Trên vạt đất kề sông, mặt trời đã dần dần thu về những tia ánh sáng vàng. Những cây ô bách dựa sông trên vạt đất, lá nó vừa mới khô khan thở ra hơi, mấy con muỗi vằn chân đang vo ve bay lượn ở dưới. Trong ống khói bếp của những nhà nông ngó mặt ra sông mỗi lúc một nhạt bớt khói nấu ăn, bọn đàn bà trẻ con đều xối nước trên vạt đất trước cửa nhà mình, đem đặt bàn nhỏ và ghế đẩu thấp ; người ta biết ấy là đã đến bữa cơm chiều rồi.

Người già, đàn ông ngồi trên ghế đẩu thấp, phẩy quạt lá và nói chuyện gẫu, trẻ con chạy lăng xăng, hay là ngồi xổm dưới cây ô bách đánh chắt. Người đàn bà bưng ra món dưa bung đen sẫm và cơm gạo hoa khế hơi lên nghi ngút. Chiếc thuyền rượu của nhà văn chạy dưới sông, các văn hào thấy thế, hứng thơ lai láng, nói rằng: Vô tư vô lự, đó thật là cái vui nhà nông!.

Nhưng câu nói của văn hào có hơi không đúng sự thực, là vì họ không nghe thấy bà cụ Chín cân nói. Lúc đó, bà cụ Chín cân đang giận dữ, cầm cây quạt lá vả rách đập dưới cẳng ghế nói:

Tao sống đến bảy mươi chín tuổi rồi, sống chán rồi, tao không muốn trông thấy những của phá gia ấy, chết đi cho rảnh. Đã đến bữa cơm rồi, còn ăn đậu rang, ăn cho tận tiệt cả nhà đi!.

Con bé Sáu cân, chắt nội gái của bà cụ, nắm một nắm đậu, đang ở trước mặt chạy lại, thấy thế, bèn chạy thẳng đến mé sông, nấp đằng sau cây ô bách, thò ra cái đầu nhỏ có hai quả đào, lớn tiếng nói: Cái đồ già chẳng chết đi kia!.

Bà cụ Chín cân tuy cao tuổi, lỗ tai vẫn không điếc lắm, có điều cũng không nghe thấy câu nói của con bé, bà vẫn cứ tiếp theo lời mình: Thật là một đời chẳng bằng một đời!

Thói tục làng này có hơi khác. Đàn bà trẻ con ra, phần nhiều ưa dùng cân cân xem nặng nhẹ, bèn lấy cái số cân được ấy đặt tên quai nôi. Bà cụ Chín cân từ sau khi làm lễ mừng thọ năm mươi, thì dần dần hóa ra người bất bình, thường nói hồi bà còn trẻ, khí trời không có nóng như bây giờ, hột đậu cũng không có cứng như bây giờ ; tóm lại thời buổi bây giờ là không tốt. Huống nữa con bé Sáu cân so với ông cố nó thiếu mất ba cân, so với bố nó Bảy cân, lại thiếu mất một cân, đó thật là một cái chứng chắc chắn không đánh đổ được, cho nên bà lại rắn rỏi nói: Thật là một đời chẳng bằng một đời!.

Mụ Bảy cân, con dâu bà, đang bưng rá cơm đến bên bàn, bèn ném rá cơm xuống trên bàn, tức tưởi nói: Cụ đã lại nói thế. Lúc con Sáu cân đẻ ra, chẳng phải sáu cân năm lạng là gì? Cân nhà cụ lại là cân non, cho già lên, kể mười tám lạng là một cân ; đem đọ với cân mười sáu lạng, con Sáu cân nhà ta hẳn là hơn bảy cân đấy. Tôi tưởng dù là ông cố và ông nhà ta, cũng không chắc đủ chín cân tám cân đâu, cái cân đã dùng có lẽ là thứ cân mười bốn lạng....

Một đời chẳng bằng một đời!

Mụ Bảy cân còn chưa đáp lại, bỗng thấy Bảy cân từ trong ngõ hẻm đi ra, bèn day hướng, quát lên với hắn rằng: Cái thây thối này sao đến giờ này mới dẫn thân về, chết đi đằng nào hử! Không màng đến ở nhà người ta đợi về mới giở cơm!.

