Sách tiếu lâm đời xưa

Sách tiếu lâm đời xưa  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 182 (22. 12. 1932)

Tiếu lâm là một thứ sách thuộc về tiểu thuyết khôi hài. Thường thường là chép những chuyện văn vắn mà chuyện nào đọc rồi cũng tức cười cả. Ở xứ ta trước kia có những sách của người Tàu làm bằng chữ Hán truyền qua, kêu là Tiếu lâm quảng ký cùng là Quảng tiếu lâm. Gần nay ở Hà Nội lại có sách tiếu lâm bằng quốc ngữ, trong đó một mớ dịch bởi sách Tàu ra, lại một mớ thì lượm lặt những chuyện buồn cười của xứ ta mà chép vào.

Tiếu lâm quảng ký hay là Quảng tiếu lâm, người Tàu đều chép bằng bạch thoại cả; mà thứ bạch thoại nầy lại như là tiếng riêng của một miền nào bên ấy, cho nên người mình đọc đến, có chỗ không hiểu hết, những chỗ đó không làm sao thấy được cái hay. Còn sách tiếu lâm của người mình chép bằng quốc ngữ, thì lại phần nhiều là chuyện người ta thường nghe quen rồi, nên cũng chẳng lấy gì làm tức cười cho lắm.

Sau nữa, Tiếu lâm quảng ký cốt chỉ nói điếm hay là nói xâm người đời, bằng một cách nông nổi, cho nên đọc dầu tức cười mà ngẫm nghĩ cho kỹ thì thấy chẳng có mấy chút ý vị. Tiếu lâm ta cũng thế.

Đại phàm cái văn thể khôi hài là quý ở chỗ sâu sắc, bóng bảnh mà không thô tục. Có như thế thì người đọc càng suy nghĩ càng thấy hay mà không biết chán. Nước Tàu thuở xưa có một bộ sách rất xứng đáng, rất hiệp với cái văn thể ấy, nhưng tiếc đã bị lạc mất đi gần hai ngàn năm nay!

Ấy là bộ Tiếu lâm, ba cuốn, của quan Cấp sự trung nhà Hán là Hàn Đan Thuần làm ra, mà chỉ còn ghi cái mục lại ở trong Tùy thơ Kinh tịch chí, còn sách thì không thấy. Những người đời sau đặt tên sách bằng Tiếu lâm, tức là bắt chước theo cái tên ấy vậy.

Tuy sách không truyền lại, song cũng còn được vài chục điều thấy dẫn ra trong các sách khác. Coi đó thì biết sách Tiếu lâm nầy toàn chép bằng văn ngôn, xem dễ hiểu; còn nói chi đến ý tứ trong đó thì thật là sâu sắc và tự nhiên lắm.

Một điều thấy dẫn ra trong sách Thái Bình quảng ký như vầy:

"Nước Lỗ có người cầm cây tre dài mà đi vào cửa thành. Ban đầu cầm đứng lên mà đi vào không lọt, kế cầm ngang mà đi vào cũng không lọt, không biết làm sao. May sau gặp một ông già đến, ông nói rằng: "Ta dầu không phải thánh, chớ từng trải việc đời cũng đã nhiều. Vậy cho biết kẻ đầu xanh tuổi trẻ như ngươi còn quê lắm! Nầy! muốn đem cây tre vào cửa thành thì cưa hai nó ra sẽ đem lọt, chớ khó chi?" Người kia lạy phục sát đất và bứt đầu, tỏ ý ăn năn mình không biết nghĩ, rồi cưa hai cây tre ra mà đem vào".

Thật câu chuyện coi không chi mà sâu sắc gớm! Cái ý tứ ở bên ngoài lời nói, tỏ ra cho chúng ta thấy rằng: ở đời nầy, khôn ngoan là vậy đó! từng trải là vậy đó! Những kẻ tự xưng là thánh là hiền có lẽ cũng chẳng qua như vậy!

Thấy chuyện nầy phải nhớ tới chuyện khôi hài Ấn Độ, vì ở Ấn Độ cũng có một chuyện giống như thế.

"Có một người thông minh bực nhứt ở Ấn Độ tên là Áo-hàn-mạnh-đức. Bình nhựt ông ta chớ hề mở miệng nói; mà miệng, lỗ tai, lỗ mũi, cũng đều nhét nõ luôn cả ngày. Làm như vậy vì ông ta sợ rằng để hở ra thì sự thông minh trí tuệ sẽ có đường mà lọt ra ngoài mất. Mỗi khi có vấn đề gì quan trọng, ông ta mới mở nõ nơi miệng ra mà giải quyết, xong rồi thì nhét lại như nguyên.

Có một lần trong xóm ông xảy ra một việc rất quan hệ. Số là nhà kia, có thằng nhỏ đương đứng ôm lấy cây cột nhà mà chơi, mẹ nó lại đưa cho nó một nhắm bắp rang, nó cũng cứ đứng như trước mà đưa hai tay ra bụm lấy. Hai tay nó mắc bụm bắp rang rồi, thả ra thì bắp đổ đi, còn đứng hoài thì cứ mắc đó mà bỏ bắp vào miệng ăn cũng không được: thật là một việc rất hiểm nghèo khó xở!

