Quyền ngôn luận tự do ở nước văn minh

Quyền ngôn luận tự do ở nước văn minh  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 125 (21.11.1931)

Ý kiến của một người Nhật về vụ xâm lược Mãn Châu

Trong nước Việt Nam ta, cái sự xã hội kiềm chế dư luận thật quá là nghiêm khắc. Cái xã hội này, không phải nói thừa, thật là không biết dung dư luận.

Ví dụ như trong nước có một người mà xã hội tôn chuộng, thì người ấy dầu có sự sai lầm, xã hội cũng bắt ai nấy phải bỏ qua đi. Nếu có người nào vì cực chẳng đã phải chỉ trích sự sai lầm ấy thì nhiều người lấy làm không bằng lòng, thậm chí nói ra miệng, bảo rằng sao dám nhè cụ mà công kích!

Cho nên, trong nước Nam ngày nay, đừng nói sự ngôn luận không được tự do, dầu cho Chánh phủ có cho tự do đi nữa là cũng chưa có thể nẩy ra cái dư luận chánh đáng được. Hỏi tại cớ gì? Thưa rằng tại xã hội hay nể mích lòng, hay vị tình diện, không chịu để cho cái lẽ phải nó đi trước, thì nhà ngôn luận phải chiều theo xã hội mà bợ hót, còn không chiều thì giữ mực làm thinh, chớ có dám nói thẳng đâu mà hòng mong cái dư luận chánh đáng sinh sản ra?

Nước văn minh không hề như vậy. Dư luận của họ đối với Chánh phủ có quyền đã đành, mà đối với xã hội cũng được thong thả. Nhà ngôn luận của họ không có về hùa theo phần đông để vê tròn bóp bẹp cái lẽ phải; song ai có thể tỏ ý kiến nấy để lột trần cái lẽ phải ra cho mọi người cùng xem. Văn minh thay cái xã hội ấy! Tôi thấy nó mà thèm, ước gì bưng được nó mà để vào giữa chúng ta!

Này! chúng ta hãy xem bên Nhật Bản.

Nhật Bản kéo binh qua xâm phạm Mãn Châu chuyến này; cái lẽ thị phi khúc trực trong việc ấy ra sao, người ngoại quốc đứng ngoài trông vào, ai lại chẳng biết? Tức như bọn chúng ta, không chen vai vào địa vị quốc tế, cũng dám phán đoán được phải về đâu, quấy về đâu. Song ở chính bên Nhựt thì lại khác, vì họ đứng về địa vị chủ quan, theo như lời tục nói, đương cục giả mê[1], hẳn là họ không hiểu như bọn mình đâu vậy.

Ở bên Nhật, vì sự lợi hại cho một dân tộc mình, ý hẳn cả nước không thì cũng một phần rất đông chủ trương cho việc họ làm phen này là hợp lý. Phải, nếu chẳng vậy thì sao từ vua chí dân, từ triều chí giả, ai nấy hằm hằm chăm một mục đích mà tiến hành? Cái người tên là Phương Trạch đại biểu Nhật ở Vạn quốc hội tại Genève, chẳng những là đại biểu cho quốc quyền họ thôi đâu, cũng đại biểu cho cái tâm lý của cả quốc dân Nhật nữa, mà coi thái độ Phương Trạch thế nào thì đủ biết.

Theo như ở nước con Rồng cháu Tiên này, có một việc mà cả nước cho là phải thì một vài người ắt chẳng dám cho là quấy. Có cho là quấy đi nữa thì cũng chỉ để bụng, chứ chẳng dám nói ra. Vì nói ra không khéo sẽ mang tiếng phản bội vào mình, có ai dại mà nói?

Thật vậy, tôi thấy có đôi người mang tiếng phản bội rồi. Mà coi lại công việc của đôi người ấy, theo tôi, chỉ tặng họ cái huy hiệu con buôn là cùng, chứ đã làm gì thật có hại cho ai đâu mà cho là phản bội? Tôi tiếc quá, người ta lạm dụng cái danh từ ấy lần này rồi, đến lần khác, có người khác làm việc phản bội thật tình, chúng ta sẽ đặt cho họ cái tiếng chi?

Thứ dư luận ấy là thứ dư luận không chánh đáng, thế mà nó lại đương cầm cân nẩy mực cho xã hội này, kẻ thức giả ai thấy mà chẳng bực mình!

