làm gì? Người đứng mũi chịu sào trung thành với dân tộc vẫn chỉ có Đảng ta. Trong cuộc kháng chiến này, một lần nữa, Đảng ta lại làm cái sứ mạng là lái con thuyền Tổ quốc vượt qua bão táp phong ba tới bờ thắng lợi. Dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, chúng ta chúc cho nhau tin tưởng tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ.
Các đồng chí, chúng ta sẽ ít có những cuộc hội họp đông đủ như thế này. Các đồng chí bây giờ ở khu nào về khu ấy. Trong giờ phút chia tay này, đứng trước cái nhiêm vụ nặng nề bảo vệ Thủ đô mà đoàn thể đã giao cho, chúng ta hãy thề với nhau là: chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, sống chết với quân thù, kéo dài cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

Trời đã sáng. Bên ngoài, ô tô của quân Pháp ầm ầm chuyển động. Ù ù, lanh canh tiếng xe điện chạy. Trong phòng họp rộng, sơ sài một cách nghiêm nghị, những nắm tay giơ lên, khít vào nhau, và từ từ hạ xuống, lộn xộn, làm thành những cái bóng mờ mờ, rối loạn, in trên nền tường mà ánh sáng những ngọn đèn đỏ đục đã nhường cho ánh sáng run rẩy của ban ngày.