Bảy cân tuy ở trong nông thôn, chứ vốn có ý bay nhảy. Từ ông nội hắn đến hắn, đã ba đời không cầm cày ; hắn cũng noi gương giúp người ta đi lái thuyền, mỗi ngày một chuyến, sáng sớm từ Lỗ trấn lên thành, chiều tối lại trở về Lỗ trấn, nhân đó hắn biết ít nhiều thời sự: như ở nơi nào đó thiên lôi đánh chết con tinh rết ; ở nơi nào đó cô con gái đồng trinh đẻ ra con quỷ dạ xoa, v.v... Kế trong đám người làng, hắn đã là một vai trò trên sân khấu. Nhưng mùa hè ăn cơm không thắp đèn, cái lề lối ấy của nhà nông vẫn còn giữ, cho nên về đến nhà trễ quá, là điều đáng mắng.

Bảy cân tay cầm cái ống điếu dọc bằng trúc Tương phi[1] dài hơn sáu thước, mõm bịt ngà, tẩu bằng đồng bạch, cúi đầu thủng thẳng đi đến, ngồi trên cái ghế đẩu thấp. Sáu cân cũng thừa dịp lủi ra, ngồi cạnh hắn, kêu cha cha. Bảy cân không trả lời.

Một đời chẳng bằng một đời! Bà cụ Chín cân nói.

Bảy cân chậm rãi ngước đầu lên, thở ra nói: Hoàng đế đã lại ngự ngai vàng rồi[2].

Mụ Bảy cân ngây người ra một lúc, bỗng như sực tỉnh nói: Thế thì tốt lắm, thế chẳng lại sắp có ban ơn đại xá là gì!

Bảy cân lại thở ra, nói: Tôi không có cái bín.

Hoàng đế bắt phải có cái bín sao?

Hoàng đế bắt phải có cái bín.

Sao mình biết? Mụ Bảy cân hơi hốt hoảng, vội vàng hỏi.

Những người trong tiệm rượu Hàm Hanh đều nói như thế.

Mụ Bảy cân lúc đó không phải suy nghĩ, thấy ngay rằng sự tình có hơi không ổn rồi, bởi vì tiệm rượu Hàm Hanh là nơi nhạy tin tức. Mụ liếc mắt thấy cái đầu Bảy cân trơ trụi, thì nổi giận không cầm được, kìa quái hắn, căm hờn hắn ; bỗng lại đâm ra tuyệt vọng, bới một bát cơm vứt ở trước mặt Bảy cân, nói: Thôi thì ăn nhanh cho xong bữa cơm đi! Cứ khóc bù lu bù loa rồi nó dài cái bín ra được sao?.

Mặt trời thu về hết những tia sáng cuối cùng, hơi mát ngấm ngầm trở lại trên mặt nước ; tiếng bát đũa khua động trên vạt đất, mọi người đều đổ mồ hôi giọt trên sống lưng. Mụ Bảy cân ăn xong ba bát cơm, tình cờ ngước đầu lên, trong buồng tim bỗng thấy đập mạnh không cầm được. Mụ trông qua lá cây ô bách, thấy cụ Bảy Triệu vừa lùn vừa mập đang từ trên chiếc cầu độc mộc đi đến, mà lại mặc áo dài trúc bâu màu bửu lam.

Cụ Bảy Triệu là chủ tiệm rượu Mậu nguyên làng bên, lại là nhân vật xuất sắc vả là nhà học vấn có một trong vòng tư vuông ba mươi dặm vùng ấy ; vì có học vấn nên lại có ít nhiều khí vị già sót[3]. Cụ có hơn mười thứ Tam quốc chí của Kim Thánh thán phê bình, thường ngày cứ ngồi đọc từng chữ từng chữ ; chẳng những nói ra được tên họ của năm Hổ tướng, rất đỗi còn biết được Hoàng Trung biểu tự là Hán thăng, Mã Siêu biểu tự là Mạch khởi. Sau cách mạng, cụ quấn bín trên đỉnh đầu, như một đạo sĩ ; thường thường than thở nói, nếu Triệu Tử Long còn sống, thiên hạ chắc không loạn đến thế này. Mụ Bảy cân nhanh mắt, thấy cụ Bảy Triệu hôm nay đã không phải là đạo sĩ, cái đầu cạo láng trơn, bín tóc đen nhánh, khắc biết rằng nhất định hoàng đế đã lại ngự ngai vàng, vả lại nhất định cần phải có cái bín, vả lại nhất định Bảy cân sẽ có sự nguy hiểm phi thường. Bởi vì chiếc áo dài trúc bâu ấy của cụ Bảy Triệu không phải dễ dàng lúc nào cũng thường mặc, ba năm nay, chỉ mặc có hai lần ; một lần là Lão Tư Rỗ người giận nhau với cụ lâm bệnh, một lần là khi ông Cả Lỗ người phá phách tiệm rượu của cụ chết đi ; nay là lần thứ ba, nhất định lại là việc vui mừng cho cụ, tai họa cho kẻ thù của cụ.