Cái xã hội Nhật là cái xã hội ăn ở với nhau bằng lý trí, cũng như xã hội Pháp hay là xã hội Anh; thành ra ai thấy điều gì phải, được đem ý kiến riêng phô bầy ra, dầu phản đối với cả nước cũng không sợ họ xúm nhau mà công kích. Vì họ chịu suy xét, họ biết phán đoán, chỉ coi cái điều người ấy phô bầy ra đó có thật là phải hay không, chứ họ không có thói cảm tình tác dụng, hễ thấy nói nghịch cùng mình một cái, ấy là hè nhau ô lên mà công kích rồi.

Vì vậy cho nên trong khi cả nước đồng tâm muốn chiếm Mãn Châu, mới có một người dám đứng ra, viết lên trên báo mà phản đối việc xâm lược ấy. Ấy là ông Hoành Điền Hỉ Tam Lang, giáo thụ trường Đế quốc đại học ở Tô Kiêu[2]. (Xin độc giả hiểu cho, hiện ở Nhật có đến một đảng không biểu đồng tình với việc này, song về việc tôi nói đây, chỉ có một người, nên tôi nói một người).

Trong số báo của trường Đại học ấy ra ngày 5 Octobre mới đây, giáo thụ Hoành Điền có đăng một bài, đề là Vụ Mãn Châu với Vạn quốc hội, đại ý không phục cái cử chỉ của Chánh phủ Nhật trong vụ xuất binh Mãn Châu này, theo con mắt của nhà pháp luật học mà cải chánh lại, vì ông ấy là một nhà pháp luật học.

Xin kể mấy điều của ông ấy chủ trương ra đây, chứ toàn văn dài lắm, không dịch được, và trong bài này tôi không cốt trọng ở cái bài của ông ấy.

1) Nếu sự phá đường xe hỏa có là sự thật đi nữa, hết sức cũng chỉ đến chiếm lãnh một chỗ gây việc ra mà thôi. Làm vậy, có thể nói được rằng làm để giữ mình (pour se défendre). Chứ còn đem binh chiến cả Đông Tam Tỉnh thì đã ra ngoài cái phạm vi giữ mình rồi vậy.

2) Bên Nhật không có phép lấy cớ rằng chưa được sự bảo hộ trọn vẹn mà không rút binh; không rút binh là trái với công pháp.

3) Chánh phủ Nhật không chịu cho Vạn quốc hội mở cuộc điều tra, ấy là phải gánh lấy cái trách nhiệm lớn đối với quốc ngoại và quốc nội nữa.

4) Nhật phải rút binh trước rồi mới nói chuyện giao thiệp sau, chứ không được lấy những cái quyền lợi nào ở Mãn Châu làm điều kiện cho sự rút binh.

5) và 6) (xin bỏ, vì dài quá).

Chúng ta thử xem mấy điều cốt yếu trong bài luận văn của viên giáo thụ người Nhật phát biểu tại kinh đô Nhật đó, có người hẳn phải đến lấy làm lạ quá chừng. Cái luận điệu ấy lẽ đáng ra từ miệng người Tàu mới phải, không nữa thì cũng ra từ miệng người một nước trung lập nào mới phải. Sao một người ở trong đất nước, chung chịu một cái số phận với 50 triệu người kia, mà lại biểu đồng tình với bên địch, trở dáo đâm lại Chánh phủ mình, là lẽ gì? Con người ấy nếu ở trong đất Đại Nam này, hẳn là phải bị chúng dẫm lên mà chết bẹp cho đáng kiếp!

Nhưng mà không. ở nước văn minh như Nhật Bản, người ta không hẹp hòi đến thế. Người ta biết dung dư luận. Người ta chịu cho cái lẽ phải đi trước luôn luôn. Tuy có cái dã tâm muốn tranh quyền lợi mặc lòng, cái quyền lợi sẽ tranh được ấy cả nước cùng hưởng mặc lòng, cũng không hề vì đó mà làm lu lờ cái lẽ phải.

Ấy là cái quyền ngôn luận tự do của họ. Cái quyền ấy không những đối với Chánh phủ họ mà nhất là đối với xã hội họ, vì xã hội họ biết dung.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. "Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh" (thành ngữ chữ Hán) : người trong cuộc còn mơ hồ chưa biết, người đứng ngoài xem thì đã rõ; tương đương các thành ngữ Việt : "Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường"; "Ma nhà chưa tỏ ma ngõ đã tường" (theo Nguyễn Văn Khang và v.v. : Từ điển thành ngữ Hoa Việt, Hà Nội : Nxb. KHXH., 1998).
  2. Lưu ý : chỗ này tác giả phiên âm tên riêng Nhật Bản theo chữ Hán, đọc theo cách đọc Hán Việt. Tô Kiêu tức Tokyo, thủ đô Nhật Bản.