Rìu búa của nhà nho  (1934) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 17 (7. 1. 1934), trang 2 - 4.

Phụ nữ thời đàm số 13 có đăng bài “Chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều” của ông Lưu Trọng Lư. Ai đã đọc qua chắc cũng cho tác giả đã lập luận với lòng công bình khoan thứ. Tuy vậy, vì cái hình thức bài ấy, e hoặc giả cũng có kẻ hiểu lầm: thấy nêu lên cái đầu đề to tướng rồi không khỏi tin bằng lời rằng tác giả thực tình chiêu tuyết cho cô con gái họ Vương.

Kỳ thực chỉ là mượn đề phát luận, tác giả không chú trọng ở sự chiêu tuyết. Vả chiêu tuyết đây cũng là một cách phê bình. Xưa nay chỉ thấy người ta phê bình nhân vật trong lịch sử chứ có ai hề phê bình nhân vật trong tiểu thuyết? Thúy Kiều chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, do “thợ tạo” Thanh Tâm Tài Nhân hay Nguyễn Du muốn nặn ra thế nào thì nặn, rồi bây giờ Huỳnh Thúc Kháng tiên sanh hay ai muốn mắng thế nào thì mắng, có cần phải chiêu tuyết làm chi? Không, ông Lưu Trọng Lư không quê mùa gì mà làm cái sự không đâu và đâu ấy; ông giá đó mà đánh ở chỗ khác.

Ông nói rằng: “Cái lòng người ta có là sắt đá lắm mới thở ra cái giọng tàn nhẫn như thế được…” Lại nói rằng: “Chỉ có những người nhác nhớn, buồn rầu, bi quan mới hay ghen ghét quạu quọ…” Ấy đó, chính ông muốn đánh vào chỗ đó. Cả bài của ông, cái trọng tâm cũng đọng lại ở chỗ đó.

Trên mấy lời ấy ông Lưu có dẫn bài thơ mắng Kiều của Huỳnh tiên sanh. Thế nhưng xem văn thế cả đoạn này thì hai câu mới vừa dẫn đó không phải chỉ hẳn vào Huỳnh tiên sanh đâu. Không chỉ hẳn, nhưng nếu tiên sanh quả có cái lòng gắt gỏng đối với cô Kiều thì tự nhiên tiên sanh cũng phải lọt vào trong đó. Tuy vậy, cái ý ấy ra ngoài đề bài này, không trọng.

Hai câu ấy, tôi muốn giải rằng ông Lưu chỉ vào nhà nho mà nói. Vì tôi đã tìm ra được những chứng cứ thấy nhà nho là sắt đá, tàn nhẫn, nhác nhớn, buồn rầu, ghen ghét, quạu quọ… đúng như lời ông Lưu nói.

Thế nhưng đem những điều ấy mà gia cho nhà nho, họ không chịu đâu. Bao nhiêu cái thực đáng chê trách ấy họ phi đi hết trong khi mượn cái danh tốt phủ lên ở ngoài, tức là hai chữ “rìu búa” mà tôi dùng làm đầu đề trên đây.

*

* *

Đức Khổng làm kinh Xuân thu, người ta nói rằng ấy là ngài làm cái việc của thiên tử, nghĩa là việc thưởng phạt: bao phong người hoặc tru lục[1] người. Trong kinh ấy, ngài dùng một chữ mà nhắc một ông quan nhỏ lên, cũng dùng một chữ mà hạ một ông vua chư hầu xuống. Làm như thế để làm gì? Để mà, theo lời sách nói, phù trì cương thường luân lý, bồi thực thế đạo nhân tâm. Vì ngài không có cái ấn và thanh gươm trong tay thì dùng tạm cây bút. Mà cây bút của ngài cũng chẳng kém gì thanh gươm cái ấn. Người Tàu và người Nam ta xưa nay đều công nhận như thế.

Bởi thế, sau ngài, có người đã tán dương về sự ngài làm kinh Xuân thu mà rằng: “Một chữ ngài khen là vinh hơn áo hoa cổn; một chữ ngài chê là nghiêm hơn rìu búa”.

Chữ “rìu búa” ra từ đó. Nó có ý là công kích người nào, bài trừ cái gì mà theo lẽ là đáng, công kích bài trừ đi là có ích cho xã hội. Tức là giết người ta bằng bút một cách chánh đáng.

Nhà nho đời xưa, như ông Mạnh Tử, đều coi việc làm Xuân thu là một cái công lớn đối với nhân loại của đức Khổng. Ông ấy đã đem sánh với việc trị hồng thuỷ của Đại Võ, đuổi thú dữ của Chu Công. Cho nên hễ là nhà nho thì ai cũng hâm mộ cái công ấy mà muốn làm được như Khổng Tử đã làm.