Cho được cứu thằng nhỏ, cả xóm bèn chạy tới khấn cầu cùng ông Áo-hán-mạnh-đức, nhờ ông mở nõ ra mà cứu nó một phen. Chìu lụy đã lăm lắm, ông mới nhận lời và bảo dân trong xóm khiêng kiệu ông tới nơi xem thử.

Tới nơi, ông Áo-hán-mạnh-đức thấy tình hình rồi, suy nghĩ một lát, mới dạy mở nõ ra, rồi nói rằng:

Trên thế giới nầy mà không có ta, thôi thì phải tối tăm hết cả còn chi! Việc như thế mà sao các người không xở nổi, phải đợi vời tới ta mới được? Nầy! Mấy người hãy leo lên nóc nhà, giỡ tranh cho lòi đầu cây cột ra; rồi mấy người nữa xúm bồng thằng nhỏ mà luồn lên cho khỏi đầu cây cột rồi lấy ra là được! Thôi, nhét nõ cho ta lại!

Mẹ thằng nhỏ lạy mà cảm ơn ông Áo-hán-mạnh-đức, dầu vì ông người ta đã làm lủng cái nóc nhà của mụ, mụ cũng không phiền hà chi, miễn ông cứu được con mụ ra khỏi sự hiểm nghèo thì thôi!"

Độc giả hãy sánh so hai chuyện cùng nhau thì thấy chỉ có một ý, cái từng trải của ông già nước Lỗ cũng như cái thông minh trí tuệ của ông già Áo-hán-mạnh-đức ở Ấn Độ, chẳng khác là bao. Làm khôn mà cưa hai cây tre của người ta thì cũng một thứ với làm khôn mà phá lủng nóc nhà người ta vậy.

Đại phàm những chuyện như chuyện trên đây, hễ ngẫm nghĩ thì thấy hay; chớ còn nói hay viết mà cắt nghĩa ra thì lại giảm mất giá trị. Hết thảy những văn khôi hài đều thế cả.

Lại một chuyện nữa thấy dẫn ra trong sách Thái bình ngự lãm mà cũng nói gốc ở sách tiếu lâm của Hàn Đan Thuần. Chuyện như vầy:

"Người họ Đào ở đất Bình Nguyên cưới con gái họ Thai ở Bột Hải. Người đàn bà nầy đẹp mà có tài nữa. Vợ chồng ở với nhau rất là tương đắc. Được mấy năm, sanh được một đứa con trai, khi ấy hai vợ chồng mới về thăm bên cha mẹ vợ. Mẹ vợ họ Đinh, tiếp đãi chàng rể rất là tử tế.

Thế nhưng khi trở về rồi, chàng họ Đào nhứt định để vợ đi, vợ khóc lóc mấy cũng không được, mà bà con can dứt mấy cũng không được.

Lúc người vợ sắp giã chồng giã con ra về nhà mẹ, bèn gạn hỏi cớ tại làm sao. Anh ta trả lời rằng: "Chẳng gì hết, trước kia tao tưởng mầy có nhan sắc được bền bỉ kia, chớ từ ngày tao qua bên nhà, thấy bả năm nay già móm, xấu hơn hồi tao mới tới làm rể xa quá, sợ mầy sau đây rồi cũng vậy, cho nên tao để trước đi, chớ không có cớ gì khác nữa!"

Câu chuyện đó mới lại càng sâu sắc hơn. Tác giả hẳn cũng thấy đến chỗ người đàn bà mất quyền tự chủ trong sự hôn nhân, bỏ chồng thì không được mà bị chồng bỏ khi nào cũng được, cho nên mới chép ra câu chuyện thương tâm đến thế. Cái ý sâu sắc là tại không phạm tội, không bị vào mặt "thất xuất" mà cũng đã bị bỏ rồi. Bỏ là vì xấu, nhưng cái xấu chưa đến mà đã bỏ trước. Thật tỏ ra cái quyền vô thượng của đàn ông đối với đàn bà, coi nó dễ sợ là dường nào! Và vẽ ra cái sự thảm khốc mà đàn bà phải chịu, coi nó đáng tủi là dường nào!

Lại còn những chuyện vặt vặt buồn cười, chớ không có ý sâu sắc gì cả, nhưng được cái mới mẻ mà ngộ nghĩnh, cũng hay lắm.

Như chuyện dưới nầy cũng thấy dẫn vào trong sách Thái bình quảng ký:

"Giáp với Ất đánh lộn. Giáp cắn cái sống mũi Ất đổ máu ra. Việc đem đến quan, quan hỏi:

– Sao mầy cắn mũi nó, Giáp?

– Bẩm không, – Giáp thưa, – chính nó tự cắn lấy.

– Nói lạ chưa? Cái mũi cao, cái miệng thấp, thì cắn làm sao cho tới chớ?

– Dạ, bẩm quan, lúc đó thằng Ất nó bắc cái ghế lên nó cắn!..."