Mụ Bảy cân nhớ lại, hai năm trước, Bảy cân say rượu, từng mắng cụ Bảy Triệu là đồ khốn, cho nên giờ này tức khắc thấy ngay chỗ nguy hiểm của Bảy cân, trong buồng tim nổi lên đập mạnh.

Cụ Bảy Triệu đi thẳng tới, những người ngồi ăn cơm đều đứng dậy, cầm đũa gõ trên bát cơm của mình nói: Cụ Bảy, mời cụ xơi cơm với chúng tôi!. Cụ Bảy cũng gật đầu thẳng một mạch, nói xin mời, lại đi ngay đến bên bàn ăn nhà Bảy cân. Cả nhà Bảy cân vội vàng chào mời, cụ Bảy cũng mỉm cười nói xin mời, một mặt để ý xem xét cơm và thức ăn của họ.

Món dưa bung thơm quá, - đã có nghe tin đồn gì chứ?. Cụ Bảy Triệu đứng sau lưng Bảy cân, trước mặt mụ Bảy cân, nói thế. Hoàng đế đã lại ngự ngai vàng rồi. Bảy cân nói.

Mụ Bảy cân cứ nhìn trên mặt cụ Bảy, hết sức vồn vã nói: Hoàng đế đã ngự ngai vàng rồi, bao giờ mới ban ơn đại xá ư?.

Ban ơn đại xá à? - Đại xá thì thư thả rồi thế nào cũng đại xá đấy. Cụ Bảy nói đến đó, tiếng nói và nét mặt bỗng trở nên nghiêm xẳng. Nhưng mà cái bín của Bảy cân nhà chị đâu, cái bín? Đó lại là việc cần thiết. Các người phải biết: thời buổi Trường Mao, hễ để tóc thì không để đầu, mà để đầu thì không để tóc...[4]

Bảy cân và vợ hắn chưa hề đọc sách, không hiểu được sự màu nhiệm của cái cổ điển ấy cho lắm, nhưng thấy rằng cụ Bảy nhà học vấn đã nói như thế, thì cái sự không có bín tự nhiên là to chuyện, không có cách chạy chữa được, bèn mường tượng như là bị tuyên án xử tử, ù tai một cái, chẳng nói gì được nửa lời.

Một đời chẳng bằng một đời, bà cụ Chín cân đang bất bình, thừa dịp ấy, bèn nói với cụ Bảy Triệu, Bọn Trường Mao hiện giờ, chỉ việc cắt bín người khác, thầy tu chẳng ra thầy tu, đạo sĩ chẳng ra đạo sĩ. Bọn Trường Mao trước kia có như thế đâu? Tôi sống đến bảy mươi chín tuổi rồi, sống chán rồi. Bọn Trường Mao trước kia là - nguyên cả súc đoạn đỏ bịt đầu, thả thòng xuống, thả thòng xuống, thòng thẳng đến gót chân ; các đức ông tước vương là đoạn vàng, thả thòng xuống, đoạn vàng ; đoạn đỏ, đoạn vàng, - tôi sống chán rồi, bảy mươi chín tuổi rồi.

Mụ Bảy cân đứng dậy, nói một mình: Thế mới làm thế nào được? Con người ấy, cả nhà từ già đến trẻ đều nhờ nó nuôi sống...

Cụ Bảy Triệu lắc đầu nói: Cái đó cũng chịu phép. Không có bín, phải mắc tội gì, trong sách đều chép từng điều từng điều rõ ràng lắm. Mặc kệ nhà mình có những người thế nào.

Mụ Bảy cân nghe nói có chép trong sách, thật đã không còn trong mong mảy may nào nữa ; chính mình bối rối, bỗng lại đâm giận Bảy cân. Mụ lấy chiếc đũa chỉ vào sống mũi chồng và nói: Thằng chết vằm này mình làm thì mình chịu! Lúc làm giặc[5], tôi đã bảo, không nên chống thuyền, không nên lên thành. Nó lại cứ liều lĩnh lên thành, xông xáo lên thành, lên thành mới bị người ta cắt mất bín đi. Trước kia là cái bín đen lánh có ngời, bây giờ hóa nên thầy tu chẳng ra thầy tu, đạo sĩ chẳng ra đạo sĩ. Thằng tù này mình làm thì mình chịu, làm hại lây đến cả nhà chúng tôi là nghĩa làm sao? Cái thằng tù chết vằm kia...