Tuy nhiên, việc của Xuân thu có thưởng và phạt, mà các nhà nho đời sau bắt chước Xuân thu thì lại chỉ bắt chước bên phạt thôi, còn bỏ bên thưởng. Ấy là một điều thiên lệch mà xưa nay trong đám họ ít ai tự biết.

Chính ông Mạnh Tử cũng lấy sự mình “cự Dương, Mặc” mà lăm le sánh mình với Khổng Tử. Đương đời ông ấy có hai cái học thuyết: một cái, của Dương Chu, là vị ngã; một cái, của Mạc Địch, là kiêm ái. Mạnh Tử cho cái thuyết trước là vô quân, cái thuyết sau là vô phụ, nếu để tràn ra thì loài người sẽ thành cầm thú hết, nên ông đã hết sức mà công kích cho tuyệt diệt đi.

Hai cái học thuyết của Dương và Mặc về sau tuyệt hẳn ở Trung Quốc. Nhiều người bảo rằng cũng chính mình hai cái học thuyết ấy không thích hợp với tâm lý người đời, không đứng được, nên nó tuyệt diệt đi là phải (như Trang Tử luận về Mặc Tử). Nhưng Mạnh Tử đã lắm phen ra sức bài trừ hai cái đạo ấy thì dù, sự thực, không bởi ngài mà nó phải diệt chăng nữa, cũng nhân đó ngài được kể là công thần cửa thánh, phối hưởng trong Văn miếu.

Ấy là, cái rìu cái búa của đức Khổng đã bị Mạnh Tử đem ra dùng lần thứ nhất mà được công trạng lớn. Rồi từ đó về sau, nhà nho xoàng thì thôi, chứ đã là đại nho, có công với đạo thánh, thì thế nào cũng có cái rìu cái búa ấy trong tay mới nên việc.

*

* *

Dương Hùng ở đời Hán, Vương Thông ở đời Tùy, mà bị hậu nho ngoại ra, không kể cho vào cái giây chuyền đạo thống, cơ chừng cũng bởi hai người ấy không biết dùng rìu búa, không công kích ai, không bài trừ đạo nào hay học thuyết nào.

Đến Hàn Dũ đời Đường được lẫy tiếng là vì ông ấy đòi đốt sách nhà Phật, bắt thầy tu trở về làm dân, dẫy bằng các chùa chiền đi mà làm nhà ở. Dù rằng trong buổi ấy đạo Phật tràn ngập cả nước Tàu, bao nhiêu nhân vật bậc nhất đều sùng bái đức Thích Ca, Hàn Dũ có công kích mấy cũng chẳng thấm vào đâu hết, là về sau nhà nho cũng khen ông ấy có công vệ đạo mà tôn như là sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn.

Ấy là, Hàn Dũ lại đem rìu búa ra dùng lần nữa, cũng được vẻ vang giữa làng nho vậy.

Bước qua đời Tống, bấy giờ chẳng những Phật mà cả Lão nữa cũng thịnh hành ở nước Tàu, nhà nho quen gọi là “nhị thị”. Trong Tống nho, ông nào được tôn sùng hơn hết, là ông ấy đã có công tịch Phật và bài Lão. Lúc ấy thật là cái thời kỳ rất thích hợp cho nhà nho dùng rìu búa. Bất luận dùng ra có kiến hiệu chăng, nhưng cứ dùng, dùng thì mình được có công có danh, chứ không có hại gì cả.

*

* *

Tôi đã kể qua những cái sử tích trên đó để cho biết rằng nhà nho từ Mạnh Tử về sau ai nấy đều có một cái tâm lý chung, là: không dung nạp kẻ khác với mình. Việc họ làm có giống với đức Khổng chăng thì không biết; duy người nào đã làm cái việc như thế thì cũng vin lấy đức Khổng, mượn bửu bối của kinh Xuân thu. Kỳ thực thì cái áo hoa cổn ngài dùng để đôi khi ban thưởng cho người đời, họ đành bỏ mốc meo ra, mà chỉ chăm một sự dùng rìu búa để chặt người này, bổ trên đầu người khác.

Cái tâm lý ấy thấm mỗi ngày một sâu vào đầu kẻ học, tự nhiên luyện nên cái tánh hay gây, hay đỗ cáu, không chịu “hẩu” với đời. Người ta ở đời, có thể sống một trăm cách, một nghìn cách khác nhau; nhưng theo ý nhà nho, chỉ muốn ai ai cũng sống một cách như mình. Không cần xét đến lý, cứ hễ ai sống khác mình thì ấy là dị đoan, là tà thuyết, là dâm hạnh, tương rìu búa ra mà trị nó chết đi cho rảnh. Tôi không nói quá, tôi nói vừa đúng với sự thực.