Chuyện như vậy thì ai đọc cũng phải tức cười mà không cần nói điếm nói xâm ai hết; không như những chuyện trong Tiếu lâm sau nầy, chuyện nào cũng xoi xỉa kẻ nầy, không thì bới móc người khác, mà có lắm lời cay độc quá.

Rất tiếc cho một bộ sách hay như vậy mà mất đi. Nếu còn thì chắc là có giá trị trong cõi văn học ngày nay, là ngày người ta đương bắt đầu sùng thượng lối văn khôi hài mà sâu sắc như vậy.

Cùng ra một thời đợi với sách Tiếu lâm ấy, còn mấy thứ sách nữa, như là Thuyết phu, Đàm trợ, thứ thì đã mất đi, thứ thì còn mà ít có lắm, không mấy ai thấy được nguyên bổn, chỉ thấy dẫn ra trong các sách mà thôi. Những sách nầy cũng hơi giống như Tiếu lâm vậy.

Người ta dẫn ra một chuyện của sách Thuyết phu, nói về Khổng Tử với Tử Lộ, nghe cũng tức cười lắm. Số là Tử Lộ hồi đầu là người dõng cảm, chẳng chịu phục ai, mà sau lại chịu làm học trò đức Khổng, nên câu chuyện nầy để cắt nghĩa cái sở dĩ của sự ấy.

"Tử Lộ vào cửa Khổng lần đầu, một hôm, ngài đi chơi trên núi, biểu Tử Lộ đi theo. Tại trên núi, ngài sai Tử Lộ tới nơi kia múc nước. Thình lình gặp cọp tại chỗ múc nước. Tử Lộ bèn đánh với cọp, rồi chặt được cái đuôi của nó giấu trong lưng đem về.

Múc nước về tới nơi, Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

– Thượng sĩ giết cọp giết cách nào?

Đức Khổng trả lời rằng:

– Thượng sĩ giết cọp thì chận đầu nó.

– Trung sĩ giết cọp giết cách nào?

– Trung sĩ giết cọp thì nắm tai nó.

– Hạ sĩ giết cọp thì giết cách nào?

– Hạ sĩ giết cọp thì cắt đuôi nó!

Tử Lộ nghe vậy, không bằng lòng rồi, đi ra lấy đuôi cọp trong lưng quăng mất đi. Nhưng vẫn giận Khổng Tử, vì nghĩ rằng ngài đã biết chỗ nước có cọp mà còn biểu mình tới đó múc, ấy chỉ có muốn cho mình chết bởi cọp thì mới sai như vậy. Nghĩ vậy rồi giận lắm, Tử Lộ bèn lận cục đá trong lưng, hằm hằm tính trở vô xáng vào Khổng Tử, song vừa tới thì lại hỏi rằng:

– Thượng sĩ giết người giết cách nào?

Đức Khổng trả lời:

– Thượng sĩ giết người dùng ngòi bút.

– Trung sĩ giết người giết cách nào?

– Trung sĩ giết người dùng chót lưỡi.

– Hạ sĩ giết người giết cách nào?

– Hạ sĩ giết người lận cục đá!

Tử Lộ đi ra, bỏ hòn đá trong lưng đi, rồi trở vô xin lỗi, từ đó bèn hết lòng phục ngài".

Câu chuyện đó tả cho ra Khổng Tử là thánh tiên tri, và Tử Lộ là người dõng cảm lại thô bạo, cũng là có ý tứ lắm vậy.

Lại một chuyện vắn dẫn ở sách Đàm trợ ra như vầy:

"Vua Hiếu Võ (nhà Tấn) bình sanh chưa hề thấy con lừa. Quan Thái phó Tạ (An) hỏi rằng: "Bệ hạ thử tưởng cái hình dung nó thử giống con gì?" Vua che miệng mà cười, nói rằng: "Trẫm đề chắc nó giống con heo!"

Con lừa mà giống con heo được đi! Câu chuyện có ý vị lắm đó! Cái gì mình không biết thì phải chịu, muốn biết chỉ có một nước là tìm mà biết, chớ còn đề chừng thì bao giờ cũng sai xa. Ấy là điều câu chuyện đó muốn dạy chúng ta.

Những sách kể trên đó, đều là sách tiểu thuyết khôi hài xưa non hai ngàn năm nay, mà coi ra văn chương thần diệu, ý tứ sâu sắc, không kém gì các sách ngụ ngôn của người Âu châu vậy. Đời nay những sách góp chuyện mua cười cũng không phải là không có, mà ít có cuốn nào cho hay. Nếu vậy người đời nay chẳng là thua đời xưa hẳn sao? Có người nói rằng: "Về mặt gì thì người đời nay còn có thể hơn đời xưa, chớ về mặt khôi hài cho sâu sắc thì không thế nào bì đời xưa kịp, bởi người đời nay lo lắng nhọc nhằn quá, còn bụng dạ đâu mà nghĩ cho ra những câu chuyện sâu sắc được ư?" Lời ấy có lẽ mà thật.

P. K.