Người làng thấy cụ Bảy Triệu vào làng, đều ăn vội cho xong bữa cơm, đến nhóm ở chung quanh bàn ăn nhà Bảy cân. Bảy cân biết mình là vai trò trên sân khấu, mà bị vợ mắng tàn nhẫn như thế trước mặt đông người, rất là bẽ mặt, bèn gượng ngước đầu lên, chậm rãi nói:

Hôm nay mình thấy việc xảy ra mới nói thế, chứ hồi đó mình...

Mầy, cái thằng tù chết vằm kia...

Trong những kẻ đứng xem, có chị Tám là người có lòng tốt, bế đứa con mồ côi từ trong bụng giáp hai năm của mình đứng bên mụ Bảy cân ; lúc đó cầm lòng không đậu, vội vàng khuyên giải nói: Chị Bảy cân, thôi được rồi. Người ta không phải thần tiên, ai biết được việc về sau? Dù cho chính mình chị, lúc đó chẳng cũng đã nói, không có bín cũng chẳng xấu gì hay sao? Huống chi các cụ lớn nhà quan cũng không hề rao bảo....

Mụ Bảy cân chưa nghe hết lời, hai cái tai đã đỏ ửng lên, bèn day chiếc đũa qua, chỉ vào sống mũi chị Tám, nói: ối già, sao lại nói thế! Chị Tám nè, tôi xem tôi vẫn còn là một con người, có thể nào thốt ra lời ngu muội hồ đồ như thế? Lúc đó tôi khóc suốt ba ngày, ai ai cũng thấy, cả đến con bé Sáu cân này cũng khóc.... Con bé Sáu cân vừa ăn xong một bát cơm lớn, cầm cái bát không giơ tay đòi bới thêm. Mụ Bảy cân đang tức tối, bèn lấy chiếc đũa xỉa xuống giữa hai quả đào của nó, nạt to rằng: Ai mượn mầy lắm mồm, mấy cái con mụ góa lấy trai kia!.

Bỗng một tiếng chảng, cái bát không của con bé Sáu cân rơi xuống đất, rủi chạm phải hòn gạch vỡ, mẻ một miếng rất lớn. Bảy cân đứng phắt dậy, lượm cái bát vỡ lên, gằm miếng mẻ lại săm soi một lúc, cũng thét lên, đéo mẹ mầy! đánh cho Sáu cân một cái tát. Sáu cân nằm xuống khóc, bà cụ Chín cân nắm lấy tay nó, nói liên thanh một đời chẳng bằng một đời, rồi kéo nhau đi.

Chị Tám cũng nổi giận, to tiếng nói: Chị Bảy cân, chị giận cá chém thớt.

Cụ Bảy Triệu nãy giờ cứ cười cười đứng cạnh xem ; song từ sau khi chị Tám nói câu các cụ lớn nhà quan cũng không rao bảo, lại có hơi tức giận. Lúc này cụ đã đi quanh ra cạnh bàn, nói tiếp theo: Giận cá chém thớt mà đáng kể vào đâu. Đại binh rồi sẽ kéo đến. Mụ phải biết, người bảo giá lần này là Trương đại súy[6]. Trương đại súy là dòng dõi của Trương Dực Đức người Yên, một thanh xà mâu trượng tám của ông có cái sức mạnh muôn người không địch nổi, ai có thể chống lại ông?. Đồng thời cụ thu hai tay không, tuồng như nắm thanh xà mâu vô hình, nhằm chị Tám xông tới mấy bước nói: Mụ có thể chống lại ông không?.

Chị Tám giận đến nỗi ôm đứa con phát run, bỗng thấy cụ Bảy Triệu mặt mướt mồ hôi mỡ, trợn mắt, nhằm chị xông tới, chị sợ quá, không dám nói hết câu, quay mình đi. Cụ Bảy Triệu cũng đi theo, mọi người một mặt quát chị Tám nhiều chuyện, một mặt dãn ra tránh đường, mấy kẻ từng cắt bín rồi để tóc lại bèn vội vàng nấp ở sau đám người, sợ cụ trông thấy. Cụ Bảy Triệu cũng chẳng để ý xét hỏi, lách qua đám người, bỗng rẽ vào sau cây ô bách, nói: Mụ có thể chống lại ông không? rồi dằm lên cầu độc mộc, đi thẳng một hơi.