Dương, Mặc, Phật, Lão, có phải là rắn rết hại người đâu, chỉ là một cách sống, có điều sống khác với nhà nho, thế thôi, có việc gì mà phải cự, phải tịch? Cũng như nàng Kiều, một người con gái lỡ bước, có việc gì mà phải mắng? Có phải chăng, cự Dương, Mặc, tịch Phật, Lão thì mình mới trở nên á thánh đại nho, và mắng Thúy Kiều thì mới tỏ ra mình là chánh nhân quân tử? (Tôi nói câu ấy là nói chung cả về một cái tâm lý của nhà nho, chứ không nói riêng về Huỳnh tiên sanh đâu, xin tiên sanh đừng giận tôi).

*

* *

Ông Lưu Trọng Lư chỉ rõ ra rằng cái thân thế nàng Kiều cũng chẳng khác nào cái thân thế Huỳnh tiên sanh, hai bên cùng một số phận với nhau thì sao bên này lại khắc với bên nọ? Ấy là điều đáng lạ thật. Nhưng trong làng nho từ xưa chẳng phải là chưa hề xảy ra việc như thế.

Đức Khổng bình sinh ngài giữ nghĩa tôn quân. Mỗi khi bước vào cửa vua thì ngài cúi mình dường như chẳng lọt; ở bên cạnh vua thì ngài nín hơi giống như chẳng thở. Thuở ngài, các quan lạy vua thì lạy trên nền. Ngài cho lạy ở trên như vậy là vô lễ với vua, có lần ngài đã nói: “Theo lễ phải lạy ở dưới; dù có trái với nhiều người, ta cũng cứ việc lạy ở dưới”.

Ngài dù làm quan nước Lỗ, thờ vua nước Lỗ, nhưng khi đám khác mời ngài, ngài cũng toan đến. Tức như Công-sơn Phất-nựu và Bật Nật, hai kẻ bạn thần,[2] mời ngài, ngài cũng không hề từ chối. Tuy sau đó vì cớ khác ngài không tới, nhưng lúc đầu, ngài nói quả quyết lắm: “Đã là cứng thì tha hồ mài cũng chẳng mòn, đã là trắng thì tha hồ nhuộm cũng chẳng đen”.

Những cái cử chỉ ấy, đời sau có một nhà nho giống hệt: ấy là Thúc Tôn Thông đời Hán.

Bấy giờ Hán Cao tổ mới lấy được nước, lập triều đình rồi, bực mình vì bọn quần thần đều là vũ phu, đi đứng ăn nói nơi triều không có phép tắc, bèn mời Thúc Tôn Thông đến, nhờ nghỉ va thảo chương trình, lập triều nghi. Thúc Tôn Thông cùng các nho sanh thảo luận một dạo, lập xong triều nghi, vua ra thị triều, diễn nghi lần thứ nhất, thì vua mừng quá mà nói rằng: “Đến ngày nay ta mới biết làm hoàng đế là sang!”

Trước Hán là Tần, Nhị Thế làm thiên tử. Bấy giờ Thúc Tôn Thông cũng có làm quan ở triều Nhị Thế, nhưng không đắc dụng mấy, nghỉ va bỏ quan mà về, sau đến vua Cao tổ mời mới chịu ra.

Khi Thúc Tôn Thông làm được việc cho nhà vua rồi, Cao tổ ban thưởng nhiều vàng và thăng cho chức lớn. Khi ấy, các nho sanh là học trò của nghỉ va đều khen ngợi và tôn phục lắm, đến nỗi bảo nhau rằng: “Thúc Tôn sanh quả là thánh nhân, biết việc đương thời!” ‒ Thúc Tôn Thông có phải thánh thật chăng? Theo tôi, tôi không dám chắc; nhưng ít nữa tôi cũng phải nhận nhìn rằng việc làm của nghỉ va là không hề trái với đức Khổng.

Thế mà sau đó, nhà nho nào cũng mắng Thúc Tôn Thông thiếu điều “bỏ chó chê”. Kẻ thì bảo là “lậu nho”; kẻ thì bảo là “không biết xấu hổ”.