Bọn người làng đứng ngơ ngác, trong lòng so tính, đều thấy mình không thể chống lại Trương Dực Đức, nhân đó cũng kể chắc Bảy cân sẽ phải chết. Bảy cân đã là kẻ phạm phép vua, họ nghĩ đến hắn trước kia, khi nói chuyện với người khác về tin tức trong thành, không nên ngậm ống, điếu dài làm ra dáng kiêu ngạo thế ấy, cho nên đối với sự Bảy cân phạm phép, họ cũng thấy có hơi hả dạ. Họ hình như muốn phát ra một vài lời nghị luận, song lại thấy không có lời nghị luận nào đáng phát ra. Lũ muỗi kêu vo ve om sòm một trận, chạm vào những cái mình mẩy ở trần, vụt đến họp chợ dưới cây ô bách ; bọn người làng cũng thư thả trở về nhà, đóng cửa đi ngủ. Mụ Bảy cân cứ cằn rằn, rồi cũng thu dọn mâm bát bàn ghế vào nhà, đóng cửa đi ngủ.

Bảy cân đem cái bát vỡ về nhà, ngồi ở bực cửa hút thuốc ; song buồn rầu quá, quên bẵng hút, lửa trong cái tẩu đồng bạch của cái ống điếu trúc Tương phi mõm bít ngà dài sáu thước dần dần tối đen đi. Trong lòng hắn chỉ thấy như sự tình mười phần nguy cấp, cũng muốn nghĩ ra cách gì, tìm ra phương kế gì, song trong trí cứ là mập mờ, không nẻ nóc được: Bín hỡi bín? Cái xà mâu trượng tám. Một đời chẳng bằng một đời! Hoàng đế ngự ngai vàng. Cái bát vỡ phải đem lên thành bịt lại. Ai có thể chống lại ông ấy? Trong sách đều có chép từng điều từng điều. Đéo mẹ mầy!.

Sáng sớm hôm sau, Bảy cân theo thói quen chống thuyền từ Lỗ trấn lên thành, chiều tối lại trở về Lỗ trấn, cầm cái ống điếu trúc Tương phi, hắn nói với bà cụ Chín cân, cái bát này gắn lại ở trong thành, vì miếng mẻ lớn nên cần tới mười sáu cái đinh, ba đồng điếu một cái, cả thảy tốn hết bốn mươi tám đồng điếu.

Bà cụ Chín cân buồn rầu nói: Một đời chẳng bằng một đời! Tao sống chán rồi. Ba đồng điếu một cái đinh ; đinh ngày xưa thế này ư?

Đinh ngày xưa là... Tao sống bảy mươi chín tuổi rồi...

Đó về sau Bảy cân tuy chiếu lệ hàng ngày lên thành, song cảnh nhà hơi mờ sẫm, người làng đều có ý tránh mặt, không đến nghe những tin tức nhặt được từ trong thành nữa. Mụ Bảy cân cũng không đối đãi tử tế, vẫn thường kêu hắn là thằng tù.

Trải qua hơn mười ngày, Bảy cân từ trong thành về nhà, thấy vợ hắn vui vẻ lắm, hỏi hắn rằng: Mình ở trong thành có nghe gì không?

Không có nghe gì cả.

Hoàng đế có lại ngự ngai vàng không?

Họ không nói.

Trong tiệm rượu Hàm hanh cũng không ai nói sao?

Cũng không ai nói.

Tôi tưởng nhất định hoàng đế không ngự ngai vàng rồi. Hôm nay tôi đi ngang qua trước tiệm cụ Bảy Triệu, thấy cụ lại ngồi nhẫm sách, bín lại quấn trên đỉnh đầu, cũng không mặc áo dài.

......

Mình nghĩ, không ngự ngai vàng rồi chứ?

Tôi tưởng, không ngự nữa rồi.

Bảy cân hiện nay lại đã được mụ Bảy cân và người làng tôn kính vừa phải, đối đãi vừa phải. Đến mùa hè, họ vẫn ăn cơm ở trên vạt đất trước cửa nhà mình ; mọi người thấy nhau, đều cười hì hì chào hỏi. Bà cụ Chín cân đã làm lễ mừng thọ tám mươi rồi, vẫn cứ bất bình mà lại mạnh giỏi. Đôi quả đào của con bé Sáu cân đã biến thành một cái bín lớn ; nó tuy mới bó chân[7], nhưng vẫn làm việc giúp mẹ nó được, bưng cái bát cơm đóng mười tám cái đinh đi nhót nhắc qua lại trên vạt đất.

Tháng 10 năm 1920

Nêu đại ý

Năm 1917, tức là Dân quốc năm thứ 6, tháng 7, ngày I, Trương Huân, đốc quân tỉnh An Huy, kéo quân vào Bắc Kinh, đuổi tổng thống Dân quốc Lê Nguyên Hồng, lập lại phế đế Phổ Nghi lên làm vua. Chưa được 2 tuần lễ, ngày 12 tháng ấy, Thảo nghịch quân của Đoàn Kỳ Thụy vào Bắc Kinh, Trương Huân chạy trốn, Phổ Nghi lại bị truất.

Truyện ngắn này phản ánh lại cả cuộc chính biến ấy đã có ảnh hưởng đến dân gian như thế nào.

Một việc lớn đã xảy ra trong nước: cái chính thể dân chủ bị lật đổ, cái chính thể quân chủ được lập lại, thế mà ảnh hưởng đến người dân chỉ có là sự lo sợ về có bín hay không có bín mà thôi. Khi nghe tin hoàng đế ngự ngai vàng thì vợ chồng đâm ra cau cú nhau, khi nghe tin hoàng đế không ngự ngai vàng thì cả nhà cho đến hàng xóm nữa lại sống nhung nhúc với nhau như cũ.

Đó không phải là tác giả bộc lộ cái vô tri vô thức của dân chúng mà chính là bộc lộ cái sở dĩ thất bại của Cách mạng Tân Hợi. Cuộc cách mạng này không cậy lực lượng dân chúng, không lãnh đạo được dân chúng, cho nên đến lúc nó thất bại, dân chúng không ai để ý đến.

Muốn hiểu truyện này, nên đọc kèm với Chuyện cái đầu tócA Q. chính truyện chương VII, chương VIII.

   




Chú thích

  1. Trúc Tương Phi tức là trúc hoa (ban trúc). Tục truyền hai bà vợ vua Thuấn đời xưa gọi là Tương phi hay Tương phu nhân, sau khi vua Thuấn băng hà, khóc và rảy nước mắt vào thứ trúc này, nên nó trở nên có hoa lốm đốm như ngấn nước mắt, gọi là "Tương phi trúc".
  2. Đây trỏ việc Trương Huân đem binh vào Bắc Kinh, lập Tuyên Thống làm vua lại, xảy ra năm 1917, sử gọi là "Tuyên Thống phục tích". Việc ấy khi mới xảy ra, có tin đồ về nhà quê, nơi Bảy Cân ở.
  3. Già sót: di lão. Xem lời chua ở Chuyện cái đầu tócA Q. chính truyện, cuối chương IX.
  4. "Trường mao" hay "Phát tặc" là danh từ người Mãn Thanh dùng chỉ cái tập đoàn khởi nghĩa Hồng Tú Toàn hay Thái Bình thiên quốc. Vì tập đoàn khởi nghĩa này không dóc bín, để tóc dài, cho nên gọi thế. Lúc quân đội Mãn Thanh đi tiễu trừ tập đoàn ấy, ra lệnh: "Lưu đầu bất lưu phát, lưu phát bất lưu đầu"; cũng có sách chép: "Hữu đầu vô phát, hữu phát vô đầu".
  5. "Làm giặc" đây, trỏ cuộc Cách mạng Tân Hợi. Cách mạng mà lại gọi "làm giặc", đủ thấy trong thời kỳ cách mạng ấy nông dân ở thôn quê còn chưa thấm nhuần cái nghĩa cách mạng, còn chưa hiểu cách mạng là gì.
  6. Trương đại súy tức là Trương Huân.
  7. Phụ nữ Trung Quốc trước kia có tục bó chân. Vì người ta cho rằng đàn bà con gái có chân nhỏ mới đẹp. Cái tục ấy, trước Cách mạng Tân Hợi, đã có những người lập ra "Thiên túc hội", rủ nhau bỏ đi, nhưng sự cải cách ấy không được phổ biến, trong thôn quê, cái tục bó chân sau cách mạng vẫn còn có. Ở đây tác giả chỉ nói kèm mấy chữ này vào, cũng để thấy Cách mạng Tân Hợi không triệt để, dù đến một việc có hại lớn như thế cũng không trừ khử được.