Họ đổ tội cho Thúc Tôn Thông, lấy cớ rằng từ cái triều nghi ấy lập lên, về sau không ai thay đổi, rồi làm cho vua càng ngày càng sùng cao mà hóa kiêu, tôi càng ngày càng đê tiện mà đến nhục. Nhưng tôi hỏi: thế thì hồi đức Khổng, các quan lạy trên nền sao ngài lại lạy dưới nền? Làm như đức Khổng, chẳng phải là làm cho vua tôn thêm sao mà người ta lại không trách?

Sự Thúc Tôn Thông trước thờ vua Tần, sau thờ vua Hán, cũng làm một cớ cho họ chê. Nhưng Tần bạo ngược mà Hán khoan đại, thế thì Thúc Tôn Thông còn là khử ám đầu minh. Nếu trách nghỉ va thì đức Khổng ngày xưa toan bỏ nước Lỗ mà về với lũ bạn thần, mới trách đến đâu nữa? Thực ra thì đức Khổng, không đáng trách đã cố nhiên rồi, mà Thúc Tôn Thông cũng không đáng trách.

Đồng thị một thái độ, ở đức Khổng thì nhà nho không dám nói chi, còn ở Thúc Tôn Thông thì họ chê bai không còn chỗ chứa chỗ để, ấy chẳng có gì lạ hơn là cái điều ghen ghét mà ông Lưu Trọng Lư đã nói.

Khen Thúc Tôn Thông, nhận cái sở hành của nghỉ va là hợp với thánh nhân, thì Thúc Tôn Thông nó hóa ra thánh nhân thật đi còn chi! Mà cái tâm lý các ông đại nho đâu có chịu như thế? Làm sao cho trên thì chỉ có đức Chí thánh Tiên sư Khổng Tử, dưới thì chỉ có “bọn mình”, chứ không còn có ai nữa hết, thì các ổng ngủ mới yên! Đã nghĩ thế rồi, sẵn rìu búa đó, để làm chi mà chẳng dở ra?

Thúc Tôn Thông sở hành không khác thánh nhân mà bị hậu nho kích bác, thế thì Vương Thúy Kiều sở ngộ không khác Huỳnh Thúc Kháng mà bị mắng có lạ gì?

*

* *

Trong nhà nho nhiều kẻ giả hình: ngoài mặt làm bộ đạo đức mà trong bụng trổ trời; lúc đèn còn sáng thì mô phạm nghiễm nhiên, mà lúc tắt đèn rồi thì lê la quá con chuột dù. Nhưng hạng ấy không kể. Những người đạo mạo thật, thì lại vì họ mực thước quá, thành ra coi đời cái gì cũng là bậy bạ. Người ta nhờ có vui mới sống, mà họ thì chủ kính, chủ tịnh, không thích vui mà cũng không muốn cho ai vui. Họ phản đối hát bội, hát cô đầu, xi-nê-ma  và nhảy đầm. Họ cũng người như chúng ta chứ gì, bó buộc lâu ngày quá, bảo sao chả đổ buồn mà sinh chứng? Ông Lưu Trọng Lư bảo rằng nhác nhớn, buồn rầu, bi quan, quạu quọ… thật không sai. Mà con người đã như thế thì cái lòng yêu đời phải càng ngày càng kém đi, gìn lòng thì sắt đá mà mở miệng ra thì tàn nhẫn.

Nhưng, tôi đã nói, bảo họ như thế, nào họ có chịu. Cho nên: tịch Phật, Lão, họ bảo là để mà phù thánh đạo; nhiếc Thúc Tôn Thông, họ bảo để mà trừ kẻ tiểu nhân; mắng Vương Thúy Kiều, họ bảo để mà duy trì phong hóa; thậm chí nghi kẻ này mật thám, cáo kẻ kia phản quốc, họ bảo phải làm như thế mới biện biệt được chánh và tà; bới việc ám muội trong buồng người, cao rao chuyện xấu của người, họ bảo phải có thế mới vãn hồi được thế đạo. Hết thảy những sự ấy, tôi đã nhận kỹ, nhà nho đều đã nhờ cái bửu bối của kinh Xuân thu là cái rìu cái búa để làm hộ phù vậy.

Đức Khổng bảo phải “thứ”, nghĩa là suy bụng ta ra bụng người. Nhưng mà cái “thứ” lại là cái kém nhất của nhà nho ta. Trong nhà nho, ít có người muốn kẻ khác cũng làm quân tử như mình.

Bao giờ nhà nho thực hành được chữ “thứ”, bấy giờ sẽ không dùng rìu búa nữa.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. tru lục: giết hại (H.T. Paulus Của, sđd.)
  2. bạn thần: 叛  臣  “kẻ làm tôi nhà nước trở lòng làm phản” (H.T. Paulus Của, sđd.)